Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Một xã hội mà có tới 8% lỗi chính tả thì không phải là bình thường

Cách đây không lâu, "Báo cáo về tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt, đợt đánh giá tháng 6/2010" của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty VIEGRID JSC, đã gây nhiều chú ý trong dư luận. Theo kết quả xếp hạng thì trong 10 tổ chức kém nhất về chính tả tiếng Việt có những cơ quan truyền thông lớn như VietNamNet, VnExpress, Đài tiếng nói Việt Nam, Việt Báo VN, Việt Báo USA... Đại học Đà Nẵng cũng đứng trong Top Ten tính từ dưới lên này, trong khi dẫn đầu Top Ten tính từ trên xuống là Công ty chứng khoán ABC.


Trả lời phỏng vấn của Bee.net, TS Nguyễn Ái Việt, một trong các tác giả của báo cáo này, cho biết ông "quá bức xúc với việc người Việt mà sử dụng tiếng Việt sai chính tả triền miên, phổ biến, sai có tính hệ thống, sai từ các cơ quan truyền thông đến các bộ, ngành". Phần mềm soát lỗi tiếng Việt do ông thực hiện "ra đời để cảnh báo thực trạng đó và cũng góp phần làm tiếng Việt trong sáng hơn". Theo ông, "lỗi chính tả trong xã hội ta rất nặng. Một xã hội mà có tới 8% lỗi chính tả thì không phải là bình thường. Một xã hội nói 100 lần mà sai đến 8 lần thì không phải là chuyện đùa. Điều này quả đáng báo động."

6 nhận xét:

  1. Sao ít thế ?

    "Một xã hội nói 100 lần mà sai đến 8 lần thì không phải là chuyện đùa", tôi không rõ cái "xã hội" mà tác giả muốn nói đến ở đây là cái xã hội gì, chứ nếu muốn nói đến "xã hội chính trị" thì tôi nghĩ cái tỉ số sai của truyền thông chính trị của nhà nước ta nó phải là 4 lần hơn : nói 100 lần thì có đến 32 lần sai, hoặc là là dốt nát mà nói sai hoặc cố ý nói sai vì những mục đích khác nhau và tuy không có một số liệu thống kê nào tôi vẫn nghĩ rằng cái tỷ số 32/100 cũng không phải là một tỷ số khuếch đại .

    Trả lờiXóa
  2. Theo một đường dẫn chỉ trong bài tôi đọc thấy được cái này:
    Trích => (Như vậy, với số liệu về tỷ lệ lỗi nêu ra trong Báo cáo về tình hình chính tả cần được hiểu là tỷ lệ của số lần xuất hiện tập lỗi trên tổng số tập từ được chọn. Ví dụ như lỗi “thăm quan” (viết đúng là “tham quan”) có tỷ lệ 17,8%, nghĩa là nếu có 1.000 tình huống có từ tham quan xuất hiện thì có đến 178 từ được viết thành “thăm quan”.)
    Tới đây tôi không thể nín được cười khi liên hệ cái này tới những hình ảnh chụp được đăng trên báo trong nước, của chỉ mới bằng ấy tuổi mà “quan nhớn, bụng bự, mặt có nọng Hoàng Trung Hải” đi “vi hành” xuống xem cảnh bão lụt dân ta phải gánh chịu năm vừa rồi. Quan đi “bốt” chân trong nước (chứ sao?) chống nạnh tay chỉ chỏ giữa một bầy cò lớn bé để chụp ảnh làm PR (chứ sao? sính như giọng báo chí trong nước). Chúng phải viết thành “thăm quan” thì cũng dễ hiểu thôi, vì tình hình “nhạy cảm” quá mà viết là “tham quan” thì có khi bị chụp cho cái nón “thế lực thù địch” thì bỏ mẹ.
    Những cái giọng điệu: “Không sai nhưng chưa chuẩn”, hay như của thầy Nguyễn Đình Lộc gì đó: “Nói như thế là nguy hiểm chứ không phải là nói sai”, thì mọi chuyện né dễ như chơi, có gì đâu mà “bức xúc” phải không nào?
    Đùa chơi (tại sao không?) tôi lại thấy cái này là hiện tượng của một chứng bệnh lắm đấy, mà tôi gọi bỡn cợt là bệnh “đọc lệch lề” cho đúng điệu hơn là “chứng khó đọc” như họ nói ở đây, đối với các bạn đọc hiểu được tiếng Anh tiếng Pháp và với góc nhìn giễu đọc chơi cho biết vậy thôi.
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A9ng_kh%C3%B3_%C4%91%E1%BB%8Dc
    http://fr.wikipedia.org/wiki/Dyslexie
    http://en.wikipedia.org/wiki/Dyslexia

    Trả lờiXóa
  3. Lỗi "Chính Tả" thì ăn thua gì mà các bác xăm xoi và phản hồi lắm lời thế? Những Tội Lỗi lớn hơn gấp hàng triệu lần, tàn sát đến hàng trăm ngàn mạng người trong Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc mà vẫn chỉ có một lời Xin Lỗi qua quít; những trù dập gây cho hàng mấy chục nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ yêu nước trong Nhân Văn Giai Phẩm, đày đọa bản thân và gia đình người ta đến hàng chục năm (Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu ...), và cuộc thảm sát hàng ngàn dân ở Huế trong Tết Mậu Thân (th.2.1968); rồi sau đó, những tội lỗi tày trời họ gây ra cho biết bao gia đình Quân, Cán, Chính miền Nam từ tháng 4.1975 đến ngày nay (chồng đi "cải tạo", con bị thất học, vợ bị đẩy ra đường phố buôn mẹt, thậm chí phải bán thân nuôi con...) mà vẫn chưa có lời Xin Lỗi nào - Chưa hết đâu, những lỗi lầm to lớn như báo Đảng của tiến sĩ (!) Đào Trọng Quát đăng bài xúc phạm quyền lợi, uy tín của đất nước mà còn bị coi nhẹ tựa lông hồng thì "nhằm nhò" chi mấy lỗi nhỏ về Chính Tả chứ? Chẳng qua do "cậu đánh máy" buồn ngủ nên đánh máy hơi bị sai một chút đấy thôi, thưa các bác!

    Trả lờiXóa
  4. "Nỗi chính tả nàm em không nhận ra nớp người mới ở Việt Lam nà người gì lữa". Đùa tí nhé.
    Ngoại trừ việc nói ngọng của người VN ở Hà Nội hiện nay, mà đi đâu cũng nghe thấy dễ dàng, còn có những danh từ mới không biết từ đâu đến.
    Ngày xưa lúc tôi dạy học tiếng Việt cho trẻ con bên Pháp, có hôm nhận được cú phôn của cô giáo đồng nghiệp nhắn trong máy : bác Tri ơi, bác cố bố trí và tranh thủ thời giờ để chiều nay bác dạy học thế em nhé, em bị lên cơn sốt, Bác Sĩ dặn không được ra ngoài. Lần đầu tiên tôi nghe câu này tôi cười nắc nẻ. Từ bé đến lớn, chưa ai bảo tôi phải bố trí và tranh thủ cả, nghe cứ như sắp đi ăn cướp đến nơi.
    Vừa qua có cuộc thi hoa hậu tại VN, nghe đâu khán giả đi xem được một màn cười thoải mái khi vài cô thí sinh "lói ngọng" như người Hà Lội trong lúc được phỏng vấn. Có cô còn nói : em ấn tượng vô cùng ! (I am impressed ? Je suis impressionné ?), chữ này thật khó nghe. Mình có thể nói : em có một ấn tượng gì gì đó...thì dễ nghe hơn. Rồi bây giờ lại thêm những chũ như "bức xúc" hay ngay cả hai chữ "tham quan" thật là khó nghe...(đó là chưa nói đến những tiếng "đéo" mà dân Hải Phòng hầu như ai cũng dùng và tiếng "ĐM" càng ngày càng thường bị nghe ở thành phố Sài Gòn).

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện vui thư giãn nước người, dưới đây là video diễn văn của thủ tướng đẹp trai, học giỏi (tốt nghiệp quan hệ quốc tế trường quản trị kinh doanh của ĐH Georgetown), con nhà giàu (tỉ phú USD), ông Saad Hariri đọc trước quốc hội Lebanon.

    http://www.youtube.com/watch?v=qfsPfvowuQk&feature=related

    Vị lãnh đạo này hình như không biết chữ…Ả rập, vấp vá ngọng ngịu và sai nghĩa, tối nghĩa nhiều chữ đến nỗi chính ông không nín được phải bật cười (0:38, 1:09, 1:29). Tổng thống Lebanon phải lên tiếng “Thế ông có muốn nhờ người khác đọc hộ diễn văn hay không?” (1:37).

    Chữ Ả rập viết thì chỉ có một loại nhưng tiếng nói thì nhiều thổ ngữ vùng miền. Tất nhiên là ông Hariri nói lưu loát thổ ngữ Lebanon nhưng bắt phải đọc nữa thì quả là còn khó hơn làm thủ tướng.

    Trả lờiXóa
  6. Đính chính

    Người phát biểu “Thế ông có muốn nhờ người khác đọc hộ diễn văn hay không?” (1:37) là chủ tịch quốc hội Nabih Berri chứ không phải tổng thống Michel Suleiman nhưng Ả rập nào mà chẳng nhan nhác giống nhau.

    Trả lờiXóa