Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Phan Xuân Lâm – Chiến lược công nghiệp nặng quốc gia qua điển hình Vinashin: Kinh doanh đồ đồng nát

Vụ Vinashin đang có cơ hội giật kỷ lục những điều kì lạ "chỉ có ở Việt Nam". Cho nên việc ông Trần Quang Vũ cùng 3 (hay 4, theo dư luận?) nhân vật lãnh đạo then chốt của Tập đoàn này vừa bị bắt không còn gây ngạc nhiên lớn. Từng là một trong những chiến hữu kề vai sát cánh với ông số 1 Phạm Thanh Bình trong những phi vụ lạ lùng nhất của Vinashin, ông số 2 Trần Quang Vũ được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc điều hành đầu tháng 7/2010, ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông số 1. Chưa đầy 2 tháng sau, ông số 2 này bị đình chỉ chức vụ. Kịch bản từ bị đình chỉ đến bị bắt thì bao giờ cũng giống nhau, vấn đề chỉ là tốc độ diễn biến. Ông số 1 bị đình chỉ ngày 13/7, bị bắt ngày 4/8. Tin ông số 2 sẽ bị bắt đã lưu truyền từ mấy ngày trước, nhưng đến Hồ Chí Minh cũng phải lùi thời điểm "đang sống chuyển sang từ trần" lại 1 ngày sau Lễ Quốc khánh thì các ông số 2, số 3, số 4… gì đó của Vinashin cũng phải lùi thời điểm bị bắt 1 ngày là chuyện bình thường. 

Bỏ qua tất cả những chuyện đó, chỉ tập trung vào những cáo buộc trong Thông báo của Bộ Công an ngày 03/9/2010 về vụ bắt giữ 4 quan chức cao cấp Vinashin, ta khó tránh khỏi kết luận rằng Tập đoàn được nhà nước tập trung đầu tư như một điển hình mũi nhọn của chiến lược công nghiệp nặng quốc gia này đã sử dụng mọi ưu thế của mình vào việc kinh doanh đồ đồng nát.

Chuyện những con tàu nát của Vinashin đã được nói đến trên khắp mặt báo, từ báo chí lề phải đến báo chí lề trái và báo chí… không lề. Tuy nhiên, việc một tập đoàn mà chức năng chính là đóng tàu lại đổ tiền của ra mua hàng loạt tàu đồng nát, đồ phế thải của thế giới, để cuối cùng đem ra bán sắt vụn, để lại một cảm giác kinh tởm không phai nhạt. Vinashin trở thành nhà bán sắt vụn hoành tráng nhất Việt Nam. Người dân có quyền nghi ngờ rằng, nếu có một tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam được dựng nên thì cuối cùng nó cũng chỉ đi mua xe cũ mà nước ngoài thải ra. May mà dự án tàu cao tốc Bắc Nam tạm thời bị gác lại, chứ nếu không ai đảm bảo được rằng các ông số 1, số 2 nào đó của dự án này không đi mua những con tàu phế thải của nước ngoài, đem về hoán cải, nâng cấp và mông má, cho chạy vài chuyến rồi sau đó đắp chiếu chờ… bán đồng nát? 

Các ông Bộ trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch nước không cần và cũng không có nhiệm vụ nhìn ra vết nứt đã được hàn lại ở đáy tàu Hoa Sen 60 triệu Dollar chẳng hạn. "Nó lú nhưng chú nó khôn", xem ra chẳng có "chú" nào xung quanh các ông ấy khôn hơn việc khen tàu đẹp, "thuộc đẳng cấp số 1 không chỉ đối với ngành hàng hải Việt Nam". Tàu Hoa Sen là hàng đồng nát cao cấp, nhưng số phận của nó cuối cùng chắc không khác hàng đồng nát hạ cấp là tàu Bạch Đằng Giang cũng như 2/3 đội tàu đã quá tuổi về hưu của Vinashin: trở về đống sắt vụn.

Nhưng chuyện "mua 2 nhà máy nhiệt điện cũ từ những năm 1960 của Hàn Quốc, đã ngừng hoạt động từ năm 2004, trong đó có các biến thế có chứa chất độc hại mà Chính phủ Hàn Quốc cấm xuất, Chính phủ Việt Nam cấm nhập", và "sử dụng giấy tờ giả mang danh Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để nhập số thiết bị trên về Việt Nam" theo Thông báo nói trên của Bộ Công an thì khiến tôi sởn da gà. Dường như không có ngành "kinh doanh" nào thuộc về con người mà xa lạ với Vinashin. Việc một tập đoàn đóng tàu thủy bỗng chuyển sang xây dựng nhà máy nhiệt điện là điều mà giới lãnh đạo tập đoàn này có thể giải thích ngon lành, với đầy những động cơ vô cùng lành mạnh, như họ đã từng giải thích với các cú đầu tư lạ lùng khác. Nhưng vấn đề ở đây vẫn là triết lý đồng nát như sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của Vinashin mẹ và hàng trăm Vinashin con.

Ngay từ đầu năm 2008, vụ việc này đã bị phát giác. Nhóm tác giả bài đăng trên báo Công an Nhân dân cho biết họ "cũng không còn biết dùng từ ngữ gì đủ để nói tính nghiêm trọng của vụ việc". Theo một bản tin vốn đăng trên Nhân dân thì Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng được khởi công xây dựng ngày 12/5/2007 và cuối năm 2009 sẽ chính thức phát điện lên lưới. Từ sởn da gà, tôi không khỏi rùng mình trước hình dung những ông công ty mẹ, công ty con nào đó đang chuẩn bị nhận những hợp đồng 100 % vốn nhà nước cho các dự án nhà máy điện hạt nhân nào đó. Câu hỏi không tránh khỏi cho vụ giả mạo giấy tờ buôn đồ phế thải độc hại này là trong hơn hai năm qua, kể từ ngày bị phát giác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an đã làm gì với Vinashin mẹ và các Vinashin con nó?

Công nghiệp nặng Việt Nam sẽ tiếp tục là sân khấu cho những tay buôn đồ đồng nát toàn cầu với vốn quốc doanh thao túng đến khi nào?

Người dân Việt Nam sẽ còn phải trợ những khoản nợ nào để được sống giữa những đồ phế thải của thế giới?

© 2010 Phan Xuân Lâm
© 2010 talawas

3 nhận xét:

  1. Mấy ông thần nầy là cháu mấy đời của chú Hoả ở VN ( Người khởi nghiệp nhờ bán đồ đồng nát ve chai mà gây dựng nên sản nghiệp ) Nhưng mấy ông thần nầy có sự tiếp tay góp vốn của ông nhà nước đưa vốn và bao che
    ..Buôn bán đồng nát có patent và đóng thuế hối lộ. Thuế chui vào túi của các người đở đầu ..Lại tạo dựng tiếp cơ đồ
    Tiền vay , tiền lãi của vốn buôn bán nầy có dân chúng VN lo mà ..Dân sẽ è cổ đóng thuế để trả nợ ..Lo gì !!

    Trả lờiXóa
  2. Nhân vụ việc buôn "đồng nát" tày trời của Vinashin, đã đến lúc phải mổ xẻ toàn bộ cái định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng CSVN. Phải chăng định hướng đó là dùng tiền của nhân dân buôn đồng nát để kiếm lời cho đảng hưởng? Phải chăng "ngân sách" chi tiêu khổng lồ của đảng thu vào bằng cách này? Nếu không thì tại sao vụ Vinashin cứ "phát hiện" rồi lại lấp lửng, để đó, chỉ làm ầm ĩ bằng việc bắt hết ông giám đốc này, ông giám đốc nọ rồi lại bù lỗ, huề vôn...

    Trả lờiXóa