Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Thùy Yên – Điểm lại những dự án phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long

Ngay từ năm 2004/2005, các dự án phim nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được nói tới. Nhưng dường như dự án phim nào cũng kèm theo tai tiếng, tranh chấp, đấu đá, tới mức người quan tâm không còn đủ kiên nhẫn phân biệt phim nào với phim nào. Phim nào cũng thấy Lý Công Uẩn, dời đô, Thăng Long, phim nào cũng lùm xùm điều này tiếng kia. Kết quả là đúng dịp kỉ niệm, chỉ có 2 dự án phim hoàn thành: một phim nhựa và một phim truyền hình 19 tập. Cả hai đều do tư nhân thực hiện, một hợp tác với Hàn Quốc và một hợp tác với Trung Quốc, trong khi tất cả các dự án có kinh phí từ ngân sách nhà nước đều bị tạm ngưng, tạm "giãn tiến độ" hay tạm… âm thầm khai tử. Xin điểm lại các dự án phim này:


Phim "Thái tổ Lý Công Uẩn": Ngừng dự án sau 3 năm giằng xé

Dự án phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long sớm nhất là phim nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn của Hãng phim Truyện Việt Nam: Tháng 1/2005, kịch bản của Thiên Phúc được chọn từ cuộc thi kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long-Hà Nội. Tháng 7/2007, dự án phim chính thức khởi động. Sau đó là những cuộc tranh cãi ầm ĩ và thậm chí là đấu đá tai tiếng về chi phí lên tới 200 tỉ (trên 10 triệu Dollar) cho bộ phim, về tiến độ thực hiện (theo kế hoạch thì phim sẽ bấm máy cuối năm 2009 và ra mắt đúng ngày 01/5/2010), về mâu thuẫn giữa ông Giám đốc Hãng phim truyện Lê Đức Tiến kiêm Tổng đạo diễn phim này và đạo diễn chính Lưu Trọng Ninh cùng đạo diễn phụ Đỗ Minh Tuấn, về những bất cập từ khía cạnh chuyên môn, v.v…

Kết quả cuối cùng: Ngày 12/7/2008, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long thông báo “giãn tiến độ” dự án phim này. Số phận Thái tổ Lý Công Uẩn là một dự án dở dang trên giấy, tiêu hết 2 tỉ rưỡi tiền từ ngân sách nhà nước.

Phim "Thái sư Trần Thủ Độ": Giãn tiến độ, ra mắt sau ngày 10/10/2010

Bộ phim truyền hình 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ (dựa theo kịch bản Trần Thủ Độ và người tình của Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Đào Duy Phúc) do Ban Tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đặt Hãng phim Truyện Việt Nam 1 sản xuất, kinh phí dự trù là 50 tỉ đồng (2,5 triệu Dollar) từ ngân sách nhà nước, khởi quay vào tháng 6/2009, dự kiến kết thúc ghi hình vào cuối tháng /8/2010, hoàn thành và bàn giao 10 tập đầu vào trung tuần tháng 9/2010; kết thúc dự án vào trung tuần tháng 12/2010. Tuy có một số "lùm xùm" xung quanh việc thay đạo diễn và diễn viên chính "giữa dòng", nhưng dự án phim truyền hình này vẫn đang được tiến hành và những người thực hiện vẫn hứa sẽ nộp phim đúng hạn vào dịp tổ chức đại lễ. Bộ phim này cũng được quay khá nhiều tại phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc). Nhưng theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ủy ban 1000 năm Thăng Long thì Ủy ban đã chỉ đạo việc "giãn tiến độ" thực hiện phim này, nhường cho phim Chiếu dời đô ra mắt kịp vào tháng 9/2010.

Phim "Chiếu dời đô": Âm thầm khai tử

Bộ phim nhựa Chiếu dời đô (kịch bản: Triệu Tuấn – Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Lưu Trọng Ninh), do Hãng phim Hội Điện ảnh (Hoda Phim) sản xuất với kinh phí 60 tỉ đồng (3 triệu Dollar) vốn tự huy động, dự định bấm máy vào tháng 2/2010 và công chiếu vào dịp 19/8-02/9/2010. Nhưng trái với lời tuyên bố "hoành tráng" của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc hãng phim đã tồn tại 10 năm mà chưa hề sản xuất một phim nào, trụ sở là một căn phòng 6 mét vuông và gồm… một nhân viên duy nhất là chính bà giám đốc, ở tuổi đang chuẩn bị về hưu - kinh phí tự huy động cho dự án náy không thấy tăm hơi đâu mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng… biến khỏi dự án để sang một dự án khác. Kết quả: thay vì thế chỗ Thái sư Trần Thủ Độ đã bị "giãn tiến độ" để nhường đường, dự án phim Chiếu dời đô bị âm thầm khai tử.

Phim "Khát vọng Thăng Long": Vi phạm bản quyền?

