Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Nhật Tuấn - “Lỏng và tuột”: giọng điệu mới của Trần Đức Tiến

Lâu nay, các nhà văn thành danh dường như… tắc tị. Cho dù họ vẫn viết, mài miệt viết, nhưng… chẳng ra làm sao, chẳng khác trước, chẳng vượt qua được những gì đã viết. Tất nhiên, họ tắc tị không phải vì vốn sống – cái đó thừa. Cũng chẳng phải sợ cấm đoán, kiểm duyệt. Bằng vào những gì nhiều ông phát biểu, viết lách trên các diễn đàn, blog, web ngay trong nước, cho thấy họ chẳng còn sợ quái gì ai. Mà thời bây giờ, không in ấn tại các nhà xuất bản trong nước thì tung nó lên web chỉ bằng một cái click chuột.

Vậy mà vẫn tắc tị. Vì sao vậy?


Sang thời hội nhập, bằng vào cả một kho khổng lồ các tác phẩm đã xuất bản, người ta đã nhận ra viết theo cái lối phản ánh hiện thực sao cho “hùng hồn”, cho “chân thực”, cho “nóng hổi hơi thở thời đại”… xem ra “không ăn” nữa.

Các nhà văn đã bắt đầu chú ý tới phương cách sáng tác mới, tới thay đổi giọng điệu, thay đổi cách viết… Nói cho sang, đã bắt đầu có ý thức cách tân, tìm tòi thi pháp mới của tiểu thuyết . 

 Thực ra, chuyện đó trên thế giới người ta làm từ tám đời. Nào là “dòng ý thức”, “chữ tự động”, “chữ đẻ ra chữ”, “hiện thực huyền ảo”… Thiên hạ làm chán ra rồi. Nhưng ở ta, ý thức cách tân về thi pháp cũng chỉ mới bộc lộ ở một số người viết trẻ. Trần Đức Tiến tuy không còn trẻ, nhưng tập truyện ngắn Lỏng và tuột vừa ra mắt bạn đọc cho thấy anh đang nỗ lực tìm tòi cho mình một giọng điệu mới .

Đột nhiên muốn về hưu trước tuổi. Đột nhiên muốn đập cái nhà đang ở đi xây nhà mới. Đột nhiên thèm uống rượu. Đột nhiên nửa đêm vùng dậy…” và rồi đột nhiên đi tới đảo Q. (“Mù tăm”).

Những thứ “đột nhiên” đó, những hành động bất ngờ của nhân vật Cầm trong “Mù tăm” gợi nhớ “hành động vô căn” (action gratuite) của nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ của Albert Camus xuất bản từ mãi năm 1942. Và cả khi “gã đàn ông” tách ra khỏi ông Cầm để “đối thoại tay đôi” cũng gợi ra kỹ thuật phân thân (dedoublement) của văn học dạo trước. Tuy nhiên “Mù tăm” không bất ngờ ở chỗ đọc tới lúc ông Cầm tới đảo Q., căn cứ vào loạt truyện của Trần Đức Tiến, người ta đoán chắc thế nào ông cũng gặp một “mụ đàn bà” và tất nhiên sẽ tới một cuộc làm tình “quằn quại”.

Tuy nhiên, ở một số truyện khác, cách tân của Trần Đức Tiến đã nhuần nhuyễn hơn.

Trong “Một cuộc phỏng vấn”, một ông nhà văn ngủ với một cô nhà báo, tất nhiên, trong một cuộc “tình khách sạn”, “tình ngoài luồng”. Xen giữa những rung động thực của xác thịt là những lời lẽ giả cho một cuộc phỏng vấn “lề phải”. Cái thực và cái giả, cái danh và cái hư danh, cái cuồng nhiệt và cái lạnh lẽo cứ xoắn nhau như hai cơ thể trần truồng lúc cuống cuồng xâm nhập nhau. “Một cuộc phỏng vấn” cho thấy Trần Đức Tiến đang cố giãy khỏi cái không gian thực, ba chiều, cổ điển trong truyện ngắn để tìm tới một không gian khác dù chưa biết nó là cái gì?

Trong “Mưa núi”, một ông K. nào đó trườn qua người vợ đang lúc ngủ trưa để lên núi trong một cơn mưa rồi gặp một cô gái và hai người làm tình trong tiếng “Ây...ây…” và quả xoài ăn dở. Mọi chuyện dường như đều “bất ngờ” nhưng bất ngờ hơn cả là cao hơn khoái lạc xác thịt, cô gái trong lúc tắm mưa tìm thấy “niềm khoái cảm được tắm gội bởi dòng nước tinh khiết vô hình từ trên cao tưới xuống”. Còn ông K. cũng bất chợt cảm thấy “một niềm vui sướng hoàn toàn mới lạ, bí mật tràn ngâp tâm hồn”.

Không phải chỉ cô gái và ông K. mà chính Trần Đức Tiến cũng muốn vượt qua cái hiện tồn để vươn lên một cái gì đó mới lạ mà không rõ ra là cái gì.

“Hắn” có một khối u ở bụng trái mà bác sĩ cứ khăng khăng bên bụng phải, hắn như con ruồi mắc trong lưới nhện của cái hàng ngày: phố xá, bà vé số, những ước mơ tội nghiệp và tất nhiên là một bà vợ với hai đứa con và bà mẹ vừa chết ở tuổi 90 với biết bao phiền toái… Nhưng hắn vẫn còn một khung cửa hẹp để mở vào “cõi mộng” - đó là cô bồ trẻ đẹp với những dòng tin nhắn “ANH ƠI EM BỊ ƯỚT HẾT RỒI”.

Có thể coi đó là một làn gió mát thổi vào cuộc đời ngột ngạt của hắn? Cũng có thể coi đó là “một chút mặt trời trong nước lạnh” theo cách nói của Françoise Sagan? Hoặc cũng có thể coi là một giễu cợt của hoàn cảnh bi hài?

Câu trả lời bỏ ngỏ dành cho độc giả.

Tới truyện ngắn “Lỏng và tuột”, “một chút mặt trời” kia, buồn thay, lại biến thành “nước lạnh”. Cái tên Lê Kim Yến trong danh bạ điện thoại như một cù lao sáng nhô lên trong cái biển của những dung tục đời thường với chị làm cùng cơ quan hơn y 6 tuổi, vừa túm tóc ghì y xuống vừa “hư quá, hư quá”, sau “hư quá” thì đến “chết rồi”…, cuối cùng thì “bắt đền… cái này này”. Thật là một clip sex sinh động và độc đáo. Còn lão “vòi nước” thì “Nước bưởi nhanh tệ. Ra cửa thế nào tớ cũng bùm…”. Cô gái điếm giả nai “ném chăn gối với mày trên giường thì nó sụt sùi đau đớn véo tai rứt tóc tao ăn vạ…”. Trong cái biển bùn đó, tưởng rằng cái cô Lê Kim Yến sẽ là một ngoại lệ, "một chút mặt trời” trong cái “ao nước lạnh” đó, nào ngờ em cũng “gái” nốt.

Cũng tương tự thế, trong “Đi bộ và chạy” thể dục buổi sáng, đi trước hai ông bạn trò chuyện tầm phào là một cô gái mà lúc đầu cứ tưởng là “nàng” - một danh xưng dùng cho con gái chí ít cũng “con nhà lành”. Ấy thế rồi ở cuối chặng đi, lại hoá ra “nàng” cũng chỉ là một… con điếm.

Trong cả hai truyện, có vẻ Trần Đức Tiến coi “con điếm” như thành phần phải “phục hồi nhân phẩm”. Kể cũng lạ, “Nam chinh Bắc chiến” như anh mà cũng chưa nhận ra thành phần cần phục hồi nhân phẩm đang chót vót trên thượng tầng xã hội chứ chẳng phải ở dưới đáy như… chị em ta.

Tuy nhiên, rất ngược đời, khi Trần Đức Tiến cứ “tự nhiên nhi nhiên” thì cái không gian “ảo” lại tràn ngập trong truyện, nhưng một khi anh “cố ý”, ngay cả khi đưa cả chuyện ma vào như “Thiếu phụ răng đen”, “Thiên đường chớp mắt”… thì không gian của truyện lại rất thực.

Trong “Cõi tục”, tượng Đức Ngài ở trên cao, “con điếm” nằm dưới chân tượng, nhờ có dòng nước từ tượng rót xuống mà “con điếm” trở nên đắt khách. Truyện rất có đất để tạo một không gian huyền ảo, chỉ tiếc tác giả hơi tham nhiều chi tiết đời thường làm giảm hẳn chất đa chiều của không gian truyện.

Sự giằng xé giữa cái “thực” và cái “mộng” trong tập truyện Lỏng và tuột của Trần Đức Tiến suy cho cùng là sự giằng xé giữa cái đẹp và cái xấu, cái cao thượng và cái ti tiện, và cao hơn cả là cái xuất thế và nhập thế.

Nếu bút pháp là diện mạo của linh hồn thì cái “bản lai diện mục” của Trần Đức Tiến đã bước đầu lộ ra. Anh đang muốn giãy ra khỏi chính anh, nhưng hình như trong anh vẫn còn một cái “ngưỡng” nào đó.

Nói theo ngôn ngữ của thiền, anh còn thiếu một cơ duyên như “tiếng gầu rơi xuống giếng” để có thể nhảy qua bờ vực của chủ nghĩa hiện thực sang bên kia cõi vô bờ bến. Thiền sinh đốn ngộ đã khó, nhà văn tỉnh thức càng khó hơn. Và khó nhất là một cú nhảy qua những mê hoặc của đời thường.

Trong cả tập truyện, “Một cuộc phỏng vấn”, “Mưa núi” , “Khối u”, “Lỏng và tuột” là những truyện ngắn hay và hiếm hoi trong nền truyện ngắn hiện nay.

20-8-2010

__________
Lỏng và tuột, tập truyện ngắn của Trần Đức Tiến, NXB Hội Nhà văn 2010, 240 trang, giá 40.000 đồng

© 2010 Nhật Tuấn
© 2010 talawas

2 nhận xét:

  1. Các nhà văn nam (đàn ông) ở Việt Nam hiện nay hình như viết cái gì cũng phải có gái điếm và làm tình?

    Thu Hương

    Trả lờiXóa
  2. đọc bài ông Nhật Tuấn xong tôi phải đi mau ngay Lỏng và Tuột đọc xem sao. Bất ngờ và thú vị. NHiều truyện hay, viết về sex, về làm tình rất tinh tế chứ không bẩn như nhiều ông bà khác. Cỏ vẻ sex không phải mục đích chính ông nhà văn hướng đến mà chỉ là một phương tiện để ông ta chuyển tải điều muốn nói. Ngoài những truyện ông Nhật Tuấn đề cập đến tôi xin đề cửa thêm 3 truyện khác mà tôi thấy rất hay là : Chuông chùa Bạch Vân, Khối u và Biến hình.

    Lan Anh

    Trả lờiXóa