Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Erica J. Peters - Đối kháng, Cạnh tranh và Tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến (kỳ 2)

Nguyệt Cầm dịch

Chuẩn bị sân khấu cho các tổ chức của công nhân

Vào đầu thập niên 1920, công nhân Việt ở Pháp dường như có rất nhiều điểm chung với sinh viên Việt và các nhà hoạt động chống thực dân. Điều này là do những nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh trong tương lai, người đã dành nhiều năng lượng để xây dựng những chiếc cầu nối kết các cộng đồng thuộc địa tại Pháp. Vào năm 1921, ông và các nhà hoạt động khác thành lập the Union Intercoloniale [Liên hiệp thuộc địa], với mục đích đoàn kết các nhóm dân thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung giành độc lập từ tay người Pháp.[1] Nguyễn Ái Quốc vận dụng tài năng quảng bác của ông để làm việc chung với nhiều người có gốc gác khác nhau: ông thúc đẩy công nhân và sinh viên Việt hợp tác và khuyến khích họ tìm đến những điểm tương đồng với các nhóm dân thuộc địa khác sống dưới sự thống trị của Pháp.[2] Là chủ biên của Le Paria, tờ tạp chí hàng tháng của Liên hiệp thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi công nhân cũng như các nhà hoạt động từ các thuộc địa khác; ông làm việc ngày đêm để phân phát báo bên ngoài khuôn khổ nhà máy nhằm đến được với một lượng độc giả rộng rãi hơn. Cuối cùng, tờ báo có khoảng hai ngàn độc giả, bao gồm một số nhỏ ở thuộc địa, mặc dù tạp chí này không bao giờ thực sự là “diễn đàn của người vô sản thuộc địa” như nó tuyên bố.[3]


Trớ trêu thay, Bộ Thuộc địa cũng hoạt động để tập hợp các nhóm di dân Việt ở Pháp lại với nhau. Vào năm 1920, bộ này bắt đầu bao cấp/ có tài trợ hàng năm gồm năm mươi ngàn francs cho AMI, với hy vọng thiết lập được sự kiểm soát đối với nhóm này và mở rộng hội viên cho cả những người không phải là sinh viên. Nhưng như ta sẽ thấy, qua nhiều năm, công nhân Việt có một mối quan hệ đầy trắc trở với AMI.

Công nhân Việt ở Pháp có những mối quan ngại mà cả AMI và Liên hiệp thuộc địa đều không mấy lưu tâm, dẫn đến việc công nhân phải thành lập các tổ chức của riêng họ. Trong số đó, hai tổ chức lớn nhất là Hiệp hội các Đầu bếp và Hiệp hội chung Indochina, cả hai đều đóng tại Paris.[4] Vào đầu những năm 1920, nhiều hội viên của các tổ chức công nhân này duy trì liên hệ mật thiết với Liên hiệp thuộc địa và PCF, trong khi những người khác lại liên kết với AMI; nhưng dù liên kết với ai thì họ cũng phát biểu rõ ngay từ đầu là họ có mục đích và những mối quan tâm riêng.[5]

Các quan hệ giữa người Việt ở Pháp trở nên ngày một tồi tệ sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Pháp đi Moscow vào năm 1923. Người được chính Nguyễn Ái Quốc chọn thay mình là Nguyễn Thế Truyền không chia sẻ cả tài năng lẫn những mối ưu tiên của vị tiền nhiệm. Là cháu của một tổng đốc và được đào tạo làm một kỹ sư hóa học, Nguyễn Thế Truyền đưa quan điểm của trí thức vào phong trào chống thực dân. Không giống Nguyễn Ái Quốc, ông không quan tâm xây dựng các liên hệ với các phong trào chống thực dân khác trong đế chế Pháp, cũng không thiết tìm cách thu hút công nhân. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ nhiều công sức vào Liên hiệp thuộc địa và tờ Le Paria; tờ này được xuất bản bằng tiếng Pháp, với các tựa đề có cả tiếng Việt và tiếng Ả-rập. Ngược lại, Nguyễn Thế Truyền sáng lập ra the Annamite Independence Party [Đảng Độc lập An Nam] (AIP) và mở những tờ báo chỉ dành riêng cho người Việt ở Pháp – những dự án mang mục đích dân tộc hơn là liên thuộc địa.[6]

Tờ báo đầu tiên của Nguyễn Thế Truyền, tờ Việt Nam Hồn, xuất bản bằng tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và chữ Hán – tất cả những ngôn ngữ được dạy cho người Việt. Tờ báo tiếp sau đó của ông, Phục Quốc, in song ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt; rồi ông bắt đầu xuất bản báo chỉ bằng tiếng Pháp - báo tiếng Pháp ít bị kiểm duyệt nhất.[7] (Cũng như ở thuộc địa, nhà cầm quyền Pháp khoan dung với những tư tưởng cấp tiến được thể hiện bằng tiếng Pháp hơn là bằng tiếng Việt, bất kể chủng tộc của người viết.) Những tờ báo tiếng Pháp này, L’Ame annamite [Hồn An Nam] và La Nation annamite [Dân tộc An Nam], được viết cho lớp độc giả người Việt thạo tiếng Pháp, và do đó phần lớn công nhân không đọc được. Các nhà xuất bản có tìm đến công nhân để được tài trợ, quảng bá và nhắc chung chung đến nhu cầu hợp tác.[8] Nhưng họ không tìm đến công nhân để tham vấn về tư tưởng.

Dù nuôi dưỡng mục đích dân tộc chủ nghĩa, Nguyễn Thế Truyền đã quản lý không tốt mối quan hệ với những người Việt thuộc tầng lớp lao động. Ông có tiếng là “ngạo mạn”; ông khăng khăng dùng tiếng Pháp ngay cả khi nói chuyện với những công nhân người Việt không thạo tiếng Pháp, và ông nổi tiếng là thiếu quan tâm tới những mối bận tâm bình thường của công nhân.[9]

Chẳng hạn, vào năm 1925, Đảng Cộng sản Pháp yêu cầu Liên hiệp Thuộc địa đề xuất một con số nhất định các ứng cử viên thuộc địa cho các cuộc bầu cử cấp thành phố. Đảng Cộng sản Pháp bối rối trước các chỉ trích rằng mình có tiếng là chậm chạp trước các vấn đề thuộc địa và muốn có thêm một số gương mặt không phải là da trắng trong các ứng cử viên của mình.[10] Giữa những quan ngại là được mời cho có, các nhà hoạt động Abdelkader Hadj Ali, Lamine Senghor và Max Clainville-Bloncourt miễn cưỡng đồng ý tham gia tranh cử.[11] Để có một ứng cử viên từ Đông Dương, Nguyễn Thế Truyền chọn Võ Thành Long, một thành viên người Việt có nhiều triển vọng của Liên hiệp Thuộc địa và một chức sắc (officer) của Hiệp hội những người bạn Đông Dương. Tuy nhiên, Võ Thành Long từ chối ra ứng cử, viện lẽ là ông ta “không có phương tiện cũng như tài năng cần thiết để tiến hành một chiến dịch như vậy; hơn nữa, ông lại là một viên chức trong bộ máy hành chính Pháp và việc [ra ứng cử] ấy có thể có thể gây rắc rối cho việc làm của ông.”[12]

Từ cuộc trao đổi này, ta có thể hiểu được một chút về quan hệ của Nguyễn Thế Truyền với những người Việt khác ở Paris. Trong số những người ông tiếp xúc hàng ngày, hẳn có rất nhiều sinh viên ông có thể thuyết phục đứng ra tranh cử, nhưng Đảng Cộng sản Pháp lại muốn có một công nhân. Dưới áp lực đó, ông chọn Võ Thành Long, một viên chức cổ cồn thay vì một người lao động chân tay. Võ Thành Long có thể nổi bật lên vì ông ta đã là hội viên của Liên hiệp Thuộc địa, vì ông ta đã đi học ở Sài Gòn và nói thạo tiếng Pháp, hoặc có thể vì ông ta có nghề nghiệp đứng đắn và ổn định. Tất cả những điều đó và nhiều khía cạnh khác đã khiến Võ Thành Long trở thành một thành viên khá dị thường của Travailleur Manuels Hiệp hội Lao động (chân tay). Trong những nét riêng biệt đó, có chi tiết là Võ Thành Long xuất thân từ An Nam (Trung kỳ), trong khi phần lớn công nhân là người Tonkin (Bắc kỳ) và phần lớn sinh viên là người Cochichina (Nam kỳ).[13] Trước chiến tranh, ông sang Pháp làm người hầu; ông tình nguyện nhập ngũ vào năm 1914, được thưởng Huân chương Chiến tranh (the Croix de Guere) vì bị thương trong một trận đánh vào năm 1915, rồi sau đó nhận được một học bổng của chính phủ để học tiếng Pháp. Sau khi hết học bổng, các viên chức thuộc địa gây áp lực hòng ép ông về nước. Nhưng thay vì hồi hương, ông mở một tiệm ăn có tên L’Indochinois [Đông Dương] ở vùng tây nam nước Pháp và đính hôn với một công nhân xưởng máy người Pháp trước khi trở lại Paris và giành được một vị trí trong bộ máy hành chính.[14] Tiểu sử đặc biệt này khiến Võ Thành Long trở thành một lựa chọn kỳ quặc nếu Đảng Cộng sản Pháp muốn mở rộng cầu nối với công nhân Việt ở Pháp và qua đó khiến họ thấy được hoan nghênh hơn. Hơn nữa, bằng việc từ chối tranh cử, Võ Thành Long hình như không ngại rằng bản thân, hay tổ chức của mình sẽ có lúc cần đến sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp.

(còn tiếp)

Chú thích

1. Liauzu, Aux origines, 105; William J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life (New York: Hyperion, 2000), 78.

2. Ho Tai, Radicalism, 69–71.

3. Liauzu, Aux origines, 110–111; Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 35–36; Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 204, 214.

4. Bản bị chú không ghi ngày tháng về các tổ chức của người Việt ở Pháp, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Thuật ngữ chỉ người Việt dưới thời thuộc địa đặt ra cho chúng ta vô số khó khăn. Các nhóm ở Paris không bao gồm người Lào hay người Campuchia, thậm chí cả khi họ sử dụng thuật ngữ “người Đông Dương”. Khi họ dùng thuật ngữ “An Nam,” họ muốn nói đến người Việt từ cả ba miền – không chỉ Trung kỳ. (Có rất ít người Việt miền Trung ở Paris. Xem Ho Tai, Radicalism, 71.) Hiệp hội các nhà đầu bếp Đông Dương vì vậy được biết đến như Hiệp hội các nhà đầu bếp An Nam. Khi trích dẫn, tôi sử dụng các thuật ngữ trong nguyên bản, nhưng ở những chỗ khác, tôi dùng chữ “người Việt.”

5. Agent Désiré report, February 26, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.

6. Ho Tai, Radicalism, 232–233. Về Nguyễn Thế Truyền, cũng xem 54, 70, và 276n126, trong đó giải thích là cha của Nguyễn Thế Truyền trợ cấp tài chính cho ông sống ở Paris bất chấp các hoạt động cấp tiến của ông. Chính phủ Pháp coi Nguyễn Thế Truyền là cộng sản, nhưng thuật ngữ “cấp tiến” của Hồ Tài thì hợp với ông hơn. Cũng xem Hémery, “Du patriotisme,” 16.

7. Hémery, “Du patriotisme,” 16–17; Ho Tai, Radicalism, 232–233.

8. Agent Désiré report, December 29, 1926, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.

9. Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 223.

10. Robert Wohl, French Communism in the Making, 1914–1924 (Stanford, CA: Stanford University Press, 1966), 407–411.

11. Philippe Dewitte, Les mouvements nègres en France, 1919–1939 (Paris: Harmattan, 1985), 109–110. Cả Hadj Ali và Senghor đều có xuất thân từ giai cấp lao động (107, 110); Senghor cũng phục vụ trong quân đội Pháp trong Thế chiến thứ I (111).

12. Chỉ điểm Désiré báo cáo về một cuộc họp giữa Abdelkader Hadj Ali, Nguyễn Thế Truyền và Võ Thành Long vào 13 tháng 3, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Võ Thành Long (còn gọi là Maurice Long) có thể có một lý do khác muốn tránh bị chú ý; khi phân tích các hồ sơ, tôi nghĩ Võ Thành Long có khả năng là một chỉ điểm cảnh sát.

13. Hémery, “Du patriotisme,” 6, 14, 22–23; Ho Tai, Radicalism, 57, 71, 241; McConnell, Leftward Journey, 120; Le Van Ho, “Travailleurs,” 234, 435. Phần lớn các cuộc tuyển mộ trong chiến tranh là từ Bắc kỳ, và làn sóng sinh viên sang Pháp vào thập niên 1920 là từ Nam kỳ. Nhưng những bằng chứng về xuất xứ của công nhân thời hậu chiến chỉ mang tính gợi ý chứ không mang tính kết luận. Để biết thêm, xin xem phần dưới tiểu mục “Công nhân và cuộc Đại khủng hoảng.”

14. Về tiểu sử thời trẻ của Võ Thành Long (1895-1918), xem the Archives du Gouvernement Général de l’Indochine, dossier 19453, CAOM.

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét