Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Simon Tay - Lý thuyết tương lập giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Phương Tây

Trần Ngọc Cư dịch

Lời người dịch: Qua bài điểm sách sau đây, Simon Tay đồng ý với Pranab Bardhan rằng mặc dù các nền kinh tế tân hưng Trung Quốc và Ấn Độ chiếm được sự khâm phục, đôi khi quá đáng, của thế giới bên ngoài, nhưng bên trong hai nước châu Á khổng lồ này vẫn tồn tại nhiều bất cập nghiêm trọng. Cộng với những căng thẳng truyền thống đang gia tăng trong vùng, sự vươn dậy của Trung Quốc và Ấn Độ không nhất thiết là một thế đi lên chắc nịch. Trong khi Edward Steinfeld quá lạc quan khi tin tưởng tiến trình toàn cầu hoá sẽ buộc Trung Quốc đi theo luật chơi của phương Tây, Simon Tay lại nhấn mạnh rằng Châu Á cần sự hiện diện của thế lực Mỹ như một yếu tố tạo ổn định cho toàn vùng. Điều kỳ thú là một trận đồ Tam Quốc của thời đại mới đang diễn ra tại Châu Á. Trí tuệ của các quốc gia nhỏ bé trong vùng sẽ được chứng tỏ qua việc khai thác trận đồ có tính tương lập đó.

Do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế Bắc Mỹ và Châu Âu vẫn còn nằm trong tình trạng bấp bênh trong khi các nền kinh tế Châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng. Sự kiện này đặc biệt đúng với trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước vẫn hãnh diện về mức tăng trưởng trên 10% và tạo được tin tưởng trong vùng. Nhưng, có quá nhiều nhà bình luận đã bàn về Trung Quốc và Ấn Độ với sự khâm phục gần như quá đáng -- chẳng hạn, họ dự phóng rằng kinh tế của hai nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ chóng mặt trong nhiều thập niên tới. Với suy nghĩ này, họ đã coi những nền kinh tế tân hưng như thể chúng đã là những cường quốc thế giới, gợi lại sự hồ hởi đã từng diễn ra trước cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á trong những năm 1997-98.

Một nỗ lực đáng khen nhằm điều chỉnh quan điểm quá hồ hởi nói trên được tìm thấy trong cuốn Awakening Giants, Feet of Clay: Assessing the Economic Rise of China and India (Những người khổng lồ đang thức dậy, những bàn chân đất sét: Đánh giá sự vươn dậy kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ) của Pranab Barnhan.[1] Tác phẩm này trình bày vắn gọn những thách thức đang đối mặt với Trung Quốc và Ấn Độ, bao gồm sự xuống cấp môi trường, những đặc tính dân số không thuận lợi, cơ sở hạ tầng tồi tệ, và bất công xã hội -- những mối đe dọa mà giới lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ biết rõ. Ngay cả khi nhiều người không tiếc lời ca ngợi Trung Quốc và khi công chúng Trung Quốc có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa một cách ồn ào, Chủ tịch Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) và các nhân vật khác trong ban lãnh đạo đã tỏ ra dè dặt. Như Thủ tướng Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) đã nói năm 2007, sự phát triển đất nước hiện nay là “thiếu vững chắc, thiếu quân bình, thiếu phối hợp, và thiếu bền vững”. Trong khi đó, tại Ấn Độ, mặc dù chính phủ đã mở ra các chiến dịch nhằm làm nổi bật sự phát triển và cải tổ đất nước, nhưng các kế hoạch mở mang đường sá và phát triển các cơ sở hạ tầng khác là một sự nhìn nhận rõ ràng và đắt giá những bất cập trường kỳ của đất nước.

