Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Trần Quốc Việt – Cõng người lên núi hay không đưa người sang sông

Chuyện mẹ kể cho con gái khi biết con sắp sinh con đầu lòng:

Một con chim mẹ và ba chim con đến bờ một con sông, sông quá rộng các chim con không thể tự mình bay qua được bờ bên kia.
Đặt con chim con đầu lên cánh, chim mẹ bắt đầu bay đứa con sang sông, và khi ra đến giữa sông chim mẹ hỏi con câu hỏi sau: "Con yêu, mai này mẹ già yếu không thể bay xa được, con có đưa mẹ qua sông?" Mau lẹ và ngoan ngoãn, chim con trả lời, "Thưa mẹ, tất nhiên rồi," nghe thế chim mẹ liền thả con xuống nước bên dưới cho chết. Lặp lại câu hỏi cho chim con kế, chim mẹ nhận được vẫn câu trả lời ấy, thế là cũng thả con xuống mặt nước bên dưới. Đến lượt chim con út, chim mẹ hỏi vẫn câu hỏi ấy lần cuối cùng: "Con yêu, mai này mẹ già yếu không thể bay xa được, con có đưa mẹ qua sông?" Khác với hai anh, chim con út suy nghĩ rồi từ tốn trả lời, "Thưa mẹ, không, con không đưa mẹ qua sông, nhưng con sẽ đưa con của con qua sông." Chim mẹ lúc này rất vui vì biết chắc chắn trước tương lai của mình, tiếp tục bay đưa con qua sông và trìu mến đặt con xuống bờ xa bên kia. (1)

Từ một truyện phim Nhật:

Cuộc sống quá đỗi khó khăn ở một làng miền núi Nhật. Đói kém quanh năm. Trong làng nếu cha mẹ đến 70 tuổi chưa chết, người con đầu phải cõng cha mẹ lên núi Narayama, bỏ họ lại ở đấy để chờ chết. Người mẹ già Orin cả đời vất vả, đã 69 tuổi biết rằng đã đến lúc mình phải lên núi Narayama. Bà đã sống thọ lắm rồi và không muốn mình thành gánh nặng cho con. Thu xếp việc nhà xong, bà đập nát hàm răng còn tốt của mình vào đá để thuyết phục người con đầu Tatsuhei là bà giờ chẳng còn ích lợi gì cho con cháu. Tatsuhei đành cõng mẹ lên núi. Trên đường đi Tatsuhei rất đau lòng nhưng Orin lặng lẽ chấp nhận số phận. Theo tục lệ, sau khi ôm mẹ vào lòng lần cuối cùng, Tatsuhei phải bỏ đi không được ngó lại. Người con làm đúng như vậy, nhưng sau khi đi được một đoạn đường trời bắt đầu đổ tuyết. Người làng tin rằng nếu tuyết rơi vào ngày người già lên núi, người già sẽ được giải thoát khỏi tất cả đau đớn. Tatsuhei chạy trở lại để la to cho mẹ biết tuyết đang rơi! Khi leo xuống núi, Tatsuhei thấy một người cùng làng đang cõng cha lên núi nhưng người cha không chịu đi và anh thấy người con ném cha xuống triền núi.(2)

Tôi hồi tưởng lại một giờ học văn với thầy Nguyễn Văn Xuân, trường Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, vào một ngày sau tháng Tư năm 1975. Câu ca dao xứ Quảng thầy dạy vẫn còn khắc sâu trong lòng bao năm nay:

"Gánh cực mà chạy lên non,
Cong lưng chạy xuống cực còn chạy theo."

Báo trong nước đăng tin:

"Hơn 36,000 người vào lăng viếng Bác trong ngày quốc khánh."

Việt Nam không có tuyết để các con an lòng đưa cha lên núi. Vì thế dòng người đứng xếp hàng mê mải dưới bóng mát của lăng mà quên cõng cực lên non.

Chú thích

(1) Amy A. Kass, tạp chí First Things số tháng Giêng năm 1995.
(2) Từ phim Nhật The Ballad of Narayama (1983), đạo diễn Shohei Imamura.

© 2010 Trần Quốc Việt
© 2010 talawas

1 nhận xét:

  1. Phùng Tường Vânlúc 13:19 6 tháng 9, 2010

    Cứ ăn cắp là bị chôn sống.

    Nhân hai câu chuyện dụ ngôn, tác giả có nhắc đến Phim "The ballad of Narayama", tác phẩm điện ảnh Nhật đọat giải cao quý nhất "Cành Cọ Vàng" (Palme d'or) tại Đại hội Điện Ảnh Cannes năm 1983. Như tác giả bài viết đã sơ lược mô tả, phim có một nội dung cực kỳ tàn nhẫn, bi thảm, có một không hai của kiếp nhân sinh. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến một thứ kỷ luật hãi hùng của dân làng ở miền sơn dã Narayama ấy: vì cây lương thực rất hiếm quý nên bất cứ kẻ nào, không chịu chung cảnh đói nghèo, không chịu sống bằng sức làm việc của mình mà lại đi ăn cắp lương thực của nhà khác, người khác là lập tức bị cái cộng đồng ấy bắt đem đi...chôn sống. Xem cái cảnh một phụ nữ đã mang thai đi ăn cắp khoai rồi bị chôn sống, cảnh cả một gia đình có tật ăn trộm, bị phát giác hồi hộp chờ dân làng đem rọ đến bắt...sợ hãi thương tâm đến lạnh người.

    Tôi nghĩ đến những kẻ cắp lớn nhỏ của đất nước ta mà vụ "mô hình" vinashin là một phát giác mới nhất, những kẻ ấy đâu có đói mà dân tộc ta trên mặt bằng toàn thể vẫn còn là một dân tộc sống thiếu, khổ, ấy vậy mà mức ăn cắp của chúng hôm trước ở đâu đây có người đã tính đổ đồng là mỗi một đầu người Việt : nam,phụ,lão,ấu bị chúng ăn cướp một triệu đồng ! Nghĩ đến chuyện phim kinh hoàng kia mà vẫn ước rằng phải chi nếu có một hình phạt "chôn sống" những kẻ ăn cắp, ăn cướp ấy thì cũng phải chấp nhận rằng xứng với tội ác của chúng thôi !

    Trả lờiXóa