Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Chrystia Freeland - Nguy hiểm của sự đồng thuận Bắc Kinh

Đinh Từ Thức dịch

Hãy bỏ qua chuyện “Đền thờ Hồi giáo tại Ground Zero”, chuyến đi Tây Ban Nha của Michelle Obama, và ngay cả chuyện dầu loang tại Vịnh Mexico. Khi các sử gia tương lai nhìn lại mùa Hè năm 2010, biến cố mà họ có thể chú ý nhất là việc Trung Quốc trở thành nước đứng thứ nhì thế giới về kinh tế.

Trước hết, đây là điều tốt. Sự lớn mạnh của Trung Quốc, và cũng liên hệ, tuy hơi chậm hơn, sự tăng trưởng của Ấn Độ, là câu truyện của hàng trăm triệu người nghèo khó tham dự nền kinh tế toàn cầu và khá hơn chút đỉnh. Tổng sản lượng nội địa mỗi đầu người của hai nước đó căn bản là ngưng đọng trong hơn một thế kỷ, từ 1820 đến 1950. Rồi tăng lên 68% từ 1950 đến 1973, và tăng vọt 245 phần trăm từ 1973 đến 2002.


Nhưng chúng ta phải cẩn thận đừng theo bài học sai lầm từ sự chỗi dậy của Trung Quốc. Nguy hiểm nhất là những việc làm độc đoán.

Ý niệm đó đã trở thành rất quyến rũ vào thời gian có nhiều người Mỹ, tả cũng như hữu, hoài nghi về sự hiệu quả của chính quyền mình. Ngược lại, rất nhiều, đặc biệt trong giới kinh doanh Hoa Kỳ và thành phần tinh hoa trong chính giới, công khai cảm phục hiệu quả của nền kinh tế tư bản nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc. Thật vậy, một chiều hướng phổ thông trong giới trí thức, như Stefan Halper, Ian Bremmer và những người khác đã cho thấy, là gợi ý rằng, đặc biệt vào thời kỳ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, kiểu mẫu kinh tế Trung Quốc – được gọi là “sự đồng thuận Bắc Kinh” – có thể thay thế cho kiểu mẫu Hoa Kỳ.

Hoàn toàn sai. Kinh tế trung ương hoạch định có thể tốt cho những xã hội cố gắng thoát khỏi tình trạng nông nghiệp nghèo khó để tiến sang thời đại kỹ nghệ -- đặc biệt khi kỹ thuật cần cho sự chuyển đổi này đã được phát minh ở nơi khác. Còn nhớ vào các thập niên 30, 40, và ngay cả 50, kiểu mẫu của Liên Xô có vẻ tồn tại được, chính vì lý do này.

Cho đến nay, sự tăng trưởng của Trung Quốc hầu hết về việc kỹ nghệ hóa một nền kinh tế nông thôn vô cùng nghèo nàn. Ngay cả bây giờ, GDP tính theo đầu người tại Trung Quốc là 3.600 đô la, chỉ ngang bằng với El Salvador và Albania. Chúng ta chưa biết liệu Trung Quốc với trung ương tập quyền có thể dấn thêm bước nữa và cạnh tranh nổi với những sáng kiến mới về kỹ thuật và tài chính. Khi Nam Hàn trải qua giai đoạn đó vào thập niên 80, họ đã chuyển đổi sang một thể chế chính quyền dân chủ hơn, và một chế độ tư bản tự do hơn.

Một lý do khiến chế độ tư bản nhà nước có thể bị lung lay khi Trung Quốc giàu có hơn, vì thật khó khi cho phép dân chúng hưởng thụ mà không cho họ trở thành những công dân thực thụ. Một trong những thách thức lớn của kinh tế Trung Quốc trong thập niên tới là cho thị trường nội địa tăng trưởng. Nghĩa là cho người dân Trung Quốc được quyền tiêu thụ nhiều hơn. Khi người dân trở thành tư sản, hơn họ có thể đòi nhiều quyền hơn về chính trị.

Sự gò bó thứ nhì của chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ là sáng kiến. Nền kinh tế chính trị của Hoa Kỳ có nhiều khuyết điểm – cấu trúc hạ tầng suy sụp, một giới trung lưu bị thua lỗ. Nhưng Hoa Kỳ có một đức tính chưa nước nào bì kịp: Khi nào cần sáng tạo và biến nó thành những gì dân chúng muốn, thì Hoa Kỳ vô địch. Đây là xứ sở của Apple, Google và Facebook. Đây là những sáng chế kéo theo cách mạng kỹ thuật, và chỉ có một xã hội mở mới có thể tạo ra được.

Thật ra, Trung Quốc là một bài học thực tế cho sự đe dọa của những nước tập quyền, độc đoán trước sự phát triển cách mạng về kỹ thuật. Một trong những câu hỏi lớn các sử gia thắc mắc là tại sao Trung Quốc đã từng tới bờ cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 14, rồi có vẻ như bỏ qua những thay đổi cấp tiến về kỹ thuật, nhường sáng kiến này cho châu Âu.

Một giải thích dễ nghe hơn cả cho những thế kỷ ngưng trệ này của Trung Quốc chính là lời giải thích chúng ta dùng cho sự năng động của Trung Quốc ngày nay – đó là một nhà nước tập quyền, độc đoán. Như sử gia kinh tế Joel Mokyr đã viết, “sự thiếu vắng tranh đua về chính trị không có nghĩa là tiến bộ về kỹ thuật không thể xảy ra, nhưng nó có nghĩa là quyết định của một người có thể là một quyết định chết người”. Trong khi ấy, tại châu Âu hỗn loạn, chia rẽ, thiếu hiệu quả, khi một nhà cai trị quyết định đàn áp những nhà sáng chế, “họ chẳng phải làm gì khác hơn là đổi trọng tâm kinh tế từ vùng này sang vùng khác”. Độc tài không khá trong việc tự sửa sai.

Hoa Kỳ không nên bằng lòng về việc Trung Quốc tăng trưởng. Ít nhất, nó có nghĩa là các công ty Mỹ, các chính khách Mỹ và dân Mỹ cần phải thích ứng từ địa vị dễ chịu của một thế lực siêu đẳng duy nhất trên hoàn cầu thành vai trò phải làm việc cực nhọc hơn trong một thế giới đa cực. Những người ủng hộ Trung Quốc đúng khi họ nêu ra vài dự án cơ sở hạ tầng choáng mắt tại đó và hỏi tại sao người Mỹ, với lợi tức trung bình cao hơn người Trung Quốc gấp 12 lần, mà không thể cùng nhau hoàn thành được vài thứ vĩ đại như thế.

Nhưng Hoa Kỳ có thể tôn trọng Trung Quốc mà không cần bắt chước họ. Các nhà độc tài có thể dễ dàng được khâm phục, nhất là từ xa. Thị trường tự do và xã hội tự do bao giờ cũng có vẻ hỗn độn và kém hiệu quả, nhất là ở gần. Nhưng về việc sáng tạo ra một thế giới hiện đại, và sống cao với nó, thì cho tới nay, cái mẫu tốt nhất mà thế giới có được là dân chủ tư bản.

Chrystia Freeland là bỉnh bút toàn cầu tự do của Thomson Reuters. Bà đang viết một cuốn sách về siêu tinh hoa toàn cầu.

Nguồn: “The dangers of a Beijing consensus”, The Washington Post, 30.8.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét