Nhân đọc bài viết của Nguyễn Vy Khanh đưa ra những nhận xét về một bộ sách phê bình văn học do Nguyễn Q. Thắng biên soạn năm 2003, tôi có mấy ý kiến sau.
Đọc những sách phê bình văn học Việt Nam Cộng hoà, mà trong hai mươi năm đã có cả nghìn tác phẩm, được chính quyền đương thời cho phép in ấn, phát hành trong nước tôi thấy những nhà phê bình trong nước không nhắc đến tên một số nhà văn đã có những thành quả đóng góp cho văn học, nghệ thuật miền Nam. Hay có nhắc thì không đúng chỗ đứng trong văn học như Nguyễn Vy Khanh đã chỉ ra, còn không lại là những bôi bác nội dung và tiểu sử của tác giả. Tiêu biểu là Trà Linh với quyển Văn hoá, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ-Ngụy xuất bản năm 1977 và Trần Trọng Đăng Đàn với quyển Văn hoá, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam, 1954-1975, sau sách này được bổ sung và đổi tên thành: Văn hoá, văn nghệ Nam Việt Nam: 1954-1975 do Nxb Thông Tin phát hành năm 1993. Đọc hai tác giả trên sẽ thấy lối phê bình văn học của kẻ thắng trận hơn là phân tích các tác phẩm. Từ 1993, sách của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn dù đã bổ sung nhưng quan điểm phê bình văn học Việt Nam Cộng hoà của ông không thay đổi. Năm 2003 Nxb Thông Tin cho phát hành tập sách của Nguyễn Q. Thắng mà Nguyễn Vy Khanh đã chỉ ra những điều thiếu đúng đắn, khách quan trong phê bình đối với văn học Việt Nam Cộng hoà thì cũng không có gì là lạ. Sống dưới chế độ hiện hành tại Việt Nam, những nhà phê bình trên không thể hoặc không được phép viết khác hơn.
Văn học miền Nam có giá trị theo quan điểm chính thống là những tác phẩm như Hòn đất, Bức thư Cà Mau của Anh Đức hay Những người đang chiến đấu: tập bút ký từ miền Nam gửi ra của Giang Nam và nhiều tác giả.
Về chế độ Việt Nam Cộng hoà, tuy có kiểm duyệt thông tin, báo chí và văn nghệ, nhưng không khắt khe như chế độ hiện tại ở Việt Nam ngày nay.
Tôi thuộc thành phần thanh niên, sinh viên chống chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì coi ông là một lãnh đạo độc tài, tham nhũng, tham quyền cố vị, nhất là sau khi ông mua chuộc Quốc hội cho sửa Hiến pháp để có thể ứng cử Tổng thống thêm một nhiệm kì thứ ba, hay nhiều lần nữa nếu ông muốn. Trước khi có tu chính án đó, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà qui định Tổng thống đương nhiệm chỉ được tái tranh cử một lần.
Tôi thường đọc các báo thân chính quyền như Chính Luận, Tiền Tuyến nhưng cũng đọc Sóng Thần, Đại Dân Tộc là những tờ báo đối lập với nhà nước, chống lại những chính sách và phanh phui nhiều vụ tham nhũng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Sóng Thần là tờ báo đã đăng những bản cáo trạng của Phong trào Nhân dân chống Tham nhũng do Linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu. Nhiều ngày tờ báo đã bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu. Cảnh sát đến bố ráp toà soạn, đến những sạp bán báo tịch thu những số báo vừa phát hành. Những người chủ trương tờ báo bị cáo buộc vi phạm luật pháp chờ ngày ra toà nhưng tờ báo vẫn phát hành đều đặn, có thể sẽ lại bị tịch thu liên tiếp hay phải tự ý đục bỏ.
Tôi còn đọc tạp chí Đối Diện là tờ báo của một nhóm linh mục Công giáo cũng có quan điểm chống lại nhiều chính sách của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như về chế độ tù chính trị, về nhu cầu hoà hợp hoà giải dân tộc. Những tuyên cáo, nhận định của nhiều đoàn thể chống chính quyền như Phong trào Công giáo Xây dựng Hoà bình, Phong trào Lao động Việt Nam hay những tuyên cáo của nghiệp đoàn kí giả phản đối chế độ kiểm soát báo chí qua đạo luật mới đã được đăng trên Đối Diện khiến nhiều số báo bị tịch thu, linh mục Chân Tín là một trong những người đứng chủ trương đã nhiều lần phải ra toà.
Cộng tác văn chương với Đối Diện là Nhóm Việt, gồm những thành phần sinh viên đấu tranh ở Huế như Ngô Kha, Tiêu Dao Bảo Cự. Ngay cả những văn nghệ sĩ nằm vùng như Vũ Hạnh, Kim Cương, Nguyễn Đắc Xuân cũng được phổ biến tác phẩm, trình diễn trên sân khấu, trên truyền hình cho dân chúng đọc, nghe, xem. Phạm Duy viết nhạc phẩm “Để lại cho em” từ thơ của Nguyễn Đắc Xuân. Vũ Hạnh có Người Việt cao qúi. Kim Cương đã làm biết bao khán giả khóc theo cô qua các vai trong những vở kịch chiếu trên đài truyền hình số 9.
Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, hết chiến tranh và được đặt dưới sự càm quyền của Đảng Cộng sản thì những tiếng nói đối lập bị dập tắt ngay bằng những năm tháng học tập cải tạo không biết ngày về. Văn nghệ sĩ miền Nam như Vũ Hoàng Chương, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Thụy Long bị giam nhiều năm.
Sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, Trùng Dương, Hoàng Hải Thủy, Hà Mai Anh, Dương Hùng Cường xuất bản thời Việt Nam Cộng hòa 1954-1975 |
Duyên Anh là tác giả viết về thiếu nhi mà tôi thích đọc nhất, với Chương còm, Bồn lừa, Con Thúy, Thằng Vũ, Mơ thành người Quang Trung hay về tình yêu như Cây leo hạnh phúc, Về yêu hoa cúc, không biết có nội dung phản động hay đồi trụy ở chỗ nào mà đến nay vẫn bị cấm phổ biến ở Việt Nam. Phạm Duy đã về sống hẳn ở Việt Nam từ hơn 5 năm qua nhưng gia tài âm nhạc gồm gần nghìn sáng tác cũng chỉ được nhà nước cho phép hát lại vài chục bản.
Cuối thập niên 1980 có chính sách đổi mới và có chút cởi trói văn nghệ một thời gian, nhưng linh mục Chân Tín kêu gọi mọi người, kể cả nhà nước, hãy sám hối trong tinh thần của Mùa Chay thì bị quản chế nhiều năm. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt phổ biến không chính thức những bài viết về tự do dân chủ bị ghép tội âm mưu lật đổ chế độ, bị kết án nhiều năm tù. Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự lên tiếng về tự do tư tưởng thì bị khai trừ khỏi Đảng. Tướng Trần Độ, ông Hoàng Minh Chính kêu gọi dân chủ hoá đất nước thì bị trù dập. Gần đây, các nhóm văn nghệ như Mở Miệng, Giấy Vụn hoạt động chui, tự in ấn tác phẩm và phát hành để tránh sự kiểm duyệt của nhà nước.
Nhiều người vì phát biểu quan điểm bất đồng với nhà nước mà những tác phẩm của họ không được xuất bản hay lưu hành ở Việt Nam như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Tiêu Dao Bảo Cự. Tên của họ cũng như nhiều tác giả thời Việt Nam Cộng hoà còn là điều cấm kị đối với báo chí, với sinh hoạt văn học. Nhiều tác phẩm của họ chỉ được in và phát hành ở nước ngoài.
Báo chí thời Việt Nam Cộng hoà dù bị tịch thu, đục bỏ nhưng nhiều chủ bút vẫn can đảm đăng những thông tin trái với quan điểm nhà nước. Sẵn sàng ra toà, cùng với những luật sư, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Ngày nay ở Việt Nam, tổng biên tập mỗi thứ Ba phải đi họp với cơ quan chức năng để nhận chỉ thị được đăng những gì và không được đăng những gì.
Có ý kiến so sánh việc kiểm soát thông tin báo chí, văn nghệ, nói chung và kiểm soát tư tưởng, giới hạn quyền tự do phát biểu dưới thời Việt Nam Cộng hoà cũng không thua kém gì dưới chế độ cộng sản ngày nay.
Như thế dù đất nước đã hoà bình, thống nhất, phát triển nhưng không có tiến bộ gì về mặt tự do báo chí và sáng tác. Mà còn đi lùi so với 35 năm về trước.
© Buivanphu 2010
“Có ý kiến so sánh việc kiểm soát thông tin báo chí, văn nghệ, nói chung và kiểm soát tư tưởng, giới hạn quyền tự do phát biểu dưới thời Việt Nam Cộng hoà cũng không thua kém gì dưới chế độ cộng sản ngày nay.” (Bùi Văn Phú)
Trả lờiXóaCâu này của tác giả Bùi Văn Phú có vẻ lèm bèm, nhập nhằng trộn lẫn mức độ kiểm soát thông tin báo chí, văn nghệ và kiểm soát tư tưởng, giới hạn tự do dưới thời VNCH và dưới chế độ CHXHCNVN ngày nay. Nó rõ ràng là không ăn khớp với nội dung phần còn lại của bài. Trong môn thống kê học, câu này được coi như là outlier (tức là nói theo lối bình dân, là của lạ rớt vô đây do vô tình hay cố ý).
Như tác giả Bùi Văn Phú đã viết trong bài, mức độ kiểm soát của hai chế độ là hoàn toàn khác xa nhau. Làm sao lại nhắm mắt so sánh kiểu lèm nhèm, lập lờ đánh lận con đen như vậy được? Tôi đã sống qua cả hai chế độ và thấy rất rõ sự khác biệt. Một bên chỉ là những phần đục bỏ họa hoằn vài chỗ trên trang báo (mà đôi lúc báo chí thời VNCH đã tìm cách đưa ra lại trong số báo khác), trong khi một bên là 700 tờ báo cùng nói chung một lời, ca chung một nốt nhạc, do cùng một đạo diễn mớm cho. Như thế làm sao mà lại có người nào dám so sánh là mức độ kiểm sóat thời VNCH là “cũng không thua kém gì dưới chế độ cộng sản ngày nay” (sic) như tác giả Bùi Văn Phú nói được ?
Chúng ta nên gọi những người "không thể hoặc không được phép viết khác hơn." là nhà phê bình, hay "thợ phê"? Thợ, được thuê, thì phải làm đúng theo yêu cầu, "không được phép" làm "khác hơn" rồi.
Trả lờiXóa