Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Jingdong Yuan - Những lý do sâu xa để Trung Quốc và Hoa Kỳ diễu võ giương oai

Trần Ngọc Cư dịch

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với việc Hoa Kỳ kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong Biển Nam Trung Hoa nằm trong ngọn triều của những căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về một loạt vấn đề.

Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) nói rằng hành vi can thiệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton một tháng trước đây cho thấy rằng Hoa Kỳ đang toa rập với nhiều nước khác ở trong vùng nhằm chống lại Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng vạch ra rằng những cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp Mỹ-Hàn trong Hoàng Hải và Biển Nhật Bản chỉ là hành động khiêu khích và xâm phạm quyền lợi trên biển của Trung Quốc.


Tuy nhiên, ở bên dưới những lời qua tiếng lại công khai, có những lý do sâu xa cho lập trường cương quyết và thậm chí có tính đối đầu của cả đôi bên. Đối với Hoa Kỳ, sự vươn dậy liên tục của kinh tế Trung Quốc và sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc đặt ra những thách thức nghiêm trọng, đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Châu Á cũng như đối với các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đối phó các vấn đề toàn cầu, từ cấm phổ biến vũ khí nguyên tử đến thay đổi khí hậu. Kinh tế Trung Quốc có vẻ còn đang tiếp tục gia tăng nếu đem so với kinh tế đình đốn của Hoa Kỳ, nơi mà nạn thất nghiệp vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây hai năm. Trung Quốc đang nhắm thay thế Nhật Bản trong vai trò cường quốc kinh tế đứng hạng nhì thế giới.

Chương trình hiện đại hóa quân đội cũng đang diễn tiến mạnh mẽ tại Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào chiến lược nhằm chống lại sự tiếp cận và từ chối việc sử dụng các biển đảo [mà Trung Quốc cho là quyền lợi cốt lõi của mình], một nỗ lực có thể đe doạ nghiêm trọng việc đi lại của hải quân Hoa Kỳ trong vùng này. Một bản tường trình do Lầu Năm Góc đưa ra tuần này cho biết Trung Quốc đang thu thập và bố trí tàu ngầm, tàu tuần dương hiện đại, các ổ tên lửa chống chiến thuyền, và các khả năng bất đối xứng như hoạt động chiến tranh mạng (cyber warfare). [Bất đối xứng theo nghĩa hai quân đội thù nghịch không quân bình lực lượng theo đuổi chiến lược, chiến thuật khác nhau nhằm khai thác nhược điểm của phía bên kia - ND chú thích.]

Washington lo ngại rằng sức mạnh kinh tế và khả năng quân sự đang gia tăng của Trung Quốc có thể thúc đẩy lãnh đạo nước này đi theo một đường lối cương quyết hơn trong chính sách đối ngoại và không còn muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế trong những vấn đề mà Trung Quốc có thể giữ vai trò trọng yếu. Đồng thời, một vai trò như thế lại đòi hỏi Bắc Kinh phải hi sinh lợi ích của chính mình để phục vụ lợi ích to lớn hơn của thế giới, bao gồm các biện pháp đối phó tình trạng thay đổi khí hậu và chương trình nguyên tử của Iran.

Đáng đặc biệt quan tâm là điều mà Washington cho là những nỗ lực cố tình của Trung Quốc nhằm đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á. Việc Trung Quốc quả quyết rằng Biển Nam Trung Hoa là một trong những quyền lợi cốt lõi ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương chứng tỏ rằng Bắc Kinh sẽ không để cho một cường quốc khác can thiệp vào vấn đề lãnh thổ vùng này trong khi Bắc Kinh có khả năng o ép các phe trong cuộc tranh chấp phải chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có nỗi bất bình tương tự, nếu không muốn nói là lớn hơn, đối với những hành động của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh cho là làm thương tổn quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. Thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và cuộc họp của Tổng thống Barack Obama với đức Đạt Lai Lạt Ma được coi như là hành vi Hoa Kỳ tiếp tục can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Riêng về vấn đề Đài Loan, quan hệ giữa đảo quốc và lục địa đã trở nên khá ổn định kể từ ngày Ma Ying-jeou (Mạc Anh Cửu) nhậm chức tổng thống Đài Loan. Quan hệ kinh tế song phương tiếp tục được củng cố và hai bên vừa mới ký kết Thoả ước về Khung Hợp tác Kinh tế (Economic Cooperation Framework Agreement-ECFA) nhằm tạo thêm điều kiện thuận tiện cho những tương tác kinh tế song phương. Mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan cũng được tăng cường bằng những chuyến bay trực tiếp và bằng những thỏa ước về du lịch và giáo dục. Trong tình hình như vậy, thương vụ vũ khí của Hoa Kỳ đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc thay đổi chính sách của Hoa Kỳ tại Châu Á gần đây có mục đích giới hạn và thậm chí chặn đứng sự vươn dậy cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng này. Bắc Kinh coi việc Hoa Kỳ kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh hải trong Biển Nam Trung Hoa như một âm mưu nhằm lôi kéo một số nước có tranh chấp vào trong vòng tay của Hoa Kỳ, với mục tiêu chiến lược là tái khẳng định ưu thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sau một thời gian xao lãng.

Một biểu hiện của chiến lược này được phản ánh trong quan hệ có vẻ đang nồng ấm giữa Washington và Hà Nội. Hai nước vừa mới kỷ niệm đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bằng những cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp, có sự tham dự của khu trục hạm USS John McCain. Sự kiện có ý nghĩa hơn cả là cuộc đàm phám hợp tác hạch nhân Việt-Mỹ, mà có nguồn tin cho rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép Việt Nam làm giàu chất uranium.

Những cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp Mỹ-Hàn trong Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, có cả sự tham dự của tàu sân bay USS George Washington với danh nghĩa biểu lộ quyết tâm và phản ứng lại vụ việc Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, bị các nhà phân tích Trung Quốc coi như là một sự khiêu khích. Ngoài ra, hai nước còn tổ chức một cuộc họp Mỹ-Hàn “2+2” tại Seoul có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của mỗi bên. Tín hiệu này đã được Trung Quốc ghi nhận như sau: Những nỗ lực nhằm tăng cường các liên minh quân sự của Washington tại Châu Á có mục đích tái lập ưu thế của Hoa Kỳ và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lý do sâu xa của sự căng thẳng đang gia tăng và các cuộc tập luyện quân sự qui mô lớn gần đây là sự thiếu tin cậy lẫn nhau và thiếu đối thoại chiến lược ở tầm sâu. Điều này có khả năng đưa đến ngờ vực, sợ hãi lẫn nhau và thậm chí những tính toán sai lầm. Tình trạng này diễn ra ở thời điểm Hoa Kỳ đang tìm cách giành lại ưu thế tại Châu Á trong khi Trung Quốc tìm cách đòi lấy những gì mà họ cho là lãnh thổ thuộc thẩm quyền của họ ở trong vùng này. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho sự ổn định và thịnh vượng của vùng Đông Á và cho tất cả các phe liên hệ.

Rõ ràng là, quản lý những quan hệ Mỹ-Trung đang diễn biến là nhiệm vụ nghiêm trọng của các nhà lãnh đạo và các nhà chiến lược của cả hai nước. Tuy nhiên, những khác biệt về nhận thức và lợi ích quốc gia, cùng với các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ làm cho nhiệm vụ này vừa khó khăn vừa bức thiết. Ông Obama cần phải khẳng định mình và đánh tan dư luận cho rằng ông là một nhà lãnh đạo nhu nhược, quá nhân nhượng trong các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại. Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong vòng hai năm tới cũng là động cơ to lớn để các người tranh giành quyền lực tỏ ra cứng rắn trong các vấn đề thiết thân với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Không nhất thiết là hai quốc gia phải cùng nhau sa vào một cuộc đối đầu quyết liệt. Dẫu sao, khả năng thiệt hại cho đôi bên là quá cao và không cường quốc nào đủ sức gây ra một cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy cũng chưa chắc đảm bảo được rằng hai bên có thể tránh được những xung đột trong tương lai. Phần lớn sự ổn cố trong vùng sẽ tùy thuộc vào khả năng thắng thế của những đầu óc bình tĩnh tại Bắc Kinh và Washington cho dù họ phải chấp nhận một cuộc tranh đua chiến lược trong nhiều thập kỷ tới.

Tiến sĩ Jingdong Yuan là phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Sydney.

Nguồn: “Deep Reasons for China and US to Bristle”, Asia Times Online, 20.8.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

4 nhận xét:

  1. Xẩm Xoan nói:

    Thưa bác Trần Văn Tích,
    Trong phản hồi trước tôi có gợi ý là nếu không có chữ Hán đi kèm thì ta nên để nguyên bính âm Hán ngữ (pinyin). Bác bảo là đọc thế thì nó cứ tức anh ách. Tức anh ách thì bác ráng chịu nhá (xin lỗi, tôi nói đùa một chút, mong bác đừng giận). Thật ra tôi gợi ý thế là gợi ý một giải pháp trung dung, dễ hơn cho người dịch từ các văn bản không phải Hán ngữ và họ có thể có khó khăn ít nhiều với chữ Hán, hay thậm chí trong số các bạn trẻ có người còn không biết chữ Hán, nhưng họ lại rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức v.v... Mặt khác ai cần tra cứu chính xác hơn thì có chỗ bấu víu, hoặc người hiệu đính có chỗ để tầm nguyên. Đấy chỉ là trung sách thôi. Tất nhiên thượng sách thì phải chuyển được sang âm Hán Việt và chuyển đúng. Tôi xin “mất trí” với bác.
    Nhiều người, nhất là những người thuộc trường phái “giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” quá tả, cứ khăng khăng đòi gạt bỏ không dùng những từ Hán Việt này, mà không nhận thức được rằng đây là vốn quý của ông cha ta để lại. Tuy các cụ có mượn từ tiếng Hán nhưng đã hai nghìn năm có lẻ, nó đã trở thành tiếng Việt thực sự rồi, trở thành của mình rồi, thì tại sao lại không dùng kia chứ? Phải học và phải tập dùng cho đúng, cho hay mới phải chứ. Ít nhất hơn 50% vốn từ vựng tiếng Việt là những từ gốc Hán. Những từ này đã trở thành một bộ phận bất khả phân ly của tiếng Việt, lại làm cho tiếng Việt phong phú hơn lên rất nhiều, vậy thì cơn cớ gì và làm sao mà gạt nó ra cho được? Có phải không bác?
    Lại hơi lạc đề, sợ nhỡ bác lại bợp tai rồi đội cho cái mũ “phản hồi hệ phái” thì khổ. Tôi thì chỉ sợ có hai ông đốc tờ là bác đốc tờ Lân và bác đốc tờ Tích mà thôi. Nếu có gì sai sót mong bác bỏ quá cho, mí lại ai lại đi cãi nhau với Xẩm, bác Tích nhỉ.
    Sợ nhất là bác lại quở: “Cái nhà anh này, chỉ được cái... nói đúng!” Hì Hì!
    Nay kính.

    Trả lờiXóa
  2. Xẩm Xoan nói:

    Thưa anh Trần Ngọc Cư,
    Hôm trước trong bài “Wu Zhong – Tướng lãnh và học giả Trung Quốc thăm dò khả năng cải tổ chính trị” tôi có tham gia ý kiến phản hồi. Câu chuyện đang vui thì trộm vào nhà, thế là mất điện, đang định chửi cha cái thằng nhà đèn, ai ngờ lại có điện ngay. Cứ tưởng cái xóm “tờ lờ vờ” này, từ Chủ tịch xóm cho đến Bí thư, công an, phụ nữ cũng lờ vờ nốt, hóa ra cũng nhanh ra phết, lại khắc phục sự cố ngay được. Vậy cũng là cao tay ấn. Mừng thay!
    Xin phép được tiếp tục tranh luận vui vẻ một chút nhé.
    Anh viết: “Việc phiên âm ra tiếng Hán Việt những danh từ riêng Trung Hoa chỉ là một cố gắng làm thuần tai độc giả, chứ nếu chúng ta đến hỏi lại một người Bắc Kinh “Ông Tào Tháo là ai?” thì họ cũng ngẩn người thôi.”
    Nếu hỏi người Bắc Kinh mà hỏi bằng tiếng Việt (Tào Tháo là tiếng Việt) thì chắc chắn họ “mặt đực ra như ngỗng ỉa”, nhưng nếu hỏi bằng tiếng Hán (Cáo Cāo - 曹操) thì họ không ngẩn người ra đâu. Xin khu biệt rõ ràng hơn: có tiếng Hán (Chinese language), có tiếng Việt (Vietnamese language) chứ không có tiếng Hán Việt, mà chỉ có những từ Hán Việt và âm Hán Việt mà thôi. Những từ và âm này thuộc phạm vi tiếng Việt chứ không còn là tiếng Hán nữa, dù trong quá khứ xa xưa người Việt đã mượn từ tiếng Hán. Cũng như ta nói “miếng bí tết” thì đây là tiếng Việt chứ không phải là tiếng Pháp, cho dù nó là từ ngoại lai được mượn từ tiếng Pháp.
    Việc phiên âm Hán Việt chính là cố gắng cao nhất của dịch giả cũng như của người hiệu đính trong việc chuyển văn bản gốc sang tiếng Việt 100%. Anh thử tưởng tượng xem, một phát thanh viên tiếng Việt hay một xướng ngôn viên truyền hình khi gặp trong văn bản chữ Chen Yi thì sẽ đọc thế nào và người nghe sẽ hiểu ra sao. Nếu lại là chữ Trần Nghị thì họ đọc ngay được và người nghe cũng hiểu ngay. Cho nên đây không phải là “một cố gắng làm thuần tai độc giả”, mà là một yêu cầu khá cao và nghiêm túc để có một bản dịch thuần Việt (cho nên bác Trần Văn Tích mới bảo là: đọc thế nó cứ tức anh ách).
    Anh cho rằng: “đành giữ những từ pinyin trong nguyên bản – vừa đỡ tốn thì giờ tra cứu vừa giữ an toàn cho bản dịch.” Đỡ tốn thì giờ tra cứu thì đúng, nhưng nhiều khi có phải cứ muốn tra cứu là ra được đâu. Đấy là kinh nghiệm bản thân tôi. Lắm lúc cũng pótay chấm com. Lại phải chạy đi hỏi thầy hỏi bạn, hỏi các bậc cao nhân. Với lại nói như thế thì chứng tỏ người dịch cũng chưa cố gắng đến mức tối đa. Thế nào là an toàn cho bản dịch? Tôi không hiểu rõ lắm. Để tránh bị bạn đọc phê phán chăng?
    Anh nghĩ là: “Việc cố gắng phiên âm cho kỳ được mọi danh từ “Lạ” ra tiếng Hán Việt là một nỗ lực khá xa xỉ, vừa tốn công vừa dễ bị lệch lạc.” Một lần nữa ta lại lẫn lộn tiếng Hán Việt, không có cái gọi là Chinese-Vietnamese language. Nếu ta sợ tốn công, nếu ta sợ nỗ lực vậy thì làm sao ta có được một bản dịch “tín, đạt, nhã”? Khi bạn làm công việc này mà bạn lại không muốn có một thành phẩm đạt đến mức hoàn hảo sao? Bạn chỉ chực dừng lại ở chỗ “không có gì quý” thôi à?
    Tranh luận chút xíu, mong có sự cảm thông nhiều hơn và vẫn giữ được hòa khí. Dẫu sao cũng phải cám ơn anh đã dịch và giới thiệu cho chúng tôi, những độc giả, bài viết này và các bài khác.
    Thân mến.

    Trả lờiXóa
  3. Phùng Tường Vân xin thưa thêm về âm Hán Việt...

    Nói rằng những cố gắng chuyển mọi thứ tiếng Tầu thành âm Hán Việt là một sự xa xỉ gì gì đó thì tôi e rằng rõ ràng là mình bỏ đi cái đặc thù ngôn ngữ hiếm có của dân tộc; đồng ý là người biết chữ Hán để có thể làm công việc đó một cách tương đối dễ dàng và không nhầm lẫn như nhị vị Trần Văn Tích và Xẩm Xoan chẳng hạn mỗi ngày mỗi hiếm đi, cho nên tôi cũng xin phép được "ăn theo" tác giả sau (X.X.)về "trung sách" của ông, chỉ xin thêm : thử tưởng tượng phải ngâm Đường Thi hoàn toàn bằng âm "pinyin" thì thơ Đường trong nhĩ âm của chúng ta liệu có còn sức sống của nó trong dân gian chăng ? Liệu có còn chăng cái sảng khoái khi nhớ bạn mà ngâm "Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì" (Ở Ba Sơn đêm mưa, nước ao thu đầy), nhớ một "Tà áo Văn Quân" mà ngâm "Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong", cảm khái trước một giai nhân không còn nữa mà ngâm "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng"... có không biết vô thiên man nào là thí dụ như vậy phải không ạ nhị vị. Cho nên vấn đề không những là "tức anh ách" mà còn là tội ác đối vơí ngôn ngữ ta nữa đấy ạ nếu như chủ trương bỏ phứt âm Hán Việt được một thứ "nhà nước...tặc" tận tình cúc cung tỏ lòng ngu trung của mình với Thiên Triều mà vào một buổi sáng xấu trời nào đó ban hành một "đạo luật ngôn ngữ" bắt phải vứt hết những cố gắng đọc bằng âm thanh Việt những từ "lạ" ấy chăng ?

    Trả lờiXóa
  4. Xẩm Xoan nói:

    Thưa bác Phùng Tường Vân,
    Cám ơn bác đã quá yêu mà lại đặt em ngồi cạnh bác Tích. Em chả dám đâu, nhỡ bác Tích lại bảo: trẻ con đi chỗ khác chơi (Iem mới có ngoại lục tuần thôi, còn trẻ chán). Xưa nay Xẩm tôi chỉ ngồi ở chiếu ngoài sân đình thôi, chỗ nào vui thì chầu chứ chả dám leo vào chiếu các cụ. Nếu bác í có mắng thì em lại “ôm cầm sang thuyền khác”.
    Cũng xin nhất trí với bác là muốn đọc Đường Thi thì dứt khoát phải theo âm Hán Việt thì mới cảm nhận được cái hay của nó. Đã dịch ra tiếng Việt thì chỉ có thể dịch nghĩa mà thôi. Cũng như dịch Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh ấy. Việc giữ lại được Đường âm trong một bộ phận từ vựng tiếng Việt, theo thiển ‎‎ ý của tôi, không những là một cái may cho người Việt (như bác đã nói ở trên) mà còn là một cái may cho cả người TQ nữa. Giáo sư Vương Lực, tác giả “Hán ngữ sử cảo”, giáo sư Thanh Hoa đại học, sư tổ của nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học TQ ngày nay, trong những năm 1939-1940 đã sang Hà Nội để nghiên cứu về âm Hán Việt, nhằm khôi phục cách phát âm tiếng Hán cổ đại và trung đại. Xin nói thêm GS Vương Lực lại là học trò của GS Triệu Nguyên Nhậm, mà GS Triệu Nguyên Nhậm lại là học trò Harvard ra, ta có thể gọi GS Vương Lực là sư tổ của họ, còn GS Triệu Nguyên Nhậm là “Tổ bố”.
    Xin chào bác.

    Trả lờiXóa