Quốc hội đình hoãn dự án có giá trị trên 5 nghìn tỷ Yên nhưng nghiên cứu khả thi mới bắt đầu cho hai phân đoạn
Hà Nội – Mặc dù dự án xây dựng đường sắt cao tốc bắc nam nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam vừa vấp phải trở lực bất ngờ sau động thái bất thường của cơ quan lập pháp của nhà nước cộng sản không chấp thuận dự án để chờ nghiên cứu thêm, giới lãnh đạo cục đường sắt kêu gọi Nhật Bản tiếp tục ủng hộ.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết ông mong muốn Cơ quan đại diện công ty quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency – JICA) bắt tay thực hiện nghiên cứu khả thi cho hai phân đoạn đường xe lửa cao tốc cụ thể trong một tương lai ngắn để đặt nền tảng cơ sở cho toàn dự án.
Việt Nam đã bày tỏ ý định chọn công nghệ của hệ thống shinkansen cho dự án có trị giá 5 ngàn tỷ Yên để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 1,600 kilômét nối hai thành phố nói trên với thời gian tối thiểu bằng 5 tiếng rưỡi đồng hồ tàu chạy.
JICA đã thực hiện nghiên cứu sơ khởi như một phần trong chương trình khảo sát toàn diện toàn bộ hệ thống giao thông Việt Nam. JICA cho biết dự án đường sắt cao tốc này là khả thi trên mặt kinh tế với điều kiện nó được đưa vào sử dụng từ năm 2036 trở về sau và khi mà sự phát triển đô thị dọc theo tuyến đường đã tăng tốc khiến thu hút mạnh dân cư hội tụ.
Mặc dù dự án đã không được đa số trong Quốc hội ủng hộ từ hồi tháng Sáu, ông Bằng cho hay chính phủ có triển vọng trình lại dự án cho Quốc hội xét duyệt sau khi việc bầu bán nhân sự mới của đảng hoàn tất tại kỳ đại hội Đảng lần thứ XI vào tháng Giêng năm tới.
Quốc hội đã không đưa ra thông báo chính thức nào, nhưng nhiều thành viên Quốc hội được báo cáo là tỏ ra lo ngại khả năng phải vượt chi ngân sách kéo dài nếu dự án được triển khai vì chi phí ước tính cho dự án lên tới bằng hai phần ba tổng sản phẩm nội địa quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam thường tổ chức đại hội đảng toàn quốc năm năm một lần vào tháng Giêng để bầu lại ban lãnh đạo mới. Dự án đường sắt cao tốc là một trong những dự án trọng điểm được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thúc đẩy mạnh mẽ.
Ông Bằng nói ông không cảm thấy mất hy vọng trước yêu cầu của Quốc hội muốn có “thêm chi tiết” về dự án và do vậy ông mong muốn JICA nghiên cứu thật kỹ tính khả thi cho hai phân đoạn ưu tiên trước – phân đoạn một dài 295 kilômét từ Hà Nội đến Vinh ở miền bắc và phân đoạn hai dài 362 kilômét từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang ở miền nam.
Ông Bằng nói rằng hai phân đoạn này sẽ được đưa vào vận hành sớm hơn cả toàn tuyến khi được hoàn thành vào năm 2036 hoặc chậm hơn sau đó.
Nghiên cứu tính khả thi của JICA sẽ cung cấp thông tin căn bản cho Tokyo để đưa ra quyết định có nên tăng thêm những khoản nợ tiền Yên cho dự án.
Người lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam muốn giới thiệu công nghệ của Nhật Bản bởi vì công nghệ này có chiều hướng áp dụng cái gọi là mô thức đa đơn vị ứng điện tử, ngày càng được sử dụng cho những hệ thống đường sắt cao tốc trên khắp thế giới.
Ông Shuji Eguchi, giám đốc văn phòng quốc tế sự vụ tại ban đường sắt của Bộ giao thông Nhật Bản cho hay rằng Việt Nam “đánh giá cao” tính năng an toàn và chuẩn xác thời gian của hệ thống shinkansen. Kể từ lúc khánh thành đưa vào sử dụng năm 1964, hệ thống này chưa bao giờ xảy ra tai nạn có tử vong nào.
Nhưng theo ông Eguchi, chính phủ [Nhật] chưa chính thức quyết định về việc bắt đầu dự án nghiên cứu tính khả thi của JICA vì Tokyo cho rằng không nên vội vã với dự án đường xe lửa; đây là một tiến trình lâu dài.
Mặc dầu gần đây chính phủ Nhật Bản có chú trọng vào việc xuất khẩu những hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm cả shinkansen, để thúc đẩy phát triển kinh tế, một giới chức của Bộ Quốc thổ, Giao thông, Cơ sở hạ tầng và Du lịch nói rằng Nhật Bản không “thúc bách mình” về dự án của Việt Nam.
“Chúng ta cần tiến hành từng giai đoạn một. Hệ thống đường sắt hiện hữu của Việt Nam đang sử dụng đường ray đơn và chưa được điện hóa,” giới chức đó nói. “Muốn nhảy từ hiện trạng này sang với công nghệ shinkansen, Việt Nam cần phải đào tạo nhân sự và ban hành những luật lệ cần thiết.”
Ông nói thêm rằng muốn đạt được cách thức đúng đắn cũng là một công việc khó khăn. Tuyến đường sắt mới phải được xây dựng riêng biệt với tuyến đường sắt hiện hữu mới đáp ứng được sự chuyên dụng của loại xe lửa cao tốc này.
Ông Eguchi nói rằng người dân Việt Nam trước tiên nên tập làm quen với “văn hóa đường sắt” sau khi đã được tiếp cận với những hệ thống đường sắt nội đô đang được lên kế hoạch cho hai thành phố chính trong một tương lai có thể dự đoán trước. Hiện tại, phần lớn dân chúng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường dùng xe máy để làm phương tiện đi lại.
Ông Toshio Nagase, đại diện cao cấp của văn phòng JICA Việt Nam tại Hà Nội, nói rằng hiện tại ở Việt Nam không có bao nhiêu người sử dụng dịch vụ xe lửa cho những chuyến đi đường dài, nhưng ông tin tưởng sẽ có nhu cầu đáng kể đối với xe lửa cao tốc.
Ông nói thêm, nhiều người cho là đi xe buýt đường dài là nguy hiểm vì điều kiện đường sá xấu trên xa lộ và hơn nữa ít người sở hữu xe hơi riêng để đi. Những người có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì lại chọn đi máy bay bởi vì đi bằng xe lửa hiện hành phải mất hơn 30 tiếng đồng hồ lận.
Nguồn: “Held up Vietnam rail plan still counts on Japan”, The Japan Times online, 28.8.2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét