Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Khuất Đẩu – Những đám mây màu lúa chín

Đã đến lúc những đám mây trắng lang thang trở nên ngoan ngoãn như một bầy cừu kéo nhau về núi. Nền trời đã bớt xanh và lúa cũng thôi rạp mình dưới những cơn gió nồng mặn mùi biển. Mặt trời ném những tia nắng cuối cùng trên lưng lũ cừu và chúng vụt sáng bừng lên với một màu vàng mà bà tôi thường bảo đó là màu lúa chín.

Bà, lúc nào cũng lúa lúa! Ước gì đó là những đám mây mạch nha, bà nhỉ! Tôi nói thế, bởi vì lúc ấy, mạch nha với tôi là ngon nhất và vì tôi hãy còn quá nhỏ để thấy được rằng, đó là cách so sánh đầy hình tượng mà bà tôi phải mất cả một đời người, sống chết với cây lúa mới có được. Tôi chưa đủ khổ đau để thấy rằng trong cái màu vàng sậm đó có màu nâu bùi của đất, màu mật ong của mồ hôi, màu lưu ly của nước mắt.

Và, cái thời khắc mong manh khi những đám mây ngả màu lúa chín ấy dễ khiến xui người ta mơ ước những cánh đồng mênh mông trĩu nặng lúa vàng. Cũng có thể bảo đó là hình ảnh của đồng lúa phản chiếu lên nền trời lúc ấy sáng như gương. Người ta nói mái tóc màu rượu vang, chiếc áo màu mận chín, nước da màu bánh mật thì bà tôi nói mây màu lúa chín cũng được chứ sao!

Khi những đám mây ngả màu rơm, nghĩa là nhạt hơn, buồn hơn, dễ biến thành màu tro, thì cũng là lúc mùi khói bếp cay cay cùng với mùi cá kho đậm đậm báo hiệu bữa cơm chiều sắp được dọn ra sân. Đây là những mùi có cánh tay dài như bạch tuộc, cho dù ở rất xa, vẫn đủ sức bóp nặn khiến ruột gan ta cồn cào như sóng.

Bạn đã bao giờ ăn một bữa cơm nhà quê chưa? Mâm là một cái nia đựng đầy chén bát, cộng thêm một cái nồi đồng đầy lọ nghẹ nằm gọn trong lòng một cái rế thắt bằng dây leo rừng, một trã cá kho thơm đến nghẹt mũi, một nồi canh dù khiêm nhường hơn vẫn cố góp thêm một chút mùi của lá bồ ngót, của bông bí… Những cái đòn nhỏ xíu cao thấp không đều nhau, có khi là một chiếc quạt mo, một cục gạch rải xung quanh. Mọi người ngồi xuống, ông tôi được bà tôi nhắc chừng xương cá mắc cổ và râu dài nhúng vào canh, em tôi được mẹ nhai cơm mớm vào miệng.

Tiếng chan húp xì xụp, tiếng em tôi xin xin, tiếng gọi con bên nhà hàng xóm, tiếng heo đói kêu ụt ịt, tiếng trâu bò gõ móng lộp cộp khi vào chuồng… Những âm thanh rời rạc không đủ tiết tấu để tạo nên khúc nhạc đồng quê nhưng vẫn dễ nghe hơn những tiếng còi xe, tiếng máy nổ, tiếng gầm gừ của con quái vật giấu mặt ở thành phố.

Tôi sẽ không nói tới sau đó là những đêm trăng tỏ với mùi hoa cau ngọt ngào vì như thế bạn sẽ lầm tưởng tôi đang nói tới thiên đường. Tôi chỉ muốn nói tới những con cóc từ trong hang bí mật lặng lẽ nhảy ra, ngồi chờ những con mối, những con kiến cho bữa cơm chiều. Trong khi đó, trên nền trời ngả màu tím sẫm, những ngôi sao bắt đầu chào hỏi nhau bằng cách nháy mắt sau một ngày dài không thấy mặt.

Giờ là lúc bà tôi ngồi ngoáy trầu trên thềm nhà, móm mém nhai một thứ không để nuốt mà để sẽ nhổ ra sau khi cái vị cay của lá trầu, vị chát của cau đã xông lên tận mũi, thấm vào tận óc, đôi lúc khiến bà hơi say say. (Các nhà sản xuất kẹo cao su không chừng cũng đã bắt chước cách nhai trầu của bà tôi cơ đấy).

Sau khi nhổ một bãi nước trầu sền sệt đỏ như máu, bà tôi bắt đầu trả nợ bọn cháu, những món nợ chỉ có bà và chúng tôi giao ước bí mật với nhau, chẳng hạn như xỏ giúp cho bà cây kim, vác mấy cây chổi tàu cau theo bà lên chợ, đi ra giếng miễu lấy nước ngọt cho bà pha trà. Chúng tôi làm những việc đó với cái giá dù một trăm năm cũng không cạn được cái kho tàng đầy ắp chuyện thần tiên, chuyện ma quỷ, chuyện xóm làng của bà.

Tối nay kể chuyện nghe bà!
Ờ, mau lên, tổ cha mày cái thằng láu lỉnh!

Các chủ nợ có lúc ngồi sát vào bà, đụng chỗ nào cũng xương, da chỗ nào cũng nhăn, chẳng có chi là hấp dẫn nếu không có những câu chuyện nghe hoài không biết chán cứ êm ái tuôn ra từ miệng bà. Những con trâu chết thành ma đụn, nó đen như một bãi phân trâu sau đó nó phình to như cái bồ lúa, choán hết cả đường không cho mình đi. Còn con ma bật nó giả làm cây tre ngả, mình bước qua là nó bật lên tận ngọn tre, rớt xuống là chết. Bọn nhỏ ôm riết lấy bà, giả bộ run, giả bộ sợ và rúc rích cười, trong khi ông tôi nằm trên võng, ải ải, bớ Tào A man, mi chạy đâu cho thoát, bớ ba quân vây chặt nó cho ta, thùng thùng...

Sau đó là bản hợp xướng bất tận của giun dế, của ếch nhái đưa mọi người vào một giấc ngủ sâu tưởng chừng không bao giờ thức dậy nữa.

Giờ đây, bà tôi đã không còn, tôi cũng đã xa cái miền quê chỉ có ánh trăng và sao thay cho ánh điện. Những cánh đồng đã bé lại, một đôi chỗ biến thành phố thị, thành sân gôn. Lúa vẫn chín vàng nhưng chẳng còn ai nghe ra mùi hương của đất, của mồ hôi. Những bữa cơm chiều vội vã, lũ bé con ăn mau để chơi game, người lớn coi phim bộ… mây màu gì chẳng ai buồn biết tới. Chỉ có trong những giấc mơ, một đôi lần tôi trông thấy bà tôi nằm ngủ trên những đám mây màu lúa chín.

8/2010

© 2010 Khuất Đẩu
© 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét