Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Phan Xuân Sinh - Thời gian và sắc màu: Viết về cuộc triển lãm tranh tại Houston ngày 21/8/2010

Từ trái sang: Các họa sĩ Dương Phước Luyến, Nguyên Khai, Nguyễn Trọng Khôi và Ann Phong
Ngày 21 tháng 8 năm 2010 có một cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Nguyên Khai, Nguyễn Trọng Khôi, Dương Phước Luyến, Ann Phong và giới thiệu tập sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy tại Viet Art Gallery, trên đường Bellaire (trung tâm của người Việt). Đây là một cuộc triển lãm thú vị, cho thấy các khuynh hướng, trào lưu khác nhau, nên người xem được thưởng lãm một cách tường tận từng sự khác biệt trong cách vẽ, sắc màu, bố cục giữa các họa sĩ.

Mở đầu là phần giới thiệu tập sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy. Ysa là người thay mặt cho hội VAALA chịu trách nhiệm xuất bản tập sách dày hơn 600 trang, khổ lớn, bao gồm đầy đủ những nhận định và tác phẩm của từng họa sĩ từ năm 1924, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội ra đời, cho đến nay. Tập sách được sự bảo trợ, đóng góp của nhiều cơ quan cũng như cá nhân tại hải ngoại, tha thiết với tiền đồ của dân tộc. Và tham vọng của hội VAALA là tập sách này sẽ được dịch sang Anh ngữ để giới thiệu cho thế giới biết về nền hội họa Việt Nam và cũng để giúp những thế hệ sau và các nhà nghiên cứu hội họa dễ dàng tìm hiểu về hội họa Việt Nam.

Chúng tôi lần lượt giới thiệu:

I. Tập sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy
II. Các họa sĩ tham dự triển lãm
1. Nguyên Khai
2. Ann Phong
3. Dương Phước Luyến
4. Nguyễn Trọng Khôi

I. Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy

Đây là một quyển sách đồ sộ về hình thức cũng như nội dung, nhận định về hội họa và điêu khắc từ khi Việt Nam bắt đầu mở Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1924 cho tới nay. Tác giả là Huỳnh Hữu Ủy, nhà nghiên cứu hội họa mà tên tuổi từ lâu đã gắn liền với hội họa tại miền Nam trong thời gian đất nước chia cắt. Sau 1975, mặc dù không tham gia viết trên báo chí trong nước, nhưng ông đã âm thầm làm công việc nhận định hội họa. Sau khi ra hải ngoại ông tiếp tục con đường đã chọn và thanh thản từng bước đi vững chắc, chín chắn nhìn nền hội họa nước nhà một cách sắc bén, và theo tôi chỉ có ông mới có thẩm quyền nhận xét về nền hội họa Việt Nam vì ròng rã mấy chục năm ông đã nghiên cứu, truy cập, một cách tỉ mỉ. Tuy không biết về hội họa, nhưng khi đọc quyễn sách này tôi bắt đầu thấy say mê, nó hướng dẫn cho tôi cách nhìn về những tác giả mà tài năng lẫy lừng bấy lâu nay, cũng như những tên tuổi mà tôi chưa từng nghe thấy.

Để mô tả về sinh hoạt hội họa của Sài Gòn sống trong tự do, Huỳnh Hữu Ủy nhận định như sau: “Những năm giữa thập niên 1950 kéo dài đến đầu 1960, không khí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn như hừng hực những ánh lửa kêu đòi đổi mới, khao khát sáng tạo. Làm mới, làm mới, phải bước qua những trang đời đã quá nhạt nhòa cũ kỹ không còn thể nào chịu nổi nữa. Trước vận hội đầy hứa hẹn của đất nước trẻ trung vừa vươn mình đứng dậy, sức sống sáng tạo thực sự bùng nổ. Sài Gòn đã có những tiếng nói rất mới, đầy âm vang mạnh mẽ và vô cùng thiết tha, ví dụ là những Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại.”

Trong sự khao khát đó, một số nghệ sĩ từ miền Bắc di cư mang trong lòng một chút phiêu lưu lại gặp một miền Nam tự do, phóng khoáng, họ hội nhập một cách thoải mái. Tài năng của họ được nở rộ. Họ là những người tiên phong cho nền nghệ thuật nước nhà mang sắc màu đổi mới. Đến giữa thập niên 60 đến 70, theo sau họ là những nghệ sĩ xuất thân từ hai trường mỹ thuật Huế và Sài Gòn còn rất trẻ, nô nức và hăm hở hội nhập nhanh chóng vào nền hội họa Việt Nam bằng những bứt phá và cải cánh, sắc màu trở nên táo bạo, theo Huỳnh Hữu Ủy: “phải kể đến những khuôn mặt quy tụ chung quanh nhóm nghệ thuật tiền phong của Sài Gòn là Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam”.

Cuốn sách cho ta biết về những họa sĩ như Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Liêm, Thái Tuấn, Ngô Viết Thụ…, những cây cổ thụ của hội họa miền Nam sau này, đều là những người tiên phong trong ngành hội họa của một miền Nam còn son trẻ. Chúng ta cũng được biết tên tuổi của Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Anh, Nguyễn Siêu, Trần Văn Thọ, Tú Duyên, Trần Đắc, Lê Văn Bình, Trọng Nội…, những họa sĩ tài danh của hội họa Việt Nam của thời kỳ tiền chiến. Đọc Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, ta tường lãm thêm được những khuynh hướng, trào lưu mà các họa sĩ đã đeo đuổi trong sinh hoạt hội họa của họ.

Về Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, Huỳnh Hữu Ủy cho chúng ta biết: “Đề cập đến nghệ thuật tạo hình Sài Gòn của những năm 60 và 70 trên bối cảnh chung là tất cả nền nghệ thuật có từ trước cùng với lớp họa sĩ đứng tuổi, kỳ cựu, phải nhắc đến những nghệ sĩ, điêu khắc gia quy tụ chung quanh Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sắc nhất của giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây. Góp phần xây dựng nền hội họa hiện đại, chúng ta đã đề cập đến Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, và phải kể tiếp theo các tên tuổi như: Cù Nguyễn, Rừng, Nghiêu Đề, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Mai Chững, Dương văn Hùng, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Hồ Thành Đức, Nguyễn Lâm, Lê Tài Điển, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Nghy Cao Uyên, Nguyễn Đồng. Đây là những nghệ sĩ trẻ say mê với nghệ thuật có tài hoa bẩm sinh, cộng thêm vào đó là nhiều suy nghĩ, tìm kiếm, những nghiên cứu thấu đáo ngôn ngữ tạo hình của thời đại. Sau vài cộng tác với nhau, đã phát biểu có chất lượng trong nghệ thuật tạo hình, họ cũng tự thấy là cần phải làm việc nhiều hơn, đào sâu kỹ thuật và tư tưởng, tiến về phía quảng đại quần chúng, và nhất là phải biết đặt mình trong tình cảnh của đất nước khổ đau và hùng tráng, để tìm một ngôn ngữ riêng của hội họa Việt Nam. Thái độ đó tỏ rõ rằng họ có một lập trường dân tộc tiến bộ nhưng không hẹp hòi mà cùng lúc cũng đặt mình trong tiếng nói tạo hình chung của nhân loại…”

Và:

Hai mươi năm hội họa miền Nam 1964 – 1975, đó là một chuyển động liền mạch nhưng mang nhiều tính bứt phá và bùng nổ, cho nên từ nhóm Sáng Tạo, nền nghệ thuật ấy đã chuyển động mạnh với sự xuất hiện của các khuôn mặt trong nhóm Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định rằng nền nghệ thuật ấy, tuy chỉ ngắn ngủi trong vòng 20 năm, cũng đã thành hình và trở thành một giai đoạn mỹ thuật khá đặc biệt, rất quan trọng trong lịch sử mỹ thuật chung của toàn bộ đất nước.”

Việc làm của Huỳnh Hữu Ủy trong hội họa cũng tương tự như Võ Phiến trong văn chương, ngồi lượm lặt từng tác phẩm, từng tác giả để tạo dựng lại một sinh hoạt văn hóa của miền Nam từ 1954 đến 1975, vì tất cả những gì trong 20 năm đó tại miền Nam, những người thắng trận phương Bắc đã xóa sạch không còn gốc tích. Họ chỉ đưa ra những tác phẩm tuyên truyền trong chiến tranh không có một chút nghệ thuật hay văn hóa, dưới sự chỉ đạo của guồng máy cai trị, phụng sự cho chính trị. Khi đặt văn hóa nghệ thuật của Việt Nam trong 20 năm chiến tranh, thì chỉ có miền Nam sống trong tự do nên văn hóa nghệ thuật mới đúng nghĩa nhất. Thế nhưng tại Việt Nam hiện nay không thể tìm lại những gì đã mất vì đã bị hủy diệt một cách thô bạo sau khi Sài Gòn thất thủ. Công lao của Huỳnh Hữu Ủy và Võ Phiến hiện nay rất to lớn đối với những người sau này đi tìm những chứng tích văn hóa nghệ thuật của miền Nam trong thời chiến tranh. Hai ông đã tìm được tài liệu gần như đầy đủ và tái xây dựng lại một cách hệ thống để người sau dễ dàng trong việc nghiên cứu.

Hội VAALA, nơi bảo trợ in tập sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy có một tham vọng lớn hơn là sẽ in tập sách này bằng Anh ngữ, do Trần Thiện Huy (một thành viên của Ban Biên tập tạp chí Da Màu) lãnh nhiệm vụ dịch thuật. Theo lời phát biểu của Ann Phong trong ngày khai mạc phòng tranh tại Houston 21 tháng 8 năm 2010 thì đây là quyển sách cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về hội họa miền Nam từ 1954 đến 1975. Trong các thư viện của Mỹ và trên thế giới, khi tìm hiểu hội họa Việt Nam, người ta chỉ đọc những sách xuất bản từ Hà Nội và những bức tranh đượm chất tuyên truyền của miền Bắc. Chúng ta không tìm thấy một quyển sách nào đề cập đến nền hội họa của miền Nam trước đây. Thực chất hội họa miền Nam mới phô bày được tính nghệ thuật, chất lượng, phóng khoáng, tài hoa của người nghệ sĩ và mới đích thực tiêu biểu cho nền hội họa chung của dân tộc. Công lao của Huỳnh Hữu Ủy tìm tòi nghiên cứu gần một đời người về hội họa, thì hội họa miền Nam chiếm một phần rất lớn trong đó.

Việc làm của Huỳnh Hữu Ủy mang lại một giá trị vô biên cho hội họa Việt Nam. Công lao của ông đối với các thế hệ sau thật quý giá và đó cũng là công lao của ông đối với các họa sĩ quá vãng cũng như đương thời mà sự nghiệp của họ sẽ bị mai một, quên lãng nếu không kịp thời được ghi lại trong sách. Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai làm chuyện đó. Mà nếu có làm thì cũng không đủ tài liệu, không đủ bằng chứng như Huỳnh Hữu Ủy đã tích lũy mấy chục năm nay.

II. Các họa sĩ tham dự triển lãm

1. Họa sĩ Nguyên Khai

Nguyên Khai nổi tiếng từ khi mới bắt đầu ra Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1963. Ông là người làm việc miệt mài cật lực, tham gia nhiều triển lãm từ những năm đầu tiên mới ra trường cho đến nay. Ông là một trong những người chủ chốt trong Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, một hội mang những cải cách, bứt phá, thay đổi diện mạo hội họa Việt Nam thuở đó. Các cuộc triển lãm quan trọng của ông trong thập niên 1960 gồm: Phòng tranh Mùa Xuân tại Sài Gòn 1964; Triển lãm quốc tế Tunis 1964; Triển lãm lưỡng niên định kỳ Paris lần 4: 1965; Triển lãm quốc tế Tokyo 1966; New Delhi 1968; Brazil 1967, 1969 (Theo tài liệu của Huỳnh Hữu Ủy trong NTTHVNHĐ).

Không những Huỳnh Hữu Ủy mà cả Nguyễn Đình Toàn cũng nhận xét rằng trong tranh của Nguyên Khai dù ông vẽ bất cứ cái gì, bất cứ màu sắc nào cũng ẩn khuất chất thơ mộng:

Nói chung, cái chất thơ mộng, lãng mạn của tâm hồn Nguyên Khai hình như lúc nào cũng chìm lẩn dưới màu sắc, dưới những đường nét. Có vẻ như ông muốn giấu bớt nó đi chứ không phô bày ra.” (Nguyễn Đình Toàn, Bông hồng tạ ơn, tr. 431-432).

Tranh của Nguyên Khai là một thế giới vô cùng óng ả, rực rỡ, chói lòa, sang trọng và kênh kiệu. Hội họa ở đây là thi ca của màu sắc, những bài thơ rực sáng và tươi thắm, những bài thơ tượng trưng chải chuốt và thanh lọc, những bài thơ đi qua con đường siêu thực bay bổng hay trầm sâu thăm thẳm. Marc Planchon, một nhà phê bình nghệ thuật ở Sài Gòn trước đây, khi phòng tranh của Nguyên Khhai mở cửa ở phòng Thông Tin Đô Thành năm 1964, đã viết một nhận định ngắn về người họa sĩ trẻ này, đã gọi ‘Tác phẩm Nguyên Khai là hội họa? Hay là thơ được vẽ thành màu sắc?’ (Oeuvre de Nguyen Khai Peintures? ou poèmes peints? Le Journal d’Extrême-Orient, 1-10-1964)… (Huỳnh Hữu Ủy, NTTHVNHĐ, tr. 186-187).

Tất cả các nhà phê bình hội họa, nhà văn, bạn bè đồng nghiệp đều có một nhận xét giống nhau về tranh của ông là rất thơ mộng, quý phái, kiều diễm, trang nhã… nghĩa là tất cả mỹ từ cao cả dành cho ông. Ông xứng đáng được xưng tụng, vì đã cống hiến cuộc đời của mình cho sự nghiệp nghệ thuật ròng rã từ khi mới bắt đầu cầm cọ cho đến nay, gần 50 năm. Dù sống trong hoàn cảnh nào, thế sự thay đổi, biến chuyển khốc liệt, ông vẫn theo đuổi nghề nghiệp của mình, không chạy theo những danh lợi khác.

Ta hãy đọc một đoạn ông phát biểu trong Vựng tập triển lãm Hội Họa sĩ Trẻ 1969 (ghi theo Huỳnh Hữu Ủy trong tập NTTHVNHĐ, tr. 191):

Cuộc đời ta sẽ hiến dâng tình yêu và nghệ thuật. Tất cả mọi cản trở đều là kẻ thù của ta. Nguyện đời ta như ánh sao băng trong đêm tối. Như hạt sen nẩy mầm trong vũng bùn kia. Hay ngọn sóng cao trên biển cả.”

Trong Bông hồng tạ ơn, ở phần kết luận về Nguyên Khai, Nguyễn Đình Toàn nhận xét về ông như sau:

Nguyên Khai muốn vẽ gì thì vẽ, nhưng xem tranh Nguyên Khai hãy tìm những bức vẽ ông vẽ hoa, vẽ thiếu nữ. Những thân hình mảnh mai ấy thế nào cũng có một chỗ đầy đặn. Màu sắc của ông không làm chói mắt, nhưng trong cái vẻ trầm trầm, buồn buồn, vẫn có một điểm nào đó rực rỡ. Cái đẹp trong tranh Nguyên Khai là cái đẹp hiền hòa. Không có sự đe dọa mất mát. Tuổi trẻ tự nó là một cái đẹp, bền vững hay không là chuyện khác.

Có thể lấy câu thơ này của Tagore để nói về bức tranh thiếu nữ của Nguyên Khai:

Đàn bà
Một nửa là đàn bà
Một nửa là mộng đẹp.”

Nói về Nguyên Khai, một lời không đủ mà ngàn lời vẫn thiếu. Hãy tận mắt xem tranh của ông mới thấy được nét tài hoa của ông. Càng về già nét vẽ của ông càng bay bướm, uyển chuyển, thanh tao nhưng cũng rất cứng cỏi vì trải dài một đời kinh nghiệm trong hội họa, luôn luôn tìm nét đổi mới, khai phá. Nhưng dù có thay đổi, cái nét độc đáo riêng của Nguyên Khai vẫn tiềm tàng trong lòng người thưởng ngoạn.

2. Họa sĩ Ann Phong

Có lẽ trong phòng tranh của 4 họa sĩ có mặt, tranh của Ann Phong làm cho tôi choáng ngợp nhất bởi màu sắc rực rỡ chống đối nhau, nét vẽ táo bạo cứng cỏi, bức tranh nào cũng mang một khí thế hùng dũng, đập vào mắt người xem một ấn tượng mạnh mẽ. Ai cũng nghĩ rằng đây là tác giả đàn ông. Thế nhưng, đó là tác phẩm của nữ họa sĩ Ann Phong.

Ann Phong sinh ở Sài Gòn năm 1957. Vượt biển năm 1981, rồi sống một năm tại các trại tị nạn Malaysia và Philippines, năm 1982 đến Mỹ và định cư tại Nam California (Huỳnh Hữu Ủy, NTTHVNHĐ, tr. 579).

Có lẽ cuộc vượt biển đầy gian nguy bão táp mà chị đã chống chọi, gây cho chị một dấu ấn sâu đậm, nên họa phẩm của chị thể hiện những ngọn sóng to tát, những phong ba vần vũ, những sấm sét đầy trời. Và theo Huỳnh Hữu Ủy cho biết:

“Trải qua những năm tháng cùng khổ ở quê nhà, rồi những ngày khủng khiếp ở biển cả mênh mông, hung bạo và sau cùng nhập vào cuộc sống hoàn toàn xa lạ: Ann Phong thường bày giải kinh nghiệm riêng tư của mình qua các sáng tác nghệ thuật. Có thể nói rằng kinh nghiệm của Ann Phong cũng chính là kinh nghiệm rất đặc biệt của một cộng đồng, khổ đau và bi tráng, cùng với chiều sâu của một nền văn hóa riêng biệt.

Năm 1995, đậu cao học về ngành mỹ thuật ở Đại học Fullerton. Hiện nay dạy hội họa ở các trường Đại học Fullerton, Đại học Bách khoa Pomona, và Học viện Mỹ thuật Los Angeles – Orange County…” (Huỳnh Hữu Ủy, NTTHVNHĐ, tr. 579).
"Jump", tranh của Ann Phong
Như vậy, chúng ta biết được Ann Phong được đào tạo từ trường nghệ thuật tại Mỹ, hội nhập vào dòng nghệ thuật chính thống của Hoa Kỳ, nên trong suy nghĩ cũng như trong nét vẽ hoàn toàn mang âm hưởng của Tây phương. Tuy nhiên, đôi lúc ta cũng bắt gặp những nét dịu dàng phong thái Đông phương. Có lẽ những lúc như vậy chị lại trở về cội nguồn của mình chăng?

Trong phỏng vấn Ann Phong trên Hợp Lưu số 37, tháng 10-11/1997, Kiều Toàn (tức Khánh Trường) đặt một câu hỏi như sau: “Nhiều người nhận xét chị có một bút pháp và một bảng màu rất táo bạo, trái hẳn với nhiều họa sĩ Việt Nam khác, thuộc phái nữ. Điều ấy nói lên cái gì?”

Ann Phong trả lời: “Lối vẽ của Ann Phong rất phóng khoáng. Về mặt hình thức được diễn tả qua những nét cọ to đi kề những nét nhỏ yếu ớt. Nhưng vũng màu đậm sâm thực qua những gam màu nhạt. Những mảng màu lớn đàn áp những vệt màu nhỏ. Đường thẳng cứng vạch xuyên qua những đường cong. Màu nóng sát kề màu lạnh. Đó là cá tính của Ann Phong. Đó là cái Ann Phong chọn. Nó muốn nói lên cái gì thì chính nó sẽ “nói” với người xem. Ann Phong không thể giải thích khúc chiết. Chẳng ai có thể giải thích khúc chiết những gì thuộc thế giới tiềm thức. Chỉ biết, qua nhiều cuộc triễn lãm cá nhân và tập thể. Ann Phong đã tạo cho mình một chỗ đứng, không lẫn với nhiều đồng nghiệp khác.”

Phải thành thật nhận xét rằng tranh của Ann Phong mang một chất tố riêng biệt, một nội dung lạ lẫm, một hình thức phóng khoáng. Nhìn tranh ta đắm chìm trong suy nghĩ, tiềm thức ta hé mở tia sáng và cuối cùng nó vỡ òa thỏa mãn. Nó có vẻ đượm một chất triết lý, một chút trí tuệ mà người xem phải ngẩn ngơ dừng lại ngắm nhìn. Tranh mang chất trừu tượng nhưng không làm dáng để đánh lận suy nghĩ người thưởng ngoạn.

3. Họa sĩ Dương Phước Luyến

Tranh Dương Phước Luyến óng ả, mỹ miều. Những đề tài anh chọn rêu phong cổ kính rất thích hợp cho lối vẽ mang chất chân phương của anh. Màu sắc anh dùng gây cho ta một niềm hoài cổ man mác. Anh đúng là một họa sĩ tiêu biểu cho quê hương xứ Huế của anh.

Dương Phước Luyến là người có nét vẽ độc đáo, anh lại dùng màu nước trên một loại giấy rất cổ. Đó là “giấy dó”, một loại giấy mỹ nghệ thủ công của làng Yên Thái gần Hà Nội. Xuất thân trong ngành kiến trúc, nên cái nhìn của Dương Phước Luyến vào mọi sự vật trước hết tỉ mỉ và chính xác. Tranh của Dương Phước Luyến bố cục cân xứng, màu sắc tương ứng nên ta không tìm thấy những cảnh tượng nhem nhuốc, lòe lẹt. Anh đi từ kiến trúc qua hội họa một cách dễ dàng và tôi nghĩ anh thành công trên địa hạt này. Tranh của anh đi vào lòng người xem dễ dàng và chiếm lĩnh họ cũng dễ dàng.

Trong phần viết về Dương Phước Luyến. Huỳnh Hữu Ủy nhận xét như sau:

Dương Phước Luyến yêu nghề hội họa và yêu đất nước của mình. Anh đi và ghe chép. Ghi chép khắp nơi, với sự chọn lọc bằng cảm quan riêng của mình. Mỹ cảm của anh ôn nhu, hiếu hòa, quân bình, giản dị. Nên nghệ thuật của anh cũng vậy: êm đềm, thơ mộng, pha nhiều chất cổ kính, u hoài.

Anh đã tìm ra được con đường riêng của mình, với một cách phát biểu riêng, một ngôn ngữ riêng…” (Huỳnh Hữu Ủy, NTTHVNHĐ, tr. 322-323)

Tranh của Dương Phước Luyến
Dương Phước Luyến sinh trưởng ở Huế, học Quốc học. Sau khi tốt nghiệp anh vào học Kiến trúc tại đại học Sài Gòn. Say mê hội họa, một mình một giá vẽ, anh đi từ Nam ra Bắc ghi lại những di tích, những thắng cảnh bằng nét vẽ chân tình, mộc mạc. Lối vẽ của anh hiền hòa, thanh tao. Dương Phước Luyến còn là một nhà thư họa, nét bút bằng mực tàu của anh phối hợp trên những búc tranh cổ kính, rêu phong, ghi những câu thơ hoài cảm. Thời còn sinh viên, anh lặn lội vào Chợ Lớn để theo học thủy mặc với họa sư Lương Thiếu Hằng thuộc môn phái Lĩnh Nam.

4. Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Nguyễn Trọng Khôi, tự họa
Nguyễn Trọng Khôi xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Định. Từ năm 1972 đến 1988, anh tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước. Qua Mỹ năm 1988 thì 2 năm sau, từ năm 1990 cho đến nay anh có nhiều triển lãm tranh trong nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ. Ngoài nghề chính là hội họa, anh còn soạn nhạc và đã có vài CD do chính anh và bạn bè trình bày. Thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn và thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ hải ngoại. Anh hát rất hay, giọng hát khỏe. Trong những đêm tại Boston, bạn bè gặp nhau, uống với nhau vài ly rượu, anh ôm đàn hát suốt đêm. Anh đúng là một nghệ sĩ tài hoa.

Ttranh của Nguyễn Trọng Khôi thuộc khuynh hướng hiện thực và đặc biệt tĩnh vật của anh lôi cuốn người thưởng ngoạn. Thật tình xem tranh của anh, ta khó xếp anh vào khuynh hướng nào nhất định, anh là người hội tụ những trường phái khác nhau. Trong một cuộc triển lãm vào khoảng năm 2000 tại Washington DC, ông Lê Thiệp, một nhà báo và cũng là người chơi tranh nổi tiếng, sau khi đến xem cuộc triển lãm tranh của Nguyễn Trọng Khôi, có những nhận xét về anh như sau: “Đầu tiên, không thể xếp hạng người họa sĩ trẻ này. Không có vấn đề trường phái. Tranh anh đi từ tả thực qua tới siêu thực, từ ấn tượng cho đến trừu tượng. Có vẻ như nó thể hiện rõ rệt quan niệm sáng tạo của anh, cái quan niệm đi tới, lúc nào cũng tìm tòi thể nghiệm. Có thể thấy impressionist ở những bức tĩnh vật, một thứ impressionist chín muồi.”

Nguyễn Trọng Khôi dành tất cả thời gian cho hội họa, anh có một phòng vẽ tại nhà, tuy nhiên trong những cuộc hội họp với anh em, anh ngồi một góc phòng lặng lẽ phác họa chân dung cho từng người với bút chì, lúc này ta mới nhận thấy nét vẽ của anh tài hoa và sống động. Trong một bữa gặp gỡ chung với anh em văn nghệ tại Boston, Triều Hoa Đại làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với Nguyễn Trọng Khôi. Triều Hoa Đại đặt một câu hỏi “khó”, nhưng Nguyễn Trọng Khôi không tránh né và trả lời một cách ung dung, rành rõi:

Triều Hoa Đại: "Nếu như có một ngày nào đó bỗng dưng ông nhận được giấy để cùng thực hiện một cuộc triển lãm nghệ thuật với những họa sĩ ở trong nước thì ông nghĩ thế nào, nên hay (không nên) tham dự, vì sao?"

Nguyễn Trọng Khôi: "Trong xã hội loài người, mọi tiếng nói, ngôn ngữ có thể khác nhau, duy chỉ có tiếng khóc và nụ cười là không thể khác được. Hội họa là bộ môn nghệ thuật đứng trên mọi thái độ, mọi quan điểm mang màu sắc chính trị; nó không có biên cương, giới hạn. Hội họa có tiếng nói không cần phải chuyển dịch; đó là thứ ngôn ngữ chung và vì thế tác phẩm hội họa luôn mang tính nhân loại. Hội họa cũng không có giai cấp. Một ông vua và một người ăn mày khi đứng trước giá vẽ họ đều bình đẳng.

Trước đây tôi có khoảng 20 năm sinh hoạt hội họa trong nước. Tôi vẫn mơ có một ngày được bay nhảy ở không gian lớn hơn đó là bên ngoài Việt Nam. Bây giờ tôi đang sinh hoạt tại một không gian lớn hơn, tôi không nghĩ tôi sẽ trở lại không gian cũ. Tuy nhiên trong hành trình nếu có người cùng khuynh hướng tôi rất vui thích khi sinh hoạt chung. Tất nhiên là sẽ không quá nhiều cho một không khí phong trào.”
Tranh của Nguyễn Trọng Khôi

Nguyễn Trọng Khôi là một họa sĩ có chân tài. Tranh của anh được nhiều người ưa thích. Anh đã được những tờ báo lớn của người Mỹ tại Boston nhiều lần nhắc tới. Nhưng viết về anh một cách cô đọng nhất, ta phải nhường lời cho ông Nguyễn Anh Văn với nhận xét như sau: “Đi tìm vóc dáng Nguyễn Trọng Khôi, hay nói cho đúng hơn là đi tìm nhân tính Nguyễn Trọng Khôi vùi sâu dưới khối màu sắc của các hoạ phẩm và ký thác tâm tư qua các nốt nhạc là làm một cuộc hành trình trở về cội nguồn và tình người Việt Nam để nhận thức rằng "không nơi nào đẹp bằng quê hương mình" - như người ta vẫn thường nói.”

Houston, ngày 28 tháng 8 năm 2010

© 2010 Phan Xuân Sinh
© 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét