Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Trần Trung Đạo - Tranh chấp Mỹ - Trung, một cảnh giác cho lòng yêu nước

Tại Diễn đàn Khu vực về Hợp tác an ninh ở châu Á tổ chức tại Hà Nội hôm 23 tháng Bảy, 2010, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ, giống như các quốc gia khác, có quyền lợi quốc gia về tự do hàng hải, mở cửa những thủy lộ chung tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ chia sẻ quyền lợi này chẳng những với các quốc gia thành viên ASEAN hoặc các quốc gia tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN; mà còn với các quốc gia có nhu cầu về hàng hải khác và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”. Ngoài ra bà cũng tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp hải phận và giải quyết tranh chấp trên cơ sở công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển và “chống lại việc bất cứ một quốc gia tranh chấp nào xử dụng vũ lực”. Mặc dù Ngoại Trưởng Clinton xác định vai trò trung lập của Hoa Kỳ, những lời tuyên bố của bà rõ ràng nhằm bênh vực các nước nhỏ trong vùng, nhất là Viêt Nam. Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì giận dữ phản ứng: “Nhận xét của bà Clinton có vẻ như thực sự nhằm mục đích tấn công Trung Quốc bằng cách tạo ra một ảo ảnh rằng tình hình Biển Đông là đáng báo động”. Theo bình luận của báo New York Times, đây là “một chiến thắng đầy ý nghĩa đối với Việt Nam”.

Trong ba tuần qua, lần đầu tiên sau 35 năm, các phương tiện truyền thông của Đảng lẫn chống Đảng từ trong nước cũng như chống Cộng từ ngoài nước đã loan tải những lời tuyên bố cứng rắn của bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton kèm theo những lời bình luận vui mừng, tích cực giống nhau.

Điều đó cũng dễ hiểu. Khoan kể mối thù truyền kiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mấy ngàn năm trước, khi tổ tiên chúng ta phải sáng xuống biển tìm ngọc trai, chiều lên non tìm ngà voi, trầm hương, châu báu; khoan kể đến hàng triệu tấn súng đạn, xe tăng, đại pháo Trung Quốc đã cày xéo lên quê hương Việt Nam trong suốt cuộc chiến dài; khoan kể những tư tưởng độc hại Cộng sản Trung Quốc đã cấy vào tâm hồn bao thế hệ Việt Nam, chỉ nhắc đến Hoàng Sa Trường Sa, chỉ nhắc đến ngư dân Thanh Hóa thôi là máu hận đã xông lên trong mỗi con người Việt Nam. Trong lúc đang hoàn cảnh sức yếu thế cô, có một người mạnh như Mỹ từ xa đến bênh vực và nói lên lời phải trái, vui mừng là chuyện tự nhiên.

“Mỹ đang trở lại”. Câu nói đó, suốt tháng qua, hẳn đã dội lại từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ của rất đông người Việt. Hình ảnh một hàng không mẫu hạm George Washington hùng mạnh đậu ngoài khơi Đà Nẵng như nhắc nhở câu chuyện của tháng Ba 1965 khi Chuẩn Tướng Frederick J. Karch và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Viễn Chinh đổ bộ xuống thành phố này mở đầu cho cuộc chiến lâu dài nhất mà Mỹ đã tham gia. Khác chăng lần này Mỹ trở lại không phải để bảo vệ miền Nam nhưng bảo vệ Việt Nam. Ở hải ngoại, thậm chí có người còn đi xa hơn khi cho rằng người Mỹ sẽ giúp xây dựng một chế độ tự do dân chủ để họ sớm trở về sống những ngày cuối đời trong thanh bình, an lạc. Ở trong nước có vị còn nóng lòng cho rằng Việt Nam phải gấp rút chế bom nguyên tử. Tất cả không hẹn đã vô tình sắp hàng dưới ngọn cờ của Đảng. Như thế mới biết tình yêu nước, dù trong một thanh niên hay một chính trị gia giàu kinh nghiệm, có khi cũng vội vàng và đầy cảm tính như nhau.

Những lời tuyên bố của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton thật ra phát xuất từ chính sách ngăn chận (containment) đã bắt nguồn từ sau Thế Chiến thứ Hai. Một số nhà bình luận gọi chính sách Mỹ đang áp dụng là ngăn chận mới (new containment) mang nội dung kinh tế quân sự để phân biệt với chính sách ngăn chận thời Chiến Tranh Lạnh mang nội dung chống Cộng sản. Để hiểu các hoạt động của Mỹ trong vùng Đông Nam Á, thiết tưởng nên đọc lại chính sách ngăn chận mà Mỹ đã và đang áp dụng.

Tháng 2 năm 1946, George F. Kennan còn là một nhân viên ngoại giao trung cấp làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại Liên Xô. Để đáp lại câu hỏi của Bộ Tài Chánh Mỹ gởi tòa đại sứ tại sao Liên Xô lại chống lại việc thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, George F. Kennan gởi Bộ Ngoại giao Mỹ một bản phân tích qua hình thức một điện tín dài 5,500 chữ, trong đó ông trình bày một cách chi tiết quan điểm của Stalin về tương lai nhân loại, mục tiêu và chiến lược của Liên Xô sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới, điểm mạnh và điểm yếu của chế độ Cộng sản, đồng thời đề nghị một số biện pháp cần thiết phải được áp dụng để ngăn chận làn sóng Cộng sản. 

Bài phân tích của George Kennan không có tựa đề nên chỉ được biết ngày nay như là Bức Điện Tín Dài. Nếu bản phân tích được gởi đến Bộ Ngoại giao Mỹ một năm trước đó, có lẽ nó đã vào sọt rác hay đi thẳng vào phòng lưu trữ vì Mỹ và Liên Xô còn đang liên minh nhau tấn công Đức từ hai hướng Đông, Tây. Nhưng tháng 2 năm 1946, văn kiện đã làm Bộ Ngoại giao chú ý. Chính tổng thống Harry S. Truman cũng chỉ thị thành lập một nhóm nghiên cứu để phân tích bản tường trình của George Kennan và phát thảo một chính sách đối ngoại dựa trên các dữ kiện mà ông đưa ra. Bức điện tín của George Kennan được xem như một trong những văn kiện lịch sử bởi vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần nửa thế kỷ, từ sau Thế chiến thứ Hai cho đến khi hệ thống Liên Xô sụp đổ năm 1991. Chính sách đối ngoại chỉ đạo của Mỹ đặt cơ cở trên những phân tích của George Kennan được gọi là ngăn chận (containment).

Hàng loạt các chủ thuyết như Domino, Nixon, Reagan; các kế hoạch kinh tế như Marshall Plan; các liên minh như Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (The North Atlantic Treaty Organization) gọi tắt là NATO tại châu Âu, Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization) gọi tắt là SEATO tại Đông Nam Á hay Hiệp ước Hỗ tương Liên Mỹ Châu (Inter‐American Treaty of Reciprocal Assistance) tại Mỹ Châu cũng đều phát xuất từ chính sách chỉ đạo ngăn chận đó. Suốt 9 đời tổng thống từ Harry Truman đến George Herbert Walker Bush, tùy thuộc vào điều kiện chính trị quốc tế trong mỗi giai đoạn, các chiến lược chiến thuật cũng được thay đổi thích nghi nhưng đều không đi xa mục tiêu chính là ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. George Kennan được xem như là cha đẻ của lý thuyết ngăn chận.

Chính sách ngăn chặn đã diễn ra dưới nhiều hình thức. Bên cạnh cuộc chạy đua vũ trang, Star Wars, viện trợ và phản viện trợ, đảo chánh và phản đảo chánh, cách mạng và phản cách mạng, các cuộc giành dân chiếm đất bằng súng đạn cũng đã diễn ra tại một số quốc gia độn với nhiều mức độ khác nhau.

Các lý thuyết về quốc gia độn có nguồn gốc rất xa xưa nhằm chỉ các vùng đất hay quốc gia nhược tiểu nằm giữa hai cường quốc đối nghịch. Từ thời La Mã, các hoàng đế của đế quốc mênh mông đó đã nghĩ đến việc thiết lập các vùng đất rộng được gọi là vùng giới hạn nằm ngoài biên giới. Về sau, các học giả giải thích khái niệm vùng độn một cách rộng rãi chứ không chỉ thuần nguyên nhân địa lý. Vùng độn có khi chỉ là một dải đất rộng vài chục cây số vuông để bảo đảm cho an ninh nội địa như trường hợp các làng xã nằm phía Nam Lebanon và khu vực Golan Height đối với nền an ninh Do Thái, có khi là một quốc gia như trường hợp Ba Lan sau Thế chiến thứ Nhất nằm giữa Nga và Đức, có khi bao gồm nhiều quốc gia như hàng loạt các nước Đông Âu nằm giữa Liên Xô và khối dân chủ Tây phương, cũng có khi bao gồm chỉ một quốc gia và một khối như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan.

Sau chiến tranh Việt Nam, chính sách Ngăn Chặn của Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và nhất là Ronald Reagan đã chuyển từ thế thủ sang thế công ở Afghanistan như Brzezinski kể lại “Nay chúng ta cơ hội để tặng cho Nga một Việt Nam riêng của họ”, bằng việc yểm trợ vũ khí cho phe Contras ở Nicaragua, giúp đỡ cho Liên minh Dân tộc Vì Độc lập Hoàn toàn của Angola (The National Union for the Total Independence of Angola, UNITA) ở Angola, đồng thời đẩy mạnh với kế hoạch chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém nhằm làm phá sản nền kinh tế Liên Xô. Cuối cùng hệ thống Liên Xô kiệt quệ và tan rã.

Hiện nay, chủ nghĩa Cộng sản chỉ còn thoi thóp ở vài nơi, Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt nhưng chính sách ngăn chận đối với Nga và Trung Quốc, hai đối thủ nguyên tử đang cạnh tranh kinh tế và quân sự với Mỹ vẫn được tiến hành.

Đối với Nga, bất chấp lời hứa vào những năm đầu 1990 rằng NATO sẽ không mở rộng ra khỏi biên giới Đức, Mỹ đã mời hàng loạt quốc gia, không chỉ các nước thuộc khối Cộng sản Đông Âu trước đây mà còn những quốc gia nhỏ nhưng có biên giới sát với Nga như Latvia, Lithuania, Estonia tham gia vào NATO. Ngoài ra, Mỹ còn dự tính thiết lập hàng rào hỏa tiễn tại Ba Lan để gọi là “phòng thủ” nhưng thực tế là “trung lập hóa” hàng rào hỏa tiễn Nga. Lãnh tụ Nga Vladimir Putin xem kế koạch của Mỹ chẳng khác gì dựng lên một Cuba ở Đông Âu. Ở phía Nam, Mỹ bao vây Nga bằng cách ủng hộ Ukraine và Georgia. Ukraine giữ một vị trí cực kỳ quan trọng về cả chiến lược lẫn văn hóa. Các sử gia Nga theo truyền thống vẫn gọi thủ đô Kiev là “Mẹ của các thành phố Nga”. Mỹ cũng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Kosovo và công khai phản đối Nga khi họ thẳng tay đàn áp phong trào đòi ly khai của dân Chechnya, một trong 83 Cộng hòa độc lập trong Liên bang Nga. Dù sao, chuyến viếng thăm Nga của tổng thống Barack Obama vào đầu tháng 7, 2009 đã giúp làm dịu một số căng thẳng giữa hai nước. Nga đơn phương cho phép võ khí và quân đội Mỹ được sử dụng không phận Nga trên đường đến Afghanistan thay vì phải vượt qua đèo Khyber hiểm trở. Hai tháng sau đó, Obama đã làm Vladimir Putin ngạc nhiên khi tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng phòng tuyến hỏa tiễn tại Ba Lan. Đáp lại, Nga cũng hủy bỏ ý định trả đũa các dự tính quân sự tại Ba Lan của cựu tổng thống George W. Bush.

Việc làm dịu quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga cũng dễ hiểu vì đối thủ chính trong thế kỷ 21 của Mỹ không phải Nga mà là Trung Quốc.

Nếu tính từ thời điểm 1978, khi chính sách đổi mới của Đặng Tiểu Bình ra đời đến nay, Trung Quốc là quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm, lợi tức bình quân tính theo đầu người của Trung Quốc vào năm 2005 tăng gấp 9 lần. Mới đây, đệ nhị cá nguyệt của 2010, Trung Quốc chính thức qua mặt Nhật Bản để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc là nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cho cả thế giới. Dù thương hay ghét, dù ủng hộ hay bài trừ, một nửa đồ dùng trong trong nhà một gia đình Mỹ được chế tạo tại Trung Quốc. Từ chiếc DVD, TV, máy in, máy điện toán cá nhân, giày dép, áo quần và ngay cả lá cờ Mỹ, cũng “Made in China”.

Ngoài các lý do chủ quan phát xuất từ chính sách kinh tế của họ Đặng, một yếu tố khách quan thuận lợi cho việc phát triển nhanh chóng là việc nước này hội nhập vào thế giới đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang bắt đầu chuyển động theo hướng toàn cầu hóa. Chỉ trong vòng 25 năm, từ một quốc gia tự cô lập, Trung Quốc trở thành một cường quốc và đang tiếp tục xuất hiện như một siêu cường của thế kỷ 21. Chính sách của Trung Quốc ảnh hưởng cả thế giới, không phải chỉ trong lãnh vực kinh tế, tài chánh, ngân hàng mà cả chính trị và quân sự.

Nếu lịch sử là một chu kỳ lặp lại, tham vọng bành trướng của Trung Quốc không khác nhiều so với thời kỳ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ và chủ nghĩa Thực dân Âu châu bắt đầu xâm thực các nước Á, Phi vào đầu thế kỷ 18. Chỉ trong vòng 6 năm, từ 2001 đến 2006, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước Phi Châu đã tăng từ 1 tỉ đô la đến 50 tỉ đô la. Hai chục năm trước đây, ít khi các lãnh đạo Trung Quốc đặt chân đến Phi châu, nhưng chỉ trong 5 năm qua, các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã viếng thăm Phi châu 5 lần để tăng cường các hợp tác kinh tế quân sự giữa Trung Quốc và lục địa đầy tài nguyên thiên nhiên này. Trung Quốc hiện diện cùng khắp Phi Châu, từ bệnh viện đến trường học, từ cầu cống đến phi trường và đang tiêu diệt tận gốc rễ mọi mầm mống phát triển kinh tế của các quốc gia mới vừa thoát khỏi ách thực dân và nội chiến. Giấc mơ độc lập của các nước châu Phi chỉ là một giấc mơ trong quá khứ.

Tuy nhiên, con bạch tuộc Trung Quốc rất hùng hổ, rất đe dọa đối với thế giới bên ngoài nhưng lại rất yếu đuối, mong manh trong nội bộ. Bà Susan L.Shirk, một học giả quan tâm đến Trung Quốc khi còn là một những sinh viên Mỹ thăm viếng Trung Quốc và được Thủ tướng Chu Ân Lai chào đón vào năm 1971, trong tác phẩm Trung Quốc, siêu cường dễ vỡ cho rằng đe dọa lớn nhất của Trung Quốc là từ bên trong.

Về chính trị. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải lo ứng cử đề cử như các quốc gia dân chủ, nhưng lại cho sợ mất quyền hành hơn là các lãnh đạo Tây phương dân chủ. Bài học Liên Xô và các chế độc tài khác trong lịch sử đã cho giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc biết không sớm thì muộn tòa lâu đài xây trên cát hiện nay cũng bị ngọn sóng dân chủ cuốn ra khơi. Các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc luôn bị ám ảnh với các những cuộc nổi dậy như Thiên An Môn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ tại đâu trên lãnh thổ mênh mông và đầy dị biệt sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự thay đổi các triều đại phong kiến Trung Quốc là những cuộc thanh toán nhau bằng máu. Ngày nay, những mâu thuẫn giữa mức độ xã hội hóa của nền kinh tế và cơ chế chính trị ngày càng trầm trọng đến nỗi nhiều học giả cho rằng vấn đề không phải chế độ độc tài Cộng sản tại Trung Quốc có sụp đổ hay không mà là sớm hay muộn.

Về kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc tăng liên tục trong mấy chục năm qua nhưng không có nghĩa là sẽ tăng mãi mãi. Nền kinh tế Trung Quốc tuy nằm trong tay một đảng có tổ chức rất cao, nhưng sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phần lớn lệ thuộc vào kinh tế thế giới. Một định luật có tính lặp lại theo chu kỳ của nền kinh tế thị trường là tăng trưởng, suy thoái và điều chỉnh. Và khi có sự điều chỉnh, kinh tế thị trường sẽ dẫn đến hậu quả thất nghiệp trong kỹ nghệ và trong nông nghiệp, lạm phát gia tăng, giá cả đắt đỏ, tiền lương hạ thấp, tiền tiết kiệm ký thác trong ngân hàng sẽ bị hàng trăm triệu người đạp lên nhau để rút ra. Thời đại tin học có lợi nhưng cũng vô cùng tác hại khi các nguồn tin được tung ra quá nhanh chóng, nhưng lại không có phương tiện để kiểm chứng. Quân đội dù có đông đảo và tàn bạo bao nhiêu cũng không thể ngăn được làn sóng của một tỉ người từ Hải Nam đến Tân Cương đều có một phản ứng tiêu cực giống nhau. Các cuộc biểu tình ở Tân Cương mới đây cho thấy không nhất thiết phải có một tổ chức quy mô nhưng chỉ cần một tin ngắn được phát ra đúng lúc và đúng chỗ cũng có thể tạo nên một biến cố lớn. Bom nguyên tử, hỏa tiễn, chiến hạm, tàu ngầm đều trở thành vô dụng.

Về quân sự. Trung Quốc là một đất nước có lịch sử phân hóa và nội phản từ trong xương tủy. Là một nước lớn, nhưng Trung Quốc thường không đủ khả năng bảo vệ chính mình. Đừng nói chi thời cuối đời nhà Thanh bị 8 nước Mỹ và Âu Châu cấu xé, mà ngay thời nhà Tống vàng son nhất của Trung Quốc cuối cùng rơi vào tay Mông Cổ, một nước rất nhỏ trên thảo nguyên phía Bắc. Và một lần nữa vào thế kỷ 17, khi nhà Minh, một triều đại rất mạnh về quân sự nhưng cũng không tránh bị tiêu diệt trong bàn tay của dân tộc Mãn Thanh nhỏ bé. Lịch sử Trung Quốc cũng để lại rất nhiều bài học về các cuộc nổi loạn lớn làm lung lay tận gốc rễ nhiều đế chế trước đó tưởng chừng không thể nào sụp đổ. Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc là một ví dụ điển hình. Mặc dù loạn Hồng Tú Toàn bị dẹp nhưng đã mang theo sinh mạng của 20 triệu người trong 15 năm khói lửa. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không được may mắn như nhà Thanh vì họ sẽ không tồn tại được lâu như thế.

Về xã hội. Trước thời mở cửa kinh tế, đại đa số người dân Trung Quốc lớn lên từ nơi họ sinh ra nhưng từ khi kinh tế phát triển, lực lượng lao động của Trung Quốc đổ dồn vào các thành phố. Sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, đô thị và nông thông ngày càng trầm trọng. Tại Trung Quốc, chỉ 10 phần trăm dân số chiếm hữu 45 phần trăm tài sản quốc gia. Sự phân cực trong xã hội do hậu quả của phát triển kinh tế không cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Giống như các nước dân chủ, khi gặp khó khăn, người dân sẽ đặt vấn đề với hàng ngũ lãnh đạo, nhưng khác với các nước dân chủ, cách giải quyết tại Trung Quốc cũng như tại hầu hết các nước độc tài thường diễn ra bằng sắc máu. Với sự phân cách về địa lý và dị biệt về chủng tộc tại Trung Quốc, sẽ không có một hình thức cách mạng nhung, cách mạng da cam, da vàng nào dành cho Trung Quốc. Cách giải quyết dùng xe tăng, đại pháo bắng thẳng vào những thanh niên tay trắng tại Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình đối với phần lớn nhân loại là dã man nhưng lại phù hợp với truyền thống dã man của Trung Quốc. Biến cố Thiên An Môn đã qua gần 20 năm nhưng vẫn là mối ám ảnh thường xuyên trong giấc ngủ của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bởi vì đảng chỉ dập tắt ngọn lửa trên quảng trường Thiên An Môn nhưng không dập tắt được ngọn lửa chống đối trong lòng người. Ngọn lửa tự do dân chủ đó vẫn sáng và sẽ một ngày bùng cháy.

Về đối ngoại. Trung Quốc có nhiều đối thủ lợi hại, trong đó gồm Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ trong 10 năm qua đã phát triển đến một mức độ vô cùng phức tạp. Mỹ là một trong những quốc gia nhập cảng nhiều nhất từ Trung Quốc, từ 100 tỉ đô la năm 2000 đến 296 tỉ đô-la vào năm 2009. Trung Quốc nhập cảng từ Mỹ cũng tăng từ 16 tỉ đô-la năm 2000 đến 70 tỉ đô-la năm 2009. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhau về mặt kinh tế không có nghĩa là các chính quyền Mỹ không xem Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm trong tương lai gần và không có nghĩa là Mỹ ngồi yên để nhìn bàn tay tham vọng của Trung Quốc vươn xa toàn thế giới.

Ngày 29 tháng Giêng, 2010, chính quyền Obama chấp thuận thương vụ trị giá 6.4 tỉ đô-la gồm trực thăng Black Hawk và võ khí chống hỏa tiễn Patriots, tàu vét mìn cho Đài Loan, cùng với việc hợp tác để sản xuất tàu ngầm hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc lãnh hải của họ. Trung Quốc luôn xem Đài Loan thuộc về Trung Quốc, do đó, như Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc He Yafei tức khắc phản đối cho rằng Mỹ đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc trả thù bằng cách hủy bỏ các thương vụ của Trung Quốc với các công ty Mỹ đang bán võ khí cho Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đáp lại: “Đây là một bằng chứng rõ ràng, chính phủ Mỹ phải cung cấp cho Đài Loan các võ khí phòng thủ mà họ cần”. Ngoài ra, chính phủ Mỹ xác định tiếp tục xem xét nhu cầu phòng thủ không phận Đài Loan trước khi bán cả phi cơ chiến đấu F-16 tinh xảo cho Đài Loan.

Sau đó hai tuần lễ, ngày 18 tháng Hai 2010, Tổng Thống Barack Obama đã tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma tại tòa Bạch Ốc. Lần nữa, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ và cho rằng việc tiếp vị lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng là vi phạm lời cam kết của Mỹ rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Mỹ đáp lại, mặc dù Mỹ công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng phải tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa Tây Tạng và phần còn lại của Trung Quốc. Để làm nhẹ ảnh hưởng của buổi tiếp kiến, chính quyền Obama không cho phép báo chí vào chụp hình, nhưng sau buổi tiếp kiến, tòa Bạch Ốc đã công bố bức hình Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng Thống Obama ngồi cạnh nhau. Phát ngôn viên tòa Bạch ốc ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã theo đuổi mục tiêu bằng phương pháp bất bạo động và cho báo chí biết tổng thống Obama đã ủng hộ một cách mạnh mẽ việc giữ gìn đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa, và tôn giáo độc đáo của dân tộc này.

Nhưng dù bán bao nhiêu võ khí cho Đài Loan hay tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đài Loan và Tây Tạng cũng chỉ là những yếu tố tĩnh chứ không phải yếu tố động. Cả hai đều không hội đủ điều kiện để tạo nên những biến cố có ảnh hưởng vùng hay thế giới. Những cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng đều mang tính địa phương, gây được thiện cảm nhưng không có tác dụng lớn với chính quyền Trung Quốc. Chuyện Trung Quốc thanh toán Đài Loan bằng võ lực cũng rất khó xảy ra vì Trung Quốc biết Hoa Kỳ không bao giờ để xảy ra và dù có xảy ra cũng chưa chắc đã thắng, còn chuyện Đài Loan giải phóng Trung Hoa lục địa thì đã chết theo Tưởng Giới Thạch từ 1975. Chỉ có hai quốc gia độn là Bắc Hàn và Việt Nam mới thật sự đóng vai trò quan trọng.

Không ai biết rõ, hiểu rõ Bắc Hàn và Việt Nam hơn đàn anh Trung Quốc và cũng không ai hiểu thế mạnh thế yếu của đàn anh Trung Quốc hơn Bắc Hàn và Việt Nam. Như lịch sử chứng minh, Trung Quốc sẽ phải làm tất cả những gì có thể làm, kể cả hy sinh mạng sống của nhân dân họ để duy trì ảnh hưởng với hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Bắc Hàn.

Đối với Bắc Hàn, ngoài mấy chục ngàn chí nguyện quân Trung Quốc đã bỏ thây trong chiến tranh Nam Bắc Hàn, Trung Quốc hàng năm đã phải dành riêng một nguồn tài nguyên, của cải lớn để nuôi dưỡng Bắc Hàn. Mặc dù không có tài liệu chính thức nào cho biết tổng số viện trợ Trung Quốc dành cho Bắc Hàn là bao nhiêu nhưng cả thế giới đều biết nguồn viện trợ chính của Bắc Hàn không đến từ đâu khác hơn là Trung Quốc. Theo báo Korea Times, Trung Quốc cung cấp gần hết nguồn năng lượng cho Bắc Hàn và một nửa số thực phẩm người dân Bắc Hàn đang dùng mang nhãn hiệuTrung Quốc.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng hành vi và cách cư xử bất thường của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật trong quan hệ ngoại giao quốc tế nhiều khi đặt giới lãnh đạo Trung Quốc vào vị thế khó xử. Nhận xét đó chỉ đúng một nửa. Với Trung Quốc, một Kim Chính Nhật bất bình thường vẫn tốt hơn là một Kim Chính Nhật bình thường, một Bắc Hàn tự cô lập vẫn tốt hơn là một Bắc Hàn mở rộng. Giả thiết, vì bất cứ lý do gì, Bắc Hàn trở mặt với Trung Quốc, quay sang bắt tay với Mỹ, hòa giải với Nam Hàn, mở cửa ngoại thương, hội nhập vào thế giới v.v... quả thật vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Nếu một ngày nào đó Kim Chính Nhật giống như nhà độc tài Libya Muammar al-Gaddafi, người mà trước đây từng bị cố Tổng Thống Reagan gọi là “Chó dại vùng Trung Đông”, bỗng dưng “buông đao đồ tể” lên tiếng kết án khủng bố, xin lỗi nạn nhân, Trung Quốc sẽ phải lo lắng nhiều hơn là mừng rỡ. Không có Kim Chính Nhật, chung quanh Trung Quốc sẽ còn lại toàn là kẻ thù. Ngoài mấy chục ngàn quân Mỹ và Hạm đội thứ Bảy hùng hậu đặt bản doanh ở Yokosuka, Trung Quốc bị bao vây bởi hai anh khổng lồ Nhật Bản và Ấn Độ. Kim Chính Nhật biết rõ thế yếu của Trung Quốc nên sử dụng vị trí sân sau và lá bài võ khí nguyên tử của mình một cách có lợi cho việc duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối trên bán đảo Triều Tiên. Không có tài trợ từ Trung Quốc, Bắc Hàn sẽ sụp đổ; nhưng không có Bắc Hàn, phòng tuyến an ninh dài 1400 km phía Đông Bắc sẽ bị phá vỡ. Trung Quốc ưa thích Kim Chính Nhật? Chắc chắn là không, nhưng cần thì quá sức cần.

Khác với Phi Châu, chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà quan trọng hơn là an ninh và quân sự. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm phần lớn các đảo trong vùng Biển Đông mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền. Tháng Hai 1992, quốc hội Trung Quốc ngang ngược thông qua một đạo luật tuyên bố rằng 80 phần trăm biển Đông là của họ. Năm 1994, Trung Quốc ngang nhiên thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo bất chấp sự phản đối của thế giới. Trong quá trình bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam là nước bị thiệt hại nặng nhất về lãnh thổ, lãnh hải và nhân mạng.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam có một lịch sử lâu dài từ ngày Đảng Cộng sản hai nước được thành lập. Năm 1950, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cả hai nước đã thừa nhận sự đóng góp của cải và xương máu của Trung Quốc vào mục đích thiết lập chế độ Cộng sản tại Việt Nam.

Không giống như Kim Nhật Thành đầu độc cán bộ đảng và nhân dân Bắc Hàn bằng mớ lý luận Juche mơ hồ, không tưởng, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là những người Cộng sản đệ Tam chính thống, vốn thấm nhuần lý thuyết Mác Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông. Các lãnh đạo đảng là những người tuyệt đối trung thành với lý tưởng Cộng sản và có một thời rất lâu tin một cách chân thành vào đàn anh Trung Quốc. Việc chọn đứng về phe Liên Xô và tiến chiếm Campuchia của Việt Nam đã dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và hàng loạt các cuộc đụng lớn vào những năm sau đó như trận Cao Bằng 1980, Lạng Sơn và Hà Tuyên 1981,Vị Xuyên Hà Tuyên 1984, Lão Sơn Hà Giang 1984, Vị Xuyên lần nữa vào 1985 và 1986.

Sau khi hệ thống Liên Xô sụp đổ, chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng lý luận, bang giao quốc tế, viện trợ kinh tế cũng sụp đổ theo. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng bên bờ vực thẳm và không còn con đường nào khác là lần nữa tìm nơi nương tựa dưới tàng cây Trung Quốc.

Tháng 9 năm 1990, lãnh đạo cao cấp của hai đảng gặp ở Thành Đô để bàn về việc giải quyết xung đột Campuchia và tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngay vào thời điểm một siêu cường như Liên Xô và cả khối Đông Âu đã sụp đổ mà các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô lãnh đạo phong trào Cộng sản thế giới và tiếp tục giương cao ngọn cờ Xã hội Chủ nghĩa. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã viết lại trong hồi ký của ông: “Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và CNXH thế giới, chống lại hiểm hoạ ‘diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm ‘giải pháp Đỏ’, tức giải pháp nhằm loại bỏ các thành phần không Cộng sản ra khỏi chính quyền liên hiệp tại Campuchia.

Dù sao, sau lần gặp gỡ đó, quan hệ Việt Trung đã cải thiện. Hàng loạt các thỏa hiệp đã được ký kết. Năm 1999, Giang Trạch Dân đề ra một khẩu hiệu để biểu hiện cho mối quan hệ mới giữa hai nước và được gọi là 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị. Hợp tác toàn diện. Ổn định lâu dài. Hướng tới tương lai”. Một vài quan điểm cho rằng mười sáu chữ vàng là chiếc vòng kim cô Đảng phải đội trên đầu, nhưng cũng có nguồn tin khác cho rằng Đảng còn muốn lệ thuộc hơn thế nữa bằng việc thay chữ hợp tác “toàn diện” thành hợp tác“chiến lược” nhưng Trung Quốc không đồng ý.

Trung Quốc hiểu vị trí khó khăn của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, trong lúc Việt Nam tìm cách để được phụ thuộc vào Trung Quốc như một đàn anh Xã hội Chủ nghĩa, Trung Quốc tỏ ra thiếu tin tưởng vào người đàn em có một quá khứ đầy phản trắc này. Ngoài miệng tuy không ngừng lặp lại mười sáu chữ vàng, trong thâm tâm, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng nước lớn bằng việc ra lịnh hải quân Trung Quốc bắn thủng các tàu thuyền đánh cá của Việt Nam một cách không thương tiếc. Hành động coi thường sinh mạng người Việt là một cách thể hiện thái độ khinh bỉ giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam.

Ngày 23 tháng Bảy vừa qua, cái nút chặn Việt Nam mà Trung Quốc tin rằng không thể nào thoát được bỗng dưng lỏng lẻo. Chiếc vòng kim cô Trung Quốc gắn lên đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có nguy cơ rơi xuống. Chuyến viếng thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và một loạt những biến cố chung quanh bao gồm việc hợp tác hạch nhân mà không bao gồm các điều khoản cấm tinh chế Uranium và chuyến viếng thăm vùng biển Đà Nẵng của Hàng không Mẫu hạm USS George Washington đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong vùng. Và lần nữa, Việt Nam lại đóng vai trò của một vị trí chiến lược trong chính sách ngăn chận của Mỹ đối với Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Đất Việt Nam, máu Việt Nam, xương thịt Việt Nam trong số phận của một sân sau an toàn của Trung Quốc và một tiền đồn của phe chống Trung Quốc bành trướng, do nhu cầu của chính sách ngăn chận mới, có thể sắp bắt đầu lên giá.

Nhìn vào bản đồ Á châu, chúng ta không khỏi nghĩ đến chiến tranh Trung Mỹ rồi sẽ phải xảy ra. Dù các nhà bình luận có cho rằng quyền lợi của các siêu cường ngày nay đã phụ thuộc, quyện lẫn vào nhau đến mức độ không thể có một bên thắng, một bên bại nếu chiến tranh bùng nổ. Nhưng quan niệm đó không phải là mới. Trước đây đã có nhiều người nói như thế. Sau Thế chiến thứ Nhất, Hội Quốc Liên được thành lập với chức năng duy nhất là bảo đảm nhân loại sẽ không bị tàn sát khủng khiếp như thế nữa. Bao nhiêu tài năng và nỗ lực đã được dành vào mục đích đó, nhưng chưa đầy 20 năm sau, nhân loại lại phải lao vào cuộc chém giết với hậu quả trầm trọng gấp nhiều lần hơn trước.

Cuộc xung đột Mỹ, Trung, Nga trong Chiến tranh Lạnh để lại nhiều bài học quý giá về số phận của những sân sau, tiền đồn và vùng độn. Có những tiền đồn chìm đắm trong chiến tranh hận thù nghèo đói như Cu Ba, Việt Nam, Bắc Hàn, Afghanistan nhưng cũng có những tiền đồn nhờ xung đột đã trở nên giàu có như Nam Hàn, Tây Đức, Đài Loan. Có những vùng độn phải trở thành chư hầu lệ thuộc như các nước Đông Âu thời Liên Xô nhưng cũng có những vùng độn nhờ tài năng của những người lãnh đạo mà duy trì được độc lập như Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ. Và đặc điểm chung rõ nét của những quốc gia vượt qua được số phận sân sau, tiền đồn và vùng độn để trở nên thăng tiến giàu mạnh chính là dân chủ. Dân chủ là đôi cánh thời đại đã giúp Nam Hàn, Đài Loan, Tây Đức, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua những vị trí địa lý chính trị khó khăn và trở thành quốc gia giàu mạnh, được kính trọng, có tiếng nói độc lập trong bang giao quốc tế.

Không ai có thể tiên đoán một ngàn năm nữa Việt Nam sẽ ra sao. Nhưng dù ra sao thì đó cũng là trách nhiệm của các thế hệ sau này. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay là giữ nguyên vẹn được mảnh đất mà tổ tiên để lại và xây dựng trên đó một căn nhà thương yêu, đoàn kết, tự do, dân chủ và giàu mạnh. Dân chủ sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất để ngăn chận những đe dọa từ Trung Quốc và dân chủ cũng là phương tiện giúp Việt Nam thăng tiến cùng thế giới.

Những lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton chưa hẳn giúp gì cho số phận của các anh Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim v.v… đang ở trong tù như một số người đang nghĩ, trái lại các nỗ lực của họ có thể bị quên đi hay bị cuộc tranh chấp Mỹ - Trung che mờ đi. Với Mỹ, chủ nghĩa Cộng sản thế giới đã chết. Những chế độ độc tài còn rơi rớt ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba, Bắc Hàn phát xuất từ điều kiện riêng của các quốc gia này chứ không phải nhờ vào các tinh hoa tinh huyết gì của chủ nghĩa Cộng sản. Ngày nay, Mỹ đối xử với các chính quyền Trung Quốc hay Việt Nam như là những chính quyền hợp pháp mặc dù Mỹ biết không ai bầu các chính quyền này ra.

Cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam, vì thế, còn nhiều khó khăn và sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, hy sinh. Tuy nhiên như bác sĩ Lê Nguyên Sang vừa phát biểu sau khi vừa ra khỏi tù “Con đường dân chủ Việt Nam là con đường không thể đảo ngược được”. Đúng vậy. Dân chủ, tự do, bình đẳng là quyền bẩm sinh của mỗi con người. Không một ông Harry Truman nào đến Nam Hàn để trao món quà dân chủ trước đây và cũng không có bà Hillary Clinton nào đến Việt Nam để ban phát tự do hôm nay. Sáu chục năm trước, từ đống tro tàn của cuộc chiến, nếu có người tiên đoán rằng năm 2010, Nam Hàn sẽ là một cường quốc kinh tế thứ tư của Á Châu và thứ mười hai của thế giới, người đó có thể bị cho là mỉa mai dân tộc Triều Tiên hay là điên khùng. Tương tự hôm nay, có thể cũng có người cười mai mỉa khi nghe rằng dân tộc Việt Nam rồi cũng sẽ đạt đến điểm hẹn huy hoàng tự do, dân chủ, giàu mạnh như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới đã từng đạt được. Đó không phải là một khẩu hiệu, một ước mơ, nhưng là sự thật, là chân lý. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn có mặt trong cuộc vận hành lịch sử của dân tộc Việt Nam trước hết họ phải tự tan biến đi.

© 2010 Trần Trung Đạo
© 2010 talawas

3 nhận xét:

  1. Bài phân tích thấu tình đạt lý.
    Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Trung Đạo : "Đảng Cộng sản Việt Nam muốn có mặt trong cuộc vận hành lịch sử của dân tộc Việt Nam trước hết họ phải tự tan biến đi. "

    -Chĩ xin Đãng có một điều : Khi nào "tự tan biến đi" thì xin Đãng ôm theo đi luôn ba cái thứ biễu tuợng cuả hận thù như tuợng đài , hình ảnh , cờ xí, khẩu hiệu cho ba con cô bác nhờ !

    Trả lờiXóa