Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Anh Lê Trần - Việt Nam cần mô hình mới

Hồ Kim Sơn dịch

Việt Nam đã vượt qua được cơn suy trầm toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế 5.3% hồi năm ngoái và được kỳ vọng tăng lên 6.5% trong năm 2010. Mặc dù vậy, do sự suy yếu tụt mạnh trong các định chế tài chánh bên ngoài Việt Nam làm gia tăng mối quan ngại về tình hình sức khỏe của lãnh vực ngân hàng và do cơ cấu chính sách vĩ mô bất cập cao độ đã tạo nên một loạt phá giá dần dần đồng bạc Việt Nam và làm tụt giảm bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam gần đây.
Được biết giới lãnh đạo nhà nước ngày càng tỏ ra lo ngại cho triển vọng tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt quan ngại về phẩm chất của những cuộc đầu tư gần đây. Vượt lên trước kỳ đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm tới khi những chính sách và đường lối của Đảng Cộng sản sẽ được vạch ra và các vị trí lãnh đạo được chỉ định trong một nhà nước độc đảng, một số nhân vật đã lên tiếng kêu gọi nên có chiến lược cải tổ mới nhằm duy trì tốc độ phát triển nhanh trong khi vẫn kìm hãm tối đa những nguy cơ do cơ chế thị trường tạo ra, kể cả mặt bằng giàu có đang nổi lên.

Với tỉ lệ tụt giảm nghèo đói nhanh và bình quân tăng trưởng hàng năm nằm trong nhóm các nước có mức phát triển cao nhất trên thế giới suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam được tung hô khắp nơi là trường hợp thành công của cải cách thị trường. Những nhà đầu tư ngoại quốc, kể cả những nhà sản xuất lớn có bản doanh đặt tại Mỹ như Intel, đã cam kết giải ngân vốn đầu tư lớn vào nền kinh tế đang phát triển nhanh với giá chi phí thấp của Việt Nam.

Để đạt được những mục đích tỉ lệ tăng trưởng hàng năm cao như đề ra, chính phủ không ngừng bơm tiền cho đầu tư. Tổng mức đầu tư, mà vào năm 1999 chỉ chiếm 33% tổng sản phẩm nội địa (GDP), đã tăng lên gần 43% vào năm ngoái. Mặc dù vậy, số tiền giải ngân đã trở nên kém hiệu năng, như được phản ánh qua hệ số đầu tư tăng trưởng (Incremental Capital Output Ratio - ICOR) không ngừng tăng cao của Việt Nam, một chỉ định của tính hiệu quả của việc đầu tư. Có nhiều nguyên nhân cho thực tế tuột dốc số liệu thống kê này, nhưng chủ yếu nhất vẫn là do sự trì trệ của thành phần quốc doanh, chiếm đến hơn 40% tổng số vốn đầu tư, và có ảnh hưởng áp đảo đáng kể đối với thành phần tư nhân.

Trong nỗ lực thu hút ngày càng tăng lượng đầu tư trực tiếp ngoại quốc (Foreign Direct Investment - FDI), các nhà quản trị kinh tế đã không thực hiện được những chọn lựa có tính chiến lược đối với những tiến trình được chuẩn thuận của họ. Và kết quả là, nhiều dự án FDI ở Việt Nam đã được điều chỉnh theo hướng có thể tận dụng nguồn lao động dôi thừa giá rẻ của quốc gia, những tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo và những lỗ hổng trong những qui định. Hiện tượng này có thể thấy rõ ràng qua việc nhiều tỉnh thành trong cả nước cạnh tranh với nhau để thu hút nhiều hơn vốn FDI nhằm thúc đẩy những thành quả kinh tế ngắn hạn, thường hướng đến những quyền lợi mà đảng ban cho các cấp lãnh đạo chính trị ở địa phương.

Mặc dù xuất khẩu gia tăng đã là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ngoại thương bùng phát quá nhanh đã làm nổi lên nhiều vấn nạn. Nhiều nguồn xuất khẩu chính của quốc gia phát sinh từ việc vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, và những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm thúc đẩy ngoại thương và kích thích tăng trưởng đã phải trả bằng cái giá ngày càng cao về môi trường. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào với tỉ lệ cao không cưỡng được, bao gồm cả máy móc và phụ tùng để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Việc càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc để có nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ đã làm què quặt nhiều ngành kỹ nghệ nội địa.

Điều này đã góp phần tạo nên nạn thâm hụt mậu dịch kinh niên. Tổ chức phân hạng nguy cơ tín dụng Fitch Ratings ước tính thâm thủng mậu dịch hiện thời của Việt Nam lên tới 11% GDP trong năm này, tăng đáng kể từ 7.4% GDP của năm ngoái, và đó là chỉ định cho “những nguy cơ đã tăng cao” có thể dẫn đến khủng hoảng cán cân chi phối hiện hành. Trong khi đó dự trữ ngoại hối tụt giảm từ 24.2 tỷ USD vào năm 2008 xuống còn 16.8 tỷ USD hồi năm ngoái. Chính phủ đã ra lệnh đình hoãn công bố số liệu thống kê về dự trữ ngoại hối từ tháng Mười 2009. Đây là yếu tố chính khiến Fitch quyết định xếp tụt hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BB- xuống B+ vào hồi tháng Tám năm nay.

Năng lực cạnh tranh tuột dốc

Trong khi Việt Nam nỗ lực hội nhập với nền kinh tế hoàn cầu, điều trở nên thuận tiện hơn kể từ khi nước này trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, số lượng những doanh nghiệp trong nước bị thua lỗ trên trường ngoại thương ngày càng tăng cao. Trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tầng lớp nông dân – tầng lớp không có khả năng cạnh tranh với dòng hàng nhập khẩu ồ ạt giá rẻ mà đa phần là do Trung Quốc sản xuất. Nhằm duy trì tính cạnh tranh cao về mặt giá cả đối với những mặt hàng xuất khẩu có tỉ trọng lao động cao, tiền lương công nhân đã bị ghìm thấp với giá thiệt thòi lậm vào tiêu chuẩn sống của công nhân. Cả hai yếu tố này kết hợp lại tạo nên sự bất công trong thu nhập ngày càng tăng cao, thậm chí mức nghèo đói tiếp tục bị kéo xuống thấp.

Trong những năm gần đây Việt Nam đã bị rớt hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra. Việt Nam được xếp hạng 68 trong bảng chỉ số 2007-2008, nhưng đã tụt xuống hạng 75 trong bảng xếp hạng năm 2010. Đó là thứ hạng thấp đáng kể so với thứ hạng của những quốc gia thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á và các đối thủ kể cả Thailand ở hạng thứ 36, Indonesia hạng 54 trong lần xếp hạng gần đây nhất.

Mới đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu phát triển “nhanh và bền vững”. Để đạt được mục đích to lớn đó, mặc dù không công khai thừa nhận thành phần kinh tế nhà nước đang là bước cản của nền kinh tế, ông Dũng kêu gọi bằng mọi cách có thể thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế tư nhân.

Điều nầy không dễ dàng gì thực hiện được vì hiện tại những giới làm ra quyết định có uy quyền không nhất trí với nhau về định hướng tương lai và tốc độ cải cách theo định hướng thị trường. Thành phần kinh tế nhà nước được gán cho vai trò chủ đạo trong công cuộc phát triển kinh tế, và hiển nhiên sẽ rất khó để nó đổi hướng nhanh chóng được bởi vì những nhóm lợi ích có thế lực lớn được đảng ân sủng đang lèo lái nguồn tài nguyên quốc gia sang cho những xí nghiệp do nhà nước làm chủ.

Do thiếu hẳn những luật lệ chặt chẽ nhằm đảm bảo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng, việc bán những tài sản công cho những nhà đầu tư tư nhân có nhiều mối liên kết chính trị, thường thấp hơn rất nhiều giá thực của thị trường, đã làm nổi lên nhiều nghi vấn đối với khối tài sản chuyển đổi trong tiến trình tư nhân hóa. Theo một số nguồn tin cho hay, có những thành phần khác đã thủ lợi lớn gây thiệt hại cho nhà nước nhờ họ nắm bắt được những thông tin về chính sách và cải cách sắp diễn ra mà những chính khách trong Đảng Cộng sản tiết lộ riêng cho họ.

Một chiến lược kinh tế mới cho Việt Nam nên cần ưu tiên thiết lập những định chế chủ yếu nhắm đến mục đích phát triển đều đặn và bền vững thay vì chỉ làm lợi cho thành viên gia đình và liên minh của chính trị gia và giới chức nhà nước dưới danh nghĩa cải cách. Những định chế như thế nên được thiết chế với những trọng trách cải thiện môi trường cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy các ngành kỹ nghệ không ngừng tiến lên nấc thang giá trị tích lập.

Với bất kỳ mô hình phát triển mới nào của Việt Nam nếu muốn thành công đều phải gắn liền với việc diệt trừ nạn dịch tham nhũng. Việt Nam chẳng đạt được mấy tiến bộ trong việc chống tham nhũng mặc dù miếng bánh kinh tế ngày càng phát triển và mức thu nhập ngày càng tăng cao. Việt Nam đứng hạng thứ 120 trong bảng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng do tổ chức Minh bạch Thế giới phát hành hồi năm ngoái, khá thấp hơn so với đa số các quốc gia khác trong vùng Đông Á, kể cả Trung Quốc (hạng thứ 79) và Thailand (hạng thứ 84).

Tác hại của nạn tham nhũng là rất sâu rộng, từ việc làm suy yếu phẩm chất của việc thực thi các chính sách tới làm thay đổi sự phân bổ có hiệu quả những nguồn tài nguyên kinh tế. Kể từ ngày hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thực thi và từ khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, người ta nhận thấy có một số tiến bộ trong việc cải tổ hệ thống luật pháp, đặc biệt là việc áp dụng nhiều điều luật mới có tác dụng điều phối nhiều hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với hố ngăn cách đáng kể giữa một bên là pháp luật và một bên là những tập quán đang được thực thi.

Một chiến lược hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển bền vững hơn phải nhất thiết cần đòi hỏi cải thiện tính minh bạch trong chính phủ, giảm thiểu nạn quan liêu, lấp kín những lỗ hổng trong luật pháp, ràng buộc tất cả quan chức nhà nước ở tất cả các cấp phải chịu trách nhiệm với quyết định mà mình đã đưa ra, và làm thuận tiện hơn cho công chúng tham gia vào tiến trình hoạch định chính sách. Giới lãnh đạo chính phủ nên điều chỉnh những cải cách sâu sắc này để chống lại sự cản trở của những nhóm lợi ích được đảng ân sủng bằng cách thực thi những ràng buộc pháp luật mà Việt Nam đã ký kết với WTO để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế hoàn cầu.

Theo sát những trải nghiệm kinh tế chủ đạo của mình, Việt Nam vẫn có thói quen thích đặt ra và chạy theo những mục tiêu kinh tế và xã hội. Thay vì đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế đều đặn năm sau luôn cao hơn năm trước, giới lãnh đạo quốc gia nên xem xét thực thi những biện pháp nhằm ngăn chặn nạn dịch tham nhũng và đề ra những mục tiêu hiệu quả cho những xí nghiệp nhà nước làm chủ trong kỳ đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Không có sự phân bổ bình đẳng hơn đối với nguồn tài sản ngày càng lớn của quốc gia, nguy cơ sẽ tăng cao, thì những cải cách được thực thi kém cỏi sẽ dẫn quốc gia đến với khủng hoảng hơn là đến với bến bờ thịnh vượng.

Anh Le Tran là giáo sư tại Đại học Lasell, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Nguồn: “New model needed in Vietnam”, Asia Times Online, September 8, 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét