Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Phong Uyên - Trả lời phản hồi của Hoà Nguyễn và một vài độc giả khác về Nguyễn Mạnh Tường, Hiệp định Genève 54, Marx và Commonweath

Tôi xin trả lời ông Hoà Nguyễn từng điểm một

1. Hoàn toàn đồng ý với Hoà Nguyễn là "không thể đọc hết những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng". Nguyễn Mạnh Tường không những không phải là một tác giả nổi tiếng, mà nhiều người Việt còn không hề biết đến vì những tác phẩm của ông từ trước tới nay chỉ được viết bằng tiếng Pháp. Có một vài tác phẩm nặng về khảo cứu viết bằng tiếng Việt sau 1945 nhưng không được cộng sản cho in. Un Excommunié không phải là một tác phẩm hay một cuốn sách dùng để nghiên cứu mà chỉ là hồi ký của một người trí thức sống nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản Việt Nam tự thuật cuộc đời mình trong thời gian đó.
Ông Nguyễn Mạnh Tường viết bằng tiếng Pháp là có ý để người Tây phương trước nay vẫn có thiện cảm với cộng sản Việt Nam đọc sách ông hiểu cộng sản Việt Nam chà đạp trí thức, dân chủ, nhân quyền, pháp quyền ở Việt Nam như thế nào. Nếu nói về tư cách, Nguyễn Mạnh Tường khí khái hơn Soljenitsyne, hơn Pasternak ở chỗ sau 33 năm bị cô lập được trở qua Pháp chữa bệnh nhưng không chịu ở lại, đợi khi trở về Việt Nam mới viết sách rồi tuồn bản thảo ra nước ngoài in và phổ biến để cho quốc tế biết bộ mặt thật của chế độ cộng sản Việt Nam chứ không in và xuất bản khi còn ở nước ngoài để khỏi bị vu cáo là ăn tiền của người nước ngoài viết xấu chế độ và sẽ bị cấm trở về. Pasternak cũng như Soljenitsyne sở dĩ từ chối đi lãnh giải Nobel là vì cộng sản Liên xô đặt điều kiện nếu đi lãnh giải thì không được trở về nước. Cuốn Un Excommunié cũng có nội dung tự thuật đời mình như Archipel du Goulag hay Dr.Jivago, chỉ khác là đời Pasternak trong Dr.Jivago được tiểu thuyết hoá và đời Soljenitsyne được hoà lẫn với đời của hàng triệu người khác trong ngục tù Goulag.

2. Không thể so sánh đời sống những người ở miền Nam sau Giải phóng với đời sống của những người chống đối chế độ miền Bắc hồi 58-60 như Nguyễn Mạnh Tường bị cô lập bỏ đói được, vì một lẽ giản dị là miền Nam giàu có, lại được thân thích họ hàng di tản tiếp tế nên người dân không bị lệ thuộc hoàn toàn vào chế độ hộ khẩu mậu dịch quốc doanh như ở ngoài Bắc: Phải được phát tem phiếu mỗi người mới có được vài ký gạo, một lạng thịt mỗi tháng để không bị chết đói. Nhà ở dầu sao cũng không bị giới hạn mỗi người chỉ được tối đa 8 mét với nhiều hộ ở chung nhau để soi mói lẫn nhau.

3. Tôi xin trích dẫn nguyên văn tiếng Pháp câu nói về máy chém trong bài thuyết trình mà ông Nguyễn Mạnh Tường phải đọc trước hội nghị Luật gia Bruxelles và viết đậm những chữ mà ông Đinh Từ Thức, không biết đã vô tình hay cố ý không dịch và dịch sai: “Eh bien, chers amis, cette guillotine, datant du siècle dernier, sert à couper le cou non aux criminels, mais aux patriotes qui luttent pour la réunification de leur patrie et plus encore à terroriser la population et réfréner leur patriotisme!” Ông Đinh Từ Thức dịch ra tiếng Việt là “(bỏ) Thưa các bạn, cái máy chém đó có từ thế kỷ trước. Nó chẳng những dùng để chặt đầu những kẻ phạm tội ác mà còn dùng để chặt đầu những người con yêu nước đang đấu tranh để thống nhất tổ quốc, (bỏ) để khủng bố dân lành và để trấn áp lòng yêu nước của họ.”

Tôi xin mạn phép ông Đinh Từ Thức phê bình câu dịch của ông:

- Bỏ Eh bien khiến người đọc yên chí là ông Nguyễn Mạnh Tường bắt đầu bài đít cua bằng Thưa các bạn để chỉ nói về máy chém chặt đầu người con yêu nước mà không biết là trước câu đó ông Nguyễn Mạnh Tường đã để một paragraphe dài nói về máy chém chỉ để chặt đầu những tên tướng cướp Tàu. Cái mà ông Hoà Nguyễn cho là tôi "diễn giải ý nghĩa như sau" là cái paragraphe đó.

- Bỏ et plus encore (và hơn nữa) làm đổi hẳn ý của ông Nguyễn Mạnh Tường muốn người đọc hiểu ngầm là tuy phải nói máy chém chặt đầu người yêu nước, nhưng thật ra cái máy cũ kỹ đó từ thế kỷ trước chỉ cốt dùng để doạ nạt.

- Terroriser không có nghĩa là khủng bố như terrorisme mà chỉ có nghĩa là dọa nạt, làm khiếp sợ. Les patriotes chỉ có nghĩa là những người yêu nước và population chỉ có nghĩa là người dân. Réfréner không có nghĩa là "trấn áp" mà có nghĩa là hãm phanh, thắng bớt lại. Thêm "người con" vào "yêu nước", "lành" vào dân. Dịch réfréner là "trấn áp", là có ý dùng những từ gây nhiều ác cảm.

Cách dịch kiểu này làm tôi nghĩ lại cách đây mấy năm trên talawas có một tác giả dịch cụm từ "plusieurs soldats" trong một bức thư của Alexandre de Rhodes là "rất nhiều lính" để kết tội vị khai sáng ra chữ quốc ngữ này là gián điệp của Tây đi dò đường cho Tây để hơn 200 năm sau Tây xâm chiếm Việt Nam!

Nói tóm lại, chỉ cần trình độ tiếng Pháp bằng những người có bằng đip lôm thời Pháp thuộc (lớp 9 bây giờ) như đa số các học giả Việt Nam thời đó, từ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh đến Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... cũng hiểu là cụ trạng Tây Nguyễn Mạnh Tường tuy bị bắt buộc phải nói về máy chém, nhưng chỉ cần thêm một chữ "plus encore" là khiến người đọc hay người nghe hiểu ngay là cái dụng cụ ngày xưa dùng để chặt đầu những tên tướng cướp đó chỉ là con ngáo ộp dùng để doạ nạt những người yếu bóng vía. Cụ trạng Nguyễn Mạnh Tường chơi chữ Tây với cộng sản hệt như là các cụ trạng ta ngày xưa chơi chữ Hán "Vũ qua Bắc Hải" để đối lại với "Sấm động Nam bang" của sứ Tàu.

4. Những đoạn sau nói về tàu tuần tiễu trên sông Hiền Lương, vợ chồng li dị nhau... chỉ là những so sánh ngô nghê không thể nào có thể là lập luận của một người có 2 bằng tiến sĩ luật và văn chương được (trừ bằng của tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng) mà chỉ là được viết theo ý của 2 vị "dignitaires" trong phái đoàn 4 người. Bởi vậy không ngạc nhiên là ông Nguyễn Mạnh Tường đã tự phanh phui nội dung của bản thuyết trình với ý cho những người đọc cuốn Un Excommunié hiểu là do ai thảo nên mới ngô nghê như vậy. Tất nhiên là 2 vị "potentats" Đảng trong phái đoàn rất bằng lòng và những người chống cộng mút mùa với trình độ trí thức "sơ học yếu lược" như ông bạn Đỗ Kh nói, vồ được chữ máy chém là đã thấy đủ bằng cớ để chụp mũ đã theo cộng sản lên đầu ông Nguyễn Mạnh Tường không cần oong đơ gì cả.

5. Ông Hoà Nguyễn cho tôi là không hiểu được tấm lòng của ông Nguyễn Mạnh Tường không muốn chia cắt đất nước. Tôi xin nói là đó cũng là tấm lòng của 1 triệu người Bắc phải bỏ nơi chôn rau cắt rốn di cư vào Nam và mong cho chóng tới ngày đủ sức sẽ Bắc tiến thống nhất quốc gia, chứ chắc chắn là không phải là tấm lòng của những lãnh tụ cộng sản đã nhắm mắt ký Hiệp định Genève chia đôi đất nước dưới áp lực của Tàu vì biết rõ ký là đương nhiên chấp nhận sẽ đời đời có 2 nước Việt Nam như Nam Cao Bắc Cao, như Đông Đức Tây Đức.

6. Miền Nam với ông Diệm đổ cho Thực Cộng cấu kết với nhau chia đôi đất nước chứ thực dân Pháp hồi đó đã hết sức và bị Mỹ hất cẳng từ Hội nghị Genève rồi. Và Việt cộng cũng bị Tàu bỏ ra rìa vì Tàu cũng muốn chia đôi Việt Nam với Mỹ để sau Triều Tiên đi thêm một bước nữa hoà với Mỹ. Pháp không bao giờ muốn chia đôi Việt Nam và chỉ muốn phục hoạt lại hiệp định sơ bộ 6.3.1946 nên muốn chia vùng đóng quân mỗi bên theo kiểu da beo như ông Hoà Nguyễn có nói, để quốc gia và cộng sản có dịp thành lập lại chính phủ liên hiệp như hồi 46. Trong đảng Lao Động cũng có nhiều người có ý đó nên ông Phạm Văn Đồng mới đi gặp ông Trần Văn Đỗ. Nhưng Tàu và Mỹ đều làm áp lực, Mỹ với Pháp, Tàu với Việt Minh (ở Hội nghị Liễu Châu) để phá bỏ ý định đó. [1]

Tôi xin trả lời ông Lề Trái

Từ trước tới nay viết trên talawas nhiều bài về Marx, tôi vẫn coi Karl Marx chỉ là một nhà tư tưởng tháp ngà có người bạn đồng tư tưởng nhưng thực tế hơn là Engels, người đã đề xuất ra chế độ Dân chủ - Xã hội ngày nay. Còn cái gọi là Marxism thì chính Marx cũng không thừa nhận và tự nói "tôi không phải là người Marxist". Marxism của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là chủ nghĩa Mácxít-Lêninít của Staline. Staline đã xử bắn tất cả những người Marxistes chính cống và Tư bản luận đang học ở Việt Nam bây giờ chỉ là phiên bản của Staline. Tôi xin ông có dịp đọc lại bài "Từ bỏ chủ nghĩa Marx-Leninist-Stalinist để trở về với Dân chủ-Xã hội có phản bội Marx không" [2]. Về Zinoviev thì tôi không biết ông nói Zinoviev nào vì có 2 Zinoviev: Có thể là Grigori Zinoviev theo Lénine rồi sau về hùa với Trosky bị Staline giết năm 1936 trong vụ án Moscou đầu tiên cùng với Kamanev mặc dầu được Staline hứa để cho sống nếu biết công khai ca tụng Staline là người Marxiste chính cống.

Tôi xin trả lời ông Nguyễn Đăng Thường

Có 2 Commonweath: 1. Royaume du Commonweath công nhận nữ hoàng Anh là quốc trưởng gồm 16 nước trong đó có Úc, Canada... như ông Nguyễn Đăng Thường biết. 2. Commonweath des nations chỉ coi nữ hoàng Anh là người đứng đầu Commonweath mà tiếng Việt dịch là khối Thịnh vượng chung chứ không phải là Thị trường chung. Gọi là khối nhưng chỉ là một tổ chức như Francophonie và những nước thuộc Anh hay chịu ảnh hưởng văn hoá Anh khi trước muốn gia nhập hay muốn rút ra lúc nào cũng được. Hiện giờ có 54 nước trong khối này và nước cuối cùng mới gia nhập là Ruanda. Không phải 54 nước này luôn luôn hoà hợp nhau. Có nước luôn luôn gây chiến với nhau như Ấn Độ và Pakistan. Cũng có nước nằm trong cả 2 tổ chức Francophonie và Commonweath như Cameroun. Tôi cũng xin ông đọc lại lịch sử để coi Ấn Độ bị chia cắt ra làm sao khi giành được độc lập. Khi bị chia cắt, 15 triệu dân mỗi chiều phải di cư đi bộ tới cả ngàn cây số và số người bị tàn sát ít nhất là 1 triệu người. Pakistan chỉ là một nước giả tạo vì chỉ tụ tập được một nửa dân số Ấn Độ theo Hồi giáo (180 triệu người hiện nay). Nhưng thế nào khi bị chia đôi cũng có bàn tay của thực dân Anh với sự hỗ trợ ngầm của Mỹ vì một nước Hồi giáo chống cộng sẽ là cái gai cho Ấn Độ của Nehru hồi đó muốn giữ thế trung lập giữa 2 khối cộng sản và tự do. Từ năm 1947 tuyên bố độc lập đến giờ, giữa Pakistan và Ấn Độ đã có 3 cuộc chiến tranh lớn, không kể những đụng độ liên miên ở Cachemire, những cuộc khủng bố do người Hồi giáo gây ra, và hiểm họa chiến tranh nguyên tử giữa hai nước lớn hơn bao giờ hết.

Chú thích

1. Về vấn đề này tôi đã viết một bài trên Thông Luận ngày 5-7-08. Tiếc là Thông Luận bị tin tặc phá hoại nên tôi xin phép talawas gửi kèm theo đây trong phần phụ lục để các bạn độc giả có dịp đọc lại, đồng thời để trả lời ông Hoà Nguyễn và nhiều độc giả khác về Hiệp định Genève 1954.

2. Xem Phong Uyên, “Từ bỏ chủ nghĩa Marx-Leninist-Stalinist để trở về với Dân chủ-Xã hội có phản bội Marx không?”, talawas 12-5-08.

© 2010 Phong Uyên
© 2010 talawas

___

Phụ lục: Năm 1954 có giải pháp khác tránh chia đôi đất nước không?

Còn chừng 2 tuần nữa là đến ngày 20-7 kỷ niệm 55 năm ký Hiệp định Genève. Đối với hơn 1 triệu người Bắc di cư phải xa lìa những người thân thích, bỏ lại nhà cửa ruộng nương, đó là một ngày gợi nhiều đau đớn. Đối với toàn dân Việt, 20 tháng 7-54 cũng là ngày gieo mầm cho cuộc nội chiến kéo dài 20 năm với hậu quả là 4 triệu người chết mà đa số là dân lành miền Nam, không kể những người sau ngày 30-4-75 bị chết ngoài biển hay chết khi bị đầy đọạ trong ngục tù, trong các trại cải tạo. Nhưng cái tác hại lớn nhất của Hiệp định Genève là Chu Ân Lai đã dùng nó như một cạm bẫy để đưa miền Bắc và sau này cả nước Việt Nam vào rọ lưới của bá quyền đại Hán khiến cho tới bây giờ khó mà có cách thoát ra được.

Không phải là hồi đó ông Hồ không ý thức được là mọi người Việt đều không muốn đất nước bị chia đôi để trở thành một Cao Ly thứ hai. Nhưng như tôi đã có dịp trình bày (1), ông Hồ đã tính sai khi phát động Toàn quốc Kháng chiến ngày 19-12-46, chấm dứt điều đình với Pháp, tự xoá bỏ những thành quả đã đạt được bởi Hiệp định Sơ bộ 6-3-46. Tính toán sai lầm đã đưa tới hậu quả là từ năm 1950 sau khi bị Stalin giao phó cho Mao, cứ mỗi ngày một thêm phụ thuộc vào Cộng sản Trung Quốc về chính trị, quân sự cũng như ngoại giao để đến khi bị triệu tới Liễu Châu hồi đầu tháng 7-54 đã phải tự ép mình tuân ý Chu Ân Lai, ký Hiệp định chia đôi đất nước.

Thử tìm hiểu Chu Ân Lai có ẩn ý gì khi muốn Việt Nam trở thành một Triều Tiên thứ hai?

1. Chu Ân Lai rất hận là Trung Quốc đã phải trả một giá rất đắt để giành lại Bắc Triều Tiên cho khối cộng sản mà thật ra là cho Nga Sô: Hơn một triệu "chí nguyện quân Trung Quốc" đã phải đơn phương lao vào một cuộc chiến với Mỹ kéo dài 3 năm tổn thất 200 ngàn lính (thật ra là gấp đôi vì chiến thuật biển người). Sau khi Stalin chết, Chu Ân Lai thấy không cần phải chia chác gì với Nga Sô nữa mà chia thẳng Việt Nam với Mỹ đang tìm cách hất cẳng Pháp, mỗi bên một nửa. Việt Nam sẽ là một dịp cho Trung quốc không những lấy lại được vốn đã mất ở Triều Tiên mà còn lời to: Không mất một người lính, chỉ bỏ ra một chút viện trợ, ông Hồ từ 1950 đã tự "bó thân về với Thiên triều " khi phải chấp nhận sự hiện diện và sự tác yêu tác quái của vài trăm cố vấn Trung Quốc.

2. Việt Nam chia đôi, miền Bắc tất nhiên là phải phụ thuộc Trung Quốc trong cả 2 trường hợp, hoà bình cũng như chiến tranh:

Trường hợp muốn giữ hoà bình cam chịu đất nước bị chia đôi: miền Bắc Việt Nam sẽ đời đời phải phụ thuộc Trung Quốc về chính trị, kinh tế cũng như về quân sự để trở thành tiền đồn phía Nam bảo vệ Trung Quốc.

Trường hợp gây chiến "giải phóng" miền Nam: Trung Quốc sẽ để mặc miền Bắc đụng độ trực tiếp với Mỹ, chỉ đứng ngoài hỗ trợ. Ông Hồ sẽ lại càng phải phụ thuộc Trung Quốc hơn nữa về kinh tế, về tiếp tế vật liệu quân nhu yếu phẩm. Dù có được Nga viện trợ vũ khí cũng sẽ phải phụ thuộc Trung Quốc về đường chuyển vận. Những vũ khí tối tân hiện đại mà Nga Sô muốn dùng chiến trường Việt Nam để thử nghiệm so đọ với Mỹ, khi đi qua Trung Quốc sẽ bị đào thoát, tháo gỡ để Trung quốc tha hồ bắt chước chế tạo lại.

Mưu toan của Chu Ân Lai đã thành tựu: Với Hiệp định Genève, Trung Quốc đã có một nửa Việt Nam chỉ tốn vài xu. Phải nói đây là thành công lớn nhất mà bá quyền Đại Hán đã đạt được ở thế kỷ thứ 20.

Lịch sử cũng sẽ buộc tội ông Hồ là không thể không biết đất nước chia đôi sẽ đi đến nội chiến vì những lí do sau đây:

1. Không bao giờ có tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước, vì như vậy là phải từ bỏ chế độ cộng sản để theo chế độ đại nghị đa đảng. Nga Sô, Trung Cộng và ngay cả Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép: Chứng cớ là cũng cùng lúc đó (15-6-54), Hội nghị Genève bàn về tổng tuyển cử thống nhất Triều Tiên bị thất bại vì cả 2 nước này nhất định không chịu để Bắc Triều Tiên được bầu cử tự do dưới sự kiểm soát của Liên hiệp quốc. Điều khoản về tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam lại còn không được nằm trong bản chính của Hiệp định Genève nữa mà chỉ được 7 nước thành viên chấp thuận miệng trong bản Tuyên ngôn cuối cùng đính kèm theo ngày hôm sau 21-7-54, tức là sẽ không bao giờ được thực hiện. Ông Hồ cũng biết đó là ẩn ý của Chu Ân Lai muốn đời đời nước Việt Nam bị chia đôi để miền Bắc phải luôn luôn dưới sự khống chế của Trung Quốc.

2. Rút kinh nghiệm nạn đói năm 1945, miền Bắc không có miền Nam không thể tự túc được với dân số đông hơn miền Nam mà tiềm lực kinh tế chỉ bằng một nửa, bắt buộc phải dùng võ lực.

3. Dân miền Nam tập kết không chịu được khí hậu và chính sách khắc nghiệt của chế độ miền Bắc. Khi biết là tổng tuyển cử thống nhất đất nước chỉ là lời hứa hẹn suông sẽ nổi loạn đòi trở về Nam.

4. Cũng như hồi 46, ông Hồ lấy chiêu bài kháng chiến chống Pháp giành độc lập để độc quyền lãnh đạo diệt trừ các đảng phái quốc gia đối nghịch với mình, ông Hồ cũng cần một chiêu bài mới là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để động viên quần chúng, củng cố chính quyền, vu khống diệt trừ những ai có tư tưởng chống đối.

5. Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bắt đầu gay go, ông Hồ sẽ phải lựa chọn giữa Nga và Tàu. Phát động chiến tranh là tránh được sự lựa chọn và bắt buộc cả Nga với Tàu phải giúp mình.

6. Chính quyền miền Bắc cũng biết là một khi đủ mạnh những người quốc gia miền Nam, bị thúc đẩy bởi lòng yêu nước chứ không vì lí tưởng ngoại lai, sẽ noi gương Quang Trung Nguyễn Huệ, nhà Nguyễn Gia Long làm cuộc Bắc tiến thống nhất đất nước.

Trước khi phải ký Hiệp định Genève có ai đề xướng một giải pháp khác tránh chia đôi đất nước để khỏi mắc vào tròng bá quyền Đại Hán không?

Cả 2 bên quốc gia cộng sản đều có những người biết dư là khi có 2 nước Việt Nam, mỗi nước sẽ phụ thuộc vào một khối tự do hay cộng sản, và sớm muộn cũng sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bởi 2 khối:

Những trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam như giáo sư Nguyễn Quốc Định và sau này Bác sĩ Trần Văn Đỗ, tổng trưởng ngoại giao trong chính phủ Ngô Đình Diệm mới thành lập, nhất quyết chống lại Hiệp định.

Trong số các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève, cũng có cùng một nhận định như vậy nên đã tìm cách thương thuyết tay đôi với Pháp và với phe quốc gia:

Giáo sư Lê Xuân Khoa trong bài "30 năm gọi tên gì cho cuộc chiến" đăng trên talawas có kể lại là cố ngoại trưởng Trần Văn Đỗ than phiền rằng tại Hội nghị Genève 54 Pháp không cho phái đoàn quốc gia biết cuộc thảo luận của các nước lớn về chia cắt Việt Nam và ông đã được Phạm Văn Đồng mời họp riêng để tìm giải pháp 2 bên người Việt với nhau nhưng không thực hiện được.

Ông Trần Văn Đỗ cũng kể lại rằng (Tr.1241 cuốn Đỗ Mậu) ông Đồng qua sự trung gian của ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Nguyễn Mạnh Hà, mời ông đến gặp ngày 5-7 để nói về vấn đề chia xẻ 2 vùng tạm thời từ Pleiku xuống An Khê trong khi chờ đợi tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong vòng 6 tháng. Ông Đỗ chỉ ậm ừ và ngày hôm sau 6-7, ông Đồng có sang trụ sở ông Đỗ để đáp lễ.

Cũng cần nên biết là trong cuốn Chu Ân Lai tại Hội nghị Genève của tác giả Trung Quốc Tiền Giang, có nhắc đến ngày 30-6-54 ở Liễu Châu, "Chu Ân Lai gặp mặt Hồ Chí Minh điều hoà lập trường 2 nước Trung Việt bởi vì tại Genève ý kiến của Phạm Văn Đồng chưa thể thống nhất với ý kiến của 2 ngoại trưởng Trung Sô vạch một giới tuyến quân sự Nam - Bắc hay là xác định vùng tập kết quân sự phương án nào lợi nhất. Chu Ân Lai nghiêng về vạch giới tuyến Nam - Bắc là thích hợp".

Phương án xác định vùng tập kết quân sự mà Chu Ân Lai ám chỉ là phương án của ông Phạm Văn Đồng, gồm 2 phần:

Phần chính trị nằm trong bài diễn văn ông Đồng đọc ngày 10-5-54 tại Genève. Trong 8 điểm của bài diễn văn có 2 điểm chính yếu:

Điểm 3: "... Trong khi chờ đợi chính phủ thống nhất, chính phủ của 2 bên vẫn cai trị khu vực của mình.

Điểm 4: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ xem xét việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên kết với Liên hiệp Pháp trên nền tảng thoả hiệp tự do.

Tuyệt nhiên ông Đồng không đặt điều kiện phải có tổng tuyển cử thống nhất quốc gia trong một thời hạn nào, mà chỉ nói trong khi chờ đợi (hiệp thương?), vẫn có 2 chính phủ. Ngoài ra ông Đồng còn nhắc tới Liên hiệp Pháp như có ý muốn trở lại Hiệp định Sơ bộ 6-3 để chỉ điều đình song phương với Pháp và Quốc gia, tránh sự can thiệp của Trung Quốc và Mỹ.

Phần quân sự xác định những vùng tập kết được ông Đồng đề cập trong buổi họp thu hẹp ngày 25-5-54: " mỗi bên có nhiều khu vực khá rộng lớn liền nhau để có sự dễ dàng về những hoạt động kinh tế và kiển soát hành chánh" (dịch bản tiếng Pháp trong cuốn Lacouture viết năm 1960: ... de façon qu'il revienne à chaque partie des zones d'un seul tenant, relativement étendues, offrant des facilités pour l'activité économique et le controle administratif ). Đó cũng là giải pháp “tấm da beo” mà Bidault ngoại trưởng Pháp đã hứa với Bảo Đại.

Nhưng hồi cuối tháng 6, ông Tạ Quang Bửu thành viên quân sự trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy cớ là có nhiều vùng xen kẽ nhau như vậy dù rộng lớn tới đâu cũng khó mà tránh không có đụng độ nhau, ông còn nói với 2 đại diện Pháp, Delteil và Débrisson: "Trong trường hợp đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt thủ đô ở đâu?" Khi được tin Pháp trong cuộc triệt thoái khỏi An Khê ngày 24-6 bị thảm bại trên Quốc lộ thứ 19 khiến từ Liên khu 5 ra đến ngoài Bắc trừ hai vết "da beo" là Huế và Đà Nẵng, đã liền một mạch dưới quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì ông Đồng thấy có đủ ưu thế để từ chối giải pháp da beo. Để đền bù lại, bằng lòng lùi đường phân ranh tới vĩ tuyến thứ 14 và hứa là tôn thất nhà Nguyễn sẽ được đi lại thăm viếng Huế dễ dàng.

Cái chắc chắn là đối với Trung Quốc phân ranh như vậy sẽ kèm theo những nhượng bộ về chính trị như đã được đề cập trong bài diễn văn ông Đồng đọc ngày 10-5, với hậu quả là chế độ ông Hồ có thể sẽ biến cải để chỉ có một nước Việt Nam thống nhất. Như vậy thì làm sao có được một nửa Việt Nam như đã thoả thuận ngầm với Mỹ? Vì vậy Chu Ân Lai đòi ông Hồ phải qua Liễu Châu gấp và bắt ép ông Hồ phải ký hiệp định Genève, vứt bỏ phương án Phạm Văn Đồng.

Thử đưa ra một giả thử: nếu phương án Phạm Văn Đồng được thể hiện thay vì Hiệp định Genève, cục diện đất nước Việt Nam có đỡ tăm tối hơn bây giờ không?

Nhiều người cho là phương án Phạm Văn Đồng đặt ranh giới hai miền ở vĩ tuyến thứ 14 so với HĐ Genève miền Nam bị mất 400 cây số bề dọc và 3 triệu dân, lại không được quyền cầu cứu quân đội nước ngoài tới trợ giúp khi bị miền Bắc xâm chiếm, thì chống trả được bao lâu với miền Bắc?

Nhưng từ 1975 đến nay, nhiều người có thời gian thâu thập tài liệu, phân tích một cách khách quan những nguyên nhân đã làm chế độ miền Nam sụp đổ, lại đưa ra những suy luận khác:

1) Phương án Phạm Văn Đồng khẳng định chỉ có một nước Việt Nam với 2 miền Nam Bắc. Nhưng khi nói vẫn có 2 chính phủ là mặc nhiên công nhận quy chế một nước 2 chế độ như Bắc Kinh với Hồng Kông bây giờ và có thể với Đài Loan sau này. Ông Phạm Văn Đồng đã đi trước Đặng Tiểu Bình. Rất tiếc ông không đủ nghị lực như họ Đặng. Trong một nước "2 chế độ", nội chiến là chuyện riêng của nước đó, nước ngoài không có quyền can thiệp để biến nó thành một chiến tranh ủy nhiệm.

2) Trọng tâm của phương án Phạm Văn Đồng là chính trị và kinh tế. Trong 2 lãnh vực này miền Nam có thể thắng thế miền Bắc.

Chính trị

Điểm 3 trong bài diễn văn ông Đồng nói là mỗi vùng sẽ vẫn giữ chính phủ của mình trong khi chờ đợi có một chính phủ thống nhất. "Chờ đợi" có thể là vô thời hạn. Có thể sau những cuộc thương thảo kéo dài 2-3 năm, 5 năm... sẽ đi đến sự thành lập như hồi 46 một chính phủ "Thống nhất" vô thực quyền, được chỉ định bởi một vị quốc trưởng cũng vô thực quyền thí dụ như Bảo Đại. Thử tưởng tượng một hư cấu: Ở Hà Nội, ông Hồ nhường chức "Chủ tịch nước " cho Bảo Đại để chỉ khiêm nhường giữ chức "Tối cao cố vấn" hay "Quyền Chủ tịch". Ở Sài Gòn, một ông "Phó Chủ tịch" được chỉ định như ông Ngô Đình Diệm chẳng hạn (2).

Nhưng vì từ trước đến nay miền Nam đa dạng vẫn có truyền thống cởi mở và hoà nhập với bên ngoài, "Một nước hai chế độ" sẽ là cơ hội để miền Nam mở rộng cánh cửa hội nhập cho miền Bắc có dịp tiếp xúc với những nước dân chủ Tây phương và lần lần thoát ra khỏi ảnh hưởng ý thức hệ Nga-Tàu.

Kinh tế

Miền Nam đất ít hơn nhưng phì nhiêu, lại được khai thác bởi ít nhất là 2 triệu người di cư từ những vùng nhường lại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Việt và Trung Việt, sẽ trở thành vựa thóc nuôi sống cả nước khiến miền "Dân chủ cộng hoà" luôn luôn thiếu gạo sẽ phải "dĩ hoà vi quí" kiếm cách đổi than lấy gạo chứ gây chiến đồng ruộng bị bỏ hoang sẽ chẳng lợi lộc gì.

Chỉ cần nghĩ lại hồi 1955 kinh tế miền Nam phồn thịnh nhờ óc kinh doanh người Bắc di cư. Với những người di cư từ các thành thị miền Bắc, miền Trung đến, với Hải cảng Cam Ranh sẽ được mở mang thay thế Đà Nẵng, miền Nam sẽ trở thành một đại Singapore, một đại Hồng Kông, một Đài Loan. Nếu chế độ miền Bắc không chịu thay đổi kinh tế theo kiểu miền Nam mà còn muốn theo gương Tàu tiếp tục cải cách ruộng đất thực hiện Kinh tế tập trung, thì sẽ tự sụp đổ.

3) Đất hẹp, dân ít, không có quân đội nước ngoài trợ giúp, không phải là những điểm bất lợi: Nếu miền Nam có được một người lãnh đạo giỏi, một tướng tài, thì sẽ biến nó thành những ưu điểm.

Đất hẹp càng dễ phòng thủ

Hiệp định Genève lấy sông Bến Hải làm địa giới Bắc Nam khiến cả Liên khu 5 của Việt Minh khi trước không đánh mà được, tạo ra ảo tưởng là miền Nam rộng hơn miền Bắc và số dân cũng gần bằng. Biết đâu là sẽ có đường mòn Hồ Chí Minh, sẽ có cả dãy Trường Sơn, với những hậu cứ nằm ở bên kia biên giới Lào, Miên, khiến muốn trấn giữ một biên giới dài cả ngàn cây số trong rừng rậm như vậy phải có cả triệu quân. Trái lại phương án Phạm Văn Đồng xác định biên giới 2 miền theo vĩ tuyến thứ 14 từ Qui Nhơn qua Plây Cu tới biên giới Lào phòng tuyến chỉ dài chừng hơn 300 cây số sẽ dễ bảo vệ hơn: Chỉ cần 1 trăm ngàn quân tinh nhuệ và quyết tâm là đủ. Hậu cứ lại là đồng bằng nên khi có chiến tranh, với hệ thống xa lộ được mở mang, chuyển quân, tập trung quân cũng sẽ rất mau chóng. Kinh nghiệm những cuộc chiến tháng 3-75 cho thấy là quân nhiều nhưng phải rải ra khắp mọi nơi đến khi phải "co cụm lại" theo chiến thuật của Nguyễn Văn Thiệu, dân và quân đã dẫm lên nhau mà "triệt thoái" khiến địch đuổi theo không kịp. Hậu quả là ngày 30-4.

Dân ít hơn nhưng chắc chắn

Trong số 90 ngàn bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết một số sẽ được hồi kết, nằm vùng chờ lệnh, một số bị coi như là con tin để khi Đảng phát động "nổi dậy" thân nhân trong Nam phải làm nội ứng hỗ trợ quân đội miền Bắc.

Mấy triệu dân suốt dọc miền Trung thuộc Liên Khu 5 khi trước từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lên tới Kon Tum, Plây Cu, từ trước tới nay chỉ biết có Việt Minh. Nay theo Hiệp định Genève thuộc về Quốc gia nhưng dù muốn dù không cũng sẽ luôn luôn ngả về phía bên kia. Được thêm số dân đó miền Nam vừa phải nuôi dưỡng, vừa có trong lòng đạo quân thứ 5.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ không giúp ích gì cho sự bảo vệ miền Nam cả mà còn tạo trong đầu các tướng tá Việt Nam Cộng hòa óc ỷ lại

Cho tới trước khi bị lật đổ, ông Diệm chỉ chấp thuận một số tối thiểu cố vấn Mỹ mà còn đòi rút bớt về. Sau khi ông Diệm bị giết, số lính Mỹ tới Việt Nam là 550 ngàn lại phần nhiều tập trung ở dọc bờ bể miền Trung thuộc Liên khu 5 khi trước, vùng mà suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp không một bóng lính Pháp nào dám lai vãng. Mỹ vẫn cứ theo thói khi hành quân càn quét bắn trước nghĩ sau nên mới xảy ra những vụ như Mỹ Lai. Dân miền Trung lại có tinh thần quốc gia rất cao khiến "chống Mỹ cứu nước" không cần khẩu hiệu cũng đã tự phát, Việt cộng lại khôn chỉ nhằm lính Mỹ mà đánh khiến quân đội Việt Nam Cộng hòa hành quân cũng chỉ là lấy lệ, ỷ lại vào Mỹ (3). Lẽ ra chỉ cần 100 ngàn lính Mỹ đóng thường trực cắt ngang Lào cho tới sông Mê Kông biên giới Thái Lan, chặn đường mòn Hồ Chí Minh ngay từ địa đầu và thỉnh thoảng hành quân "Quả đấm" chớp nhoáng qua bên kia khu Phi quân sự thì hữu hiệu hơn nhiều, chứ "hàng rào điện tử Mc Namara" chỉ là trò chơi đối với con óc người Việt Nam. Còn liệng bom Hà Nội chỉ có tính cách trả đũa (représailles), khủng bố tinh thần, gây phẫn uất cùng thế giới chứ phá huỷ mấy ngôi nhà cũ kỹ đâu có lợi ích gì. Đường mòn Hồ Chí Minh cũng đâu có phải là xa lộ thênh thang dưới ánh mặt trời: Liệng bao nhiêu bom cũng như muối bỏ bể. Nhiều tướng tá Mỹ cũng biết vậy, nhưng chắc vì giữa ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles và Chu Ân Lai trước khi ký Hiệp định Genève đã có mật ước là Trung Quốc sẽ không đem quân trực tiếp can thiệp nếu Mỹ chỉ đóng quân ở miền Nam.

Kết luận

Tất nhiên có nhiều người phản biện lại là:

Đừng thả mồi bắt bóng: dầu sao Hiệp định Genève cũng đã tránh cho một nửa đất nước 20 năm không phải sống trong chế độ độc tài.

Làm sao tin được phương án Phạm Văn Đồng? Dù có được thực hiện cũng sẽ như Hoà đàm Paris 73, đầy hứa hẹn hiệp thương giữa "hai bên" miền Nam với nhau để đi đến một miền Nam trung lập, rồi rút cục chả có Hội đồng Quốc gia Hòa giải Hòa hợp miền Nam nào cả mà chỉ có "Thống nhất" dưới họng súng Cộng sản miền Bắc.

Tôi chỉ xin trả lời:

Giải pháp nào cũng hơn Hiệp định Genève. Biết bao nhiêu là tai ương từ 1954 đến nay đã đến và sẽ còn tiếp tục.

- Chiến tranh cốt nhục tương tàn trở thành chiến tranh ủy nhiệm để một bên chết thay cho một bá quyền kẻ thù truyền kiếp, một bên mất hết tinh thần tự lập bám vứu vào quân đội một siêu cường có xu hướng can thiệp cùng mọi nơi trên thế giới.

- Chiến tranh Khờ-me đỏ kéo dài 12 năm do Trung Quốc giật dây.

- Chiến tranh 79 "cho một bài học" do chính Trung Quốc chủ xướng.

- Chiến tranh "công hàm Phạm Văn Đồng" chiếm đảo lấn biển 74-88.

- Chiến tranh bế quan tỏa cảng hiện đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi không còn một người lính Việt Nam nào dám bước tới gần ải Nam quan, một con thuyền đánh cá Việt Nam nào dám vượt quá 12 hải lí xâm phạm “biển Trung Hoa”!

- Chiến tranh kinh tế tràn ngập đồ Tàu rẻ tiền khiến sản xuất Việt Nam không ngóc đầu lên nổi. Cán cân xuất nhập mỗi ngày một nghiêng về phía Trung Quốc khiến bao nhiêu ngoại tệ kể cả tiền mồ hôi nước mắt xuất khẩu lao động đều chạy vào túi ba Tàu hết.

- Chiến tranh tài nguyên phá hoại môi trường đang bắt đầu và sẽ phá tan tành đất nước. Lính Tàu, phu Tàu sẽ ngồi chễm chệ ở Tây nguyên.

Nhưng cái tai họa lớn nhất là chính trị, tư tưởng, văn hoá Tàu sẽ đời đời ngự trị trong đầu óc các lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Các vị này sẽ trở thành những robots của Tàu cho tới tận thế.

Chú thích

1. "Sai một li đi một dặm", Thông Luận 11/4/09 (Phong Uyên).

2. Tuy hư cấu mà không thật là hư cấu. Bà tiến sĩ Ellen J . Hammer khảo cứu hồ sơ mật của toà Bạch Ốc viết trong cuốn A death in November 1987 là có sự thương thuyết giữa Hà Nội và ông Diệm năm 1963 do sáng kiến của Hồ Chí Minh. Ông Hồ muốn nhờ gạo miền Nam để cứu đói miền Bắc và bằng lòng để miền Nam độc lập dưới quyền cai trị của Tổng thống Diệm theo đường lối dân chủ Tây Phương và Tổng thống Diệm thuận trao đổi thư tín và đổi gạo miền Nam lấy than miền Bắc.

Cuốn Trần văn Đôn 1989 có nói đầu tháng 2-63 ông Nhu giả đi săn trong rừng quận Tánh Linh, Bình Tuy để gặp Phạm Hùng. Hai người thoả thuận với nhau tái lập lại đường xe lửa Sài Gòn Hà Nội để cho thân nhân gia đình hai bên đi lại thăm nhau. Bà Nhu và Ngô Đình Lệ Thủy sẽ đi chuyến xe lửa thống nhất đầu tiên. Vấn đề Ấp Chiến lược được nói nhiều nhất vì đã gây nhiều khó khăn cho cán bộ. Ông Nhu thoả thuận sẽ cứu cán bộ bằng chính sách chiêu hồi: Khi nào bị kẹt thì xin chiêu hồi.

Ông Colby cựu giám đốc CIA ở Sài Gòn viết trong hồi ký Viêt Nam, Histoire secrète d'une victoire perdue bản dịch chữ Pháp năm 1992: "Nhu thực hiện nhiều lần những mưu toan xích lại gần Bắc Việt... giữa người Việt Nam với nhau, sau lưng người Hoa Kỳ".

Có lẽ vì vậy mà 2 anh em ông Nhu ông Diệm bị giết ?

3. Tướng Trần Văn Đôn trở thành Thượng nghị sĩ viết trong cuốn Hồi ký của ông: "Năm 1970 tôi đưa một phái đoàn thượng nghị sĩ và dân biểu đến gặp Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên yêu cầu cho biết về chiến lược quân sự thì Cao Văn Viên trả lời ngay:Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi".

4 nhận xét:

  1. Hoàng Trường Salúc 04:57 10 tháng 9, 2010

    “Không phải là hồi đó ông Hồ không ý thức được là mọi người Việt đều không muốn đất nước bị chia đôi để trở thành một Cao Ly thứ hai. Nhưng như tôi đã có dịp trình bày (1), ông Hồ đã tính sai khi phát động Toàn quốc Kháng chiến ngày 19-12-46, chấm dứt điều đình với Pháp, tự xoá bỏ những thành quả đã đạt được bởi Hiệp định Sơ bộ 6-3-46. Tính toán sai lầm đã đưa tới hậu quả là từ năm 1950 sau khi bị Stalin giao phó cho Mao, cứ mỗi ngày một thêm phụ thuộc vào Cộng sản Trung Quốc về chính trị, quân sự cũng như ngoại giao để đến khi bị triệu tới Liễu Châu hồi đầu tháng 7-54 đã phải tự ép mình tuân ý Chu Ân Lai, ký Hiệp định chia đôi đất nước.” (Phong Uyên)

    Nói rằng ông Hồ đã TÍNH SAI khi phát động Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-46 để sau đó mỗi ngày một thêm phụ thuộc vào Cộng sản TQ như ông Phong Uyên, theo thiển ý, là chỉ nhìn vào phần NGỌN mà quên phần GỐC của cuộc đời “kách mạng” của ông Hồ. Ông Hồ đã theo Quốc tế 3 Cộng sản từ những năm đầu thập niên 1920, sau đó đã từng hoạt động như là một đảng viên của ĐCSTQ trong những năm 1930s và 1940s trước khi về VN để thực hiện việc nhuộm đỏ toàn cõi Đông Dương theo chỉ thị của Quốc tế 3 CS. Cuộc đời ông Hồ dính liền với đảng CSTQ, cho nên ngày nay dù có bất cứ ai tìm cách để biện minh và hối tiếc việc ông Hồ đã “bị càng ngày càng phụ thuộc vào CSTQ” do hoàn cảnh đưa đẩy ngoài ý muốn của ông ta, như ông Phong Uyên chẳng hạn, đều là thiếu cơ sở và hoàn toàn không có tính thuyết phục. Thậm chí còn có kẻ than trách là tại sao lịch sử lại oái oăm đưa đẩy Hoa Kỳ không chịu bắt tay với “kụ” Hồ từ năm 1945 khi “kụ” gửi thư cầu thân cho Tổng thống Mỹ để hai nước Việt Mỹ phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc cướp đi hàng triệu sinh mạng người Việt và mấy chục ngàn sinh mạng người Mỹ. Than ôi ! Câu trả lời thực vô cùng đơn giản: thằng Mỹ và thằng Pháp đã biết tỏng tòng tong gốc gác, nhiệt tình, tài năng và lý tưởng kách mạng vô sản của “kụ” Hồ từ khuya rồi. Thì bọn chúng đâu có ngu gì mà nuôi ong tay áo, giúp đỡ “kụ” Hồ từ năm 1945 để “kụ” thuận tay “giải phóng” Đông Dương và có khi toàn cõi Đông Nam Á ngay từ những năm đó. Nếu có trách và tiếc chăng thì ta nên trách và tiếc tại sao lịch sử VN lại có thêm nhân vật Hồ Chí Minh này, thay vì trách và tiếc rằng “kụ” Hồ đã sai lầm lúc này hay lúc khác.

    Trả lờiXóa
  2. Alexander Zinoviev
    Tôi là một trong những người không tin vào cái gọi là Stalinism vì quan niệm Stalin theo đúng chủ nghĩa Mác hơn cả . Tất nhiên nói tới đây ta sẽ phải xét lại chủ nghĩa Mác . Tôi xin vắn tắt .
    Chủ nghĩa Mác có nhiều phần, tạm thời lấy 2 phần chính liên quan tới những vấn đề ở đây: Phương pháp (methods) và kết quả mong muốn (desired results), tôi nhấn mạnh "mong muốn" vì nó hoàn toàn khác (về khái niệm) với kết quả thật sự hoặc kết quả lý luận (real or logical results) mà phương pháp dẫn tới . Về kết quả mong muốn, tôi không thể xem là của chính Mác được vì nó là một sự pha trộn không khéo tay giữa ý tưởng về thiên đàng của các tôn giáo, chủ nghĩa Xã hội của Socrates, Plato ... và một số những ý tưởng về dân chủ bắt đầu từ Hy Lạp . Pha trộn không khéo nên ngay cả điều kiện cụ thể của thiên đường CS là gì, Mác cũng không thể nói rõ, chỉ chung chung một vài ý . Có thể xem Mác có ý định tốt được không, tôi đồng ý vì cho rằng Mác tin vào những vấn đề như thế suy ra có thể là người tốt . Nhưng Mác có tốt như thánh cũng không thể lấy điều đó ra để biện hộ được cho một phương pháp tồi . Bắt đầu từ nhà nước độc tài . Để hiểu rõ hơn về sự độc tài, PU có thể xem bản dịch bài luận của Paul Watzlawick trong talawas bộ cũ . Ngoài lề, xin chân thành cảm ơn Vy Huyền và ban biên tập talawas trong việc thực hiện bản dịch .
    Chuyện Stalin tàn sát những người Marxists Nga không có gì lạ . Từ chuyện lý tưởng hóa tuyệt đối một chủ thuyết, sự ghét bỏ những kẻ được xem không kiên định bằng mình xem họ là những kẻ lầm đường lạc lối không phải những gì mới đây . Trung Quốc và Việt Nam thời gây hấn chỉ cãi nhau bên kia đi ngược lại chủ nghĩa Mác còn bên này đi đúng . Cùng Christianity nhưng mấy vị cũng choảng nhau ra phết để hình thành nên Mỹ, nếu xét về lịch sử xa xăm .
    Lubianka có từ thời Lenin với xếp là Dzerzhinsky, thời đó đã có câu đùa đó chính là tòa nhà cao nhất LX vì ngay dưới hầm đã thấy cả Siberia. Gulag bắt đầu từ thời Lenin, Stalin chỉ mở rộng ra . Còn Lenin phản phé chủ nghĩa Mác ra sao là chuyện dài tiếu lâm nhiều tập . Đôi khi báo Nhân Dân cũng nên đọc . Một nụ cười mười thang thuốc bổ . Mác từ bỏ chủ nghĩa của mình lúc cuối đời là đúng, đây là điểm thứ 2 tôi phục ông; it nhất biết mình sai và nhận thức được . Chỉ chờ mấy nước đã theo chủ thuyết của ông có noi được gương ông hay phải chờ tới cuối đời .
    Nếu xét về Mác tự chối bỏ mình lúc cuối đời là tiền đề thì sự trở về với dân chủ-xã hội không phản lại Mác, tất nhiên điều kiện tiên quyết là phải chối bỏ Mác hồi trước . Còn nếu xét về chủ nghĩa Mác per se, nghĩa là những gì Mác viết lúc chưa chối bỏ mình thì sorry, no can do . Marx khá nặng lời với những người này, xem họ là nửa mùa, cải lương ... Đang tự hỏi Marx của PU là Marx nào, Marx qua những bài giảng đẹp như mơ của các giáo sư Sorbonne để cho ra được Khieu Samphan với bài luận án làm tiền đề cho Khmer Rouge chăng!

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Đăng Thườnglúc 19:18 10 tháng 9, 2010

    @ Phong Uyên
    Thưa ông Phong Uyên,

    Mục đích của tôi khi viết phản hồi là để cho thấy các thuộc địa cũ của Anh vẫn tôn trọng Nữ Hoàng. Chuyện các thuộc địa cũ đánh nhau bây giờ là chuyện khác. Tôi e rằng ông đã "lạc đề" chằng?

    Tôi không rành về lịch sữ Anh-Ấn. Nhưng trả độc lập tự do lại cho một nước mênh mông và đa dạng trong quá khứ (gồm nhiều "tiểu vương quốc" (xin gọi tạm như vậy), sắc tộc, và giáo phái như Ấn Độ tất nhiên là rất khó, để tránh nói là "nan giải". Phân chia (partition) Ấn Độ / Pakistan như thế, tuy không là lý tưởng và dù có đổ máu vẫn hơn là để nguyên (không chia cắt), tất nhiên sẽ có nội chiến khi Anh rút lui.

    Ngoài ra còn chuyện tôn giáo (vả "dị đoan" hay "gì đó" nữa tôi không rõ) nên đã phải chọn lúc nửa đêm (midnight) mới tuyên bố "Độc Lập". Do vậy đã có "Midnight Childern" cuốn truyện đầu tay nổi tiếng của Salman Rushdie.

    Việc "có bàn tay của thực dân Anh với sự hỗ trợ ngầm của Mỹ" thì một lần nữa tôi lại e rằng trí tưởng tượng của ông quá... phong phú chăng?

    Năm 1947, thế chiến hai chỉ mới chấm dứt được 2 năm. Các nước trên thế giới đều nghèo xơ xác, các nước Ả Rập chưa tìm được dầu hỏa (để tài trợ cho Hồi Giáo và khủng bố), mà cũng chưa có "chiến tranh lạnh" (vì chưa có bức tường Bá Linh) thì chuyện Mỹ tìm/lập một "nước Hồi giáo chống cộng sẽ là cái gai cho Ấn Độ" là hơi bị... "khoa học giả tưởng" (nhảm nhí) chăng?

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Đăng Thườnglúc 22:59 10 tháng 9, 2010

    HỔ TRỢ NGẦM

    "Bàn tay lông lá" của Mỹ rất đáng tởm/đáng sợ. Do vậy mà tới nay Hà Nội đã chọn "bàn chân kung fu" sạch sẻ/hiền lành của Tàu để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa hộ ta?

    Nhưng hình như "đế quốc Mỹ" và "thực dân Anh" đang được Hà Nội mời (?) trớ lại hợp tác kinh doanh với VN?

    Nhà ái quốc Phong Uyên nên tức tốc gửi ngay kiến nghị đến nhà nước ta để cảnh giác kẻo muộn, dân tộc ta lại sẽ bị đế quốc và thực dân " hỗ trợ ngầm" với nhau để nô lệ hóa?

    Trả lờiXóa