Lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận, và ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận giữa yêu nước và bán nước.
Bắt đầu từ hoàn cảnh cá nhân, tôi hay suy nghĩ về chiến tranh và đất nước. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng kết bạn với những người có ít nhiều thao thức về đất nước. Những đứa không cùng sở thích lần lượt xa dần. Từ một nhóm nhỏ thời trung học, sau thêm bạn từ các tỉnh khác khi lên đại học. Chúng tôi thường quây quần nhau ở một quán cà phê bình dân gần chợ Hòa Hưng. Quán không có tên nên chúng tôi đặt tên là Cà phê Lương Sơn Bạc để dễ hẹn hò nhau (ngày đó chúng tôi chưa đủ nhận thức để đặt tên quán là Cà phê Lũng Nhai). Với tôi, bạn bè không những chỉ là những người cùng thao thức, cùng lứa tuổi, mà còn là bóng mát, là gia đình vui buồn riêng của tôi.
Giống như nhiều gia đình sau biến cố 30 tháng 4, 1975, “gia đình” chúng tôi cũng trải qua một giai đoạn đấu tranh nội bộ trầm trọng. Có đứa ủng hộ chính quyền mới một cách nhiệt tình, có đứa miễn cưỡng phải tham gia để tồn tại trong xã hội đang thay đổi, nhưng cũng có đứa chống chế độ một cách quyết liệt. Dù ủng hộ hay chống đối, chúng tôi, những thanh niên nặng về lý luận hơn là hành động, cũng chỉ đấu tranh tư tưởng ở quán cà phê.
Ngày nọ, một người bạn đến nhà chào tôi để ra đi. Sau thời gian học tập chính trị ở trường, anh đã dứt khoát về quan điểm nên có thể sẽ không có thời gian để ghé Lương Sơn Bạc nữa. Anh không đi Mỹ, đi Tây gì nhưng tham gia một công tác khoa học của nhà nước. Anh cho tôi biết, tuy chưa đồng ý với lý luận của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa, anh tin cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là đúng. Theo bạn tôi, đất nước không có con đường nào khác. Thái độ tích cực nhất của một người Việt Nam là xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Mọi chống đối chỉ làm cho dân tộc thêm điêu linh, thống khổ.
Bạn tôi là một người yêu nước chân thành. Chúng tôi đã từng ngồi yên lặng như âm thầm mặc niệm những người vừa chết khi nghe những bản tin chiến sự phát ra từ chiếc radio cũ kỹ của tôi. Chúng tôi đã từng san sẻ những ngậm ngùi chua xót mỗi khi nghe giọng hát Khánh Ly cất lên từ chiếc máy cassette nhỏ của bà chủ quán: “Huế Sài Gòn Hà Nội, hai mươi năm sao vẫn còn xa”. Chưa bao giờ hai chữ hòa bình quan trọng hơn thế. Chưa bao giờ hai tiếng thống nhất thiết tha hơn thế. Hai mươi năm, dải đất Việt Nam là những dòng sông máu, những khu rừng xương, những cánh đồng nhầy nhụa da thịt anh em. Phải chấm dứt chiến tranh. Phải có hòa bình. Không có chọn lựa nào khác.
Người bạn lớn hơn tôi vài tuổi nên dù chơi với nhau tôi vẫn gọi anh ta bằng anh chứ không mày tao như với vài người khác. Tôi nhớ là đã nói với anh: “Điều mà Đảng cần nhất ở anh là đồng ý với lý luận của họ về cách mạng dân chủ nhân dân, bởi vì, từ cơ sở đó, sớm hay muộn rồi anh cũng sẽ đồng ý với lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.” Anh không tranh luận. Anh chỉ ra đi. Anh ra đi như hàng triệu thanh niên miền Bắc đã băng rừng vượt suối ra đi, và cũng giống như hàng trăm trí thức tả khuynh miền Nam ngày đó ra đi. Họ bỏ tổ quốc mà đi nhưng cứ tưởng ra đi vì tổ quốc. Tất cả đã rơi vào chiếc bẫy của Đảng, và miếng mồi đặt trên chiếc bẫy không gì khác hơn là lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và giấc mơ đoàn viên dân tộc.
Tôi thông cảm với anh cũng như sau này thông cảm với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác. Nhận thức và quan điểm của một người bao giờ cũng mang tính lịch sử, bị quy định bởi các yếu tố chủ quan cũng như khách quan của hoàn cảnh xã hội. Sài Gòn ngày đó như sắp tận thế. Đời sống con người bị khép kín trong một phòng tối khổng lồ, một căn hầm sâu không lối thoát. Tiếng nói duy nhất vọng lên là tiếng nói của Đảng. Cánh cửa duy nhất được phép mở ra là cánh cửa của Đảng.
Ngồi trong thư viện của một đại học Mỹ để ca ngợi dân chủ, phê phán độc tài là chuyện dễ dàng, ai viết cũng hay, ai nói cũng hợp tình hợp lý, nhưng sống tại Việt Nam sau 30 tháng 4, suốt 24 giờ một ngày bị xoáy tròn trong một bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất thế giới với các phương tiện lừa dối, cám dỗ, đe dọa, việc giữ được niềm tin vào một ngày tia sáng dân chủ sẽ rọi vào địa ngục trần gian Việt Nam là cả một thách thức vô cùng to lớn.
Nội dung của cuộc cách mạng Đảng gọi là “dân tộc dân chủ nhân dân” gồm “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đạp đổ ngụy quyền miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Còn cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì người dân không cần phải quan tâm hay đồng ý. Đó là chuyện của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những ngày sau 30.4.1975, từ chiếc loa treo ở đầu phố cho đến các giáo trình, giáo án, sách vở ở trường, tất cả đều tập trung vào việc đề cao vai trò của Đảng. Nào là không có Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi chìm đắm trong bóng tối của nô lệ, lạc hậu, đói nghèo. Nào là các đảng phái quốc gia nếu không phải “thân Nhật” thì cũng “thân Pháp” hay “thân Mỹ”. Tương tự, không một lãnh tụ cách mạng nào xứng đáng hơn Hồ Chí Minh. Một “Phan Chu Trinh yêu nước nhưng cải lương”, một “Phan Bội Châu nhiệt tình nhưng vọng ngoại”, một “Nguyễn Hải Thần bám Tàu lâu đến nỗi quên cả tiếng Việt”, chỉ có Hồ Chí Minh là suốt đời “vì dân vì nước”.
Đảng đã cụ thể hóa và cơ cấu hóa lý luận về “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” thành các đoàn thể phụ thuộc như Trí thức Yêu nước, Phật giáo Yêu nước, Công giáo Yêu nước, Liên hiệp Thanh niên Sinh viên v.v... Cơ cấu trung ương tập quyền trong chế độ Cộng sản vận hành như một thái dương hệ. Đảng là mặt trời và các tổ chức, đoàn thể là những thiên thể chung quanh, mỗi thiên thể có quỹ đạo riêng, có vệ tinh riêng, có vòng trong, vòng ngoài nhưng cùng bị chi phối bởi cùng một lực hấp dẫn của mặt trời.
Từ sau hiệp định Geneve đến nay, không biết bao nhiêu giấy mực Đảng đổ ra để biện minh cho việc cưỡng chiếm miền Nam bằng súng đạn của Nga Tàu, với lý do chính vẫn là Việt Nam Cộng hòa từ chối tổng tuyển cử. Tuy nhiên, cốt tủy của vấn đề không phải bên nào ký bên nào không, bên nào chủ trương tổng tuyển cử, bên nào từ chối tổng tuyển cử, mà là sự chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản.
Miền Nam, với một quân đội mới được chuyển giao chỉ vài tiểu đoàn, một chính quyền còn đang chập chững bước thấp bước cao trên con đường dân chủ, một xã hội còn đang bị khoanh vùng bằng phe phái, giáo phái, và đại đa số người dân vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Việt Minh và Cộng sản thì làm sao Việt Nam Cộng hòa có thể thắng Đảng Cộng sản, một tổ chức quy củ, dạn dày kinh nghiệm lọc lừa và có một bộ máy tuyên truyền biến trắng thành đen vô cùng lợi hại.
Và giả thiết có bầu cử và Việt Nam Cộng hòa thắng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giải thể hệ thống chính ủy, đảng bộ trong quân đội, giao nộp vũ khí, sáp nhập vào quân đội chính phủ, giải tán bộ máy công an, dẹp bỏ bộ máy tuyên truyền, tự nguyện đặt mình trong khuôn khổ luật pháp và hoạt động một cách công khai như các chính đảng khác? Một người có nhận thức chính trị căn bản cũng biết những chuyện đó còn khó xảy ra hơn chuyện mặt trời mọc ở phương tây và lặn ở phương đông.
Với các lãnh đạo Cộng sản miền Bắc, cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Những năm tháng trui rèn ngoài Côn Đảo hay trốn tránh ở Liên Xô, Trung Quốc, họ cũng chỉ nghiền ngẫm một mục tiêu Cộng sản duy nhất đó. Nếu có tổng tuyển cử thì tốt. Họ sẽ chiếm miền nam không cần súng đạn. Nếu không có tổng tuyển cử cũng không sao. Họ vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng bạo lực. Dù qua phương cách gian lận bầu cử hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Bài học chiến tranh Triều Tiên chưa phai mùi thuốc súng với hơn 3 triệu người thiệt mạng chỉ trong vòng 37 tháng đánh nhau không làm Đảng phân vân. Khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến và nhiều triệu tấn Napalm sẽ được ném xuống hai miền không khiến Đảng do dự. Đảng chỉ cần chiến thắng, dù là chiến thắng trên máu xương của đồng bào ruột thịt, trên xác đám trẻ thơ vừa mới chào đời, trên cảnh tương tàn phân hóa tận cùng của đất nước.
Nếu ai cho rằng nhận xét như thế là một chiều và quá đáng, hãy đọc lại các chính sách của Đảng và việc thực hiện các chính sách đó từ 1954 tại miền Bắc, và từ 1975 trên phạm vi cả nước đối với các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc không Cộng sản.
Một số người có thể cho rằng nói như thế là đánh giá quá cao mục tiêu của Đảng Cộng sản mà bỏ qua nguyện vọng thống nhất đất nước là nguyện vọng thiêng liêng, phản ảnh truyền thống yêu nước mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Không. Không ai bỏ qua. Nguyện vọng thống nhất đất nước, tình dân tộc thiêng liêng là tình cảm có thật và vô cùng sâu sắc. Nhưng tình cảm đó chỉ có trong con người Việt Nam bình thường, có trong bác nông phu tay lấm chân bùn, có trong anh công nhân đầu tắt mặt tối, có trong hàng triệu thanh niên nam nữ miền Bắc phải lên đường vào Nam chiến đấu, nhưng không có trong trong đầu óc của giới lãnh đạo Cộng sản, những người thợ vẽ đã vẽ lên tâm hồn nóng bỏng của tuổi hai mươi trong sáng những chân trời không có thực.
Nhà văn Nguyễn Khải, vào cuối đời đã viết về bản chất lừa dối của Đảng trong Đi tìm cái tôi đã mất:
“Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa Cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra.”
Mặc dù nhiều người đã biết dối trá thuộc về bản chất của chế độ Cộng sản, bài viết như lời trối của nhà văn Nguyễn Khải gây chấn động bởi vì ông ta là một người suốt đời sống, viết và chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng.
Một câu hỏi thường được đặt ra, tại sao các nước Cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ mà Cộng sản tại các nước Á châu như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Miên không sụp đổ. Mặc dầu mỗi nhà phân tích chính trị có thể giải thích nguyên nhân một cách khác nhau tùy theo góc độ họ đứng và mục đích nghiên cứu, đa số đã đồng ý rằng các nước Cộng sản tại Á Châu có một điểm mà các nước Cộng sản Đông Âu không có, đó là sự ràng buộc lịch sử giữa dòng sống của đảng Cộng sản và dòng sống của đất nước nơi đảng ra đời. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập 1921 trong cuộc kháng chiến chống Nhật, đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 1930 trong cuộc kháng chiến Pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam sao chép toàn bộ lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể cả việc lợi dụng mối liên hệ lịch sử ngắn ngủi giữa Đảng và dân tộc để giải thích tính chính danh của Đảng trong tương lai lâu dài của dân tộc.
Đừng quên, trong thời điểm đó, không phải chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mà rất nhiều đảng, nhiều phong trào cách mạng khác ra đời từ nam đến bắc để cùng đánh đuổi Thực dân. Tuy nhiên, không có một phong trào nào, một đảng phái nào trong cương lĩnh đã tự cho rằng vì họ đánh Pháp nên đảng của họ có đặc quyền lãnh đạo cách mạng, đặc quyền lãnh đạo đất nước, không chỉ hôm nay và mãi mãi về sau như Đảng Cộng sản Việt Nam.
Con đường cách mạng Việt Nam lót bằng xương máu của hàng vạn người yêu đất nước từ mọi giới, mọi thế hệ. Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: "Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước". Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: "Việt Nam vạn tuế". Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”
Trong giây phút lịch sử đó, 13 đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam. Tuyệt nhiên không ai trong số họ kể cả Đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã hô Việt Nam Quốc dân Đảng. Điều này khác hẳn với những lãnh đạo Cộng sản như Nguyễn Thị Minh Khai trước giờ bị xử tử chỉ hô lớn "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!" để thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà ta đối với Đảng, cũng như Lê Hồng Phong, trong lời trăn trối cuối cùng ngoài Côn Đảo chỉ nguyện trung thành với Đảng.
Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông, trong khi với Đảng Cộng sản, chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Sau 35 năm, lý luận gọi là “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” vẫn còn được Đảng lặp đi lặp lại để lừa gạt các thế hệ trẻ Việt Nam như đã từng lừa gạt các thế hệ cha chú họ. Không ít những người lớn tuổi thuộc thế hệ chiến tranh 1954 đến 1975 đã từng theo Đảng, dù biết lầm đường, vẫn tiếp tục bám vào lý luận đó và tự lừa dối chính mình rằng cuộc chiến gọi là “giải phóng miền Nam bằng võ lực” là đúng và kết quả, vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Họ tự lừa dối chỉ vì quyền lợi bản thân, chén cơm manh áo, chức quyền, và trong vài trường hợp chỉ là kỷ niệm của một thời trai trẻ đã qua.
Sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản quốc tế, xu hướng phát triển dân chủ văn minh của nhân loại và quyền lợi bức thiết của dân tộc Việt Nam đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc và Đảng Cộng sản chưa rõ nét trong chiến tranh trở nên ngày càng sâu sắc sau cuộc chiến. Dù cho Đảng có ngụy biện và lừa dối bao nhiêu, đại đa số người dân hôm nay đã biết Đảng Cộng sản Việt Nam là vật cản lớn nhất của phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại Việt Nam, cũng như để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh một mất một còn chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc không thể nào tránh khỏi trong tương lai.
Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, việc tập trung sức mạnh dân tộc trên nền tảng một xã hội dân chủ trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay. Khác với lý luận “cách mạng dân tộc dân chủ” có tính áp đặt, dựng trên những lọc lừa dối trá, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ngày nay là cuộc vận động toàn dân tộc, tận dụng mọi chất liệu, vốn liếng, tài năng của người Việt trong cũng như ngoài nước.
Nội dung của cách mạng dân tộc dân chủ là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi bất đồng, vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam đến thành công, thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn diện làm nền tảng cho việc phục hồi chủ quyền đất nước, mở đường cho một Việt Nam thăng tiến lâu dài.
Bởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thắng được bá quyền Trung Quốc.
Trung Quốc không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ. Ngọn đuốc dân chủ sẽ đốt cháy lây đến cơ chế trung ương tập quyền Trung Quốc một cách vô cùng nhanh chóng. Các tan vỡ trong cơ chế chính trị sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ cấu xã hội vốn đặt trên một nền tảng chính trị rất mong manh. Bài học đế quốc La Mã, Áo Hung trước đây hay Liên Xô, Nam Tư còn sờ sờ trước mắt. Chẳng những các dân tộc lớn như Mãn, Mông, Hồi, Tạng sẽ trở nên các quốc gia độc lập, mà ngay các tỉnh lớn trong nội bộ dân tộc Hán cũng có khả năng tuyên bố chủ quyền. Chẳng những Phật giáo, Pháp Luân Công mà cả Hồi giáo Tân Cương tuy ít nhưng có khuynh hướng bạo động, cũng là những đe dọa đối với Bắc Kinh. Một Trung Hoa mênh mông còn có nguy cơ tan thành từng mảnh, chủ quyền quốc gia trong lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi.
Là một nước nhỏ, Việt Nam phải biết vận dụng mọi biến động chính trị của các nước lớn để phục hồi lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền. Đó là những kinh nghiệm tổ tiên ta đã đúc kết bằng xương máu. Một Mai Thúc Loan không thành công, một Ngô Quyền thành công, một Bà Trưng thành công, một Bà Triệu không thành công, nhưng lòng yêu nước, yêu độc lập tự chủ dân tộc trong lòng các vị vẫn giống nhau. Khát vọng đó qua nhiều thời đại đã trở thành một truyền thống và luôn âm ỉ cháy trong lòng người Việt dù đang sống ở đâu trên mặt đất này. Nếu không có truyền thống độc lập tự chủ đó, Việt Nam ngày nay không phải là nước Việt Nam mà có thể đã được gọi là Khu tự trị An Nam.
Chính sách của Trung Quốc đối với cuộc tranh chấp Biển Đông thể hiện chỗ yếu của Trung Quốc nhiều hơn thế mạnh. Trung Quốc chỉ giỏi ăn hiếp những ngư dân Hòa Lộc không một tấc sắt trong tay trên những chiếc ghe đánh cá bằng gỗ mỏng vì họ biết không có một Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nào rảnh rỗi để thảo luận hay ra nghị quyết lên án Trung Quốc về việc bắn một chiếc ghe hay đưa một đoàn du lịch đi thăm viếng Trường Sa. Nhưng Trung Quốc rất tránh đụng những vấn đề nhạy cảm và có ảnh hưởng quốc tế. Ngay cả đồng minh và khách hàng lớn nhất của Trung Quốc trong thế giới Hồi giáo là Iran mà còn gọi Trung Quốc là con cọp giấy khi không dám phủ quyết quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kết án chính sách nguyên tử của Iran. Nhiều người lo ngại một ngày Trung Quốc có thể sẽ “dạy Việt Nam một bài học” nữa. Tuy nhiên đừng quên, năm 1979 Trung Quốc không có gì để mất, nhưng năm 2010 trở về sau Trung Quốc có khả năng mất tất cả dù thắng hay bại trong chiến tranh với Việt Nam. Ngay trong chiến tranh biên giới 1979, khi tuyên bố cuộc chiến với Việt Nam là “chiến tranh giới hạn” trong bụng Đặng Tiểu Bình cũng đã dọn đường cho việc rút quân. Với bản chất tiểu nhân của giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, họ có thể sẽ thực hiện vài hành động khiêu khích trong vùng Biển Đông để đo lường phản ứng của Mỹ, nhưng cho ăn vàng cũng không dám xua 300 ngàn quân sang biên giới như họ đã làm trong 1979.
Dân tộc Việt Nam cần một kẻ thù và đang có một kẻ thù. Đó là chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc. Kẻ thù này chẳng những đã được nhân dân trong cũng như ngoài nước xác định mà một bộ phận lãnh đạo trung ương của Đảng, vì lý do gì đó, cũng đã xác định. Nhưng để thắng Trung Quốc, đoàn kết nội bộ dân tộc chưa đủ mà phải vận dụng được các lợi thế quốc tế trên cơ sở của một chế độ dân chủ.
Về lâu dài, vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ muốn thấy Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. Trung Quốc là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, sự khủng hoảng chính trị Trung Quốc sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nên kinh tế thế giới không thể đo lường được. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát thanh 9 giờ một ngày bằng Hoa Ngữ hướng về lục địa Trung Quốc qua hai đài chuyển vận, một đặt ở Thái Lan và một đặt ở Philippines. Ngoài ra, mặc dù mối quan hệ kinh tế phức tạp giữa hai nước đã làm nhẹ các yếu tố khác, chính phủ Mỹ luôn đưa vấn đề nhân quyền trong mọi cuộc gặp gỡ cao cấp giữa hai nước. Trong biến cố Thiên An Môn, nhiều ngàn sinh viên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh để tham gia biểu tình cũng nhờ nghe tin tức trên đài VOA. Trong những ngày đầu các cơ quan thông tin của Đảng im lặng coi như không có gì xảy ra, nhưng vì VOA cập nhật tin tức sốt dẻo hàng giờ và sinh viên từ các thành phố tiếp tục ồ ạt kéo về, hệ thống đài của Đảng buộc phải lên tiếng tố cáo “âm mưu nước ngoài”, nhưng đó cũng là cách thú nhận biến động chính trị lớn đang diễn ra tại Bắc Kinh.
Tương tự, Mỹ cũng muốn thấy Việt Nam trở thành một nước tự do dân chủ trong một Đông Nam Á hòa bình và ổn định. Nhưng dân chủ không phải là món quà mà ông thần tài Uncle Sam đem đặt trước cửa nhà của mỗi gia đình người Việt, mà phải bằng nỗ lực của chính dân tộc Việt Nam. Mỹ bỏ 900 tỉ đô-la hay 3 ngàn tỉ tùy theo cách tính và 4500 nhân mạng để lật đổ Sadam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trước mắt để trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập.
Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, ai cũng nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Saddam Hussein đã tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự bàng quang của Mỹ. Đa số các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á. Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.
Bởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới có khả năng làm cho đất nước giàu mạnh.
Khi nói đến phát triển kinh tế, Đảng thường nêu lên những thành tựu giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân so với thời kỳ bao cấp. Ba mươi lăm năm rồi, những bài hát trên chiếc đĩa nhựa 45 vòng đó không còn nghe được nữa. Nhân loại đã bỏ Việt Nam quá xa. Hãy nhìn sang các nước Đông Âu. Họ chỉ thoát ra khỏi xích xiềng Cộng sản chưa được 20 năm nhưng nền kinh tế đã tăng gấp nhiều chục lần so với thời kỳ Cộng sản. Một Ba Lan, một Hungary ngày nay hoàn toàn khác với một Ba Lan, một Hungary khi còn là những nước Cộng sản chư hầu.
Hai mươi năm trước, có lẽ không bao nhiêu người biết trên trái đất này có một xứ gọi là Lithuania. Như một quốc gia nhỏ nằm sát biên giới Liên Xô, Lithuania là nạn nhân của hiệp ước mật giữa Hitler và Stalin ký kết 1939. Dân tộc Lithuania sau khi bị Stalin cưỡng chiếm, đã chịu đựng những hy sinh vô bờ bến dưới ách Cộng sản. Nhưng ngày nay, đôi cánh tự do dân chủ đã giúp cho dân tộc Lithuania có dân số chưa bằng một phần hai mươi của Việt Nam trở thành một trong những phát triển nhanh nhất Châu Âu, là hội viên đầy kính trọng của NATO và Cộng đồng châu Âu. Việt Nam có tất cả phương tiện tài nguyên, nhân lực và thậm chí nhiều hơn những gì Lithuania đã có trước đây, ngoại trừ đôi cánh. Việt Nam không thể bay ra biển lớn như khẩu hiệu Đảng thường rêu rao nếu chỉ biết nhìn quanh trong nhà, nhìn xuống ruộng, nhìn về quê, nhưng phải thật sự nhìn ra biển, phải biết chọn một hướng đi đúng với thời đại.
Bởi vì chỉ có đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một Việt Nam hòa hợp lâu dài.
Tội lỗi của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam cả hai miền nam bắc không thể kể hết. Dù Đảng có tung ra hàng trăm nghị quyết 36 cũng không tập hợp được mấy trăm ngàn chuyên gia Việt Nam đang làm việc trong các ngành nghề chuyên môn khắp thế giới và cũng không thuyết phục được khối người Việt hải ngoại đã từng sống, từng chịu đựng, từng bị đày ải dưới chế độ Cộng sản. Như tôi có dịp trình bày trước đây nhiều lần, hòa giải hòa hợp không chỉ là một tình cảm mà phải dựa trên các nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết, và các nền tảng đó chính là sự thật, tự do, dân chủ và bình đẳng giữa những con người cũng như giữa các thành phần trong xã hội. Và điều đó không thể xảy ra khi nào Đảng Cộng sản còn nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Nhưng làm thế nào và ai sẽ là người thực hiện cuộc cách mạng dân chủ đích thực trong tình hình mới?
Cách đây hai hay ba năm, tôi không nhớ chính xác, chỉ còn nhớ hôm đó trời đang vào thu như hôm nay. Những hàng cây phong sau vườn của nhà sắp sửa ngả vàng. Hôm đó, tôi đến dự một bữa cơm chia tay. Nhân vật chính trong của buổi tiễn đưa là một bạn trẻ vừa học xong và sắp trở lại Việt Nam. Ăn trưa xong, chúng tôi ra vườn sau ngồi ôn lại khoảng thời gian người bạn trẻ đã học ở Mỹ với những đổi thay về tuổi tác, vóc dáng, đời sống, nhưng nhiều nhất vẫn là nhận thức. Một lúc sau, người bạn trẻ nhìn tôi và hỏi: “Theo anh, em nên làm gì khi trở lại Việt Nam?” Tôi biết ý em không phải làm nghề gì để sống, làm cách nào kiếm được nhiều tiền, nhưng là cách nào hữu hiệu nhất để đóng góp vào xã hội Việt Nam đang thiếu thốn quá nhiều. Tôi trả lời, đại ý, xã hội Việt Nam phân hóa và suy thoái đến mức lãnh vực nào cũng cần thay đổi. Nhiều người phải có một tổ chức mới đóng góp được nhưng cũng có người làm việc hữu hiệu hơn khi hoạt động độc lập. Tuy nhiên, dù có tổ chức hay độc lập, một điều mà thế hệ Việt Nam hôm nay phải hiểu, dân chủ là đôi cánh của dân tộc, và nỗ lực của em dù trong chức vụ gì, trong ngành nghề gì cũng nên tác động và thúc đẩy mục tiêu thời đại đó.
Không ai nói con đường cách mạng dân tộc dân chủ là con đường tráng nhựa, sẽ đến chiều nay hay sáng mai, nhưng chắc chắn sẽ đến, miễn là mỗi người Việt còn đang nghĩ đến an nguy dân tộc, bỏ ra một chút công sức, đóng góp một ít tài năng. Dăm giọt nước không đầy sông nhưng dòng sông không phải tự nhiên có mà là tích lũy từ nhiều giọt nước.
© 2010 Trần Trung Đạo
© 2010 talawas
"Ngày đó một người Lithuania ra đường chỉ cần đeo cái kính mát giống như chiếc kính đen Stalin thường đeo cũng thể bị giết."
Trả lờiXóaNgồi ở đại học Mỹ cũng không tránh được bị nhồi sọ như ở Nga hay Việt nam hay sao ta?
"Ngày đó một người Lithuana ra đường chỉ cần đeo cái kính mát giống như chiếc kính đen Stalin thường đeo cũng có thể bị giết".
Trả lờiXóaThông tin trên bị một độc giả cho rằng là một thứ thông tin "bị nhồi sọ", tôi mong tác giả bài viết sẽ có lời thêm cho biết hư, thực ra sao. Tôi cũng đồng ý với độc giả trên rằng ở Nga hay ở Việt Nam cái "văn hóa, văn học nhồi sọ" ấy nó đến một mức độ kinh hãi lắm, nhân đây tôi xin mời quần hào đọc lại "Lá thư Bến Tre", để xem Tố Hữu, năm 1962, đã mô tả Miền Nam như thế nào :
"Biết không anh ? Giồng Keo, Giồng Trôm.
Thảm lắm anh à, lũ ác ôn
Giết cả trăm người, trong một sáng
Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn.
Có những ông già, nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh, không chịu nhục
Lấy vồ nó đập, vọt thai ra.
Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười... em nhỏ hét:
"Má ơi, nóng quá, cứu con mau!"
Tôi cũng không rõ là cho đến hôm nay, những con em của các trường lớp ở trong nươc có còn bị nhồi nhét những thứ "văn học" của một thời gian trá, lường gạt đến mức ấy hay không ?
Tôi nghĩ có phần đơn giản hơn ông Trần Trung Đạo về mối liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản với một bên là các quốc gia Đông Âu và một bên là hai nước Trung Hoa, Việt Nam. Ở Đông Âu, chế độ cộng sản bị Liên Xô cũ áp đặt; ở Việt Nam và Trung Hoa, chế độ cộng sản được trịnh trọng đón rước vào.
Trả lờiXóaNhân nói đến Lithuania, xin ghi nhận bên lề là Lithuania vừa cầm chân Scotland 0-0 hôm thứ sáu 03.09 trong trận đấu giữa hai đội quốc gia nhằm tranh chỗ tham gia giải Túc cầu Âu Châu 2012.
“Ngày đó một người Lithuania ra đường chỉ cần đeo cái kính mát giống như chiếc kính đen Stalin thường đeo cũng thể bị giết. Nhưng ngày nay, đôi cánh tự do dân chủ đã giúp cho dân tộc Lithuania có dân số chưa bằng một phần hai mươi của Việt Nam trở thành một trong những phát triển nhanh nhất Châu Âu, là hội viên đầy kính trọng của NATO và Cộng đồng châu Âu.”
Trả lờiXóaTôi không được biết là Stalin thường đeo kính đen. Trong thập niên 40 cho đến đầu 50 khi ông qua đời, kính đen không phổ biến như ngày nay và tướng Mac Arthur là người hiếm hoi được quần chúng biết đến qua cặp Ray Ban. Phải đợi đến các thập niên 70-80 ta mới có các lãnh đạo kính đen là Jaruzelski (Ba Lan) và Pinochet (Chile), cả hai đều tướng lãnh độc tài.
Nếu theo sát nghĩa… đen thì khả năng trên rất ít. Một là Stalin đeo kính nội, thì với nếp sản xuất của Liên xô vào thời ấy, nếu kính đen có ở cửa hàng mậu dịch thì cũng chỉ có mỗi một mẫu và bắt buộc phải giống nhau thôi. Hai là Stalin đeo kính ngoại, thì chỉ có mình ông chứ TƯ Đảng cũng đừng hòng diện bên bờ Hắc Hải, làm gì đến lượt một người nào đó Lithuania.
Nếu theo nghĩa bóng (mát) thì giai thoại trên lại không cần thiết. Dưới chế độ Stalin thì có thể bị giết vì bất cứ lý do gì, và thành phần bị giết nhiều nhất là thành phần ủy viên Bộ Chính trị hay lãnh đạo cách mạng lão thành, đây là nói theo tỉ lệ, và tất nhiên chẳng chừa những người vẩn vơ không chịu được nắng. Chuyện tiếu lâm của thời Gulag kể một tù nhân mới vào đến Lubianka. Mọi người hỏi “Anh bị kết án bao nhiêu năm?”. Năm năm, người mới đến trả lời các bạn cùng phòng. Thế tội anh là gì? Tôi không có tội gì hết, anh ta bảo. Cả phòng thốt, thế là lại điêu rồi, “không có tội gì” là án tù mười năm!
Các cộng hoà Baltic là những nước thuộc Liên Xô nổi dậy đầu tiên dưới thời Gorbachev và Lithuania là Cộng hoà Liên bang Sô Viết đầu tiên tuyên bố độc lập. Sau đó Lithuania trở thành hội viên (theo tôi thì là điếu đóm nhanh nhẩu) của NATO, gia nhập Cộng đồng Âu châu năm 2004 và phần kính trọng chắc cũng chẳng đến nỗi đầy như là tác giả Trần Trung Đạo viết. Nếu nhận định “phát triển nhanh nhất Châu Âu” của ông viết vào thời điểm 2007 thì còn nghe được nhưng hỡi ôi từ khủng hoảng kinh tế trở đi thì phải nhận định là một trong những “phát triển” âm vô địch ở châu này, -15.2% cho năm 2009. Thất nghiệp thì tăng (2009 đạt 13.7%), lương bổng thì hạ (-12.3%), cột đèn mà biết đi cũng vượt biên sang Bắc Âu hay là Anh Quốc để tìm việc, số di dân năm 2010 (CIA World Factbook) ước tính là -0.72 (Việt Nam là -0.38, Hoa Kỳ là +4.32 để so sánh).
Lý do gì thì tôi kém hiểu biết để mà phán lăng nhăng, nhận định ngắn gọn của trang giới thiệu củ BBC là:
“Lithuania's boom years came to a sudden end in 2008, and after two decades of capitalism, the country became one of the biggest victims of the global economic crisis.”
“Những năm phát triển rầm rộ của Lithuania đột nhiên chấm dứt vào năm 2008, và sau hai thập niên tư bản chủ nghĩa, nước này trở thành một trong những nạn nhân lớn nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu”
Trả lờiXóahttp://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/country_profiles/1106095.stm
Ông Kh. trích dẫn mẩu tin từ BBC để không "phán lăng nhăng", mà chỉ áp dụng kiểu lập luận sở trường lâu nay của ông là : có thằng hàng xóm nhà bên thấy khói trên núi thì ông Kh. bảo đấy là không tốt, đích thị có cháy rừng.
Trả lờiXóaLập luận kiểu đó còn thâm hậu hơn mười cái "phán lăng nhăng".
Riêng chuyện khủng hoảng kinh tế hiện nay xảy ra ở các nước tư bản có gây ảnh hưởng gì đi nữa cũng vẫn là phương thức kinh tế tốt hơn cái mô hình con tàu chìm Vinashin.
Kính độc giả talawas
Trả lờiXóaTôi thường cố gắng trích dẫn bằng cách thêm những đường nối tài liệu trong bài viết ngoại trừ các dữ kiện quá hiển nhiên. Khi tìm hiểu về trường hợp của nước vùng Baltic dưới chế độ Cộng Sản, tôi có đọc chuyện về người dân Lithuania bán “Stalin shot glass”(ly) có thể bị giết nằm trong link sau đây: http://www.wordtravels.tv/articles.php?articleid=48.
Tôi không chế tạo ra tin tức đó nhưng vì đọc vội và khi viết thì lại nhớ sai “shot glass” thành “sunglass”. Tôi viết như một ví dụ nhỏ về hoàn cảnh của Lithuania trong thời kỳ Stalin, và thấy không quá cần thiết để thêm link vào vì phải tốn thời gian đi tìm lại.
Tôi hứa sẽ cẩn thận hơn với mọi chi tiết trong những bài khác. Tôi yêu cầu ban biên tập talawas rút nguyên câu ví dụ đó để độc giả không phải vướng mắc về chi tiết đó và góp ý nhiều hơn vào luận điểm chính của bài viết. Nhưng nếu BBT không đồng ý thì đành chịu vậy.
Về chuyện khủng khoảng tài chánh mà anh Đổ Kh. nhắc đến, hầu như cả thế giới đều bị ảnh hưởng. Nhất là lãnh đạo các quốc gia nhỏ từng nghĩ rằng họ khôn ngoan khi chủ trương vận dụng các cơ hội kinh tế tài chánh thế giới trong những năm trước 2008 để làm đà cho sự phát triển kinh tê của nước họ, đã bị ảnh hưởng rất nặng, không nhất thiết là Lithuania. Du sao, đây chỉ là những chính sách kinh tề tài chánh có tính cách giai đoạn. Và đương nhiên, các quốc gia ảnh hưởng cũng từng bước phục hồi. Sự phục hồi kih tế, nhanh như Nam Hàn hay chậm như Mỹ, lần nữa nguyên nhân cũng nằm trong các chính sách kinh tế tài chánh. Nếu có dịp chúng ta sẽ bàn thêm sau.
Cám ơn quý vị đã góp ý.
Trần Trung Đạo
Tôi xin đồng ý với Ô/B Thanh Nguyễn về mô hình tệ hại Vinashin nhưng muốn đồng ý cũng chẳng được vì thiếu tiêu chuẩn để được kết nạp vào tập đoàn phát ngôn dõng (dũng) dạc và hùng hồn, không đủ thâm hậu đâu và còn lâu mới đạt!
Trả lờiXóaNgoài ra, liên kết BBC không phải là một “mẩu tin” mà là một nhận định tổng quát về tình trạng kinh tế hiện nay của một quốc gia, thí dụ như là liên kết sau đây của trang CIA World Factbook cũng không nói gì khác.
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/lh.html
Cám ơn anh Trần Trung Đạo đã cho biết ngọn ngành của sơ xuất thú vị này về kính mát và ly nốc rượu mạnh. Phần tôi xin nhận sơ xuất là kể các vị nhìn quần chúng họ cai trị qua cặp kính màu đen mà quên khuấy mất lãnh tụ Kim Chính Nhật kính yêu.
Lithuania và các Cộng hoà Baltic bị khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nhất là vì đã ôm lấy ôm để chủ nghĩa tư bản tự do (liberalism) nhanh nhất và chặt nhất cho nên giờ đâm ra… khó thở. Tất nhiên, nếu cần phải nói rõ, thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu là khủng hoảng của chủ nghĩa trên chứ chẳng phải là khủng hoảng của chủ nghiã gì khác. Chuyên phương hướng của các kinh tế hậu Sô Viết và hậu cộng sản là chuyện rất đáng bàn nghiêm túc cho tương lai của Việt Nam. Trong tương lai hậu cộng sản này, phần tôi lăng nhăng mà nghĩ rằng VN sẽ có rất ít khả năng gia nhập NATO và Cộng đồng Âu Châu, may ra thì được gia nhập cộng đồng… Asean. Gần gũi hơn, ta có thể nhìn hướng phát triển của các quốc gia “stan” Trung Á (Tajikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Uzbekistan…) hay gần gũi nhất là Cam Bốt để có những thí dụ thực tiễn.
"Về lâu dài, vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ muốn thấy Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định."
Trả lờiXóaCâu đó của ông Trần Trung Đạo nghe rất hay,có lẽ rất hợp với đôi tai của những người có một khuynh hướng tốt đẹp là lý tưởng hoá cưộc đời.
Nhưng theo thiển ý của tôi thì cuộc đời nói chung, và chính trị quốc tế nói riêng, không đẹp như trong mộng. Cho nên, để thực tế hơn, tôi mạn phép đề nghị ông Đạo sửa lại câu trên như thế này:
"Về lâu dài, vì lợi ích kinh tế và ngôi vị siêu cường số một thế giới của mình, Mỹ muốn thấy Trung Quốc vươn mình lên một cách hoà bình trong một trật tự toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Mỹ."
Đời,hoặc chính trị quốc tế, không đẹp vì chung quy cũng chỉ là sự đấu tranh sinh tồn, tuy rằng con người nhờ có văn hoá nên sự đấu tranh sinh tồn mang bề ngoài hào nhoáng với vô số danh xưng đẹp đẽ.
Cũng như hai chữ DÂN CHỦ vậy. Không phải hai chữ đó luôn luôn bao hàm một ý nghĩa giống nhau, bất di dịch phát ra từ những cửa miệng khác nhau. Hàm ý của hai chữ DÂN CHỦ trong câu nói của một chính khách Mỹ chắc chắn không thể giống với hàm ý của cùng hai tiếng đó phát ra từ cửa miệng của một nông dân ở một quốc gia thứ ba. Một bên thì để chính phủ Mỹ có thể gây được ảnh hưởng ở quốc gia khác; bên kia là để kêu gọi sự công bằng trong phân phối đất đai.
Vấn đề của chúng ta là thường hay tưởng nhầm rằng DÂN CHỦ là một thứ giá trị phổ quát, một loại tiêu chuẩn đạo đức toàn cầu. Nhầm lẫn đó đã được Chiến Tranh Lạnh thổi phồng thêm.
Tôi chia sẻ tâm tình của anh Trần Trung Đạo.
Trả lờiXóaỞ đầu kia Trung Quốc, Mông Cổ cũng là một trường hợp hậu cộng sản khác đáng được chúng ta để ý đến.
Tôi xin đồng ý với Ô/B Thanh Nguyễn về mô hình tệ hại Vinashin nhưng muốn đồng ý cũng chẳng được vì thiếu tiêu chuẩn để được kết nạp vào tập đoàn phát ngôn dõng (dũng) dạc và hùng hồn, còn lâu mới đạt!
Trả lờiXóaNgoài ra, liên kết BBC không phải là một “mẩu tin” mà là một nhận định tổng quát về tình trạng kinh tế hiện nay của một quốc gia, thí dụ như là liên kết sau đây của trang CIA World Factbook cũng không nói gì khác.
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/lh.html
Cám ơn anh Trần Trung Đạo đã cho biết ngọn ngành của sơ xuất thú vị này về kính mát và ly nốc rượu mạnh. Phần tôi xin nhận sơ xuất là kể các vị nhìn quần chúng họ cai trị qua cặp kính màu đen mà quên khuấy mất lãnh tụ Kim Chính Nhật kính yêu.
Lithuania và các Cộng hoà Baltic bị khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nhất là vì đã ôm lấy ôm để chủ nghĩa tư bản tự do (liberalism) nhanh nhất và chặt nhất cho nên giờ đâm ra… khó thở. Tất nhiên, nếu cần phải nói rõ, thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu là khủng hoảng của chủ nghĩa trên chứ chẳng phải là khủng hoảng của chủ nghiã gì khác. Chuyên phương hướng của các kinh tế hậu Sô Viết và hậu cộng sản là chuyện rất đáng bàn nghiêm túc cho tương lai của Việt Nam. Trong tương lai hậu cộng sản này, phần tôi lăng nhăng mà nghĩ rằng VN sẽ có rất ít khả năng gia nhập NATO và Cộng đồng Âu Châu, may ra thì được gia nhập cộng đồng… Asean. Gần gũi hơn, ta có thể nhìn hướng phát triển của các quốc gia “stan” Trung Á (Tajikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Uzbekistan…) hay gần gũi nhất là Cam Bốt để có những thí dụ thực tiễn.
@"mô hình con tầu chìm Vinashin..." ?
Trả lờiXóaKhông lẽ từ vựng kinh tế lại có một thứ "mô hình vinashin sao ? Nó là một tập đòan ăn cắp và ăn cướp táo tợn, khổng lồ, để di hại khốn khổ cho cả một dân tộc, đặt nó đứng bên cạnh bất cứ thứ gì của người cũng chỉ khiến cho người khác sỉ nhục thôi !
talawas đã bỏ ví dụ về người dân Lithuania đeo kính mát theo đề nghị của tác giả Trần Trung Đạo.
Trả lờiXóaTrân trọng,
talawas
Trần Trung Đạo :"Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.
Trả lờiXóaBởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới có khả năng làm cho đất nước giàu mạnh."
Thiễn nghĩ , đây là lý do chính đã bắt nguồn từ chính quyền Ngô Đình Điệm (từng đề cập nhiều trên các sách vỡ Hoa kỳ ) đã đưa Mỹ đến chỗ "phãn bội " và bỏ rơi miền Nam VN .
Một nhận định chính xác cuả GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Mỹ... muốn Trung Quốc là một “responsible stakeholder,” tức là một “đối tác có trách nhiệm.”
"Ðó là lập trường chính thức của Mỹ, nhưng gần đây chính sách đó không thành công bởi Mỹ hy vọng Trung Quốc giúp giải quyết một số hồ sơ rất nóng là vụ nguyên tử Bắc Hàn,
nguyên tử Iran, vấn đề giải nhiệt toàn cầu rồi ngay cả việc đồng Nhân Dân tệ, nhưng không được đáp ứng thỏa đáng."
...Nếu Trung Quốc tấn công những nước như Úc chẳng hạn, như Nhật, Phi Luật Tân, thì Mỹ sẽ phản ứng lại ngay lập tức vì Mỹ có hiệp ước liên minh quân sự với các nước này. Còn đối
với Việt Nam thì Mỹ chưa có quan hệ đồng minh quân sự. Phản ứng hay không còn tùy thuộc vào tình huống."
Chính quyền Hà nôi cô lập , lúng túng dễ sợ hãi hiện nay là nguyên nhân sâu xa cho mọi hăm doạ tù phuơng Bắc.
Tôi có nhận xét như thế này:
Trả lờiXóa1.-Đa số người Việt chúng ta,kể cả giới trí thức khoa bảng,vẫn còn bị chi phối bởi thói quen nhìn mọi sự theo lối nhìn Nhị nguyên; cái gì cũng phân đôi rạch ròi làm hai phiá: Chính-Tà, Thiện-Ác, Tốt-Xấu, Trách Nhiệm-Vô trách nhiệm,Cộng sản-Quốc Gia,v.v... Lối quan chiêm cuộc đời như vậy thường không phù hợp với thực tại. Càng xa thực tế hơn khi đem lăng kính nhị nguyên đó soi vào chính trị quốc tế hiện nay.
Bởi vì từ ngày Chiến Tranh Lạnh kết thúc, thế giới đã từ đơn cực, là Mỹ như siêu cường duy nhất, chuyển rất nhanh qua đa cực : Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Âu Châu.
Và ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì cũng không hẳn đã lưỡng cực. Vẫn đã có khối các nước thứ ba, mà Ấn Độ là đại biểu. Nghĩa là lối nhìn nhị nguyên đã sai.
Thành kiến cho rằng Mỹ là tốt, Liên Xô trước đây, rồi Trung Quốc bây giờ là xấu là một thành kiến sai lầm khi đem áp dụng vào phân tích chính trị quốc tế.
Hệ luận của thành kiến ấy là sự thái độ không vô tư, mà thiên hẳn về một bên, khi lượng định tình hình quốc tế.
Một ví dụ về sự thiên vị ấy là câu nói " Mỹ muốn TQ là một đối tác có trách nhiệm " Chữ TRÁCH NHIỆM đã được dùng với hàm ý đi liền với ĐẠO ĐỨC ". Câu nói đó được các chính khách Mỹ nói ra thì hợp tình, bởi họ là người Mỹ, nói cho nước Mỹ. Nhưng một người bàng quan thì không nên lặp lại câu đó mà không cân nhắc. Một người vô tư,có tinh thần khách quan nên nói là:" Mỹ muốn TQ là một đối tác giúp thực hiện nghị trình toàn cầu (global agenda) của mình". Bởi câu này mới lột tả được thực trạng điều mà Mỹ muốn từ TQ. Họ muốn TQ lớn mạnh lên nhưng theo sự lãnh đạo của họ, theo đường lối toàn cầu hoá do Mỹ vạch ra, trong đó vị trí số 1 của Mỹ được duy trì.
2.-Nhiều người Việt ưa nói về những điều mà họ thật sự chưa biết. Chẳng hạn có người nói đến NATO, nhưng mà NATO thật ra là gì vậy ?
3.-Còn nói về đồng minh với Mỹ. Nhiều người đã hiểu rất mơ hồ về hai chữ ĐỒNG MINH. Đa số khi nói đến hai chữ ấy thường liên tưởng một cách vô thức đến hai chữ BẰNG HỮU hay BẠN BÈ. Quên đi rằng BẰNG HỮU thuộc về quan hệ cá nhân. Còn đồng minh thuộc về quan hệ quốc tế. Hai phạm trù đó không giống nhau. Philippines và Mỹ đã từng có Hiệp Ước phòng thủ chung, nhưng năm 1995 khi tàu TQ chiếm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) của Philippines, thì chính phủ Phi chỉ biết la làng ơi ới, nhưng Hạm Đội Mỹ ở Biển Nhật Bản gần đó và Chính phủ Mỹ...im lặng!
Muốn biết tinh thần đồng minh của Mỹ như thế nào,không cần phải đem chuyện cũ VNCH ra làm gì, xin kiên nhẩn chờ xem Mỹ sẽ phản ứng thế nào về vấn đề Đài Loan trong khỏang 5, 10 năm nữa.
Đọc ông Trần Trung Đạo xong tôi mở Le Petit Larousse
Trả lờiXóaIllustré ra coi thêm thì phát hiện một chi tiết thú vị. Nước này tuyên bố độc lập năm 1990 dưới quyền lãnh đạo của Vytautas Landsbergis. Tháng chín năm 1991, được Liên Xô và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Năm 1993, Algirdas Brazauskas, lãnh tụ đảng Lao động dân chủ (hậu thân của đảng cộng sản) được bầu làm Tổng thống. vân vân.
Ông Trần Trung Đạo có một cách viết rất độc đáo. Bài viết rất hay.
Trả lờiXóaHai chữ dân chủ của ông TTĐ bao gồm tới 6 chữ : "cách mạng dân tộc dân chủ".
Riêng hai chữ "cách mạng" trong 6 chữ này, theo tôi hiểu, đòi hỏi một sự thay đổi lớn thường đi đôi với một cuộc nổi dậy. Một sự dấy binh hay một nội loạn nào đó có khả nặng giúp người dân vùng dậy. Và chữ dân tộc đi theo sau đó ám chỉ là cuộc cách mạng đó phải từ dân tộc mà ra, tức là do chính dân tộc vùng dậy để đạt được dân chủ.
Còn hai chữ dân chủ thì nó to lắm.
Trước tiên mình có thể nghĩ đến thể chế dân chủ tức là một nước có đa đảng, có bầu cử tự do, có hiến pháp dân chủ và có nền pháp trị (luật pháp) rõ ràng. Điều này chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ : bằng chứng là đa số các nước Phi Châu nói tiếng Pháp đều có thể chế dân chủ nhưng việc lạm quyền, việc tham quyền cố vị và tham nhũng tày trời vẫn là những vấn đề rất lớn và vô cùng nan giải của những nước này (xin lấy vài tỉ dụ : Cameroun, Gabon, Côte d'Ivoire, République Démocratique du Congo, và ngay cả Sénégal). Bất công, quyền làm người ít được tôn trọng và nghèo khổ là 3 điều mà người dân những xứ này vẫn còn phải gánh chịu sau 50 năm dành được độc lập. Như vậy tức là chúng ta cần phải có thêm điều kiện thứ nhì : điều kiện đủ tức là con người sống trong xã hội đó. Con người đó phải có một cách sống văn minh và nhân ái, phải có đủ ý thức và tâm huyết (dân trí ?) thực sự đầy đủ để thực hiện dân chủ thì dân chủ may ra mới thực sự thành.
Thành ra trước khi có cuộc cách mạng dân tộc, chúng ta mong rằng chính dân tộc đó phải được "cách mạng" trước đã. Và chính vì điều này mà triều đại cộng sản Viêt Nam rồi cũng sẽ vỡ tan vì con người cộng sản chưa được hoàn toàn là cộng sản chân chính (họ vẫn còn tham tiền, ích kỷ, giết hại thanh toán nhau, có đời sống kém đạo đức, hèn nhát trước Trung Quốc vân vân...). Tôi đề nghị ông Trần Trung Đạo nếu rảnh bàn thêm với chúng ta phần hai : con đường cách mạng và chuyển hoá dân tộc để đi đến dân chủ. Con đường của phần hai này cũng cam go lắm, vì chính mình phải thay đổi trước khi mình muốn thay đổi xã hội.
Nac Danh 12:07 : " Thành kiến cho rằng Mỹ là tốt, Liên Xô trước đây, rồi Trung Quốc bây giờ là xấu là một thành kiến sai lầm khi đem áp dụng vào phân tích chính trị quốc tế."
Trả lờiXóa-Nghi Quyết 1481/2006 cuả Hội Đồng Âu Châu : Cọng sãn là Tội Ác chống nhân loại" . Liên Xô trước đây, rồi Trung Quốc bây giờ là Cộng sãn . Liên Xô trước đây, rồi Trung Quốc bây giờ đuơng nhiên là Tội Ác chống nhân loại , là Xấu . Vậy là thành kiến ? Hic Hic
Kg bác Phùng Tường Vân và xin phép bàn ra ngoài lề của bài viết Trần Trung Đạo
Trả lờiXóaPTV:
@"mô hình con tầu chìm Vinashin..." ?
Không lẽ từ vựng kinh tế lại có một thứ "mô hình vinashin sao ? Nó là một tập đòan ăn cắp và ăn cướp táo tợn, khổng lồ, để di hại khốn khổ cho cả một dân tộc, đặt nó đứng bên cạnh bất cứ thứ gì của người cũng chỉ khiến cho người khác sỉ nhục thôi !
Mô hình tập đoàn Vinashin nghe đâu là được phỏng theo phương thức các “chaebol” của Hàn Quốc, điển hình mẫu mực là Hyundai, CT tư nhân với sự trợ giúp của nhà nước, được xây dựng từ thập niên 60. Các chaebol này đã góp phần vào việc vẽ râu sơn móng (làm nail), cho con hổ Nam Triều Tiên.
Tuy nhiên khủng hoảng Á Châu 1997 cho thấy giới hạn của phương thức này, trong các chaebol đứng đầu bảng toàn quốc, 1/3 bị phá sản. Tập đoàn lớn thứ nhì ở Hàn Quốc là Daewoo không trả được nợ 57 tỉ USD phải phá sản năm 1999 , TGĐ bỏ trốn sang Pháp. Ông trở về đầu thú năm 2005, bị kết án 10 năm tù.
Khi lấy các chaebol làm mẫu, có lẽ nhà nước VN mải mê với phim bộ mà quên mất chuyện này. Nếu món nợ Vinashin là 5% của GDP toàn quốc thì món nợ của Daewoo 10 năm về trước là 12.8% của GDP Nam Hàn. Đây chẳng phải là duy nhất, sáu chaebol trong top 30 là Kia, Halla, Jinro, Hanbo, Sammi, Haitai cũng giã từ thế giới của sản xuất. Đây cũng chẳng phải là lần đầu, trong các thập niên trước, các chaebol hàng đầu như cũng liên tục phá sản.
Xem Ha-joon Chang (Trương Hạ Chuẩn?)
http://www.bates.edu/PREBUILT/Chang.pdf
Đây không phải là người góp ý này kể ra cho bớt tội của Vinashin (con lạy mấy cha mấy mẹ phản hồi mau mắn bàn phím!) Đó theo thiển ý, là đừng có mà bắt chước ngu xuẩn, hình thức và mù quáng khi thấy người ta thành cọp thành rồng. Kiểu người thanh lịch đeo cà vạt Hermes, thì tôi cũng đeo cà vạt Hermes đây ; Anh Hyundai (và cả Daewoo) đóng tàu thì tôi cũng... Vinashin.
Bên lề, quỹ nhà nước để cứu tư nhân thất thoát trong khủng hoảng hiện nay của Hoa Kỳ theo Bloomberg LP là 12.800 tỉ USD, tương đương với GDP của cả nước. Quỹ này chi tiết thế nào thì bí mật, Bloomberg phải đi kiện Federal Reserve để có thông tin chính xác, hiện đã kiện thắng và Fed đang chống án lên đến Tối cao Pháp viện.
http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=newsarchive&sid=armOzfkwtCA4
Thân gửi Đỗ Kh.
Trả lờiXóaCảm ơn anh đã trao đổi,thực ra những điều anh biết thì tôi cũng biết, điều mà tôi quan tâm và lo lắng nhất cho vận hội nước nhà là ở đâu cũng thấy sự dốt nát ngự trị và hoành hóe, vì vậy sự điều chỉnh và sửa chữa rất khó khăn. Không thể chế nào có sự toàn bích, không thể chế nào không có những khe,lỗ pháp lý khiến cho lòng tham của nhân thế lợi dụng, nhưng ở những tập đoàn dân tộc mở, những tập đoàn dân tộc mà cơ cấu xã hội dân sự đã trưởng thành, cái khả năng điều chỉnh bớt đau khổ hơn, tôi mong chúng ta đồng ý được với nhau ít nhất là ở điểm ấy.
Hình như anh ít làm thơ hơn trước, không biết có đúng không ?
Thân ái,
PTV
Bác Phùng Tường Vân,
Trả lờiXóaXin được nhất trí với bác!
Một xã hội đóng là nơi chính quyền (ở đây Ngân hàng TƯ) giữ kín chi tiêu tầm 2.000 tỉ USD dùng vào việc giúp các CT tư nhân chẳng may gặp nạn. Một xã hội mở là nơi truyền thông đi kiện đến cùng để được biết (và mong rằng kiện thắng). Xã hội nào mở thì cũng cần có người đập cửa, ở đây là CT truyền thông thuộc 1 tỉ phú và thị trưởng TP New York chứ không phải là CT mời Đàm Vĩnh Hưng sang Hoa Kỳ biểu diễn.
Nói thêm thì bài viết (năm 2000) đã dẫn của Ha-joon Chang đọc thấy thú vị hơn vào năm 2010 khi khủng hoảng lần này chẳng riêng gì Á Châu hay Nam Hàn mà là Hoa Kỳ và toàn cầu. Hầu bao được chính quyền mở cho tứ quái đại gia AIG là 264 tỉ, Fanny/Freddy là 400 tỉ, Citigroup là 230 tỉ, Bank of America là 90 tỉ, ôi dào.
Phần thơ, thì phải có duyên bác ạ.
http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=newsarchive&sid=armOzfkwtCA4
http://www.bates.edu/PREBUILT/Chang.pdf
http://www.businessweek.com/news/2010-08-26/fed-seeks-delay-of-bank-data-release-while-considering-appeal.html
Gửi Đỗ Kh. thân ái,
Trả lờiXóaTôi vốn vẫn coi ông Nguyễn Hiến Lê là một người thầy, nên cũng cứ hay lân la vào khu vườn cổ học, đọc Khổng Tử tôi thấy vị "thầy dậy cho ngàn đời" này Ngài nói đủ mọi thứ, ít nhất đủ làm một người tử tế, lương thiện cho nên cứ hay dẫn Thầy Khổng là vậy. Trong trường hợp "lửa cháy nước sôi' của dân tộc ta hiện nay, tôi thì chủ trương theo một câu trong Luận Ngữ, nguyên văn như sau :"Các nhân tự tảo môn tiền tuyết/Mạc quản tha nhân ốc thượng sương", dịch nghĩa là :"Mọi người nên chăm lo vào việc quét dọn rác rưới trước cửa nhà mình (đi đã), đừng có quan tâm (quá đáng) đến nóc nhà láng giềng có sương sa phủ". Xin được vắn tắt thưa lại với anh như vậy .
Thân ái,
ptv