Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Nguyên Lương – Phản hồi bài viết của Trần Trung Đạo

Bài viết của Trần Trung Đạo về biển Đông rất súc tích, đầy đủ và phân tích tình hình quốc tế thật rành rẽ. Tuy nhiên chủ đề về lòng yêu nước mà tác giả đặt cho đề tựa thì chưa được bàn đến một cách thấu đáo. Những diễn biến phức tạp tại Á Châu gần đây đưa đến sự tái xác nhận vai trò làm chủ của Hoa Kỳ ở Biển Đông làm cho một số người hồ hởi và có thêm hy vọng rằng Hoa Kỳ rồi sẽ giúp Việt Nam chống Trung Quốc và muốn được thế thì chính quyền cộng sản Việt Nam phải nhượng bộ mà thay đổi chính sách cai trị dân. Phải nói rằng từ 35 năm qua, biến cố lần này cho ta có chút hy vọng là những thay đổi chính trị thực sự sẽ xảy ra ở Việt Nam trong tương lai gần. Nhưng đó chỉ là hy vọng, còn việc gì sẽ xảy ra thì chúng ta nên xét đến những yếu tố sau đây:


1. Người Mỹ có thật sự muốn gây áp lực khiến Việt Nam thay đổi thể chế chính trị để nhận sự giúp đỡ chống Tàu và giữ yên bờ cõi không?

Tôi không nghĩ vậy. Từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay, Mỹ đã không chủ trương thanh toán nốt những thành trì cộng sản cuối cùng ở Á Châu, mà ngược lại, họ đã gián tiếp chống đỡ cho nó không sụp đổ. Trong hơn 20 năm qua, Mỹ đã trực tiếp giúp cho Trung Quốc lớn mạnh về kinh tế và quân sự và lơ là đối với Biển Đông, để Trung Quốc trám vào chỗ trống quyền lực. Trung Quốc đã phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự của mình và đây là động lực cho các nước Á Châu phải cầu vào liên minh với Mỹ để tồn tại. Chủ trương bài Mỹ ở Á Châu, ngay cả ở những nước lớn như Ấn Độ và Indonesia cũng đã thay đổi. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu nay được mời gọi chứ không do mua chuộc hay áp đặt như trước nữa. Hơn nữa, sau thất bại về việc đạo diễn những chính quyền theo ý mình ở các nước Trung Đông, Mỹ nay đã học bài học là ai muốn sống sao cũng được, miễn là không chống lại họ. Những bài diễn văn nhậm chức của các Tổng thống Mỹ đều nhắc đến nhân quyền, dân chủ, tự do... nhưng thật ra kinh nghiệm cho ta thấy họ đã không thật lòng giúp các dân tộc trên thế giới được hưởng những nhu cầu cần thiết này. Động cơ chính của tư bản Mỹ là lợi và quyền. Tất cả việc họ làm là chỉ để bảo vệ quyền lợi của họ, chứ không vì chính nghĩa tự do hay dân chủ, nhân quyền nào cả. Mỹ đổ quân vào Việt Nam năm 1966 để bảo vệ tự do và tiền đồn chống cộng ở đó ư? Việc năm 1973 họ rút quân ra khỏi Việt Nam, như nay họ đang rút ra khỏi Iraq, và mai kia ra khỏi A Phú Hãn, đã chứng minh những lời hứa đó không có thật. Nết thật sự muốn ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Á Châu thì năm 1974, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Mỹ đã có thừa khả năng giúp miền Nam Việt Nam ngăn chặn cuộc xâm lăng này nhưng họ đã không làm. Sau bao nhiêu năm nuôi, giúp Trung Quốc trở thành cường quốc ở Á Châu, Mỹ đã thành công trong việc tạo được một đối trọng tầm cỡ để dùng đó hoạch định những chính sách ngoại giao và kinh tế cho tương lai theo ý mình. Mỹ đã thành công khi hướng mũi dùi chống đối mình qua hướng Trung Quốc. Người Mỹ nay là kẻ đi bảo vệ, chứ không phải là quân xâm lăng như họ đã từng bị lên án trong thời chiến tranh lạnh.

2. Hà Nội có thật tâm muốn đi với Mỹ để chống Tàu không?

Vấn đề này không đơn giản như ta đang mong đợi. Hà Nội đã học được bài học của Sài Gòn là cầu viện một thế lực ở phương xa để chống lại áp lực một nước có cùng biên gìới là việc làm nhất thời chứ không lâu dài được. Suy nghĩ của giới lãnh đạo Việt Nam không khác Trung Quốc, họ rập khuôn nhau là đàng khác. Điều mà Hà Nội đang làm bây giờ giống như Bắc Kinh đã làm trong thập niên 80 là nhờ Hoa Kỳ hiện đại hóa sức mạnh quân sự để chống lại Liên Sô. Trung Quốc rồi cũng không dại gì mà đẩy Việt Nam vào đường cùng để cho Mỹ có lý do đưa hỏa tiễn vào Bắc Việt, và dùng Việt Nam làm hàng rào để cô lập mình ở phía Nam như Mỹ đã làm với Nga ở Ba Lan. Giữ hòa khí và khấu đầu với Trung Quốc, Hà Nội còn giữ được quyền và lợi của mình về lâu về dài. Đi với Mỹ trong lúc này cũng chỉ làm xoa dịu làn sóng tủi nhục và căm phẫn đang dâng lên trong và ngoài nước và cũng để bắn tiếng cho Bắc Kinh rằng đừng có căng quá mà đứt dây.

3. Trung Quốc bây giờ đang trong giai đoạn phát triển gần giống như Nhật những năm 40, lúc mà Nhật đang bành trướng thế lực ở Á Châu và cuối cùng phải tuyên chiến với Hoa Kỳ để mong làm bá chủ thế giới. Liệu lịch sử có lập lại việc làm dại dột và liều lĩnh đó không? Tôi không tin như vậy. Thời đó kinh tế Nhật không lệ thuộc vào nước nào và vì cả tin là Mỹ đang bận ở mặt trận Đại Tây Dương nên đánh úp là nắm chắc phần thắng. Đó là cái bẫy Mỹ đã gài sẵn và Nhật đã bị sập, nhưng lần này Trung Quốc không ngu như vậy. Kinh tế Trung Quốc còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, nếu quốc tế không mua hàng thì trong vòng nửa năm là có nội loạn vì nhân công thất nghiệp. Hơn nữa nay Trung Quốc đang bị bao vây giữa các nước thân Mỹ, hay chí ít cũng sẽ cho Mỹ dùng làm bàn đạp tấn công Trung Quốc khi cần. Trong tình hình như thế, liệu Trung Quốc có dám gây chiến với Mỹ không? Dù cho Trung Nam Hải đang khơi dậy tự ái dân tộc từ những năm tháng ô nhục bị lục cường xâu xé để dấy lên sức mạnh dân tộc Đại Hán, cái tự ái đó có thể được vuốt ve bằng cách đưa người lên mặt trăng, hơn là khai chiến với Mỹ lúc này, vì làm như thế là tự sát.