Một điểm Bardhan đưa ra cần được tranh cãi là, việc cải tổ trong nước -- chứ không phải thị trường toàn cầu – là động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai quốc gia. Thay vì tập trung vào khu vực công nghệ thông tin của Ấn Độ hay tiến trình công nghiệp hoá phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc, Bardhan lại nhấn mạnh những khu vực kinh tế nội địa kém hào nhoáng hơn. Khảo sát nền kinh tế nông thôn – nơi đa số người dân Trung Quốc và Ấn Độ có công ăn việc làm – Bardhan kết luận rằng tăng trưởng kinh tế đã được thúc đẩy từ dưới lên. Chẳng hạn, ông chứng minh rằng những kết quả xoá đói giảm nghèo thành công nhất của Trung Quốc đã diễn ra giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trước khi nước này bắt đầu thu hút thương mại và đầu tư to lớn từ nước ngoài. Bardhan lý luận, những nguyên nhân chính đưa đến thành quả giảm nghèo tại Trung Quốc là những đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những cải tổ tại các xí nghiệp cấp huyện, cấp xã, chủ yếu là nông nghiệp.

Như vậy, cuốn sách này gợi ý rằng người Trung Quốc và người Ấn Độ nắm lấy vận mạng của quốc gia mình, chứ không tùy thuộc vào Phương Tây, như nhiều người giả định. Nếu đúng vậy, thì những nước khổng lồ này có thể tiếp tục phát triển bất chấp cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời có thể kéo theo sự phát triển của phần lớn Châu Á. Điều này, nếu đúng, sẽ có ý nghĩa địa chính trị và kinh tế rất sâu sắc. Nhưng, trái lại, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không thể gạt bỏ những điều kiện từ bên ngoài.

Những thù hận giữa hai nước khổng lồ

Một trong những hoàn cảnh từ bên ngoài ảnh hưởng cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ chính là quan hệ song phương của hai nước – và việc này còn tùy quan hệ ấy sẽ triển khai một cách lành mạnh hay thù nghịch? Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường hợp tác qua nhiều cơ quan liên chính phủ và qua quan hệ mậu dịch nhiều hơn bao giờ cả -- thương mại Ấn-Hoa gia tăng từ 3 tỉ đôla năm 2001 lên đến 40 tỉ đôla năm 2007—nhưng trong nhiều cách thế khác nhau, hai anh khổng lồ vừa vươn vai thức dậy tại Châu Á có thể giẫm đạp lên bàn chân đất sét của nhau. Sách của Bardhan không đề cập vấn đề này.

Điểm thấp nhất trong lịch sử quan hệ Ấn-Hoa là cuộc chiến ngắn ngủi, do Trung Quốc chủ động tấn công Ấn Độ năm 1962, đã mang lại một thất bại nhục nhã cho Ấn Độ với hơn 3.000 binh sĩ thương vong. Từ bấy đến nay, quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện, nhưng những yếu tố của sự hợp tác tồn tại đồng thời với thái độ ganh đua và nghi kỵ. Nhiều cuộc tranh chấp địa chính trị khác nhau đã phân cách Bắc Kinh và New Delhi, bao gồm một số bất đồng quan điểm khá nhạy cảm về những vùng dọc theo đường biên giới dài 4.500 km. Tây Tạng có chung một đường biên giới dài với Ấn Độ, và mỗi khi vùng này trở nên bất ổn như tình hình mấy năm gần đây, Trung Quốc liền nghi kỵ có sự xúi giục của Ấn Độ. Điều này khiến các cuộc tranh chấp về các điểm xa xôi trong Hy Mã Lạp Sơn – như Arunachal Pradesh, một tiểu bang Ấn Độ đang bị Bắc Kinh tranh giành -- trở nên nghiêm trọng, cùng với việc Trung Quốc chỉ trích ngày càng gay gắt các hành động của Ấn độ tại Kashmir và các vùng lân cận.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân mới mẻ tạo ra sự căng thẳng giữa hai nước, bao gồm sự tranh giành các tuyến đường biển trong Ấn Độ Dương và sự thám hiểm ngoài không gian. Thậm chí có cả căng thẳng trong chính những quan hệ mậu dịch vốn đang ràng buộc hai nước về mặt kinh tế. Năm 2009, Ấn Độ đã gia tăng thuế quan 200% trên các dụng cụ viễn liên nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm hạn chế lượng hàng Trung Quốc đi vào khu vực công nghệ này, một việc làm New Delhi cho là quan trọng về kinh tế lẫn chiến lược.

Bên dưới những căng thẳng này là sự chênh lệch về sức mạnh. Vì vươn dậy cùng một lúc, hai nước khổng lồ châu Á này phải tranh giành thị trường, tài nguyên thiên nhiên, đầu tư thương mại, và ảnh hưởng chính trị tại Châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới. Tùy theo từng cách đánh giá, Trung Quốc có một nền kinh tế lớn khoảng 3 hoặc 4 lần kinh tế Ấn Độ. Và trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, thì Ấn Độ chỉ đứng hàng thứ 10 trong các đối tác thương mại của Trung Quốc. Tuy vậy, trong các bộ ngành chính phủ tại New Delhi và trong cao ốc của các tập đoàn tại Mumbai, giới tinh anh Ấn Độ thường không chịu nhìn nhận hiện trạng Ấn Độ đứng sau Trung Quốc.

Tất nhiên, có những thế lực -- nhất là Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) – luôn tìm cách đẩy mạnh sự hợp tác toàn vùng châu Á và giảm thiểu sự tranh giành giữa các nước châu Á. Nhưng mặc dù tổ chức này thường đăng cai các cuộc họp thượng đỉnh vùng có sự tham dự của quan chức Trung Quốc và Ấn Độ cũng như quan chức của các nước thành viên, nhưng ASEAN chỉ là hiệp hội của những nền kinh tế nhỏ bé hoặc trung bình, nên nó thiếu trọng lượng kinh tế để điều động sự hợp nhất trong vùng. Vì thế, mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ có thể tỏ ra đoàn kết tại diễn đàn ASEAN và nhiều nơi khác, hai quốc gia này vẫn tiếp tục cạnh tranh kinh tế, chính trị và nhiều lãnh vực khác.

Ngôi sao bắc đẩu của châu Á

Theo một ý nghĩa mà thế giới bên ngoài thường ghi nhận, yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh Trung-Ấn là hai quốc gia này đã đi theo hai hệ thống chính trị khác biệt nhau. Sự lựa chọn đường lối của hai quốc gia, vì thế, cho phép chúng ta nhìn vào các viễn tượng phát triển dưới chế độ độc tài và dưới chế độ dân chủ. Khi đề cập điểm này, Bardhan cảnh báo một cách đúng đắn là, không nên kết luận đơn giản rằng chế độ độc tài là ưu việt hơn chế độ dân chủ trong khả năng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông lại đưa ra các mô tả đặc tính quá thô thiển (simplistic characterizations) về đề tài này. Chẳng hạn, ông viết: “Kinh nghiệm Ấn Độ cho thấy rằng thể chế dân chủ cũng có thể cản trở sự phát triển kinh tế trong một số cách thế nào đó” và “tại Trung Quốc, việc đưa ra chính sách và thi hành chính sách có tính cách quyết đoán hơn tại Ấn Độ”. Nhưng, cuộc tranh luận đích thực hiện nay, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, là để trả lời câu hỏi này: sự kết hợp nào giữa việc vận dụng dân chủ và quyết đoán độc tài có thể làm cho các nền kinh tế hoạt động mạnh nhất?

Thử thách đặt ra cho Bắc Kinh và New Delhi là làm sao để kết hợp quyền lực với tính chính đáng (legitimacy). Chỉ bằng cách thực hiện được điều này, các chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ mới có thể dùng những biện pháp dù mất lòng dân trong ngắn hạn và có hại cho các khu vực kinh tế gắn liền với quyền lực chính trị, nhưng lại cần thiết cho sự tiến bộ về lâu về dài của đất nước, như: kích thích khả năng tạo thêm công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hoặc các nhiệm vụ quan trọng khác.

Người ta thường nghe nói đến một “đồng thuận Bắc Kinh” nhưng hiếm khi, nếu có bao giờ, nghe nói đến bất cứ một mô hình quản trị đất nước nào của Ấn Độ. Thật vậy, Ấn Độ là một trường hợp độc đáo (sui generis) vì quốc gia Ấn Độ hiện đại khi khai sinh đã là một nước dân chủ -- khác với các quốc gia hậu-thuộc địa khác, như Nam Hàn, đã từng là hoặc vẫn còn là quốc gia độc tài. Ngoài ra, New Delhi không có truyền thống mưu tìm ảnh hưởng trên sinh hoạt chính trị của các quốc gia châu Á khác (vì sợ người nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ Ấn). Vì thế, Châu Á thiếu một mô hình nội địa vững chắc về phát triển kinh tế thành công dưới thể chế dân chủ. Trong tương lai, Indonesia có thể trở thành một mô hình như vậy, vì từ khi chế độ Suharto sụp đổ năm 1998, quốc gia này đã và đang chuyển biến sang thể chế dân chủ và có độ tăng trưởng kinh tế hằng năm là từ 4 đến 6%. Nhưng hiện nay, nước độc tài Trung Quốc vẫn là ngôi sao bắc đẩu của Châu Á.

Điều này làm cho nhiều người phương Tây lo lắng. Họ lên tiếng cảnh báo mô hình tư bản nhà nước của Trung Quốc, phê bình những vi phạm nhân quyền và chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc, nghi ngờ Bắc Kinh theo đuổi chính sách dùng thủ đoạn tiền tệ, và thường coi Trung Quốc như một con rồng vừa thức dậy, đang theo đuổi chủ nghĩa bá quyền. Theo quan điểm này, kinh tế Trung Quốc đã được mở cửa và toàn cầu hoá, nhưng chính trị Trung Quốc vẫn còn đóng băng quanh Đảng Cộng sản. Điều này, vì thế, có nghĩa là nhà nước Trung Quốc vẫn còn triệt để khác biệt với, và thậm chí chống lại, các quốc gia tự do phương Tây.

Những qui luật phương Tây

Cuốn Playing Our Game: Why China’s Rise Doesn’t Threaten the West (Chơi theo luật chơi của chúng ta: Tại sao sự vươn dậy của Trung Quốc không đe dọa Phương Tây)[2] của Edward Steinfeld đưa ra một cách nhìn khác về sự vươn dậy của Trung Quốc. Steinfeld tranh luận rằng những chuyển biến trong hệ thống kinh tế và trong hệ thống chính trị Trung Quốc không mâu thuẫn nhau, nhưng không ít thì nhiều đã ăn khớp nhau. Theo ông, sở dĩ như vậy là vì hệ thống toàn cầu “đã đưa các cơ chế phương tây đến nhiều nơi trên thế giới” (institutional outsourcing): tiến trình toàn cầu hóa mang theo nó kỹ luật thương mại và đòi hỏi các quốc gia phải thiết lập luật lệ để nuôi dưỡng sự nghiệp đổi mới và duy trì các tiến bộ đã đạt được.

Chịu ảnh hưởng của các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đã quyết tâm thay đổi môi trường thương mại của quốc gia mình, đặc biệt liên quan tới các cơ chế pháp luật và các quan hệ lao động-công nghiệp. Chẳng hạn, năm 2007, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một luật khế ước lao động cho phép công nhân được hưởng một mức an toàn công việc (job security) cao hơn mức họ có được theo các luật lệ trước đó, tức những luật được ban hành từ năm 1994. Chắc hãy còn lâu Trung Quốc mới có được loại công đoàn và phương thức mặc cả tập thể (collective bargaining) vốn được coi là quyền lợi đương nhiên của giới công nhân tại các nước khác, nhưng theo Steinfeld, các sinh hoạt của giới lao động Trung Quốc đang dần dà từ bỏ gốc rễ cách mạng của mình và ngày càng trở nên phù hợp với các chuẩn mực lao động phương Tây.

Trong khi đó, theo lý luận của Steinfeld, vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Trung Quốc đã thay đổi triệt để trong những thập niên qua. Ngày nay, các sinh hoạt chính trị không còn được định đoạt chủ yếu do sự cạnh tranh quyền lực giữa Đảng và các bộ phận xã hội khác nhau, nhưng do các hình thức đối tác giữa các thế lực trong chính quyền và các thành phần cải cách ngoài Đảng. Steinfeld lý luận, người dân thường Trung Quốc đã đi từ thân phận thần dân (subjects) sang vị trí công dân (citizens). Vì lẽ đó, chính phủ Trung Quốc phải bước đi một cách dè dặt: nhằm duy trì vai trò trung tâm của Đảng, các quan chức chính quyền phải tìm đồng minh ở ngoài Đảng, bao gồm các nhà hoạt động thuộc nhiều lãnh vực và các thành phần xã hội-dân sự, vì nếu không họ có thể đe dọa độc quyền lãnh đạo của Đảng. Theo quan điểm của Steinfeld, điều này có nghĩa là Trung Quốc đang diễn biến theo con đường khá giống như con đường mà các nước hiện đại hóa đã đi qua, bao gồm không những Nam Hàn và Đài Loan mà cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ ngày trước. Tác giả tranh luận, càng ngày các sinh hoạt chính trị tự do càng thắng thế, mặc dù Đảng Cộng sản vẫn còn ở vị trí trung tâm và các khuynh hướng tự do có lúc lên cao, có lúc xuống thấp trong tiến trình đổi mới chính trị.

Steinfeld viết: “Ngày nay kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng không do việc Trung Quốc viết ra luật lệ cho mình… Trung Quốc đang tuân theo luật chơi của chúng ta”. Trò chơi ấy là tiến trình toàn cầu hóa, và các luật lệ chủ yếu của nó phần lớn là do Phương Tây đặt ra. Nếu đúng như thế, Trung Quốc sẽ ngày càng trở thành một đối tác có trách nhiệm trong trật tự toàn cầu hiện nay. Như vậy, không cần ai đứng đứng ra ngăn chặn Trung Quốc; tiến trình toàn cầu hóa sẽ làm nhiệm vụ đó.

Cách phân tích này của Steinfeld có thể làm nảy sinh tính tự mãn (complacency). Trước hết, Trung Quốc có thể không tuân theo luật lệ do Phương Tây đặt ra. Bắc Kinh đã đối phó những vấn đề nổi cộm với Google trong những tháng qua, và Tổng giám đốc của General Electric, ông Jefferey Immelt, vừa nhận xét gần đây rằng mặc dù công ty ông đã gia tăng đầu tư tại Trung Quốc, nhưng ông không tin chắc các quan chức Trung Quốc “muốn bất cứ ai trong chúng ta được thắng lợi hay bất cứ ai trong chúng ta được thành công”. Ngoài ra, những qui luật sẵn có có thể không đáp ứng được một số vấn đề chưa từng thấy trước đây, do sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đặt ra. Thử lấy chính sách tiền tệ làm ví dụ: Những gì Trung Quốc đã làm trong việc tích lũy các khoản dự trữ tài chính khổng lồ là tương tự như những gì các nước châu Á khác đã làm trong thời kỳ phát triển, nhưng nền kinh tế của những nước ấy còn nhỏ bé hơn nền kinh tế của Trung Quốc rất nhiều. Việc Trung Quốc tích lũy các khối dự trữ ngoại hối to lớn có thể làm đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng, đặc biệt trong vấn đề phức tạp là Bắc Kinh có thể hoạch định chính sách dựa trên các lý do chính trị cũng như các lý do kinh tế. Vai trò quyết định của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc đã cho phép chính phủ đối phó mạnh tay và có hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây. Nhưng, như nhà tài chính George Soros và những chuyên gia khác đã cảnh báo đúng đắn, có nguy cơ rất đáng kể là, loại tư bản nhà nước của Trung Quốc có thể không đếm xỉa các giá trị thị trường và các giá trị nhân văn. Steinfeld coi những quan ngại như thế là chuyện thuộc về một kỷ nguyên đã qua, trước khi Trung Quốc bắt đầu thi hành chính sách tự do hoá kinh tế nhưng vẫn giữ độc tài chính trị (an authoritarian liberalizer) theo mô hình của các nước Đông Á khác. Chẳng hạn, trong khi một số nhà phê bình tại Hoa Kỳ cho rằng âm mưu của Tập đoàn quốc gia khai thác dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) khi nhắm mua hãng dầu khí Unocal tại Hoa Kỳ năm 2005 có động cơ chiến lược là đảm bảo nguồn năng lượng cho Trung Quốc, thì Steinfeld lại tranh luận rằng đó chỉ là một quyết định tập đoàn nhằm hiện đại hoá một doanh nghiệp quan trọng. Steinfeld còn chứng minh rằng cổ phiếu của CNOOC được trao đổi công khai trên sàn giao dịch tại Hồng Kông và tập đoàn này làm việc với nhiều nhà tham vấn phương Tây để đạt cho bằng được tầm cỡ và thế đứng toàn cầu.

Những cái nhìn sáng suốt này là bổ ích, nhưng cảm thức chính trị cũng rất quan trọng. Nhiều nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ coi hành động của CNOOC như là một trường hợp lãnh đạo Trung Quốc sử dụng tập đoàn kinh tế, để che đậy âm mưu theo đuổi những mục tiêu an ninh quốc gia. Đây là lý do vì sao sự vươn dậy của Trung Quốc tiếp tục gây ngờ vực tại Châu Á, Hoa Kỳ, và nhiều nơi khác.

Hoa Kỳ - một quốc gia không thể thiếu

Nhiều người Mỹ lo lắng rằng trong một “thế giới hậu-Hoa Kỳ” (post-American world), theo từ ngữ của biên tập viên Fared Zakaria của tạp chí Newsweek, một Châu Á vươn lên và một Hoa Kỳ lo âu mệt mỏi sẽ phớt lờ nhau hoặc sẽ ứng xử hằn học với nhau. Nhưng, như Steinfeld lý luận, tiến trình toàn cầu hóa đã ràng buộc số phận của Châu Á với phương Tây.

Trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, hình như có nhiều người muốn chứng minh rằng Châu Á đủ khả năng tách rời khỏi ảnh hưởng của phương Tây -- rằng sự hợp nhất kinh tế đang gia tăng giữa các quốc gia châu Á có thể duy trì mức tăng trưởng toàn vùng cho dù giới tiêu thụ Mỹ có thôi mua hàng hóa châu Á đi nữa. Tuy nhiên, khi nạn khủng hoảng trở nên nghiêm trọng vào năm 2008, người ta mới thấy rõ rằng Châu Á và phương Tây không thể tách rời nhau: khi nhu cầu của giới tiêu thụ Mỹ đột ngột xuống thấp, nó tức khắc gây thương tổn cho các hoạt động sản xuất khắp Châu Á, nhất là tại Trung Quốc.

Nhưng một số nỗ lực đang được tiến hành nhằm hạn chế sự lệ thuộc của kinh tế châu Á vào thị trường Hoa Kỳ bằng cách gia tăng mức tiêu thụ trong nước tại các quốc gia châu Á, đồng thời phát triển các cơ chế tài chính mới mẻ để giữ các quĩ tiết kiệm châu Á ngay trong lòng Châu Á, khỏi phải đem mua trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Chẳng hạn, theo Sáng kiến Chiang Mai, một thỏa ước được ký kết gần đây, các chính phủ châu Á (gồm thành viên khối ASEAN, cộng thêm Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn) đã cam kết ứng ra hơn 120 tỉ đôla để tạo các quĩ hối đoái nhằm đảm bảo sự ổn định tiền tệ khắp châu lục. Và kể từ năm nay, ASEAN và Trung Quốc liên kết nhau trong một khu mậu dịch tự do, tạo nên một thị trường kết hợp lớn nhất thế giới, với hơn 1,8 tỉ người tiêu thụ. (Ngoài ra, đã có nhiều thoả ước thương mại song phương chằng chịt khắp Châu Á trong nhiều năm qua).

Sách của Steinfeld giải thích lý do tại sao thậm chí những cải tổ nói trên cũng chỉ cách ly kinh tế châu Á với kinh tế phương Tây trong những vấn đề nhỏ nhặt mà thôi. Steinfeld vạch ra rằng khi Trung Quốc nắm được vai trò trung tâm trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, sự tăng trưởng kinh tế của nó đã giải tỏa tiềm năng sáng tạo to lớn tại các công ty Hoa Kỳ. Chắc chắn là, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã khiến một số thế lực trong xã hội Hoa Kỳ, như các công đoàn, ngày càng lên tiếng chỉ trích công cuộc toàn cầu hóa, nhưng những công ty lớn của Hoa Kỳ từ lâu đã nhìn nhận rằng thương mại và đầu tư tại Châu Á là rất thiết yếu cho khả năng canh cải và vị trí ưu việt của chúng.

Có thêm nhiều yếu tố khác nữa nằm ngoài phạm vi cuốn sách của Steinfeld. Những yếu tố này cũng chứng minh thế tương lập của Châu Á và Phương Tây - đặc biệt về an ninh khu vực. Hoa Kỳ vẫn còn thiết yếu cho Châu Á trong một loạt vấn đề ở trong vùng này, bao gồm sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan, những tranh chấp về quyền kiểm soát biển Nam Trung Hoa và về tình trạng nhân quyền tại các quốc gia như Myanmar (Miến Điện), và tương lai của Afghanistan và Pakistan. Hiện nay, Châu Á chưa có một quyền lực địa phương nào có thể thay thế cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và thật vậy, những mối thù truyền kiếp và chưa giải quyết thỏa đáng giữa các quốc gia Châu Á có thể được châm ngòi nếu một cường quốc nào trong vùng cố gắng khẳng định mình quá mạnh tay. Sự vươn dậy của Châu Á không phải là một vấn đề thuần túy châu lục; vì các quốc gia trong vùng không đoàn kết với nhau. Vì thế, những nhà hoạch định chính sách tại Washington và khắp Châu Á nên tiếp tục chào đón uy thế hùng mạnh của Hoa Kỳ ở trong vùng này.

Simon Tay là chủ tịch Viện nghiên cứu Singapore về Các vấn đề quốc tế và là tác giả cuốn Một mình Châu Á: Sự chia tay nguy hiểm với Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu-Khủng hoảng.

Sách được bình luận:

[1] Awakening Giants, Feet of Clay: Assessing the Economic Rise of China and India, của Pranab Bardhan. Princeton University Press, 2010.

[2] Playing Our Game: Why China’s Rise Doesn’t Threaten the West, của Edward S. Steinfeld. Oxford University Press, 2010.

Nguồn: “Interdependency Theory - China, India, and the West”, Foreign Affairs, September-October 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

1 nhận xét:

  1. Như thường lệ, dịch giả đã gởi cho độc giả một bản dịch thật thoải mái, tôi có hai nhận xét rất nhỏ về từ ngữ xin nêu lên chỉ có mục đích để học hỏi thôi. "Simplistic characterizations" thì tôi muốn chọn từ ngữ "những đặc tính quá đơn giản" hơn là "những đặc tính quá thô thiển" và từ "legitimacy" thì trong chính trị học người ta thường dùng "tính chính thống" hơn là "tính chính đáng" .

    Trả lờiXóa