Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Đỗ Anh Thơ - Những mẩu chuyện kể bên giếng nước (kỳ 4)

5. Như chú sẻ non trên ngọn cau

Quanh vườn nhà tôi có rất nhiều chim. Chim trú thường xuyên có chào mào, sẻ (tôi gọi là rằn rặt), chích chòe (chìa vôi), dẻ quạt, cu gáy (bồ cu), chim sâu (chắt chắt), sáo, cà cưởng… Chim về theo mùa có chèo bẻo, seo cờ, bã trầu (giống như vành khuyên nhưng ngực có lông đỏ), chim ngói, cò trắng… Chúng nhiều vô kể. Nhiều loài làm tổ trên cây duối, cây cau, cây chay… ở trước và sau nhà.

Tôi và hai người bạn thân là Lộc và Vinh, cứ đến cuối mùa xuân lại thám thính quanh vườn để phát hiện ra tổ của chúng. Nhưng quen thuộc với chúng tôi hơn cả có lẽ là chim sẻ.

Chúng lân la kiếm ăn trên mái nhà, trước sân. Chúng tôi thường lấy nong chống một cái que rồi buộc dây, nấp trong nhà rình để giật. Nhưng chẳng mấy khi bắt được. Bởi thế chúng tôi hay trèo lên các cây cau, tìm bắt chim non. Thường chúng tôi phải bắt khi chúng chưa biết bay, còn bọng đái, rồi bỏ vào lồng treo cho chim mẹ nuôi một thời gian. Nhưng nuôi như thế chúng sẽ không bao giờ quen người. Bởi vậy, nhiều khi chúng tôi phải nhai gạo mớm, nên chỉ vài hôm là chúng ốm chết. Có một năm tôi và bạn nuôi được một con đã quen hơi người. Ra khỏi lồng, nó tha thẩn theo chúng tôi, nếu có bay lên cây rồi cũng lại tìm về chui vào lồng. Dễ thường được nửa năm, con sẻ này mới chết. Chúng tôi chôn nó cạnh giếng và lấy gạch xây thành một cái đền thờ, gọi là đền thần rằn rặt. Hàng ngày chúng tôi mang bánh đa, đường phên, kẹo… bày ra cúng tế và lên đồng. Một hôm, tôi đầu chít khăn, lưng đeo kiếm gỗ, đang lên đồng, đi vòng quanh đền, miệng hô to:

“Như ta đây là thần rằn rặt…”

Bạn bè tôi đứa đang chắp tay, đứa kính cẩn vái lạy, thì bất ngờ cha tôi từ trong nhà chạy ra. Ông cầm roi xua chúng tôi chạy tan tác, đạp đổ đền, rồi đái ướt nhũn hết những thứ chúng tôi bày cúng. Trò chơi đồng bóng của chúng tôi từ đó phải tan.

... Lộc và Vinh là cháu nội cụ Ấm người Huế, họ Phạm Phú. Nhà cụ có một cây mai to, mùa hè nở hoa vàng chói, dễ thường trồng đã đến vài chục năm. Dưới gốc cây cụ lập một cái am thờ nho nhỏ, khoảng một mét vuông.

Ngày rằm, mồng một tháng nào cũng vậy, cụ bà bày xôi chè ra đó cúng.Tôi được cụ bà mang sang cho một đĩa xôi và một bát chè nấu bằng cốm nếp với gừng thơm lừng. Ít lâu sau, cụ Ấm bà mất, mất trước cha tôi. Còn cụ ông thì mãi đến năm 1948 khi tôi đã học sang cấp hai tư thục Nghi Lộc mới qua đời. Đám tang của cụ chỉ có một vòng hoa duy nhất của đội thiếu nhi chúng tôi. Nó được kết bằng hoa đu đủ đực, hoa dâm bụt, hoa xác pháo, lá và hoa ngâu… trên có ghi dòng chữ của tôi là: “Người ông khó tìm”. Cho đến nay, có lẽ tôi chưa thấy có một vòng hoa nào có một câu phúng mà lại lạ tai, độc đáo, lập dị và tự kiêu của một đứa trẻ mới 13 tuổi như tôi lúc đó.

Lộc và Vinh chống gậy thay cha đã mất, đi trước quan tài, qua giếng nước ngõ nhà tôi rồi ra dăm [1] sau xóm. Nhìn bạn mặc áo, chít khăn xô, tôi thương bạn vô hạn. Chúng mập mạp, không mảnh khảnh như tôi, nhưng luôn luôn nhường nhịn không bắt nạt tôi nên tôi rất mến.

Sau này khi tôi bị loại khỏi trường quân báo ở Quán Vuông, Thái Nguyên trở về, anh thứ ba của tôi đã ra ở riêng, nhà tôi chỉ còn mẹ, đứa em út và một em nuôi, nên anh rể tôi khuyên:

“Nếu cậu quyết đi học bên Trung Quốc thì phải lấy vợ để mẹ ở nhà đỡ vất vả.”

Vì vậy, giếng nước nhà tôi được chứng kiến cảnh anh tôi giết môt chú lợn choai chưa tới ba mươi cân, rồi nhờ Vinh gánh cùng với nếp, lếch thếch theo tôi và mẹ tôi đi bộ hơn ba chục cây số lên Nam Đàn, xin cưới và đón dâu. Tôi ở nhà với vợ đúng được có hai đêm, rồi lại ra đi. Tuy còn non nớt, mới hai mươi tuổi mụ, nhưng qua gần một năm chỉnh huấn từ khu ủy rồi Việt Bắc, tôi từng chứng kiến mấy bạn đã phát điên, nên tôi dự cảm được, cơn bão sắp tới rất gần. Đoàn lưu học sinh tập trung ở Phúc Tăng, Yên Thành mấy tuần. Chiều chiều tôi nhìn về ngọn rú Gai mà thương mẹ già và nhớ vợ, khao khát nhớ tình duyên mới bén mà đã phải xa nhau…

Tới khi tôi ở nước ngoài về thì Vinh bạn tôi vừa đủ 18 tuổi, đã đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường nào, gia đình cũng không biết. Còn Lộc thì trở thành một du kích phá bom nổ chậm, được tuyên dương là chiến sĩ thi đua và chết tan xác cùng bom.

Từ đó đến nay đã trên 50 năm, hình ảnh bạn tuổi thơ và những chú chim sẻ, những thần rằn rặt thường hiện về trong giấc mơ của tôi và tôi luôn luôn đánh một dấu hỏi trong đầu: "Phải chăng Lộc và Vinh là dòng dõi của cụ Phạm Phú Thứ, người đã bị Tự Đức không cho dùng cái tên Thứ là sống chân thật đúng như lòng mình, mà bắt phải đổi thành Thứ là thứ dân chăng?”[2]

Còn số phận những chú chim sẻ ngày nay, nếu không bị tiêu diệt như ở xứ người thì cũng bị nhốt vào lồng, làm trò giả phóng thích trước cổng Chùa nhà Phật... ngày này qua tháng khác?

_________

[1]: Cồn đất hoang dùng làm nghĩa trang nhỏ của xóm.

[2]: Thứ (恕) sống trung thực như đôi với chính lòng mình và thứ (庶) là thứ dân, dân đen.

© 2010 Đỗ Anh Thơ
© 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét