Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Tạ Chí Đại Trường – Có một nguyên nhân dời đô khác?

Việt Nam tưng bừng chuẩn bị kỉ niệm Ngàn năm Thăng Long. Một lễ hội Nhà nước tân thời, bởi vì trong quá khứ không có triều đại nào định ôm tròn cả lịch sử của triều đại khác thu về tay mình như thế, và cũng chẳng ai kịp có phương tiện thừa mứa của thế giới kĩ thuật để mưu cầu hạnh phúc vật chất, thoả mãn tính phô trương, làm một cuộc kinh doanh quyền lực chính trị to lớn như bây giờ. Con người trên đà đi tới, có lúc phải sống trong một thế giới ảo được tạo dựng để lừa dối nhau, rồi cũng đi đến chỗ tự gạt gẫm mình, vì phải sống ở đó như là sự thật, và để chính trị trở thành lịch sử tiếp nối. Lịch sử đó đến nay đã ngập chìm trong một không khí huyền thoại, “truyền thống”, mang đầy những tin tưởng lí số quê mùa mà cao ngạo có vẻ không gì lay chuyển nổi. Nhưng quá khứ thì dù sao cũng không thể cải sửa. Ngàn năm trước, cuộc sống nhỏ bé hơn, bình thường hơn. Sử gia không đi tìm quần chúng thuộc hạ, sử gia cố gắng / may mắn vượt ra ngoài sự hấp dẫn / ràng buộc của miếng đỉnh chung thì chỉ thấy còn lại có những tờ giấy cũ nát, những chứng cớ tản mạn để gom lại thành cái gọi là quá khứ. Cho nên dù muốn đi tìm một lí do dời chuyển lịch sử khác của người ngàn năm trước thì tuy chỉ là không chịu làm người “chép” sử nhưng cũng thấy không phải cưỡng ép ai.

Chuyện chuyển đổi triều đại, trần trụi

Sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ ý kiến thì phải chịu vướng mắc của thành kiến tích tụ trong lời nói nên có lúc phải lo phân trần trước. Theo thói quen đọc từ các bài sử thông dụng, chữ “triều đại” và các từ liên hệ về ngôi (vua), chức phẩm... gợi ý về một tình trạng tổ chức cao cấp, phức tạp mang dáng vẻ đường bệ cao sang... có khi che khuất những sự thật tầm thường, vốn thật ra là bình thường của bản thân chúng. Sự huyễn hoặc của ngôn ngữ đánh lừa ngay cả những người vẫn tự cho là thông minh, thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Không hề gì, lầm lạc là chuyện của muôn đời, của con người vốn không thể vượt thoát khỏi khung không gian sống trong thời gian mình được đào tạo nên. Các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... học sách Thánh Khổng nhuần nhuyễn, thấy các ông chủ Đinh, Lê, Lí xưa của mình phong một loạt năm/ba bà vợ làm Hoàng hậu, liền chê trách người đương thời là ngu dốt, đâu có nghĩ rằng các ông chủ buôn làng lớn đó không phải chịu chế độ một vợ một chồng thời nay, mà cũng đâu có biết chuyện cấp bực hệ thống cung đình không có trong hang núi, đồng ruộng của các ông? Cho đến nay vẫn không tìm thấy sử gia Việt Nam nào chịu bỏ quan niệm về tính chất “trung ương tập quyền” gán cho các triều Lí, Trần, không chịu nhận rằng ngoài các ông vua nằm/ngồi ở Thăng Long / Đông Đô còn có các ông chúa nhỏ ở các địa phương mà sử quan của tông tộc cầm quyền không ghi chép, hay có ghi nhưng với địa vị khác. Còn nói gì đến chuyện “triều đại” chuyển tiếp qua ông vua muốn đi đến “đô cũ của Cao Vương [thành Đại La cũ]... chốn thượng đô kinh sư mãi muôn đời”!

Vậy thì hãy nhìn vào thực chất của các “triều” Đinh, Lê. Ông Lê Hoàn và xứ sở, dân chúng ông ta cai trị đã được một chứng nhân đương thời là sứ Tống Tống Cảo đến nơi, ghi chép để báo cáo với Hoàng đế của ông ta rồi. Không tin chuyện đó thì chớ dùng, ví dụ các bản tường trình, thăm viếng ngày nay của các phái đoàn đi đây đi đó về báo cáo với Quốc hội trong nước nữa. “Kinh đô” Hoa Lư còn lại cho thấy không phải là một thành luỹ liên tục mà là một hệ thống “rào làng”, lợi dụng các cao độ của địa mạo karstic làm bờ chắn thiên nhiên, đắp thêm các tường vách đất/gạch bịt kín các hẻm hở, tạo thành một hang ổ kháng cự cuối cùng. Dấu vết đó, chứng cớ kia vẽ ra một khung cảnh tổ chức chính trị xê xích mà các nhà dân tộc học thế giới còn quan sát được để biểu hiện bằng các từ chief, chiefdom, đã thấy bắt đầu được trong nước sử dụng thay thế cho các loại “công xã / phương thức sản xuất...” này nọ. Mà cũng không phải đợi người khác chỉ dẫn. Trong tiếng Việt, trong sử sách cũ đã có một từ chỉ về con người, thể chế như thế sở dĩ bị phủ nhận chỉ vì ngại ngùng, sợ xấu hổ mà thôi, đó là chữ "Thủ lãnh".

Đất nước nằm trong tổ chức Hán hoá cả ngàn năm nên chữ "Thủ lãnh" đã che khuất một ý niệm về quyền lực không-Hán, của địa phương, được nhà khoa học bây giờ moi móc cũng chữ không-Hán, của hệ thống ngôn ngữ nền Nam Á, chỉ ra từ kurung tương đương. Thật ra thì thực tế tổ chức đó cũng vẫn không mất hẳn, duy đã lẩn khuất trong các biến động, các tên người, tên tập đoàn được biểu diễn lệch lạc, như nhóm từ Khu Liên chỉ các biến động trên vùng cực nam thuộc địa nhà Hán đã dẫn đến sự thành lập nước Lâm Ấp. Hãy nghĩ rằng âm Hán không có vần R nên phải mượn các hình thức khác thay thế, để các tên Bà Rịa phải viết là Bà Địa (Hán), Phan Rang, Phan Rí là Phan Lang, Phan Lí... Như thế thì Khu Liên vốn có thể là Khu Riên, nghĩa là các ông thủ lãnh Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lí Công Uẩn cũng là những kurung của địa phương, của thời đại. Những thủ lãnh khu riên / kurung như thế dễ dàng xuất hiện trong thế tan rã của thuộc địa An Nam Đô hộ Phủ, làm chủ từng vùng, thanh toán nhau để còn một người nổi bật, hay nhường nhịn nhau để cùng tồn tại... Đó là tình trạng giữa các “quốc” đã gả con gái / kết thông gia với Hoa Lư để có các bà hoàng hậu Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Trịnh Quốc...

Ông “hoàng đế” làm chủ nhiều sở ruộng – “quan điền”, do chiếm đoạt mà có, để cho người khác cày, hay tự mình cày vài miếng làm cảnh nên nuôi bò/trâu đầy đàn, được gọi là “quan” ngưu. Vượt lên trên tầm mức một điền chủ giàu có, ông hoàng đế phải có sức mạnh, có khả năng riêng biệt để điều khiển một lớp chiến binh dưới tay đã được mang danh hiệu cao quý “thiên tử binh” khắc trên trán để bảo vệ cho triều đại ông, gia đình ông, đàn áp khuất phục những kẻ chống đối khác. Đây là những ông điền chủ thủ lãnh nhỏ, yếu hơn, “ở trần mà cũng xưng vương” như Triệu Đà từng xác nhận, nhưng rủi ro không được sử ghi rõ tên họ nên chúng ta ngày nay không có thêm một triều đại để tuyên dương. Có mẫu hình chính quyền từ phương Bắc đem lại nên tổ chức diện địa cũng bắt chước Đường, Tống gọi là (10) đạo, (12/24) lộ để ba ngàn Thiên tử binh kia cũng được gọi là quân Thập đạo, quân toàn quốc, tuy không thể nào đạt tới số triệu như các ông quan triều Nguyễn tính ra, và để bây giờ còn nằm trong sách Bộ Giáo dục dạy cho học trò Việt Nam ngông nghênh bước vào thế kỉ XXI.

Cho nên cái được gọi là “triều đại” ở thế kỉ X trên phần đất Bắc Việt Nam chỉ là hiện thực quyền lực, trước hết là của một người, của các thủ lãnh có tính chất cá nhân vượt trội. Và tất nhiên việc đời không lúc nào là giản dị nên việc tranh đoạt quyền lực lúc này vẫn có thêm những yếu tố khác tác động vào, hoặc từ quá khứ lâu dài hoặc từ công tích mới tụ tập. Cho nên Ngô Quyền chết đi, quyền lựa chọn người nối nghiệp về tay Cậu Ba họ Dương, người cậu trong gia đình mẫu hệ, theo truyền thống là được đại diện dòng họ – như ông kouny trong một nhóm Chàm gần đây. Chính hình bóng người đàn bà họ Dương đã khiến Đinh “Tiên hoàng” chọn con nít làm người nối ngôi để đổ vỡ cả cơ nghiệp dày công xây dựng. Rồi cũng một người đàn bà họ Dương “khoác long cổn” chuẩn nhận chức quyền sau khi ông tướng Thập đạo tung quân giết người đối kháng. Người phụ nữ đó làm Hoàng hậu vua mới mà mang danh hiệu ông chồng cũ, năm chết (1000) được ghi cẩn thận – sự kiện không có bà hoàng nào khác được vinh danh chia sẻ, được làm thành phần Bộ Ba Táo quân, ngang nhiên ngồi chung hưởng cúng tế với hai ông chồng Hoàng đế, qua hơn bốn thế kỉ rưỡi. Và ưu thế dòng mẹ vẫn còn xuất hiện qua nhiều thế kỉ sau, nơi các “triều đại” tiếp tục.

Thấy có sự tranh giành quyền lực – và quyền lợi, người ta dễ nghĩ đến sự tàn sát của phe thắng, như bằng chứng của sự chuyển đổi từ Đinh qua Lê. Tuy nhiên có vẻ như một thể chế chuyển tiếp, một khi đã thành nếp thì cũng trở thành tự nhiên để người ta dễ dàng chấp nhận sự hơn thua, khỏi kéo dài hận thù hay gợi ý đề phòng lâu dài. Bằng chứng cũng lấy từ sự chuyển tiếp Đinh Lê. Đinh Toàn bị Lê Hoàn chiếm quyền (979), tiếng đồn qua Tống là bị bắt nhốt nhưng hai mươi hai năm sau (1001) thấy chết trong một trận bị phục kích khi theo quân phục vụ vua mới (chắc không phải chỉ một lần này!), và được sử ghi Lê Hoàn “kêu trời” thương tiếc, thúc quân đánh trả thù tiêu diệt quân địch! Thế là nảy sinh một vấn đề khác: Sự đề phòng về phía tập đoàn bị lật đổ có thể không đến nỗi gay gắt như người ta tưởng. Nhận định đó cũng có thể áp dụng cho vấn đề liên hệ giữa các tập đoàn thù nghịch nói chung, không phân biệt chủng tộc. Người nữ tù binh Chàm của Lê Hoàn có hai con lên làm vua nước Đại Cồ Việt: Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh. Nếu nhìn về khía cạnh liên hệ theo dòng mẹ còn thấy rõ rệt trên đất Hoa Lư thì có thể nói đây là hai ông vua Chàm trên đất Việt mà sự xung đột xảy ra với những anh em khác có nguyên nhân là tranh chấp quyền bính hơn là vì sự khác biệt chủng tộc của những người mẹ, bởi vì họ đều được vua cha phong tặng vương tước như nhau.

Thời trước, ông Tổng Tham mưu trưởng / Thập đạo Tướng quân chiếm quyền, đáng lẽ phải về tay con nhỏ ông Tổng Tư lệnh đã bị ám sát cùng người con lớn. Bây giờ ông Tổng trấn Thủ đô Hoa Lư / Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ giành quyền con nhỏ của ông được gọi là Ngoạ Triều. Sử quan vẽ vời chuyện thăng trầm gian khổ, chuyện thiên mệnh báo trước tột đỉnh vinh quang, chuyện âm mưu đảo chính phức tạp nhưng đọc kĩ văn bản lằng nhằng thì thấy có sự kiện tóm gọn: Vua chết, ông tướng mang quân vào “nhà”/điện vua, cách một ngày là gạt ông phó sang bên, hạ ông vua nhỏ xuống, chiếm quyền! Sử đương thời không phải của nhà nho mà (chắc là) của Bà Thầy Ni sư Trương Ma, đã cẩn thận ghi bằng ngày can chi cho đúng phép sử dụng vào những sự kiện trọng đại như thế: Ngoạ Triều chết ngày Tân Hợi, (qua một ngày Nhâm Tí), đến ngày Quý Sửu thì Lí Công Uẩn chiếm quyền! Chuyện bình thường của hệ thống tổ chức thủ lãnh đương thời.

Chỉ có điều khác tiếp theo là việc DỜI ĐÔ. Tại sao?

Mặt trận phía Nam không yên tĩnh

Tất nhiên cứ giở sử cũ thì có ngay câu trả lời giản dị: Đi tìm nơi “hổ cuộn rồng nằm” như định mệnh sắp đặt sẵn cho những người cầm quyền vĩ đại thời bây giờ. Không ai dám cãi về những gì “hoành tráng” đã chuẩn bị trong hơn mười năm, đang được sơn phết tô điểm trước mắt, vọng tưởng chờ đón bằng sắc của UNESCO.

Nhưng có thể viện dẫn lí do khác hiền lành hơn, khiêm tốn, dễ thương hơn: Về Quê hương Yêu dấu. Đóng “đô”, đặt trọng tâm quyền lực nơi quê hương bản quán, không phải chỉ là một hoài niệm tình cảm mà là một bảo đảm cụ thể về phe phái, về nơi chốn tung hoành quen thuộc bắt nguồn từ cơ sở truyền đời, hay ít ra cũng là có căn bản tạo dựng ngay chính trong đời mình. Họ Ngô có quyền lực thì đóng đô ở Cổ Loa, ít ra cũng gần quê hương Đường Lâm hơn là xứ Ái Châu làm-rể xa xôi. Họ Đinh vững tin đặt vạc dầu, chuồng cọp nơi xứ Mường của mình. Còn về sau họ Hồ dời về Tây Đô, họ Trần, họ Lê thiếu khả năng vật chất xây dựng đô mới, cũng ráng giữ một đô phụ: Thiên Trường, Lam Kinh!

Cũng không biết xứ Cổ Pháp mang thực tế vật chất ra sao khi toán lưu vong họ Lí từ đất Mân đến trú ngụ làm người địa phương mà đủ uy danh để được mời chào phục vụ Đinh Lê. Bây giờ thì chỉ còn đền Lí Bát Đế / Đền Đô nhưng rõ ràng họ không sa sút khi mất quyền chủ nước đến hơn cả trăm năm sau, nên còn làm ông nhà giàu vào cung đánh bạc với ông chủ vườn tỏi Trần Dụ Tông (1341-1369). Vùng đất chôn cất tám ông vua còn là rừng rậm lớn rộng hồi đầu thế kỉ XIX, làm chỗ ẩn nấp của trộm cướp, của loạn quân đe dọa Bắc Thành nên bị ông Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho “khai quang” dọn sạch. Cho nên gán cho việc ông vua dời Đô cốt để gần quê hương bản quán cũng chỉ là chuyện phỏng đoán, nói mò.

Điều chắc chắn nhất vẫn là căn cứ trên bằng chứng, trên Chiếu Dời Đô. Nhưng sự việc có giản dị như thế không? Ông vua có chịu nói hết các lí do không? Ngô Quyền đã không chọn phủ Đô hộ dù rằng đó là nơi kinh dinh phồn thịnh với chợ Đông đe dọa ông phù thuỷ Cao Biền, với thành luỹ vòng trong (La Thành), vòng ngoài (Đại La Thành), chắc chắn từng là nơi trú đóng của toán thuyền chiến và quân binh “chế độ cũ” giúp ông chiến thắng trên sông Bạch Đằng! Ấy thế mà vùng đất này cũng còn đầy sông rạch với bầy cá sấu bỏ chạy trước chiến thuyền binh tướng từ Hoa Lư kéo ra ngày tháng 7âl. 1010 năm ấy. Trên đất đã xây cất nhà cửa, cung điện mà cá sấu còn bò lổn ngổn trên sân, chui vào nhà, leo lên gác, chắc đi kiếm đồ ăn vương vãi rồi thấy người thì bỏ chạy khiến chỉ có kẻ-ăn-người-làm-gái / cung nữ trông thấy mà thôi!

Ngay trên đất Hoa Lư, họ Lí cũng không cô đơn vì tính chất lưu vong của mình. Lê Hoàn có Hồng Hiến “người Bắc, thông hiểu kinh sử... làm quân sư... mưu bàn việc nước”. Ông này chết đi (988), chính sách còn lại đủ cho các quan ngăn vua đừng phế trưởng lập thứ. Lí cũng không bị đe dọa vì đã đảo chính, chứng cớ là Lê Hoàn vẫn ở Hoa Lư dù từng làm con nuôi đất Thanh Hoá, dù ngày nay đất Hà Nam giành là quê gốc của ông. Sau khi đảo chính, Lí Công Uẩn không bị phe phái Hoa Lư đe doạ nhiều vì ông đã tổ chức được cơ sở vật chất cai trị trong ngoài, với đủ phe phái chia quyền, có cả hệ thống tăng đạo yểm trợ về mặt thần quyền, nghĩa là có vẻ vững vàng hơn Đinh Lê. Gần một năm sau ông mới dời đô, sau chuyến về thăm quê cũ như một hành động “áo gấm (rồng) về làng”. Đe dọa nếu có, thực sự là đến từ phía khác. Bên ngoài. Từ vùng đất phía Nam Hoa Lư.

Ngô, Đinh phải nhường quyền nơi này cho ông được coi là Khâm sai triều đình: “Ái Châu, Cửu Chân Đô (Hộ) Quốc Dịch sứ” Lê Lương. Lê Hoàn bị sự đe doạ của các quản giáp Dương Tiến Lộc, Lưu Kế Tông trong vùng. Và sau này (1012) Lí Thái Tổ đánh Diễn Châu vì dân “không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn... tội ác chồng chất...” Và với tay được tới Diễn Châu vì năm trước ông đã đánh dẹp toán giặc Cử Long từng tung hoành dọc theo sông Mã, lấn ra đến cửa sông Đáy, đe doạ Hoa Lư thật sự.

Toán “giặc” ở Ái Châu này, theo Lí Công Uẩn, là “hung hăng dữ tợn, trải hai triều Đinh, Lê không đánh nổi”. Chiến tích đầu tiên xuất hiện trong sử là trận phục kích quân của ông Hoàng đế Lê, khiến cựu Hoàng đế Đinh Toàn bị trúng tên chết (1001). Khi Lê Hoàn chết (tháng 3âl. 1005), các con tranh quyền, Hoàng tử Long Tích, người có tư thế tiếp ngôi nhất, thua Ngoạ Triều (tháng 10âl.), chạy vào nương nhờ sự che chở của Cử Long. Ngoạ Triều đang giành quyền với anh em ở phía Bắc cũng phải bỏ về Nam vì tin báo “giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa Thần Đầu”, một cửa sông Đáy tiếp cận vùng Hoa Lư, cửa Thần Phù nổi danh trong truyền thuyết, ca dao! Lí Công Uẩn đã ra Thăng Long (1011), nghe tin Cử Long “nổi dậy càng dữ, phải đem quân đi đánh, đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ đem về”.

Địa điểm tung hoành của “Man” Cử Long được sử quan Nguyễn ghi là Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) nên giúp cho sử gia ngày nay chú thích thêm “thuộc vùng đất Mường”, hàm ý Cử Long là một bộ lạc Mường. Một cái tên xuất hiện tất có nguyên do của nó. Sử quan không thành thạo về dân tộc học thì gán cho bọn “giặc” là loài Man Mọi cũng phải. Người nay chi li hơn, thấy ra chữ Mường chắc cũng cho là hợp lí nhưng e rằng đó là “lấy nay làm xưa”. Theo tình hình chung của các thế kỉ xảy ra biến cố thì hiện tượng tràn lấn của các tập đoàn Thái qua đông, xuống nam thật rõ rệt trên các trang sử Việt. Thời Bắc thuộc có chủ trương Thác Đông (đi về phía đông) của Nam Chiếu làm bận tâm Cao Biền, và cũng khiến Lí chưa hết lo lắng. Những người mang họ Trịnh khiến Lê Hoàn, các vua Trần mang quân chống đánh, rõ là gốc Thái. Thấy họ cứ loay hoay ở vùng núi Tản Viên, thần sơn của Đại Việt, lăm le tràn xuống kinh thành. Không phải chỉ là suy đoán từ “chiềng”, một địa điểm, qua “trịnh”, một họ, mà dấu hiệu còn rõ rệt hơn với tên Ngưu Hống giao tiếp với Lí (1067), quấy rối Trần. Ông Hà Văn Tấn dò sát phiên âm, cho thấy gốc “ngù háu” có nghĩa là “rắn hổ mang”, dấu hiệu riêng biệt cho tộc Thái còn giữ lại đến ngày nay, khi trước 1975, một chiến đoàn Thái đến đóng ở Tây Ninh (?) còn lấy tên (Việt) là Mãng Xà Vương Hậu.

Sự tiếp xúc dân tộc trên vùng phía bắc hẳn là sát sao hơn nên còn giữ nguyên âm vận tên tộc đoàn. Còn trên vùng dọc sông Mã, không hiểu vì lẽ gì người ta lại dịch ra âm Hán cho tập đoàn quấy đảo phía nam Hoa Lư này: “cử long” là “rắn ngóc đầu lên”, con cobra / rắn hổ mang! Vậy là quanh các năm 1000 đã có một tập đoàn Thái tràn lấn dọc sông Mã, xuống đến bờ biển phía đông, chứa chấp kẻ “phản loạn”, đe doạ Hoa Lư nhiều mươi năm liền. Tuy sử nói rằng trong trận chiến 1011, Lí Thái Tổ “bắt kẻ đầu sỏ đem về, giặc ấy bèn tan...” nhưng khu vực họ lấn chiếm đã rộng đến như thế thì “dư đảng” hẳn không dễ biến mất mà còn lẩn khuất trong lịch sử để xuất hiện với nhóm Lam Sơn gần đó, không xa, ở thế kỉ XV. Ông Đạo Cham hàng Minh được lãnh đất Nga Lạc hẳn là đã cai trị trên con cháu những người bà con đồng thời. Phần đất phía nam kinh đô Hoa Lư rõ là không được yên tĩnh cho lắm để ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định dời đổi chỗ ở của ông vua muốn mở thời mới.

Một điều gợi bất an lẻ loi không khiến người ta phải hoảng hốt quay cuồng nhưng nhiều yếu tố bất an dồn dập gồm lại sẽ mang tính đe dọa tổng hợp to lớn, vẽ ra mức độ trầm trọng chết người hơn. Lí Công Uẩn chiếm đất đai, kho tàng của người khác, nội bộ cũng không tin cậy nhau (vụ bỏ trốn của một nhóm nhân vật đất Mân, vụ tướng tá, anh em âm mưu chống đối...), bên ngoài phải chịu đựng tộc lạ thù nghịch, ông vua hẳn là phải nghĩ về một nơi cho là an toàn hơn. Một chuyến đi li khai có phối hợp tình thế trong ngoài. Và sự lựa chọn đúng đắn đã mở ra được một thời mới, cho bản thân gia tộc, và cho những tộc đoàn nối tiếp.

9-2010

© 2010 Tạ Chí Đại Trường
© 2010 talawas

4 nhận xét:

  1. Từ THĂNG LONG đến LĂNG BÁC

    Trong cuộc phỏng vấn ,Đại sứ Nga tại Hà nôị có cho biết rằng tù binh Hoa kỳ nhốt trong lăng Hồ Chí Minh là sự thực. Cho nên , truớc khi đuợc chấp thuận nối lại bang giao với CSVN, Hà nội bắt buộc phải đồng ý cho chuyên viên cuả phái đoàn Thuợng nghị sĩ Hoa kỳ do TNS John Kerry và Bob Smith cầm đầu khám xét Lăng ông Hồ Chí Minh để bảo đãm là CSV không có giấu tù binh Mỹ (POW).
    Không biết đội ngũ trí thức Hànội có cùng lên tiếng hay hỏi Bô Chính Trị đãng CSVN đã "lãnh đạo" để Đế quốc Mỹ vào lục soát , khám xét biến Lăng Bác, nơi thiêng liêng và tôn kính cuả chế độ như thành chỗ chưá hàng lậu !

    Trong sách TOUR OF DUTY of JOHN KERRY cuả DOUGLAS BRINKLEY , TNS Hoa klỳ John Kerry kể lại (tạm dịch):

    " Lời đồn cho biết tù binh Mỹ đang bị nhốt làm con tin duới lăng Hồ Chí Minh tại Hà nội. Hãng tin Reuter đã chạy hai câu chuyện trong tháng Tám 1992 báo nhiều tù binh Mỹ bĩ bắt giữ trong các đuờng hầm Hà nội sát lăng Hồ. Đáng thuyết phục nhất là cuộc phỏng vấn Đại sứ Nga tại Việt Nam . Vị Đại sứ này bảo rằng ông ta tin những lời đồi đãi rùng rợn đó là sự thật.
    Vì vậy , Thuơng nghị sĩ Kerry cùng TNS Bob Smith quyết đòi hỏi họ phải đuợc "phép" điều tra khám xét tại chỗ . TNS Kerry nhớ lại :" HỌ BẮT BUỘC CHÚNG TÔI KHÔNG ĐUỢC TIẾT LỘ (cuộc khám xét này ).
    THẬT LÀ KỲ CỤC ! " Nhưng rồi chúng tôi cũng khám xét các mồ mã trong hang rêu mốc và các đuờng hầm ngóc ngách đó ."(Tạm dịch,trang 450, Tour of duty fo John Kerry , Douglas Brinkley)

    "The rumor was that US servicemen were being held hostage under Ho Chi Minh 's tomb in Hanoi Reuters news service had run two stories in August 1992 claiming there were U.S. POWs being held captive in the underground tunnels of Hanoi near the Ho tomb. The most convincing
    of these was an interview with the Russian ambassador to Vietnam , who said he believed these grim rumors to be true. So Kerry , accompagned by (Senator) Bob Smith , insisted that they were " permitted " to conduct an on-the-spot investigation. "It was weird, Kerry recalled, We were forced to keep it quiet But there we were inspecting these musty catacombs ( mồ mã trong hang) and crazy tunnels" (p.450,Tour of duty fo John Kerry , Douglas Brinkley)

    Trả lờiXóa
  2. Phùng Tường Vânlúc 20:59 9 tháng 9, 2010

    Nhất Phiến Tân Phần Uế Cố Cung.

    Tôi đã có lần nói về lai lịch câu thơ trên, nay nhân câu chuyện ghê tởm ("Từ Thăng Long đến lăng bác") này, xin phép được nhắc lại, thiết tưởng cũng là "The right words at the right time" vậy.

    Khi Nguyễn Du trở lại Thăng Long, chứng kiến cảnh hưng phế của một cố đô đã đổi chủ, ông cảm khái viết hai bài Thăng Long, đại khái cũng là một niềm hoài cổ kiểu "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương" của Bà Huyện Thanh Quan, nguyên văn (Bài I) như sau :

    THĂNG LONG
    (Nhất thủ)

    TẢN LĨNH LÔ GIANG TUẾ TUẾ ĐỒNG
    BẠCH ĐẦU DO ĐẮC KIẾN THĂNG LONG
    THIÊN NIÊN CỰ THẤT THÀNH QUAN ĐẠO
    NHẤT PHIẾN TÂN THÀNH MỘT CỐ CUNG
    TƯƠNG THỨC MỸ NHÂN KHAN BÃO TỬ
    ĐỒNG DU HIỆP THIẾU TẪN THÀNH ÔNG
    QUAN TÂM NHẤT DẠ KHỔ VÔ THỤY
    ĐOẢN ĐỊCH THANH THANH MINH NGUYỆT TRUNG.

    Dịch nghĩa :

    Núi Tản và sông Lô cùng với tháng năm vẫn còn đây,
    (Ta)Đầu đã bạc vẫn còn được nhìn lại Thăng Long,
    Những toà nhà to lớn từ ngàn năm nay đã trở thành đường đi,
    Một bức thành mới làm mai một những cung điện xưa,
    Những người đẹp (mà ta) đã từng gặp gỡ thuở trước nay đều đã tay bồng tay mang cả,
    Những bạn (cùng ta) giao du thuở thiếu thời, nay thảy cũng đã già rồi,
    Lòng bồi hồi trong một đêm thao thức không ngủ được,
    Chợt nghe có tiếng sáo diều vi vu trong đêm trăng !

    Trong một lần trở lại Hà Nội, tôi có dịp đến thăm một vị "Bắc Hà Nhân Sĩ" vào hàng cố giao của tiên nghiêm, trong câu truyện nhân có nhắc đến bài thơ trên, cụ cười bảo :"Ông cũng là một thứ 'Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long' đấy nhá, à mà ông ạ, cái câu 4 của bài thơ ấy, có người đọc trại ra rằng "Nhất phiến tân phần uế cố cung" (một nấm mồ mới làm ô uế cả cố cung) ông có biết không nhỉ ?"

    Trả lờiXóa
  3. Theo Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, tháng 7 âm lịch năm Thuận Thiên nguyên niên (1010) vua Lý Công Uẩn khởi sự dời đô từ đất Hoa Lư chật hẹp ra thành Đại La được xây từ thời Cao Biền đời Đường, mà các triều đại Ngô, Đinh , (Tiền) Lê đều không dùng làm kinh đô cho nước Việt Nam tự chủ. Nhưng năm nay, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lại bắt đầu từ ngày 1-10-2010 (nhằm ngày 24-8 âm lịch), và có người nhận xét là trùng với ngày quốc khánh của Trung Quốc. Không biết chọn lựa ngày tháng như thế thật ra là vì những lý do gì.

    Việc chọn Thăng Long làm kinh đô từ thời Lý có thể nhận thấy là để gần với đất Bắc Ninh, nơi xuất phát của vua Lý Thái Tổ và quốc sư Vạn Hạnh (cùng nhóm tăng đạo hậu thuẫn). Ông Tạ Chí Đại Trường cho chủ yếu là vì lý do an ninh ở mặt phía Nam (từ đất Ái châu, tức Thanh Hoá). Nhưng thành Đại La lại dễ bị uy hiếp mỗi khi thuỷ quân phương Bắc ngược dòng sông Hồng, như đã xảy ra vào đời Lê Đại Hành, và trước đó vào thời Ngô Quyền. Cho nên tuy ông Tạ Chí Đại Trường có ý bác bỏ mối " đe doạ của phe phái Hoa Lư" (hậu duệ Đinh, Lê), nhưng đây có thể là lý do chính trị (nội bộ) rất đáng kể, hay không thể coi nhẹ, trong việc dời đô của nhà Lý .

    Trả lờiXóa
  4. Hoàng Trường Salúc 08:43 10 tháng 9, 2010

    “Nhưng năm nay, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lại bắt đầu từ ngày 1-10-2010 (nhằm ngày 24-8 âm lịch), và có người nhận xét là trùng với ngày quốc khánh của Trung Quốc. Không biết chọn lựa ngày tháng như thế thật ra là vì những lý do gì.” (Hòa Nguyễn)

    Để trả lời cho câu hỏi nói trên của bác Hòa Nguyễn, nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng đã viết như sau (trong bài “Kỷ niệm Thăng Long và nhu cầu chính trị”):

    “…Nay một lần nữa, Thăng Long, cựu đô trong khoảng 8 thế kỷ của dân tộc Việt Nam, bị đảng CSVN đưa ra làm phẩm vật hiến tế, để mừng quốc khánh của CHNDTQ. Các nhà cầm quyền Trung Quốc đã bao lần đem quân xâm lược Việt Nam và giày xéo cố đô Thăng Long. Trung Quốc là một đại họa thường trực cho dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
    Mượn chuyện kỷ niệm ngàn năm Thăng Long để mừng quốc khánh CHNDTQ là một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống lịch sử của cựu đô Thăng Long và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam vốn HIẾU HÒA, KHÔNG GÂY HẤN VỚI TRUNG QUỐC, NHƯNG SẴN SÀNG CHỐNG TRẢ TẤT CẢ NHỮNG CUỘC XÂM LĂNG CỦA TRUNG QUỐC. Vì thế, người Việt Nam không chấp nhận và phản đối mạnh mẽ hành vi nhục nhã của nhà cầm quyền CSVN, vì nhu cầu chính trị, mượn lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long để mừng quốc khánh CHNDTQ…”

    Sau đây là toàn bài viết của ông Trần Gia Phụng:

    http://www.danchimviet.info/archives/17363

    Trả lờiXóa