Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Chinh Ba - Bài thơ trên xương cụt

Lời giới thiệu của Ng~: Chinh Ba tên thật là Phan Văn Nhựt, sanh quán làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông còn có tên khác là Phan Mai. Chinh Ba đã từng bị nhà cầm quyền Sài Gòn kết án tù 3 năm (không rõ lý do). Sau bỏ trốn qua Cambodge, sang Hongkong, rồi định cư tại Pháp. Bài viết của ông đăng trên tạp chí Bách Khoa số đầu tiên tháng 1.1957 và sau đó rải rác trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn.

Truyện ngắn “Bài thơ trên xương cụt” đăng trên tạp chí văn nghệ Giữ Thơm Quê Mẹ số 4 tháng 4. 1964 (do Lá Bối xuất bản, Hoài Khanh coi sóc).

Nội dung truyện là phơi bày bộ mặt thật về cách hành xử của nhà cầm quyền đối với văn nghệ sĩ, của thứ quyền lực hắc ám đối với văn chương vô cùng bỉ ổi, trâng tráo. Đó là thời của kiểm duyệt, tịch thu, tù tội... vì không chịu nói theo điều nhà cầm quyền nói và làm.
Những tạp chí, nhật báo đối lập (Đối Diện, Tự Quyết, Tin Văn...) bị hốt sạch khi vừa phát hành, bị xóa nhiều đoạn, nhiều trang, đến các tạp chí văn chương như Văn, Bách Khoa, Trình Bày... và cả Giữ Thơm Quê Mẹ cũng luôn bị đục trắng, bôi đen vì phạm húy, nội dung có lợi cho cộng sản...

“Bài thơ trên xương cụt” nếu xuất hiện tại các nước dân chủ, tự do thì không có gì gọi là đặc biệt. Tuy nhiên nó lại xuất hiện ở Việt Nam, một đất nước luôn dồn ép cái đẹp đến chân tường, đến tận cùng sự man rợ và nhục nhã, thì đến nay, đọc lại vẫn còn nguyên giá trị, khi mà những trang mạng luôn bị tấn công bởi thế lực gớm ghiếc và vô cùng hèn mạt.

Sài Gòn (cũ) dám nhân danh tự do dân chủ thông qua Bộ Hốt Cắt Đục (Bộ Thông Tin) để bịt mồm văn nghệ sĩ, báo chí... Còn Hà Nội bây giờ thì lại núp dưới bóng Mafia để bịt mồm những ai nói lên sự thật do họ gây ra?

Mời các bạn đọc truyện này để xót xa cho một đất nước không bao giờ có cái gọi là Đệ Tứ Quyền!

*

Sân gác bỗng rung lên khe khẽ. Tôi đoán chừng Trâm đến. Những bước chân êm ái đưa nhẹ về phía tấm vách lá. Ót tôi nóng ran lên một cảm giác khoan khoái: với đôi mắt đẹp như sao, nàng đang âu yếm nhìn tôi. Đốt một điếu thuốc, ngồi nhìn trang giấy đang viết dở, tôi hồi hộp chờ đợi đôi bàn tay nhỏ nhắn, mát rượi và tinh nghịch của nàng bất thần bịt ngang mắt.

Trời đứng gió, căn gác im vắng đến như tôi có thể đếm được từng hơi thở của Trâm.

Chợt có tiếng sột soạt nhỏ. Tiếp theo là tiếng chắp miệng, tiếng ho húng hắng, rồi một tràng tiếng nhai nhóc nhách đều đều.

Chỉ chừng đó thứ tiếng đủ làm tôi thất vọng. Kẻ vừa xâm nhập căn gác không phải Trâm, mà là bà Tư Ra-Dô, bà chủ nhà của tôi đó. Không cần quay lại, tôi cũng biết bà đang ghìm đầu vào vách, dõ mắt sang căn nhà bên cạnh. Đôi mắt ấy nhỏ, hơi lộ và láo liên như mắt chuột, để bà đặt vừa vặn vào các khe hở mà dòm ngó những cảnh hớ hênh của bốn phía láng giềng. Thế rồi cái miệng toang hoác của bà sẽ nói choèn choẹt cả ngày về những điều xấu xa mà bà đã dày công rình mò săn bắt được. Nhờ cái miệng đó, bà được gọi là “bà Tư Ra-Dô”. Bà chỉ nhận biệt danh ấy với một niềm kiêu hãnh vừa phải. Tuy vậy chẳng mấy ai ưa bà. Cho nên để xứng đáng với lòng ghét bỏ của mọi người, bà bèn đặt đúng chính giữa cặp lưỡng quyền nhọn hểu của mình một chiếc mũi két cong quắp. Trong ấy luôn luôn ló ra hai thỏi nước nhờn màu vàng đọt chuối. Bà sẽ hỉnh mũi hít khìn khịt hai thỏi nước đó vào mỗi khi muốn tỏ bày lòng thương cảm các nhân vật trong câu chuyện mách lẻo.

Ấy thế mà bà đến thay chỗ đứng của Trâm trong căn gác này, lúc 4 giờ chiều. Có lẽ để giải toả bớt nỗi bực dọc, tôi phóng cây bút xuống xấp giấy, rồi xô ghế đứng dậy, đi thẳng ra mái hiên. Tôi vừa tì người vào lan can thì tiếng khịt mũi của bà đã ở bên tai. Quay lại, tôi bắt gặp một cái mồm đang há to, và một ngón tay cộc cằn thò vào chỗ ấy móc ra một miếng bã trầu đỏ quạch. Đó là cách bà dọn mồm để nói một câu chuyện nhì nhằng:

“Cậu Tích à! Nguy cho cậu rồi! Con mẻ bồng cái con khỉ con của con mẻ về đó.”

Tôi muốn quát lên: “Mặc người ta, bà cút ngay đi cho tôi yên”. Nhưng tôi không thể thốt lên như vậy, vì một lẽ rất đơn giản là tôi còn thiếu bà hai tháng tiền nhà, và bà thì đang cần một cơ hội tốt để hét to điều đó.

Thấy tôi có vẻ lơ là với câu chuyện, bà cười hì hì, nâng hai bàn tay lên ngang mặt, dùng tay phải bốc một ngón trong bàn tay trái, đưa sát vào mũi tôi:

“Nè, mẹ thì hát nè!”

Bốc thêm một ngón nữa, bà tiếp:

“Con thì khóc nè!”

Rồi bà buông thõng hai tay, mặt ngấc lên trông rất thiểu não:

“Cậu làm sao chịu nổi chớ? Tôi hỏi cậu vậy hà!”

Tôi không chịu nổi thật - với cách nói chuyện đó - vội đi lùi về cuối mái hiên. Bà nhẫn nại bước theo, xoè hai bàn tay ra trước bụng, giọng phân trần:

“Cậu tính tôi nói có sai đâu. Hồi con mẻ mới dọn về đây tôi đã nói rồi, không tin cậu đi hỏi hết cả xóm coi, tôi nói làm gì thằng chả cũng đá con mẻ một cái rụp mà.”

Tuy chưa biết “con mẻ” và “thằng chả” đây là ai, nhưng nghĩ cho cùng thì cuộc đời tôi chẳng dính líu gì với hai nhân vật đó. Vậy mà bà Tư Ra-Dô cứ bức hiếp tôi phải nghe những chuyện lăng nhăng về họ, thì thật là một điều bất công mà tôi tưởng các nhà xã hội học cần nên lưu tâm đến.

“Úi chà, cậu Tích! Cậu ngó cái gì ở đẳng vậy? Cháy nhà hả?”

Thấy bà có vẻ hăng quá, tôi e bà la “nhà cháy, nhà cháy” thì mệt cho cả xóm, nên vội khoa tay nói:

“Không, không! Tôi ngó con khỉ ngồi trên cây gòn của thầy Bảy Xáng đó.”
“Ừ, cậu nói tới con khỉ tôi mới nhớ, để tôi nói cho cậu nghe, hồi con mẻ mới về đây, cái bụng còn lum lúp (hà). Đầu tháng Tư, đám giỗ ba con Thu nhà tôi, vợ chồng con mẻ đem qua hai chai la-de. Tới tháng mười thì con mẻ đẻ ra cái con khỉ nhỏ đó, nó khóc thôi… trường canh, không ai chịu nổi. Con chưa đầy tháng thì thằng chả quất ngựa chuối. Tụi “xướng ca vô loài” mà cậu, vui đâu chúc đó, chớ tình nghĩa gì. Vậy mà con mẻ ôm con đáo để đi tìm thằng chả.”

Bà dừng lại, kéo vạt áo quẹt bớt số nước trầu lộn với nước giãi đọng hai bên mép, rồi hối hả nói tiếp:

“Dữ ác hông! Bỏ cửa bỏ nhà đi từ đầu tháng Chạp tới tháng Năm, rồi cũng mang cái mạng mộc trở về.”

Trước khi buông tha tôi, bà chằng miệng ra cười the thé, rồi tiếp tục mang cái chuỗi cười vô lý đó đi xuống thang gác. Chuỗi cười được chấm dứt hẳn, lúc bà cất tiếng gọi con đến lạc giọng:

“Thu ơi, Thú à!”

Đêm đó, căn nhà tối tăm và vô chủ ở liền vách với căn gác tôi bắt đầu có ánh đèn và tiếng hát. Ánh đèn thì tù mù, tiếng hát thì buồn. Tôi tưởng như sự tối tăm, vắng lạnh của căn nhà hoang đã mở mắt và lên tiếng. Điệu hành vân áo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những giòng cảm nghĩ của tôi về cuộc sống. Để ý đến lời ca, tôi nhớ mang máng như đã từng nghe qua trong một vỡ tuồng cải lương nào của xa xưa:

Đoạn (cái) can tràng! (là) đoạn (cái) can tràng! Luỵ ngọc dầm chan. Ai ơi, có thấu mấy tiếng đây chăng! Duyên tóc kia (nó) lìa đoạn. Tơ tình vương vấn, rồi bình tan, ngọc vỡ khi không! Ly biệt này ai không đau lòng! Ly biệt này ai không đau lòng! Ôm sầu đòi đoạn…”

Hết hành vân, tới tứ đại oán, lưu thuỷ trường, nam xuân, nam ai, lý con sáo, rồi vọng cổ. Thỉnh thoảng trong nỗi buồn miên viễn đó, bỗng bật lên tiếng khóc dạ đề của đứa trẻ. Điệu hát liền thay cung bậc, trở nên ấm áp, đằm thắm, ngọt ngào:

"Gió mùa thu, mẹ ru (mà) con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm! Ớ chàng là chàng ơi! Ớ người là người ơi! Em nhớ tới chàng!...”

Có khi cái buồn không vơi, không nhẹ, không hao hớt vì ý nghĩa sai lạc, không hợp thời, hợp cảnh của lời ca:

Gió hiu hiu, lộc bình trôi riu riu. Anh đừng bận bịu bớ điệu chung tình! Con nhạn bay cao khó bắn, mà con cá ở ao quỳnh khó câu”.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã đem lòng yêu cái buồn đó, cái buồn được phô diễn bằng những âm hưởng trong trẻo, dịu ngọt, thanh thoát, hồn nhiên và cởi mở, toả ra một cách dễ dàng từ giọng hát đặc biệt của người miền Nam. Điệu buồn trở nên thân thuộc như đã in hẳn trong tiềm thức tôi tự đời nào. Những bông hoa tình cảm tôi vươn lên trên đài cao và nở rộng với bao la. Những câu bẩn làm nhơ bợn tâm hồn tôi từ khi bon chen vào cuộc sống bổng quyện lấy nhau mà trầm lắng xuống đáy thẳm trong vực lòng.
Đêm đó tôi viết dễ dàng như tôi thở. Tôi gửi vào cuộc đời niềm tin yêu màu hồng.

Tôi nghĩ cái buồn đôi khi cũng cần thiết cho con người như chút phèn chua cần thiết cho một ly nước đục. Bởi vậy, thà mùa thu không có gió, chứ đêm khuya đừng vắng tiếng côn trùng. Những tâm hồn thao thức biết lấy gì mà thở nếu không có tiếng dế nỉ non, tiếng vạc kêu sương, tiếng từ quy khắc khoải, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ru của bà mẹ bên hàng xóm!

Tôi có một định nghĩa hơi rộng rãi về người nghệ sĩ, nên qua một đêm gần gũi với sinh hoạt văn nghệ của người đàn bà mà bà Tư Ra-Dô gọi tắt là “con mẻ”, tôi gọi người đàn bà ấy là một nghệ sĩ. Sáng hôm sau, bà Tư lấy làm ngạc nhiên thấy tôi vồn vã với bà trong câu chuyện về “con mẻ”.

“Sao, con mẻ hát cả đêm mà cậu chịu nổi à?”

Tôi mỉm cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi:

“Con mẻ của bà hát hay quá!”

Bà luôn luôn cố tỏ ra khôn lanh, hiểu biết nhiều, và đồng ý một cách nhiệt thành với người đối diện:

“Trời ơi! Tôi nói tôi mê con mẻ mà. Đào hát mà hát không hay sao được cậu! Út Lệ đó, hồi trước đi gánh Nam Giang đó, cậu không biết sao!”

Út Lệ, cái tên nghe xa lạ quá. Nhưng tiếng hát và tâm hồn của người đàn bà ấy gần gũi với tôi biết chừng nào. Từ đó, những buổi trưa, những đêm tối, tôi thường nghe tiếng hát của Út Lệ. Hình như nàng sống để hát, và sống bằng chính tiếng hát của mình.

Bà Tư thường thóc mách với tôi nhiều điều xấu về Út Lệ. Điều bà cho rằng xấu nhất là Út Lệ không biết làm ăn buôn bán, không kiếm đủ sữa cho con bú, có đêm đã khuya còn xách chén qua xin cơm nguội của bà. Theo bà, sự thiếu ăn là cái quả của những tính xấu.

Một buổi trưa vắng tiếng hát Út Lệ, tôi đang ngồi đọc lại một bản thảo thì bà Tư Ra-Dô chạy đùng đùng lên thang gác. Mắt sáng quắc, bà nói khào khào vào tai tôi:

“Con mẻ đổi nghề rồi cậu ơi! Hồi nửa buổi có một thằng cha vác cái bản mặt cô hồn, vô nhà con mẻ. Hai người rủ rỉ rù rì gì suốt mấy giờ đồng hồ. Thằng chả vừa về là con mẻ đi mua nào là gạo nè, than nè, nước mắm nè, bánh mì nè. Cái mặt con mẻ đang tươi roi rói, thấy tôi ngó tới cái thì sượng trân liền.”

Rồi hai tay chắp sau lưng, đầu nghẹo sang một bên, mắt trừng trừng, bà dằn từng tiếng:

“Tôi hỏi cậu vậy chớ tiền đó ở đâu ra? Tiền đó là tiền gì chớ?”

Bước tới cầu thang, bà còn ngoái cổ lại, cất giọng lảnh lót:

“Tôi nói vậy mà phải không cậu?”

Tôi liền đứng dậy, chỉ cái khoảng trống chỗ thang gác, hỏi bà:

“Dì làm cho cháu một miếng bửng chỗ đó có được không?”
“Chi vậy cậu?”

Tôi thẳng thắn đáp:

“Để đậy cầu thang lại.”

Bà ngó tôi bằng cái đuôi con mắt, rồi xuống hết thang gác bà mới nói vói lên:

“Cái đó dễ mà, hễ cậu trả tiền nhà thì tôi làm liền hà!”

Bẵng đi hai ngày tôi được yên ổn làm việc. Đến ngày thứ ba, tôi vừa đi phố về, chưa kịp thay áo, đã thấy bà Tư thập thò chỗ cầu thang. Không nỡ để bà tiu nghỉu thối lui, tôi mở đường cho bà bằng một nụ cười khuyến khích. Tuy không được tự nhiên như những lần trước, nhưng mặt bà cũng đầy vẻ hớn hở với cái tin vừa săn được của Út Lệ:

“Con mẻ có chồng khác rồi cậu ơi! Cái thằng cha bữa hổm đó. Chiều nay thằng chả dọn về ở luôn với con mẻ. Cậu biết hông, tôi hỏi khéo một câu là con mẻ rút ruột ra nói hết trọi. Thằng chả hồi trước đi lính BX, bây giờ làm trong lò heo Chánh Hưng (á)! Mỗi tháng ba ngàn lận… Thôi, vậy cũng khoẻ cho hai mẹ con con mẻ, phải không cậu?”

Bà cười hề hề rồi nói bô bô, phơi bày lòng tốt của mình:

“Tính tôi vậy đó cậu ơi! Không ích kỷ, thấy ai khá cũng mừng cho họ. Chớ nhiều người ớ nghen, thấy người ta ngóc đầu lên là ganh ghét, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Như con mẹ Tám Chả-giò đó cậu, ông Trời ổng…”

Tôi thiết nghĩ, nghe cho hết chuyện “con mẹ Tám Chả-giò” thì cũng chẳng ích lợi gì cho lắm, nên giả đò dòm ngoài lan can, nói một mình: “Ai như bà Tám vậy kìa!” Bà Tư liền lật đật chạy xuống cầu thang, tự càu nhàu mình:

“Cơ khổ, nó rủ 12 giờ qua nhà nó đánh xiệp mà nói ba điều bốn chuyện nhè quên mất.”

*

Chiều hôm đó, nhà Út Lệ có thêm một giọng đàn ông ồ ề. Giọng ồ ề đó cứ mỗi ngày một to dần, cho tới tuần sau thì trở thành cái loa làm náo động hết cả xóm. Con nít rủ nhau quần tụ trước nhà Út Lệ để xem lão Ba Lò Heo say rượu.

Lão xách dao rượt Út Lệ chạy quanh giường, đe sẽ cắt cho kỳ được cái lưỡi của vợ, chỉ vì chị vừa hát ru con bằng mấy câu này: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!...”

Lão hét lên:

“Tao hỏi mầy, người xa người đây có phải là mầy xa nó không? Tao là chồng mầy, tao ở sờ sờ trước mắt đây mà mầy dám thở than thương tiếc thằng chồng cũ của mầy. Như vậy làm thân con đàn bà một dạ hai lòng như mầy thì thử hỏi có đáng thẻo cái lưỡi mầy đi, có đáng sả nát cái thân mầy ra không chớ?”

Những tiếng sau cùng lão rít lên cùng một lúc với tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường. Lão la, lão hét thêm một hồi nữa rồi nằm vật xuống nền đất, ngáy khò khò.

Mấy tuần lễ sau, qua nhiều lần bình giảng thi văn bằng dao, bằng búa và bằng hơi men sặc sụa, lão kết luận rằng câu hát nào của Út Lệ cũng có ý than duyên trách phận, cũng có chút tình kín đáo nhắn gửi người chồng cũ. Cứ mỗi lần bình giảng như vậy, lão “bỏ” một câu hát của Út Lệ. Vì vậy mà cái vốn liếng văn nghệ của gia đình Út Lệ ngày càng sa sút nghèo nàn dần.

Cho đến một đêm, nhân lúc tỉnh trí, lão Ba Lò Heo dịu dàng cắt ngang một câu vọng cổ của vợ, rồi thỏ thẻ bày tỏ nỗi lòng mình:

“Em Út à, mỗi lần nghe em hát một bản cải lương là anh thấy khó chịu trong bụng quá sá! Em còn thương nó không? Em nói thiệt đi?”

Giọng của Út Lệ nhỏ nhẹ, nhưng không giấu nổi chút bực dọc:

“Tôi lấy anh thì tôi thương anh chớ còn thương ai. Hỏi nghe kỳ hông!”
“Vậy từ rày em đừng hát nữa có được hông?”

Ba tiếng “có được hông” lão dằn mạnh với giọng vừa khuyên vừa doạ. Út Lệ khẩn khoản:

“Cái kiếp em là kiếp con hát, em hát từ nhỏ tới giờ quen rồi, không hát chịu không được!... Với lại không hát thì thằng Bình nó không ngủ, nó khóc hoài làm sao anh chịu được.”

Rồi nhân lúc lão Ba còn đang lựa lời, Út Lệ năn nỉ thêm:

“Em hát là hát cho vui vậy chớ đâu có thương ai nhớ ai. Anh đừng ghen bóng ghen gió tội nghiệp em!”

Lão Ba nổi nóng:

“Ghen, ghen cái con khỉ khô họ! Mầy hát mấy câu hát đưa em không được sao chớ? Cái đồ cải lương cải liếc, vọng cổ vọng kiếc đó là đồ… đồ dở ẹt. Tao biểu bỏ đi là bỏ đi!”

Út Lệ còn cố níu chút hy vọng mong manh:

“Mấy câu đó anh cũng cấm rồi, đâu còn câu nào!”
“Sao không còn! Tao nghe con mẹ Tư Ve chai hát cái câu gì mà có con két đó, nghe được quá chớ, sao không hát?”
“Có một câu đó hát đi hát lại hoài sao?”
“Còn cái câu “ví dầu ví dẫu, ví dâu” nữa chi!”

Thế là đêm đó, nghệ sĩ Út Lệ chỉ được phép hát vỏn vẹn có hai câu:

Chiều chiều bắt két nhổ lông
Két kêu bớ chị chị đừng ác nhơn”.


Ví dầu ví dẫu ví dâu,
Ví dâu dâu chạy, ví trâu vô chuồng”.

Cũng từ đó, tiếng hát của chị có giọng oán hờn thống trách, dần dà về sau lại đượm ý chán nản, liều lĩnh, khinh thị. Mỗi tiếng hát như một nhát dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình, và xỉa xói vào tâm can người nghe. Hai câu hát ngô nghê, lạt lẽo và vô nghĩa mà Út Lệ phải hát đi hát lại mãi, đã làm tôi khó chịu hơn cả những câu chuyện lăng nhăng, nhảm nhí của bà Tư Ra-Dô.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, những tiếng “ví dầu” xoay tít trong ý nghĩ tôi, đánh nhịp theo bước đi của tôi. Và câu “bắt két nhổ lông” lúc đầu chỉ làm tôi tức cười cho cái cắc cớ của người đặt ra nó; nhưng về sau, cứ mỗi lần nghe Út Lệ thốt lên thì tóc tôi in tuồng dựng đứng dậy, một cảm giác ran ran đau nhức chạy luồn trong da đầu.

May thay tình trạng đó chỉ kéo dài trong vòng nửa tháng thì có một biến cố lớn trong gia đình Út Lệ. Biến chuyển đó bắt đầu bằng việc Út Lệ tự tiện sửa đổi câu “ví dầu” nguyên tác thành câu:

Ví dầu, ví dẫu, ví dâu,
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”.

Cứ thế chị hát giật giọng từng hai tiếng một. Giọng hát không còn buồn giận nữa. Chị đã dùng tài diễn tả của mình biến những âm thanh gần như vô nghĩa đó thành hàng loạt kim nhọn, rồi bình tĩnh và ngạo nghễ đẩy từng chiếc vào tim, vào óc lão Ba Lò Heo. Ngày đầu lão còn lặng lẽ chịu đựng cuộc phản công đó. Nhưng qua đêm hôm sau thì tôi đã nghe tiếng hét của lão:

“Mầy hát cái mửng gì mà đâm gan người ta quá vậy! Có câm họng lại không? Tao lột lưỡi mầy bây giờ!”

Út Lệ xẵng giọng cãi lại, nhưng chính là cách kín đáo ca ngợi thắng lợi của mình:

“Ông biểu tôi hát câu nào thì tôi hát câu nấy. Trong câu hát có gươm có dao gì đâu mà ông nói tôi đâm gan ruột ông!”

Lão Ba hồ đồ:

“Vậy mà… tao biểu mầy im thì mầy phải im. Lý sự thì tao vặn họng.”

Không có tiếng hát, thằng Bình không chịu ngủ, ngoe ngoé khóc lên. Út Lệ lặng thinh, để mặc cho con khóc. Sự nín tiếng tuyệt đối đó thành một cách chống đối có hiệu quả. Chỉ nửa giờ sau, lão Ba phải đầu hàng:

“Mầy làm gan với tao hả? Sao không ru cái thằng quỷ con đó cho nó ngủ đi!”

Út Lệ ung dung cất tiếng hát. Thế là con két bị đem ra nhổ lông:

Ầu ơ…ơ… Chiều chiều bắt két nhổ lông, két kêu bớ chị, ờ…ơ… chị đừng ác nhơn…

Câu tiếp đáng lẽ là câu “ví dầu”, nhưng vừa bị cấm, Út Lệ phải hát lại câu “chiều chiều”. Để khỏi nhàm chán, chị không “bắt két nhổ lông” nữa, mà lại “bắt chó nhổ lông”:

Ầu ơ… Chiều chiều bắt chó nhổ lông, chó kêu bớ chị ờ…ơ… chị đừng ác nhơn.”

Rồi cứ theo cách đó, mỗi lần lặp lại câu hát, chị lại tìm một con chim hay con thú, có cái tên bằng thanh trắc để thế vào địa vị khốn nạn của con két.

Ầu ơ… chiều chiều bắt ngỗng nhổ lông, ngỗng kêu bớ chị ờ… ơ… chị đừng ác nhơn… Ầu ơ… chiều chiều bắt chuột nhổ lông…

Đôi khi chị “nhổ lông” cả những con không có nổi một sợi lông như con rắn, con nhái, con cóc. Sau cùng, tới lúc chị hát: “Chiều chiều bắt ấy nhổ lông… Ấy kêu bớ chị…” thì lão Ba gầm một tiếng dữ tợn, đập phá một vài món đồ đạc trong nhà, rồi xách xe đạp đi thẳng.

*

Năm ngày sau tôi mới nghe lại tiếng nói của lão Ba. Lão về vào một buổi trưa, với một cân thịt quay, một cân bánh hỏi và một giải pháp cho tình trạng bế tắc của nền văn nghệ gia đình.

Sau khi ăn uống no nê, hể hả, lão Ba vui vẻ bảo Út Lệ:

“Em Út à! Cái lưng anh đây, bữa rày em muốn hát thì cứ tự do ngó vô đây mà hát cho phỉ tình.”

Út Lệ sửng sốt:

“Uý trời! Anh xăm, anh vẽ nát cái lưng vầy đây hả?”
“Thì còn xăm được chỗ nào nữa đâu mà không xăm cái lưng, hỏi kỳ hông! Trước bụng thì có con đầm; trên ngực thì có cặp rồng chầu, tay chơn thì có lân, có quy, có phụng. Đừng hỏi lôi thôi, đọc lên nghe thử coi nà!”
“Mà ai xăm cho anh vậy chớ? Phải Tư Kiên hông?”

Lão Ba cười to:

“Cái thằng đó mà biết xăm cái con khỉ mốc! Nó làm cho người ta sanh ghẻ sanh sẹo thì có. Thằng này là thằng Bảy Kền, bạm của anh hồi ở Nam Vang, em không biết nó đâu. Thôi, đọc hai bài thơ đó đi!”

Út Lệ lẩm nhẩm đọc, bên này vách tôi chỉ nghe câu được câu mất:

Nam vô tửu như kỳ vô phong
Người mà không có rượu thì không phải người
……………………………………………
Kể từ lúc ta vào làng đế
Cái sự đời ta để sau lưng
Men lên chí cả thêm lừng
Công danh ta túm trong quần ta chơi…”

Đọc xong hai bài thơ, Út Lệ lập lờ khen hay. Lão Ba khoái chí cười ngất. Giọng hí hửng, lão Ba bảo Út Lệ:

“Đâu, em Út hát lên cho anh nghe thử coi!”

Út Lệ từ chối khéo:

“Phải thuộc mới hát được.”
“Đây nè, học cho thuộc đi!”

Út Lệ lúng túng:

“Hay thì hay đó… mà cái thứ thơ này học khó thuộc quá hà!”

Lão Ba tức giận, nói gằn từng tiếng:

“Tao… biểu… mầy… phải… học… thuộc!”

Tôi đang lo, không biết Út Lệ có nại ra được cớ gì để từ chối nữa không, thì đã nghe tiếng đọc đều đều của chị. Tôi tưởng tới nỗi khó chịu trong những ngày sắp tới, mỗi khi nghe Út Lệ miễn cưỡng hát ru con bằng những câu thơ kệch cỡm đó. Nhưng chỉ một lát thì Út Lệ ngưng đọc, chị thỏ thẻ nói với chồng:

“Anh Ba nè, sao đọc mấy câu này tôi nhớ ba thằng Bình quá hà!”

Lão Ba đập tay xuống giường, ngồi bật dậy thét:

“Sao? Mầy nói sao?”

Tin vào ngón đòn tâm lý của mình, Út Lệ bình thản đáp:

“Hồi đóng vai Uất Trì Cung, gã cũng nói lối mấy câu tương tự như vậy đó.”

Ba Lò Heo chui mình xuống giường, giọng buông thõng:

“Thôi, thôi bỏ đi!”

Út Lệ ỡm ờ:

“Tôi học thuộc rồi mà bỏ chi uổng vậy!’

Ba Lò Heo cương quyết:

“Tao… biểu… bỏ… là… bỏ.”

Ngoài chút tình thương cảm sẵn có với Út Lệ, bây giờ lòng tôi lại thêm mến phục chị. Người nghệ sĩ ấy đã thắng liên tiếp trong những điều kiện khó khăn. Nhưng có lẽ chị cũng như tôi đều không ngờ rằng Ba lò Heo còn thủ một miếng đòn tối hậu để giành lấy phần thắng sau cùng.

Lão nằm, ngẫm nghĩ, cười sằng sặc một mình rồi trổ miếng đòn bí hiểm đó ra:

“Em Út nè! Đâu, em trịch cái quần anh xuống một chút thử coi có cái gì, hà hà hà…”

Thật là một câu lỗ mãng và tục tĩu mà chỉ có Ba Lò Heo mới thốt lên được một cách tự nhiên như vậy! Út Lệ im lặng, sự im lặng có nghĩa như một tiếng khóc nấc.

Lão Ba nói:

“Em thấy chưa? Ở trên chỗ xương cụt đó, thằng bảy Kền làm riêng bài thơ tặng anh. Học thuộc đi rồi hát cho anh nghe. Đừng có lôi thôi gì nữa hết.”

Út Lệ vẫn im lặng. Bây giờ sự im lặng đọng lại thành một giọt nước trong khoé mắt tôi.

Bên kia vách, hình như men rượu đã ngấm đều vào máu Ba Lò Heo, lão rút con dao phay liếc rổn rảng trên vành lu.

“Đọc, tao biểu mầy đọc, không đọc thì bay đầu!’

Út Lệ nghẹn ngào, đọc đi đọc lại bài thơ nằm ở chỗ kém sạch sẽ đó.

Trong đời tôi, tôi đọc thơ cũng khá nhiều, tôi nghe người ta ngâm thơ cũng bộn, nhưng tôi chỉ biết có một bài thơ làm cho người đọc phải vừa đọc vừa khóc vì tủi nhục, ấy là bài thơ trên xương cụt của Ba Lò Heo.

Hẳn có vị tò mò muốn biết bài thơ ấy hay ho như thế nào! Lúc đầu tôi đã toan ghi nó ra đây, nhưng e làm thế thì vô lễ với độc giả quá, nên lại thôi. Tuy vậy, nếu giấu đi cái phần độc đáo của bài thơ thì cũng tủi cho tác giả đã dùng một thứ kỹ thuật tân kỳ để làm cho những dục vọng của Ba Lò Heo được tẩm quất đều đều qua từng câu từng chữ. Những dục vọng ấy chỉ súc tích trong những hạng người thường ngứa ngáy chỗ xương cụt, mà không muốn tự mình gãi cho mình.

Nếu nói một cách khôi hài thì Ba Lò Heo đã định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm-đã-ngứa chỗ xương cụt; nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão.

Nghệ sĩ Út Lệ không đồng ý như vậy, nên qua ngày hôm sau, thừa lúc lão Ba đi vắng, chị bồng đứa con riêng, bỏ nhà ra đi.

*

Út Lệ vắng nhà chưa đầy một tuần thì Ba Lò Heo đã có người đàn bà khác. Họ ăn ở với nhau có vẻ tương đắc lắm, trong nhà không hề có “tiếng bấc tiếng chì”. Người đàn bà ấy – theo bà Tư Ra-Dô cho biết - trẻ hơn Út Lệ, mặt mày khá sáng sủa, thân hình đầy đặn, làm việc giỏi, biết chiều chuộng chồng, không bao giờ ngồi lê đôi mách. Và người đàn bà ấy câm từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Một hôm tình cờ đi ngang qua nhà Út Lệ - mà bây giờ là của lão Ba Lò Heo – tôi thấy lão đang săm se một tấm gương soi mới mua, khá lớn. Bỗng tôi đem lòng thương hại lão. Tôi nghĩ: những lúc buồn, có lẽ lão phải dùng tới tấm gương ấy để đọc bài thơ trên xương cụt của mình. Như vậy những chữ trong gương đều bị đảo ngược hết, thật khó lòng cho lão quá.

Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật - nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi - thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích.

Rốt cuộc Út Lệ đã thắng. Chị thắng nhờ biết sống đúng với phương châm:

Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”.

Nguồn: Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ, số 4 tháng 10/1965.

10 nhận xét:

  1. Phùng Tường Vânlúc 01:30 6 tháng 9, 2010

    @Về "Lời giới thiệu của Ng~"

    Cào bằng chế độ kiểm duyệt ở Miền Nam trước 1975 với chế độ in, ấn, báo chí,"biên tập"... ở miền Băc từ thưở "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Đàn ông đi lính Vệ Quốc đàn bà đi nữ cứu thương" cho đến tận ngày nay, rồi "xót xa" chung chạ như vậy, tôi thấy là không ổn chút nào mà lại còn có vẻ không được lương thiện lắm nữa.
    Rất đáng phàn nàn !

    Trả lờiXóa
  2. Hốt cắt đục là thái độ ra hẵn mặt để báo với những người " ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản " là chúng tôi không muốn những bài viết nầy làm ảnh hưởng tới tình hình bây giờ còn những bài khác, đoạn khác cứ việc xuất hiện.
    Người cắt bỏ xưng danh rõ ràng " Kiểm duyệt bởi bộ thông tin VNCH "
    còn bây giờ Không thấy rỏ kẻ đối mặt . họ chỉ núp lén làm chuyện phá phách
    - phá hẳn làm sụp mất những trang web không đúng đường lối ..các bài viết khác không đụng chạm mặc dầu có tình chất văn học nghệ thuật hay những nghiên cứu khao học thật giá trị lỡ nằm trong trang web đó vẫn bị văng miểng mất theo luôn
    -Viết blog đã phá ( Mà họ sau khi tung firewall , vẫn không ngăn chặn được sự phát tán rộng rãi khủng khiếp của mạng lưới toàn cầu ) nếu ở VN thì sẽ bị bắt với các tội danh ấm ở ..Trốn thuế , hay lường gạt ..gì đó ..còn ở ứước ngoài thì được tung hoả mù chiếm chổ bằng các comment dấm dớ để đánh lạc hết sự chú ý của bài viết
    Nóm tóm lại cái nghề tại VN hiện nay mà được nhiều tiền phụ trội, tiền trả thêm làm ngoài giờ nhiều nhất là nghề công an văn hoá ..Trong các mùa lễ lớn ở VN, các bà vợ tha hồ cất thêm tiền của các ông chồng Công an của mình và đồng thanh hát câu " Phá nữa đi anh, phá thật rộn ràng...để tiền mình tăng thêm " híc híc !!!
    xin nhại theo bài hát " Bài hương ca vô tận " ở câu kết nầy

    Trả lờiXóa
  3. Xin mời đọc bài viết sau đây để có thêm chứng liệu về chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam :

    1) Chế độ kiểm duyệt tại Việt Nam
    Phạm Xuân Đài
    6.05.2009
    http://damau.org/archives/5909

    2)Viết và lách
    Đinh Từ Thức
    5.05.2009
    http://damau.org/archives/5886

    3)kiểm duyệt/tự do diễn đạt, một song đấu lịch sử
    Trần Doãn Nho
    5.05.2009
    http://damau.org/archives/5887

    Trả lờiXóa
  4. Vê nguồn gốc truyện ngắn "Bài thơ trên xương cụt" của Chinh Ba thì đầu tiên được đăng trên tạp chí GIỮ THƠM QUÊ MẸ số 4 tháng 10 năm 1965, sau có in lại trong tuyển tập truyện ngắn ẢO TƯỢNG do nhà xuất bản LÁ BỐI phát hành,và mới đây được nhà văn Trần Hoài Thư đưa lên Tạp Chí Da Màu ngày 27-10-2009 tại địa chỉ : http://damau.org/archives/9723 . Mời quý vị thức giả đọc ở đây có nhiều bình luận đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa
  5. Phùng Tường Vânlúc 07:24 6 tháng 9, 2010

    @Dinh Le

    Thưa, tôi và một độc giả khác (PH 1&2) chỉ muốn nói đến cái "chapeau" xuất hiện trong bản in lần này ở talawas của người viết Ng~ nào đó thôi, chớ chưa có đụng chạm gì đến nội dung truyện ngắn ấy, cho nên trước hết là cảm ơn ông về những mách bảo khác (trên damau), nhưng rõ ràng là nó không làm đổi thay gì quan điểm của chúng tôi về sự hàm hồ của người viết lời giới thiệu ấy. Nông nỗi là ở chỗ đó thôi.

    Cũng xin thưa thêm là, tôi có đọc tập truyện ngắn Ảo Tượng ấy của nhà Lá Bối ngay từ lần in thứ nhất và cũng là độc giả từ số đầu tiên của Bách Khoa nhưng thật sự là không còn nhớ đến tác giả được giới thiệu ở đây. Nếu tên thật ông là Phan Ba mà quê hương ở Điện Bàn, Quảng Nam thì tôi đoán có nhiều phần ông thuộc giòng họ Cụ Phan Khôi chăng ?

    Trả lờiXóa
  6. Trò đánh đồng chế độ kiểm duyệt miền Nam trước 1975 với việc trấn áp của chế độ trong nước hiện nay dĩ nhiên là một trò rất thiếu lương thiện, chỉ có thể được tán đồng bởi những kẻ vì lý do nào đó quá thù ghét Việt Nam Cộng Hòa, hoặc có sự hiểu biết lịch sử dưới mức trung bình. Nếu muốn so sánh chế độ kiểm duyệt miền Nam trước 1975 và kiểm duyệt hiện nay, nên viết một bài khảo cứu đàng hoàng, chứ chơi trò “cá mè một lứa” kiểu này rất khó ngửi.
    Truyện này đã xuất hiện trên website Damau, không hiểu sao talawas đăng lại nguyên văn, là việc làm ngược với nguyên tắc của talawas? Một truyện có giá trị lại do một ông bà vô danh tiểu tốt viết lời giới thiệu.
    Cách đây không lâu tôi có phỏng vấn nhà thơ Viên Linh, là người am tường văn chương và báo chí miền Nam trước 1975 trên website litviet. Bài phỏng vấn có một số đoạn đề cập đến vấn đề kiểm duyệt ở miền Nam. Xin xem tại đây:
    http://litviet.com/2009/08/22/vien-linh-bao-van-ngh%e1%bb%87-mi%e1%bb%81n-nam-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-1975/

    Trả lờiXóa
  7. Phải phân biệt rạch ròi, thời VNCH là thời cuộc chiến với cộng sản đang hồi quyết liệt; vào lúc mà rất nhiều cán bộ CS từ Miền Bắc xâm nhập, len lỏi vào xã hội iền Nam để đánh phá trên khắp các mặt trận" quân sự, ngoại giao, chính trị, xã hội, văn hóa... Hôm nay, đất nước đã " sạch bóng quân thù", hai Miền đã thống nhất làm một, thì cớ gì nhaànước CSVN lại dùng những thủ đoạn hạ tiện để bịt miệng các văn nghệ sĩ, phá sụp các trang nhà, các blog mà họ cho là "lề trái", có nghĩa là không "nhất trí cao" với chủ trương, đường lối của đảng CS, của nhà nước cũng như phơi bày những tệ nạn, tiêu cực trong xã hội.

    Hai sự việc khác nhau và ở trong hoàn cảnh khác nhau thì làm sao bạn NH~ có thể đánh đồng với nhau được ? Rõ ràng là sự so sánh .. hơi bị "khập khiễng".

    Trả lờiXóa
  8. Sống trong thời "kiểm duyệt" của VNCH, cả nhà văn, nhà báo lẫn người đọc đều cảm thấy "khó chịu" vì đang đọc một bài viết lại thấy bị mất hứng vì cái dấu (.......), nhưng chẳng ai thấy sợ hãi hay "căm thù" gì cả. Những kẻ "căm thù" là những tay cộng sản nằm vùng, lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền mà không được. Những ai bị "kiểm duyệt" vẫn tiếp tục viết, báo nào bị tịch thu lại tiếp tục ra...như thường. Có những trường hợp "nghiêm trọng" như vụ tạp chí Đối Diện, báo bị tịch thu, đình bản,chủ nhiệm bị ra tòa, báo vẫn ra ...lậu. Nhiều khi người dân có cảm tưởng chính quyền VNCH không "kiên quyết xử lý" các vụ việc đó lắm ngoài việc ngăn chặn CS tuyên truyền. Một điểm đặc biệt là hầu như chưa có vụ nào báo chí bị "xử lý" vì "nói xấu lãnh đạo và chính quyền".

    Ngay cả những kẻ như Vũ Hạnh, bị bắt vì tội nằm vùng, sau khi được thả vẫn tiếp tục viết lách, xuất bản sách mà không bị ai "trù dập".

    Nếu chính quyền CS ở VN ngày nay áp dụng một chính sách "kiểm duyệt" chỉ bằng một phần của cái gọi là "ngụy quyền" VNCH thì dân Việt ngày nay cũng đã dễ thở lắm rồi!

    Trả lờiXóa
  9. Nếu so sánh hai chế độ kiểm duyệt, người ta chỉ có thể đi đến kết luận là nếu chế độ CSVN ngày nay áp dụng đúng theo kiểu kiểm duyệt của "bọn ác ôn Mỹ Ngụy" thì cũng là một điều đáng mong đợi lắm rồi. Những tác giả có sách, báo bị kiểm duyệt cắt, bỏ vẫn tiếp tục viết, xuất bản như thường. Họ không bị "treo bút", hoặc các nhà xuất bản tránh né. Các nhà xuất bản, tòa báo khi bị tịch thu ấn phẩm thì chỉ bị cảnh thua lỗ, nếu không trầm trọng như vụ báo "Đối Diện" thì vẫn tiếp tục phát hành các ấn phẩm khác. Báo Đối Diện, khi bị đình bản, chủ nhiệm "vác chiếu ra tòa" mà vẫn "hiên ngang" ra báo chui, ấn hành các loại sách khác, mà vẫn không bị truy tố. Điển hình nhất là Vũ Hạnh, ông này bị tố giác là cộng sản nằm vùng, bị bắt. Sau khi được thả vẫn có thể tiếp tục viết sách, báo. Đặc biệt là các sách báo hầu như chưa bao giờ bị kiểm duyệt hoặc truy tố về chuyện "nói xấu lãnh đạo". Ngày nay dưới sự lãnh đạo "anh minh" của đảng, phạm vào mấy vụ tương tự như trên, dù là viết "ảo" trên internet, là có cơ lãnh án với tội danh "hoành tráng" như: chống phá đảng, nhà nước; âm mưu lật đổ chế độ" v.v..

    Trả lờiXóa
  10. Truyện "Bài thơ trên xương cụt" của tác giả Chinh Ba do một tác giả là cộng tác viên quen thuộc của talawas gửi vào. Thông thường, các cộng tác viên talawas đều biết quy định không đăng lại bài đã công bố trên Internet của talawas, vì thế chúng tôi đã chủ quan, không kiểm tra lại và không biết việc truyện đã được đăng trên Da Màu. Chân thành cáo lỗi quý vị và các bạn.

    Trân trọng,
    talawas

    Trả lờiXóa