4. Còn lại vấn đề người Việt yêu nước chúng ta là gì?

Bài học lịch sử cho ta thấy gần cuối thế kỷ 18, Quang Trung đã đuổi được quân xâm lăng phương Bắc ra khỏi bờ cõi đâu có phải nhờ cậy ai hay giàu có gì nhiều. Hơn nữa thời đó đất nước vừa tạm thống nhất, Đàng Trong vừa thắng Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà chưa khâm phục, lòng dân chưa thuận. Cái chúng ta có lúc đó mà kẻ thù không có, đó là lòng quyết tâm giữ vững bờ cõi. Nhà Thanh khi đó đang ở vào thời cực thịnh và coi thường dân Việt, những tưởng là sau hơn 300 năm nội chiến chắc đã cạn sức đề kháng, nên họ đã lầm. Quang Trung tuy thắng trận, nhưng sau đó đã vội sang chịu tội, triều cống để được sống bình yên. Một việc làm mà bao triều đại trước đã làm và cũng như Lê Duẩn đã làm sau trận chiến 7 ngày năm 79. Bởi vậy, ngàn đời cái thế để giữ vững bờ cõi là nội lực, chứ không phải ở ngoại viện. Nước ta tuy nhỏ yếu nhưng chưa hề bị khuất phục trước một ngoại bang nào. Dựa vào một cường quốc để chống lại một cường quốc khác không thể là chiến lược và chính sách khôn ngoan cho bất cứ một quốc gia nào. Chỉ vì tham quyền lãnh đạo mà lịch sử đã cho thấy nhiều lãnh tụ Việt Nam đã đẩy đưa đất nước vào chỗ bị tàn phá bởi sự tranh giành quyền lực của thế giới. Đất nước nhỏ bé của chúng ta chỉ có thể giữ vững được sự toàn vẹn lãnh thổ khi toàn dân cùng đoàn kết giữ nước. Hận thù và chia rẽ trong lòng dân tộc không những làm suy yếu tiềm lực mà còn tạo cơ hội cho ngoại bang lợi dụng. Người cộng sản hay người quốc gia đều phải luôn đặt nhiệm vụ giữ yên bờ cõi lên hàng đầu, trên cả những quyền lợi phe nhóm, thì mới mong giữ vững được đất nước trước nạn ngoại xâm.

© 2010 Nguyên Lương
© 2010 talawas

2 nhận xét:

  1. VÀI TƯ LIỆU XEM CHƠI :

    1."Động cơ chính của tư bản Mỹ là lợi và quyền.
    -"TT Canada :" Canada cần đôla nhưng không cần tới mức đánh đổi luơng tâm cuả mình"

    2."Tất cả việc họ làm là chỉ để bảo vệ quyền lợi của họ, chứ không vì chính nghĩa tự do hay dân chủ, nhân quyền nào cả."
    -Bill Clinton :".....a year earlier he ( Prime Minister Phan Van Khai) had told me he appreciated my opposition to the war . When I said that the American who disagreed with me and supported the
    war were good people who wanted freedom for the Vietnamese , he (P.M.Khai )replied :" I know ." (p.930, MY LIFE - BILL CLINTON )


    3."Nếu thật sự muốn ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Á Châu thì năm 1974, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Mỹ đã có thừa khả năng giúp miền Nam Việt Nam ngăn chặn cuộc
    xâm lăng này nhưng họ đã không làm."
    -President Nixon successfully negotiated a ceasefire with North Vietnam in 1973, effectively ending American involvement in the war.(Wikipedia )"
    4."Người Mỹ nay là kẻ đi bảo vệ, chứ không phải là quân xâm lăng như họ đã từng bị lên án trong thời chiến tranh lạnh .
    -Bill Clinton :"The party leader , Le Kha Phieu , tried to use my opposition to the Vietnam War to condemn what the United States had done as an imperialist act. I was angry about it.. ..I told the leader that... while I had disagreed with our Vietnam policy , those who had pursued it were not imperialists or colonialists, but good people who believed they were fighting communism.
    (p.930, MY LIFE - BILL CLINTON ).

    Trả lờiXóa
  2. Không biết nổi thất vọng của những người dân Miền Nam VN, Đài Loan, Iraq và săp tới đây Àfghnistan (đã bị Mỹ mang con bỏ chợ), có ghi trong quyển sách nào của "Nặc Danh" không?
    Sống trên đời quan trọng nhất là chử Tín. Người Mỹ đã không làm được điều này thi dù có 1 triệu quyển sách cũng không xóa được vết nhơ này, có đúng vậy không?

    Trả lờiXóa