Bộ phim nhựa này phát triển từ dự án phim Chiếu dời đô nói trên, vẫn với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, nhưng kịch bản cuối cùng là của Charlie Nguyễn, nhà sản xuất là Công ty cổ phần phát triển truyền thông Kỷ Nguyên Sáng, bối cảnh quay tại Việt Nam với kĩ xảo Hàn Quốc. Tuy đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có lên tiếng về việc tên Khát vọng Thăng Long vi phạm bản quyền của một kịch bản của ông và phim này có những dấu hiệu “mơ hồ, chồng chéo” với kịch bản Chiếu dời đô nói trên, nhưng bộ phim vẫn được tiến hành “trong vòng bí mật” và dự định sẽ trình chiếu đúng dịp đại lễ sắp tới. Ngày 29/8 vừa qua, phim Khát vọng Thăng Long đã được Công ti Kỷ Nguyên Sáng tổ chức lễ giới thiệu tại TPHCM.

Phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”: Lệ thuộc văn hóa Trung Quốc?

Bộ phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long do công ty cổ phần truyền thông Trường Thành (Hà Nội) hợp tác với EASTV Hồng Kông đồng sản xuất, đồng đạo diễn là Cận Đức Mậu (Trung Quốc) và Tạ Huy Cường (Việt Nam), thực hiện tại trường quay Hoành Điếm – Trung Quốc, kinh phí 100 tỉ đồng (5,1 triệu Dollar). Phim đã hoàn thành, dự kiến phát sóng trong tháng 9/2010, hiện tạm hoãn phát sóng vì bị Hội đồng Duyệt phim Quốc gia yêu cầu lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa và đang gặp một làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận.

© 2010 Thùy Yên
© 2010 talawas

6 nhận xét:

  1. Phùng Tường Vânlúc 09:36 13 tháng 9, 2010

    Bây giờ cúng ai ?

    Còn nhớ mới năm nào cặp Hồng Ngát (tác giả truyện phim) và Đỗ Minh Tuấn (đạo diễn)- toàn những tên tuổi "nhớn" của một nền điện ảnh (không bao giờ) lớn (nổi) của đất nước ta - đã đốt tỷ lớn tỷ nhỏ vào một cuốn phim mà từ vựng điện ảnh nhờ đó có thêm một từ ngữ mới rất "ấn tượng" : "phim cúng cụ", chẳng biết cuốn phim dở tệ hãi hùng ấy có còn nằm trong "ký ức" của bất cứ ai không, nên tôi xin phép được nhắc lại, đó là phim "Ký Ức Điện Biên" !

    Nay, đến loạt phim chủ đề "Ngàn Năm Thăng Long", chưa biết hay dở ra sao, nhưng nội cái việc "gấu ó" nhau giữa các nhân vật có liên hệ gần xa với dự án này dự án kia, cái còn dang dở, cái biến mất, cái phải lược bỏ bộn bề... ngưòi dân đóng thuế oặt xương sống, oải xương sườn đã ngửi thấy những mùi quá xú uế của cái kịch bản quá quen thuộc "ngàn năm rút ruột": tiền bạc phen này không còn là cúng cụ nữa thì không hiểu những khoản tỷ lớn, tỷ nhỏ ấy là cúng ai đây ? Một nền điện ảnh nhớp nhúa giữa bối cảnh một đất nước não nề !

    Trả lờiXóa
  2. Thôi thì làm "phim kích dục" đi.
    Như thế mới có nhiều người ủng hộ cả chân tay tai mũi họng.
    Giễu nhại giọng thằng tây: "Mais c'est de la merde!!!"

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Đăng Thườnglúc 19:16 13 tháng 9, 2010

    Tình sử Nguyễn Ái Quốc - Tăng tuyết Minh (3 tập)
    Chuyện tình Hồ Chí Minh - Nông thị Xuân (4 tập)

    Nếu làm cách phim trên đây thì chắc chắn sẽ ăn khách ngàn phần chăm.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Đăng Thườnglúc 19:29 13 tháng 9, 2010

    @vantruong

    Bác vantruong gọi con cháu Hoàng Đế Napoleon và Tướng de Gaulle là "thằng Tây" e hơi bị... "lễ phép" quá chăng?

    Trong trường hợp này - vì tất nhiên có những "ca" khác "ít găng" hơn - sao ta không gọi nhau một cách giản dị là "anh": anh Tây, anh Mỹ, anh Nga, anh... Mít nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. @Nguyễn Đăng Thường
    Đối với "cứt sốt" thì tôi đổi giọng hót cho nó "Hot" với còi hụ.
    Hề, Hề, vậy nghe bác Nguyễn Đăng Thường.

    Trả lờiXóa
  6. "Đuờng tới Liên Sô " đã bị sụp , "Đuờng tới Hoa kỳ" đang bị chắn nên Cọng Hoà Xã hội Chủ nghiã Việt nam đành tìm đến con "Đuờng tới Thăng Long " như tìm lối thoát thân tạm bợ .
    TỘI NGHIỆP !

    Trả lờiXóa