Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

John Mearsheime - Cơn bão đang quần tụ: Trung Quốc thách thức quyền lực của Hoa Kỳ tại châu Á (phần 1)

Hồ Kim Sơn dịch

(Chương trình diễn giảng Michael Hintze hàng năm lần thứ tư về an ninh thế giới)

Quả thật thú vị và vinh hạnh cho tôi được có mặt ở đây tại Đại học Sydney này để đăng đàn diễn giảng về đề tài quan hệ quốc tế trong chương trình diễn giảng Michael Hinzte hàng năm. Tôi xin được tỏ lòng biết ơn đối với ông Alan Dupont – người đã ngỏ lời mời tôi, và cảm ơn tất cả quý vị đã hội tụ về đây tối hôm nay để nghe tôi nói.

Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất trên hành tinh suốt nhiều thập kỷ nay, và là quốc gia đã triển khai những lực lượng quân sự hùng hậu đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngay từ những năm đầu của Đệ nhị Thế chiến. Sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực láng giềng của quí vị đã mang lại những kết quả có giá trị cho Australia và cho cả khu vực rộng lớn hơn.
Đây là cách thể chính quyền Australia nhìn nhận thực tế đó, chí ít theo Bạch thư quốc phòng 2009 thì: “Australia là quốc gia rất an toàn và ổn định suốt nhiều thập kỷ, nhìn theo tầm kích lớn, vì khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên phạm vi rộng lớn hơn cũng đã được ân hưởng một kỷ nguyên hòa bình và ổn định chưa từng có trước đó do vị thế cầm đầu chiến lược của Hoa Kỳ bảo đảm.” Nói cách khác, Hoa Kỳ đã đóng vai người gìn giữ hòa bình cho khu vực này của thế giới.

Tuy nhiên, theo câu tiếp theo trong Bạch thư, “Trật tự đó đang chuyển đổi vì những thay đổi về kinh tế bắt đầu dẫn đến những thay đổi trong phân bổ quyền lực chiến lược.” Luận điểm nầy rõ ràng là đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tác động đáng kể lên sự quân bình quyền lực toàn cầu. Đặc biệt, hố cách biệt quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang thu hẹp lại và hoàn toàn có khả năng “thế cầm đầu chiến lược của Hoa Kỳ” trong khu vực này sẽ không còn nữa. Điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ biến mất đi; thực tế là sự hiện diện của Hoa Kỳ ở đây có khả năng gia tăng tương ứng theo đà trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không còn là cường quốc trội hơn trong khu vực láng giềng của quí vị nữa, như nó đã từng từ thời 1945.

Câu hỏi quan trọng nhất nảy lên từ cuộc thảo luận này là liệu Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hòa bình. Điều này quá rõ ràng như theo trong Bạch thư quốc phòng – mà có nhiệm vụ đánh giá tình hình chiến lược tính đến năm 2030 của Australia – cho rằng những nhà hoạch định chính sách ở đây đang lo lắng về sự thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xin hãy xem xét những lời bình như thế này trong Bạch thư: “Trong khi các cường quốc khác nổi lên, và vị thế cầm đầu của Hoa Kỳ đang ngày càng bị thử thách, những quan hệ giữa các cường quốc sẽ ắt phải thay đổi. Khi điều này xảy ra, hẳn nhiên sẽ tồn tại một khả năng tính toán sai lầm. Vẫn tồn tại một khả năng không đáng kể nhưng vẫn đáng quan ngại về sự đối đầu ngày càng lớn giữa một số trong những cường quốc nầy.” Một điểm khác trong Bạch thư mà chúng ta có thể đọc được, “Những nguy cơ do kết quả của cạnh tranh chiến lược leo thang có thể nổi lên bất cứ lúc nào và không đoán định được, và sẽ là một thành tố phải được tính đến trong việc hoạch định kế sách quốc phòng của chúng ta.” Nói tóm lại, chính phủ Australia dường như cảm nhận được sự hoán chuyển cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có lẽ có tác động không mấy tốt đẹp cho nền hòa bình trong khu vực lân bang.

Tôi muốn nêu lên quan điểm rằng nhân dân Australia cần nên lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi vì nó có thể dẫn đến một cuộc cạnh tranh an ninh gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà rất thể có khả năng chiến tranh nổ ra. Hơn thế nữa, đa số những quốc gia lân bang của Trung Quốc, xin kể ra đây gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn, Liên bang Nga, Việt Nam, và cả Australia nữa sẽ liên kết với Hoa Kỳ để kìm hãm quyền lực của Trung Quốc. Vậy xin nói thẳng thừng ra: Trung Quốc không thể trỗi dậy một cách hòa bình được.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng tôi không nghị luận rằng chỉ một mình hành động của Trung Quốc sẽ thúc đẩy cuộc cạnh tranh an ninh mà vẫn còn nằm ở phía trước. Hoa Kỳ cũng có khả năng hành động theo những cách gây hấn hung hãn, do vậy sẽ đẩy xa hơn triển vọng gây ra rắc rối cho ở đây - khu vực châu Á-Thái Bình Dương này.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lối nhận định tình hình này của tôi. Nhiều người tin rằng Trung quốc có thể trỗi dậy một cách hòa bình; họ cũng cho rằng không phải không thể không xảy ra việc Hoa Kỳ và Trung Quốc hùng mạnh sẽ làm nảy sinh những quan hệ đối đầu. Dĩ nhiên, họ giả định rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi những mục đích hòa bình và rằng lẽ tất yếu của cuộc đời có thể giúp thiết lập ổn định tại khu vực này, mặc dù sự cân bằng quyền lực nền tảng được cho là sẽ thay đổi triệt để.

Tôi xin được mổ xẻ ba luận điểm căn bản mà thường được viện dẫn để bảo vệ cho tiên lượng bệnh có tính chất lạc quan này.

Thứ nhất, có một số người khẳng định rằng Trung Quốc có thể làm dịu đi nỗi e sợ đối với sự trỗi dậy của mình bằng việc bạch thị cùng những quốc gia lân bang và Hoa Kỳ rằng Trung Quốc chỉ theo đuổi những mục đích hòa bình, và sẽ không sử dụng vũ lực để làm thay đổi cán cân quyền lực. Kiến giải này có thể tìm thấy trong Bạch thư quốc phòng như thế nầy: “Cường độ, qui mô và cấu trúc của công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có khả năng gây ra quan ngại cho những quốc gia lân bang nếu nó không được giải trình cẩn thận, và nếu Trung Quốc không mở rộng vòng tay ra với những quốc gia khác để xây dựng niềm tin liên quan đối với những kế hoạch quân sự của mình.” Tự trong bản chất, niềm tin này cho rằng Trung Quốc có khả năng có thể gởi tín hiệu về những mục đích tương lai và hiện tại của mình cho Australia và những quốc gia khác theo những cách thức thật sự gợi mở.

Bất hạnh thay, các quốc gia trên thế giới không bao giờ có thể xác định được những mục đích hay dự định của nhau. Họ không thể biết được với một độ xác quyết cao liệu họ đang đối đầu với một quốc gia theo khuynh hướng xét lại hay một cường quốc theo khuynh hướng mặc định hiện trạng. Chẳng hạn, các chuyên gia vẫn không nhất trí được với nhau liệu có phải chăng Liên bang Sô viết đã có chủ định muốn thống trị cả lục địa Âu Á suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. Cũng như không có đồng thuận nào đối với nghi vấn phải chăng Đế quốc Đức là một quốc gia hung hăng gây hấn cao độ phải chịu trách nhiệm chính đã gây ra Đệ nhất Thế chiến. Cội rễ của vấn đề là ở chỗ không giống như những khả năng quân sự có thể thấy bằng mắt và đo đếm được, những dự định không thể chứng minh trên cơ sở thực nghiệm. Những dự định nằm ở trong đầu của những nhà đưa ra quyết định và chúng đặc biệt rất khó nhận biết rõ bằng các giác quan. Quí vị có thể bảo rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng ngôn từ để giải thích cho những dự định của họ. Nhưng lời nói thì rẻ và các nhà lãnh đạo rất nổi tiếng về việc chuyên lừa dối đối với thính giả ngoại quốc. Do vậy, thật khó biết được những dự định của những nhà lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc, mà không có ý nói rằng họ nhất thiết là theo chủ trương xét lại.

Nhưng thậm chí giả định rằng quí vị có thể xác định được những dự định mục đích của Trung Quốc ngày hôm nay đi chăng nữa, thì cũng không có cách nào để biết được họ sẽ như thế nào trong tương lai. Tóm lại, không tài nào có thể chỉ đích danh ai là người thực thi những chính sách ngoại giao của quốc gia nào đấy từ 5 cho đến 10 năm trong tương lai, chứ chưa nói tới chuyện làm sao biết được những quốc gia đó có những dự tính xâm lược hay không. Nói bao nhiêu cũng không nhấn mạnh đủ một thực tế rằng chúng ta phải đối mặt với sự bất định triệt để bất cứ khi nào chúng ta muốn xác định rõ những dự tính tương lai của một quốc gia nào đó, bao gồm cả Trung quốc.

Luận điểm thứ hai là một Trung Quốc hòa nhã có thể tránh được sự đối đầu bằng cách xây dựng những lực lượng quân sự để tự vệ thay cho tấn công. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể đưa ra chỉ dấu rằng mình là một cường quốc thực theo hiện trạng qua việc tự mình từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để làm thay đổi thế quân bằng quyền lực. Tóm lại, một quốc gia không có khả năng tấn công không thể là một quốc gia theo khuynh hướng xét lại, bởi vì nó không có phương tiện để thực thi hành động xâm lấn. Không ngạc nhiên chút nào khi chúng ta vẫn thường nghe những nhà lãnh đạo Trung Quốc ra rả tuyên bố rằng quân đội của họ được thiết dựng chủ yếu là cho những mục đích tự vệ. Lấy ví dụ, tờ New York Thời báo mới đây cho đăng một bài tường trình quan trọng về quân chủng hải quân Trung Quốc mà qua đó những cấp lãnh đạo vẫn khẳng định rằng quân lực hải quân của họ chỉ “thuần là một lực lượng tự vệ.”

Lập luận này có một nan đề: thật khó mà phân biệt được đâu là khả năng phòng vệ và đâu là khả năng tấn công của một lực lượng quân sự. Các nhà đàm phán tại Hội nghị Giải trừ vũ khí họp năm 1932 đã nỗ lực đưa ra những phân biệt như thế nhưng cuối cùng thấy mình bị mắc kẹt khi không thể phân định được những loại vũ khí cụ thể chẳng hạn như xe tăng hay khu trục hạm là có thuộc tính tự vệ hay tấn công. Vấn đề căn cốt là những khả năng mà các quốc gia phát triển chỉ để tự vệ lại thường có tiềm năng tấn công rất đáng kể. Hãy xem xét những gì Trung Quốc đang làm ngày hôm nay. Họ đang xây dựng những lực lượng quân sự có khả năng triển khai sức mạnh tầm xa đáng kể, và giống như Bạch thư quốc phòng cho chúng ta hay, “công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc càng ngày càng thiên về đặc tính phát triển những khả năng triển khai sức mạnh tầm xa.” Ví dụ, Trung Quốc đang xây dựng những lực lượng hải quân có khả năng triển khai sức mạnh ra xa tới “Chuỗi đảo thứ hai” [Trong chiến lược vươn ra đại dương Trung Quốc đã định ra 2 chuỗi đảo, chuỗi đảo thứ nhất gồm cả Biển Đông, chuỗi đảo thứ hai được nói đến ở đây. ND ghi chú] nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Và họ còn tuyên bố đang lên kế hoạch để xây dựng lực lượng “hải quân biển xanh” có khả năng hoạt động ở vùng biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Vì những lý do thật dễ hiểu, họ muốn có khả năng tự bảo vệ những tuyến đường biển của họ mà không phải lệ thuộc vào hải quân Hoa Kỳ để giải quyết nhiệm vụ nầy. Mặc dù bây giờ họ chưa có được khả năng đó, như Robert Kaplan chỉ ra trong một bài báo mới đây đăng trên tờ Foreign Affairs (Những vấn đề ngoại giao), “Những nhà lãnh đạo hải quân của Trung Quốc đang phô diễn triết lý xâm lăng của Alfred Thayer Mahan – chiến lược gia về hải quân Hoa Kỳ tại-khúc-quanh-thế-kỷ-hai-mươi, người chủ trương kiểm soát mặt biển và những trận đánh quyết định.”

Hiển nhiên, đa số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều nghĩ rằng hải quân của họ chỉ thiên về tự vệ, mặc dù thực tế nó có khả năng tấn công rất đáng kể và khả năng đó sẽ mạnh hơn nữa trong tương lai. Thực ra, họ gán cho chiến lược hải quân của họ là “Phòng thủ Biển xa.” Như những nhận xét của Kaplan đã chỉ ra, gần như chắc chắn rằng khi hải quân của Trung Quốc phát triển cả qui mô lẫn khả năng, không một quốc gia lân bang nào của Trung Quốc, kể cả Australia, xem đó là để tự vệ. Tất cả các quốc gia đó đều xem đó là lực lượng tấn công kinh khủng. Cho nên, bất kì ai muốn xác định những dự tính tương lai của Trung Quốc qua việc quan sát lãnh vực quân sự của nó đều có thể đi đến kết luận rằng Bắc Kinh có quyết tâm gây hấn xâm lược.

Sau cùng là, có một số người vẫn cho rằng những ứng xử mới đây của Trung Quốc đối với những quốc gia lân bang, mà chưa có thể coi là xâm lược theo ý nghĩa trọn vẹn của nó, là những chỉ dấu đáng tin cậy về cách thức hành động của Trung Quốc trong những thập kỷ tới. Nan đề trung tâm của luận điểm này là hành tung trong quá khứ không phải lúc nào cũng là chỉ định đáng tin cho hành vi trong tương lai, bởi vì những nhà lãnh đạo đến rồi đi và có một số thì hiếu chiến hơn một số khác. Thêm vào đó, tình hình tại quốc nội và tại hải ngoại có thể biến chuyển theo cách khiến việc muốn sử dụng lực lượng quân đội trở nên hấp dẫn hơn hoặc kém đi.

Trường hợp Trung Quốc là một minh thị cho lập luận này. Hiện tại Bắc Kinh chưa sở hữu một quân đội có sức mạnh kinh khủng và chắc chắn nó chưa ở vào vị thế có thể gây chiến với Hoa Kỳ. Nói như thế không có ý cho Trung Quốc là một con cọp giấy, mà không có khả năng gây ra nhiều rắc rối trong khu vực này. Mặc dù vậy, tình hình như thế có triển vọng là sẽ thay đổi rất nhiều theo thời gian, và trong một trường hợp Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công đáng kể. Đến lúc đó, chúng ta sẽ thấy nó “tận tụy” với hiện thực nguyên trạng như thế nào. Nhưng bây giờ chúng ta không thể nói gì nhiều về hành vi trong tương lai của Trung Quốc, bởi vì hiện tại nó chỉ có khả năng rất giới hạn để hành động theo cách gây hấn hung hãn.

Tất cả những thứ này báo cho chúng ta một điều là không hiện hữu một cách thức tốt đẹp nào để phỏng định Trung Quốc sẽ có những dự định gì trong tương lai hoặc tiên đoán hành vi trong tương lai của nó bằng cách chỉ căn cứ vào những chính sách ngoại giao gần đây của họ. Tuy nhiên, dường như không rõ rằng Trung Quốc sẽ hiển nhiên có một quân đội có tiềm năng tấn công đáng kể.

Từ nãy đến giờ, tôi chỉ mới đề cập đến cách thể một người Mỹ hoặc một người Úc bất kỳ nào có thể đánh giá hành tung tương lai của trung Quốc. Nhưng để hiểu rõ một cách tường tận sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền an ninh ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta cũng phải xem xét những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tiên liệu về những hành tung tương lai của Hoa Kỳ, bằng qua việc xem xét những dự định, khả năng, và hành vi trong hiện tại của họ.

Một điều hiển nhiên là không có cách nào để những nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể biết ai sẽ là người có trách nhiệm điều hành chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong tương lai, chưa nói tới những dự định của họ đối với Trung Quốc sẽ như thế nào. Nhưng họ thừa biết tất cả những tổng thống Hoa Kỳ trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, kể cả Tổng thống Barack Obama, đều đã tuyên bố rằng họ vẫn giữ vững chính sách Hoa Kỳ dẫn đầu như từ trước đến nay. Điều này có nghĩa là Washington có thể tiếp tục ngăn cản Trung Quốc không cho nó trở nên quá hùng mạnh trong một thời gian dài đáng kể.

Nói về khả năng quân sự của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã chi một số tiền khổng lồ cho quốc phòng nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới gộp lại. Hơn thế nữa, bởi vì quân đội của Hoa Kỳ được thiết kế để tác chiến ở bất cứ nơi đâu trên toàn cầu, nó đã có sẵn những khí tài dư thừa cho việc triển khai sức mạnh tầm xa. Đa phần khả năng đó hoặc đã được đồn trú sẵn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc có thể nhanh chóng chuyển vận đến bất cứ khi nào có nhu cầu. Trung Quốc không thể nào không nhận ra rằng Hoa Kỳ đã có sẵn những lực lượng quân sự rất hùng hậu có mặt tại khu vực lân bang của mình, được thiết kế phần lớn là cho những mục đích tấn công. Đó là điều chắc chắn, khi Hoa Kỳ cho chuyển những khu trục hạm vào trong vùng biển Đài Loan – như đã xảy ra hồi năm 1996 – hoặc khi Hoa Kỳ tái triển khai những tàu ngầm đến vùng Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc phải xem những khí tài hải quân này là có tính chất tấn công hơn là tự vệ. Điều này không loại trừ thực tế rằng đa số người dân Mỹ, giống như đa số người dân Trung Quốc, nghĩ rằng lực lượng quân sự của họ là công cụ tự vệ; nhưng đó không phải là cách nhìn nhận khi bạn ở phía đằng kia của họng súng. Do vậy, bất kỳ người dân nào ở Trung Quốc khi cố công lượng định những dự tính của Hoa Kỳ qua việc đánh giá những khả năng quân sự của nó cũng đều có thể nghĩ Hoa Kỳ là quốc gia theo khuynh hướng xét lại, không phải là một cường quốc theo khuynh hướng hiện thực nguyên trạng.

Tóm lại là, còn tồn tại một vấn đề liên quan hành động mới đây của Hoa Kỳ và điều có thể nói cho chúng ta hay những hành động trong tương lai của Hoa Kỳ như thế nào. Như tôi đã nói khi nãy, hành động quá khứ thường không phải là chỉ định đáng tin cậy cho hành vi trong tương lai, bởi vì tình thế luôn thay đổi và những nhà lãnh đạo mới thường suy nghĩ khác về chính sách ngoại giao so với những người tiền nhiệm của họ. Nhưng nếu giới lãnh đạoTrung Quốc muốn lượng định Hoa Kỳ có thể hành xử ra sao trong tương lai bằng cách xem xét chính sách ngoại giao mới đây của Hoa Kỳ, họ gần như chắc chắn sẽ kết luận rằng Hoa Kỳ là một quốc gia hiếu chiến và nguy hiểm. Cuối cùng là, Hoa Kỳ đã và đang lâm vào chiến tranh hết 14 năm của 21 năm từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nghĩa là cứ 3 năm là có 2 năm lâm chiến. Và xin lưu ý rằng chính quyền Obama đang lăm le một cuộc chiến mới chống lại Iran.

Giáo sư John Mearsheimer, hiện giảng dạy tại Đại học Chicago, là một trong những nhà tư tưởng táo bạo và gây nhiều tranh cãi nhất Hoa Kỳ trong lãnh vực quan hệ quốc tế. Tác phẩm Những nhà vận động hành lang Do Thái và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ do ông và Stephen Walt thuộc Đại học Harvard đứng tên đồng tác giả làm dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa, và đã được dịch sang 17 thứ tiếng.

(còn tiếp)


Bản tiếng Việt © 2010 Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

1 nhận xét:

  1. Trong khi chờ đợi các diễn đàn X - cafe, danluan, talawas ... hồi phục, các bạn có thể theo dõi tin tức, bài vở cập nhật tại các địa chỉ dưới đây: http://dailyvnews.wordpress.com/

    Trả lờiXóa