Đây là trang tạm trú của talawas sau khi bị tin tặc phá hoại, từ 23/8/2010 đến 14/9/2010. Bài đăng trên trang này đã được bổ sung trở về trang chính thức www.talawas.org.
_________________________________

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Trình Phụng Nguyên – Tham vọng nói

Thời gian gần đây, trên truyền thông, từ nhiều nguồn khác nhau xuất hiện một số bài viết biểu hiện “tham vọng nói", nói (viết) lấy được. Điển hình là bài "Một người thích đùa: tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ" của ông Trần Văn Tích.

Một cách rất rõ ràng, từ "Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hoà, lấy 'Việt Nam’ làm quốc hiệu để hoà giải dân tộc" ông Cù Huy Hà Vũ muốn gửi đến nhà nước Việt Nam (không phải gửi đến những người Việt ở nước ngoài, hoặc ai đó) một thông điệp, rằng:

1. Việc bắt bớ tù đày những quân nhân và viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũ ở miền Nam là một hành động hận thù ác nghiệt, không có đạo lý, và phải chấm dứt ngay bằng cách trả lại tự do cho những người đang còn bị giam cầm.

2. Đổi Quốc hiệu của Việt Nam chỉ còn lại thuần hai chữ: Việt Nam.

Chưa nói đến “hoà giải" hay "hóa giải", chỉ nhìn từ góc cạnh Chân - Thiện - Mỹ, thì kiến nghị nêu trên của ông Hà Vũ phải được khuyến khích trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng đã mấy người ở trong nước nghĩ được thế? Và mấy ai dám nói như ông Hà Vũ? Còn ở hải ngoại, ai nói (suông) mà chả được.

Ngược lại, ông Trần Văn Tích cứ như phải bỏng, bất chấp lý lẽ của nhân tính, bất dụng nhu cầu của dân tộc, đem kiến nghị này ra vặn vẹo chữ nghĩa rồi chỉ trích loạn xạ.

Nếu có "tội" thì ông Hà Vũ chỉ có "tội" là sinh trưởng ở "bên kia lề" và vì thế đang ở lề bên kia mà đứng ra kiến nghị. Thế là ông Tích - từ lề bên này - không một chút nhân nhượng "ném đá" ông Hà Vũ tơi bời hoa lá. Không phải thế sao ông Tích?

Khi ông Hà Vũ vì công lý, lên án và kêu gọi người cộng sản hãy thôi hận thù thì chính ông ấy lại nhận được những cái tát thù hận từ những người đang từng nhân danh công lý, tham gia vào những cuộc luận bàn định hướng đi cho dân tộc. Với tình hình này thì đất nước có thoát khỏi "cơ cảnh" này cũng sẽ lại lâm vào "cùng cảnh" khác mà thôi! Khủng hoảng (lãnh tụ) là thế đấy.

Chính những tiếng nói như của ông Tích ở đây đang dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ, và đang tiếp tục làm tan hoang đất nước. Hôm nay 35 năm sau cuộc chiến, sở dĩ dân tộc vẫn còn khốn khổ không phải chỉ từ phía những người thắng trận đang tự đắc vung gươm múa đao tác quái, mà cũng chính từ phía những người thua trận chỉ còn biết kèn cựa giật dây và hể hả quăng chụp mũ nón làm thú tiêu dao.

Sự thắng-thua có thể lấp đi cái nhân cách của con người ở cả hai phía đến thế sao, trong khi đất nước đang cần sự hào phóng về sĩ khí?

Tiện đây tôi cũng xin được nhắn nhủ đến các bạn ở phương xa, nhất là các độc giả ở Việt Nam mà sự tiếp cận thông tin có thể bị giới hạn, rằng những bài viết với nội dung như của ông Tích ở đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông ấy, không đại diện cho một cộng đồng nào ở hải ngoại cả.

Non sông còn đang có nhiều việc cấp bách lắm ông Tích ạ! Vì vậy, xin gửi trả lại ông trước công luận:

"Nhận thức chưa thông nói gì đến văn lý, pháp lý và công lý."

© 2010 Trình Phụng Nguyên
© 2010 talawas

48 nhận xét:

  1. Tôi quý trọng ông VŨ,tôi nghĩ ông Tích giỏi "chữ "nhưng không giỏi "nghĩa".

    Trả lờiXóa
  2. Chả hiểu bọn CS đã làm gì cụ Tích trước đây mà suốt chục năm nay cụ đem cái tức cá nhân ra chửi chúng vung thiên địa như vậy?
    Nếu chúng ta có dăm bảy cụ Tích thì hàng ngũ dân chủ loạn mất, mà chế độ độc tài vẫn không lo lắng bằng VN có nửa ông Hà Vũ.
    Một thầy thuốc, trí thức, khi cao tuổi không nói năng như cụ Tích, mà phải làm sao cho con cháu nó noi gương.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Đăng Thườnglúc 07:51 5 tháng 9, 2010

    Khác lời chăm biếm kiêm buộc tội với cụm từ "tham vọng nói" có thể xem như "vơ đủa cả nắm" của tác giả Trình Phụng Nguyên, thiển nghĩ của tôi là đã có hiểu lầm do bài viết của ông Cù Huy Hà Vũ.

    Nếu ông Hà Vũ gởi kiến nghị xin ân xá mà nêu đích danh các cựu quân nhân và viên chức VNCH hiện đang còn bị giam cầm (quý ông Trần Văn Thiêng, Nguyễn Hữu Cầu, Đỗ Văn Thái... theo phản hồi/thông tin cúa độc giả Dinh Le) thay "vì yêu cầu 'đại xá' cho các cựu quân nhân và viên chức VNCH hiện đang còn bị giam" thì đã không ra "nông nổi"?

    Thành thật mà nói ("khách quan" hay "chủ quan" tùy vào cảm nghĩ của bạn đọc) thì ông Trần Văn Tích không có "tham vọng nói" mà chỉ có phản ứng do "sự ngộ nhận".

    Do vậy, không nên nhân danh nọ kia mà buộc tội/chụp mũ ("Chính những tiếng nói như của ông Tích ở đây đang dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ, và đang tiếp tục làm tan hoang đất nước"), mà "chăm dầu vào lửa" bằng chắm biếm và chế giễu ("Non sông còn đang có nhiều việc cấp bách lắm ông Tích ạ!").

    Nếu muốn "cấp bách" thì mọi chuyện đều "cấp bách" hơn cả chuyện... "non song", như chuyện "đi tè" chẳng hạn.

    Nghĩ cho cùng thì trong trường hợp tạm gọi là "trớ trêu" này, ai mới là kẻ có "tham vọng nói", ông Trần Văn Tích hay tác giả Trình Phụng Nguyên?

    Trả lờiXóa
  4. DANH
    [Vui (và thực tập theo)… "Lời hướng dẫn]

    „Nặc danh“ đã bấy nhiêu lâu,
    Hôm nay có được một câu dặn dò.

    Lời (bác Phùng) rắng: Đây chốn thơm tho,
    „Chủ trương“, „điều lệ“ - Hiểu cho rõ ràng;
    Dẫu mang … sắc vẻ tiếu đàm,
    Một câu, thì cũng tiếng rằng „văn chương“.

    Mai về lại chốn khang trang,
    Chắc không quên cảnh gian nan bây giờ.
    Thanh tao chẳng lụy bùn dơ…

    Trả lờiXóa
  5. Tuổi trẻ Việt Nam ở ngoài nước mà lơ là chuyện đất nước thì cũng do lỗi của những người thông thái như ông Tích: những người thấy cái sở học của mình lớn qúa , lớn hơn những chuyện đại cuộc dân tộc . Những người càng thấy đồng bào đau khổ vì cộng sản thì càng thấy họ theo kiểu "đó tôi nói có sai đâu!" Ông Tích cũng chẳng hơn gì những chính khách salon của miền nam trước kia: thông thái nhưng vô tích sự . Tôi không có ý định góp ý hay chỉ trích gì ông Tích vì tôi biết cũng chỉ vô ích . Tôi viết những dòng này chỉ để cho những anh chị trong nước đang can đãm đối đầu với CS biết là đa số đồng bào ngoài nước rất cảm phục qúi anh chị . Những người như ông Tích có thể rất ồn ào nhưng chỉ là thiểu số đếm trên đầu ngón tay và cũng thuộc thế hệ sẽ mai một sớm chiều . Xin quí anh chị đừng nãn lòng . Thân kính . (Số đông thầm lặng ... nhưng tích cực chuyện khác)

    Trả lờiXóa
  6. Xin ông Trình cho độc giả biết ông từ phía nào? Chắc là phía "đậm đà bản sắc dân tộc"?
    Cái "văn hoá" đao to búa lớn và thích "nâng quan điểm" này nghe đâu cũng quen quen!

    Trả lờiXóa
  7. Ra đi từ điểm phân tích một cách trình bày ý tưởng thiếu rõ ràng và sử dụng từ ngữ không thích đáng tôi bỗng dưng lạc lối đến đích "dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ, và đang tiếp tục làm tan hoang đất nước."
    Tôi ngon lành thật. Xin hoan hô tôi.

    Trả lờiXóa
  8. Trình Phụng Nguyên nói:

    Gửi anh Nguyễn Đăng Thường:

    Xin anh vui lòng nén giận và xem chung cái phản hồi của em viết cho bác Tích sau đây, vì nó là cái „thanh minh“ song song của em về việc bác cho là em „vơ cả nắm đũa“.

    Đến cái việc anh và một số người khác cho rằng ông Hà Vũ nên viết đích danh tên tuổi của những người lính (sĩ quan cũng là lính) VNCH còn „được“ „học tập“ vào trong bản kiến nghị thì… em cho là không sai từ đầu nhưng có thể gây tai nạn „đột qụy“ về sau.

    Số là ông Hà Vũ, và cả anh, và cả em, và cả mọi người nữa (trừ ông nhà nước) bố bảo ai biết được còn bao nhiêu người chưa „được khoan hồng“ cho „đi tè“ thoải mái? Em thì chịu với con số này!

    Liệt kê như các anh: „Quý ông Trần Văn Thiêng, Nguyễn Hữu Cầu, Đỗ Văn Thái...“ rồi để lửng bằng ba dấu chấm thì e rằng sẽ thất lễ, sẽ làm tủi hổ cho những „ngụy quân ngụy quyền“ khác đang còn „cho thì ăn chứ nhất định không xin“ ở các „trường học“ đâu đó. Nghĩ thêm thì lôi thôi lắm!

    Biết được hết thì ghi ra, bằng không cứ như ông Hà Vũ dùng một cụm từ nhân xưng mà nói cho chung là gói gọn, là không chừa một ai, là an toàn, là tử tế nhất với cả mọi người! Em hỏi anh sao không đi chung đường người ta?

    Em cũng đâu dám chụp mũ ai đâu, em nói đích danh bác Tích -trong trường hợp bài viết „Một người thích đùa…“ của bác ấy- và mách có chứng mà. Anh bảo bác Tích „ngộ nhận“? Anh có thật không anh? Bác Tích đã từng tỏ ra có khả năng suy luận cơ mà! Tiện đây Em cũng xin nói ra rằng đa phần em trân trọng (và vẫn còn trân trọng) những bài viết của bác Tích.

    Em cũng không có ý châm biếm và chế giễu ai đâu. Em nói theo kiểu anh (T)hường hay lên gân:

    „CẤP BÁCH“
    Non sông đang muốn một lần tè
    Cần một cái rắm mọi người nghe
    Để cùng biết bụng đau là thế
    Hà cớ gì sao cứ rụt rè.

    Còn anh đặt vấn đề em có „tham vọng nói“. Em xin anh, lâu lâu em mới nói một lần mà, anh không thấy sao anh?

    Thân ái
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  9. Bác Nguyên tuy chủ quan cho người ta thấy sự châm biếm của mình đối với bác Tích, nhưng khách quan mà nói bài viết của Bác Nguyên, tự nó cũng toát lên được cái lòng yêu nước, thương nòi của người dân Viêt. Riêng Bác Tích tuy chủ quan đưa cái lòng yêu nước, thương nòi của mình ra để đả kích Bác Vũ. nhưng kỳ thực, khách quan mà nói bài viết của Bác Tích nó lại toát lên lòng yêu nước CHXHCN và con người Maxit theo công thức của các báo lề phải bày nhan nhản khắp nơi trên đất việt.

    Trả lờiXóa
  10. Trình Phụng Nguyên nói:

    @ Bạn „Nặc danh“

    Nặc danh viết:
    „Xin ông Trình cho độc giả biết ông từ phía nào? Chắc là phía "đậm đà bản sắc dân tộc"?
    Cái "văn hoá" đao to búa lớn và thích "nâng quan điểm" này nghe đâu cũng quen quen!“
    ________________

    Vâng, mình ở phía „Nặng lòng tình tự quê hương“, bất kể chỗ nào có cái gì cho quê hương là chỗ đó có mình tay vo (không liềm không búa) đứng… ngóng, bạn ạ!

    Cũng chẳng thấy mình làm được gì cả, nhưng không lẽ đứng cứ xớ rớ hay „lịnh trên lạt dưới“?

    Trình Phụng Nguyên
    ______________________

    Trả lờiXóa
  11. Trình Phụng Nguyên nói:

    Gửi bác Trần Văn Tích:

    Vâng thưa bác, cứ coi như cách trình bày ý tưởng của tôi còn vụng về, thiếu rõ ràng v.v…,
    tôi xin tiếp tục học hỏi.

    Bác muốn trở thành „Một người thích đùa“ đấy à?

    Bác lại còn „tiết kiệm“ trong trích đoạn nữa! Tôi xin lại được „bê nguyên con“ vào phản hồi này cho nó rõ ràng:

    Trích:
    „Chính những tiếng nói như của ông Tích ở đây đang dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ, và đang tiếp tục làm tan hoang đất nước. Hôm nay 35 năm sau cuộc chiến, sở dĩ dân tộc vẫn còn khốn khổ không phải chỉ từ phía những người thắng trận đang tự đắc vung gươm múa đao tác quái, mà cũng chính từ phía những người thua trận chỉ còn biết kèn cựa giật dây và hể hả quăng chụp mũ nón làm thú tiêu dao.“
    (hết trích)

    Chữ „như“ gạch đít là do tôi làm thêm so với bài chủ.

    Bác nói: „Tôi ngon lành thật. Xin hoan hô tôi.”

    Tôi không nghĩ một mình bác quan trọng đến thế, nhưng nhiều người nghĩ như bác (với suy nghĩ ở trong bài „Một người thích đùa…“) thì tội cho non sông thật.

    Bác là một trong số những người có kiến thức, lại có mặt ở hải ngoại ngay từ những năm đầu tiên sau 1975, và lúc ấy bác đang ở tuổi tráng kiện lắm.
    Tôi thắc mắc là những người này từ dạo ấy (35 năm trôi qua rồi) đã làm được cái gì (ngay cả ở hải ngoại) cho quê hương? Xin bác cho vài ví dụ, vì chính từ thắc mắc này nên (nhân tiện) tôi mới viết những câu văn như trên.
    Tôi mới chỉ viết là „đất nước tan hoang…“ mà đã quên dùng thêm cụm từ „hải ngoại bát nháo“. Xin được nhắc ở đây cho thêm phần rõ nghiã.

    Kính bác
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  12. Đất nước tôi đâu rồi?
    Đất nước tôi đâu còn
    để
    tôi
    thương
    &
    yêu
    Non nước tôi đâu rồi?
    Non nước tôi còn đâu
    để
    non tan
    &
    nước hoang.
    Xin tặng
    ~
    người
    anh
    chị
    em
    bên lề
    đó!
    cả non
    cùng nước
    và quyền
    và lực
    cả hồn của nước và non.

    Trả lờiXóa
  13. Nguyễn Đăng Thườnglúc 22:51 5 tháng 9, 2010

    @Trình Phụng Nguyên
    Phản hồi trước của tôi là để cho tất cả những người tham dự phản hồi đọc, chứ không chỉ gửi riêng cho Trình Phụng Nguyên, như phản hồi này. Trình Phụng Nguyên không đồng ý với tôi thì đó là cái quyền của TPN, nhưng còn những độc giả khác nữa.

    1. Xin hỏi: Trình Phụng Nguyên đang ở đâu/thuộc thành phần nào: a) ở "đất nước tan hoang" hay b) ở "hải ngoại bát nháo"? Dù hai "mệnh đề" này (xin gọi tạm như thế) không tương xứng nhau: đất nước tan hoang thì là sự thật trăm phần trăm có thể chứng minh một cách "khoa học" (bauxit, cho thuê rừng, mất biển mất đảo, mất ruộng mất núi...). Hải ngoại bát nháo thì chỉ là một ý kiến chủ quan thuộc loại buôn dưa lê, nói càng, chụp mũ.

    2. Cá nhân Trình Phụng Nguyên đã làm được gì cho "non sông " mà dám lớn tiếng chỉ trích ông Trần Văn Tích và hải ngoại bát nháo? Nếu hàng năm hải ngoại đã gửi bạc tỹ đô la về (trong đó hẳn phải có tiền của ông bác sĩ Trần Văn Tích) thì cũng nên bát nháo lắm chứ, phài không ạ?

    3. Tóm tắt, dù muốn dù không cách viết kiến nghị, cách gọi chung các người "lính" cộng hòa còn bị cầm tù vì "không ổn" nên đã gây ra hiểu lầm, như tôi đã nói. Và vì đã có hiểu lầm nhau thì nên chấm dứt ngay, thay vì cứ day dưa tiếp tục phản hồi chống đỡ/chống đối "chăm dầu vào lửa" mãi.

    Nhiêu đó tôi thấy đã quá đủ vì tôi không có "tham vọng nói".

    Trả lờiXóa
  14. Nguyễn Đăng Thườnglúc 00:11 6 tháng 9, 2010

    @Trình Phụng Nguyên
    Xin Trình Phụng Nguyên vui lòng cho tôi biết bài viết của ông Trần Văn Tích (để "phân tích một cách trình bày ý tưởng thiếu rõ ràng và sử dụng từ ngữ không thích đáng") là "đang dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ" (TPN) trong ngoài giữa những ai? Xin kể đích danh những kẻ đang thù nghịch nhau vì bài viết của ông Tích.

    Nếu chỉ cần một bài viết đăng trên talawas blog mà có thể gây lòng thù hận tức tốc như thế thì dễ dàng quá, và cái chuyện "hòa giải hòa hợp" trong ngoài mà Hà Nội chủ xướng cũng chỉ là chuyện hoang tưởng, nhảm nhí, nên vứt vào sọt rác.

    Trả lờiXóa
  15. Nếu các bác sống tại Việt nam mới thấy những đề nghị của ông CHHV đáng trân trọng.

    Sống trong chế độ độc tài chỉ cần "phát biểu thiếu thận trọng" lập tức công an xã, phường đến hỏi thăm chứ đừng nói viết kiến nghị yêu cầu chính phủ "ân xa và thay đổi tên quốc gia"!

    Bác Trần văn Tích cứ thử về Vn du lịch và "phát biểu lề trái" giữa Hồ Hoàn Kiếm thử xem có kẻ sẽ "tông xe" khi bác qua đường không?

    Đại Hoàng

    Trả lờiXóa
  16. Trình Phụng Nguyên nói:

    Gửi anh Nguyễn Đăng Thường

    Em xin đi thẳng vào phản hồi của anh:

    1. Có lẽ câu hỏi của anh không có mục đích tra cứu về địa lý, nên em xin được trả lời rằng vì em là người Việt Nam nên em đang ở trong xoạc xoài của đất nước tan hoang và đang chòng chành trong sự bát nháo ở hải ngoại.
    Ở chỗ nào cũng thế, tránh dưa gặp dừa! Em không buôn dưa lê, lại càng không nói càn!

    2. Anh hỏi em: Cá nhân em đã làm gì được cho non sông? Em lại trả lời anh rằng: Cũng chẳng thấy mình làm được gì cả, nhưng không lẽ đứng cứ xớ rớ hay „lịnh trên lạt dưới“?

    3. Có những sự thực không nói cứ tưởng như không có!

    4. Anh biết thừa cái tác dụng của ngòi bút nó nguy hiểm hơn ngọn giáo nhường nào, em đâu cần phải dài dòng.

    5. Em có viết: „Chính những tiếng nói NHƯ của ông Tích ở đây đang dung dưỡng lòng hận thù, gây chia rẽ, và đang tiếp tục làm tan hoang đất nước.“.

    Cái chữ NHƯ ở đây hẳn ý em muốn nói về nhiều trường hợp và trường hợp bác Tích ở đây chỉ là một điển hình. Anh cứ ra ngoài di dạo một vòng là thấy có „đắp mô“ ngay!

    Thân ái
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh HAM nói...thêm
    ....
    Non nước tôi đâu rồi?
    Non nước tôi còn đâu
    để
    non tan
    &
    nước hoang.
    Xin tặng
    ~
    người
    anh
    chị
    em
    bên lề
    đó!
    cả non
    cùng nước
    và quyền
    và lực
    cả hồn của nước và non.
    những anh
    cùng chị
    hay em
    cứ
    hồn nhiên
    quậy
    &
    phá
    bán
    ...

    Trả lờiXóa
  18. Nguyễn Đăng Thườnglúc 06:22 6 tháng 9, 2010

    @Trình Phụng Nguyên

    Cám ơn Trình Phụng Nguyên.
    Thân mến.

    Trả lờiXóa
  19. Nặc danh HAM nói...nói nữa:
    những anh
    cùng chị
    hay em
    bên lề non
    bên bến nước
    cứ
    hồn nhiên
    quậy
    &

    &

    & mua & bán
    đánh & đấm
    & cứ đánh rắm
    Bớt đau bụng
    Sao lại rụt rè.

    Bát thị Nháo

    Trả lờiXóa
  20. Ngày 05.09 Nặc danh đặt câu hỏi chẳng hiểu người cộng sản đã làm gì tôi trước đây. Sau 1975, tôi chịu chung cộng nghiệp "học tập cải tạo" ba năm. Sau đó, từ 02.05.1978 đến 24.01.1984 tôi sinh sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời gian này, người cộng sản không làm gì tôi cả. Gia đình tôi cũng được tạm yên thân. Như đã có dịp trình bày trên talawas bộ cũ, tôi được chế độ mới trọng dụng, trọng đãi và trọng vọng. Họ còn có ý định cho tôi xuất ngoại tham quan đất nước của đồng chí Honecker vì biết tôi nói được tiếng Đức. Họ còn in cả sách cho tôi : cuốn "Đông y cybécnêtíc" phát hành năm 1981. Bà xã tôi còn được cách mạng cho thăng quan tiến chức : dưới chế độ quốc gia, bả chỉ là giáo sư trung học đệ nhị cấp nhưng sau 1975, bả làm đến chức tổ trưởng tổ Anh văn Trường Trung học Hùng Vương, Sàigòn. Ngày chúng tôi rời nước, hai đứa con đang học Trường Y và một đứa học Trường Nha Sàigòn. Tôi vượt biên bằng Air VietNam và Lufthansa. Nay nhìn lại quá khứ chúng tôi được chút an ủi nhỏ bé là sự mất mát, đau khổ của tiểu gia đình thực chẳng thấm tháp vào đâu so với sự mất mát, đau khổ của toàn dân tộc, từ Bắc vào Nam. Một số người - trong đó có tôi - không thích chủ nghĩa cộng sản nên chống đối nó đành rằng vì quá khứ tàn bạo của nó nhưng nhiều hơn thì vì hiện tại và tương lai. Hiện tại và tương lai của đất nước. Cá nhân không có nghĩa lý gì, hoàn toàn không có nghĩa lý gì.
    Phản hồi này cũng có mục đích trình bày cùng ông Trình Phụng Nguyên thời điểm đích xác gia đình chúng tôi rời nước. Trả lời câu hỏi tôi đã làm gì cho đất nước trong 35 năm qua là chuyện rất khó khăn đối với tôi vì nội dung hồi đáp chỉ có thể là sự vỗ ngực khoe thành tích cá nhân một cách lố bịch.
    Cho nên thay vào đó tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là một bác sĩ do người Pháp đào tạo. Ông gốc miền Nam. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Y tế, Viện trưởng Viện Đông y v.v..Ông từng sang nhiều nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trong số có Liên Xô, Trung Hoa. Sau 1975, ông là chủ tịch ủy ban đặc trách điều nghiên về các thành tựu trong nghiên cứu y học cổ truyền của miền Nam. Bản tổng kết được nộp cho Bí thư đảng đoàn Bộ Y tế Nguyễn Duy Cương. BS Trương Thìn có được một bản. Trương Thìn kể với tôi là tài liệu cụ Hưởng biên soạn có đề cập đến cái thèse của một sinh viên y khoa Huế về "hổ khẩu tam quan" viết bằng tiếng Anh do tôi hướng dẫn và chủ trì. Cụ Hưởng nghỉ hưu tại một biệt thự ở đường Bà Huyện Thanh quan. Cụ nhắn tôi và anh bạn Bùi Duy Tâm đến chơi. Thế rồi một hôm gặp lại tôi ở trụ sở Sở Y tế Thành phố, cụ bảo tôi "rán mà ở lại với dân tộc". Cụ không dè là cùng thời gian đó tôi đã làm thủ tục xuất ngoại sang Tây Đức. Tôi được chế độ đãi ngộ khá đặc biệt, tôi được ân cần dặn dò như vậy từ một nhân vật chóp bu ngành y tế Việt Nam thuở bấy giờ. Nhưng tôi phân biệt dân tộc với cộng đảng, cho nên tôi không muốn và không thể ở lại với dân tộc. Tôi hy vọng BS Nguyễn Văn Hưởng cũng chia sẻ lối suy nghĩ này của tôi. Chừng đó đủ để tôi nghĩ rằng mình đã làm đuợc một chút gì. Kể thêm nữa trở thành cynique, chữ này mới được nhà biên khảo văn học Nguyễn Vi Khanh trích dẫn trên talawas. Nó được dịch là vô sỉ.

    Trả lờiXóa
  21. Trình Phụng Nguyên nói:

    Xin cảm ơn Bác Tích,

    Điều mà tôi rất muốn nói ở đây là đã đến lúc chúng ta cần phải đặt lại vấn đề „phương tiện“ để đi đến „cứu cánh“.

    Nếu bác không nêu được vài ví dụ là „thành quả trong quá khứ của Hải ngoại“ (tôi không dám qui trách nhiệm cho riêng bác ở đây nên dùng chữ „của Hải ngoại“) thì rõ ràng cái „phương tiện“ đã từng được áp dụng ở hải ngoại không chứng minh được hiệu qủa của nó! Đã 35 năm rồi chứ ít ỏi gì?! Cái chữ „hải ngoại bát nháo“ mà tôi dùng đâu phải cho sướng mồm đâu! Đau khổ lắm chứ. Bác Tích thông cảm cho tôi.

    Kính bác
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  22. Thưa anh Trình Phụng Nguyên,
    Hải ngoại bát nháo chỉ là một tình trạng sinh lý bình thường thuộc tiến trình tăng trưởng của cơ thể hải ngoại, nhìn theo quan điểm y khoa. Hầu hết các cộng đồng lưu vong khác đều bát nháo.
    Ba mươi năm qua cá nhân tôi và rất nhiều thành viên khác của cộng đồng hải ngoại đã không hề ngưng nghỉ chống tàn ác, chống xảo trá. Không phải tự trên trời rơi xuống mà nay bỗng nhiên có ông A, ông B đảng viên kỳ cựu cộng sản hốt nhiên đốn ngộ rằng cuộc chiến chống Mỹ cứu nước là sai lầm thảm khốc. Cũng không phải tự trên trời rơi xuống mà nay bỗng nhiên có ông X, ông Y đấm ngực bảo tôi từng hèn, tôi từng lầm. Chắc chắn những nhận thức đó không phải do những tờ Tạp chí cộng sản hay Nhật báo Nhân dân cung cấp. Có thể suy luận mà không sợ thái quá là một phần những suy nghĩ đó đã dần dà hình thành trên cơ sở những tin tức từng đến rỉ rả, đến len lỏi, đến chui lòn từ hải ngoại. Cho nên : cái phương tiện áp dụng 35 năm qua tuy không là phương tiện tối ưu nhưng là phương tiện hữu hiệu. Không có một quốc gia nào mà đã 35 năm qua, lãnh tụ xuất ngoại cứ tiếp tục phải chui cổng hậu. Khi Nguyễn Thái Học và mười hai anh hùng dơ cao cổ nhận lưỡi gươm máy chém, các Ngài không hề bảo phải thay đổi phương tiện vì đã... trên 35 năm. Vì lẽ đơn giản vào thời đó, ở thế đó, chỉ có phương tiện đó.
    Thật ra ý kiến nên đi tìm phương tiện khác không phải mới. Mới là câu trả lời.
    Thân mến, quí trọng.

    Trả lờiXóa
  23. CẢM THỨC VIỆT NAM

    Kính thưa quý tác giả,
    Kính thưa quý bác,

    Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của Tiến sỹ Luật đầy nhiệt huyết và tri thức Cù Huy Hà Vũ. Theo dõi những bàn thảo kế theo sau, tôi có ý muốn trình bày chút ít nhận thức của mình; Tuy nhiên như thế phải lặp lại quá nhiều. Nhân dịp may có sự trao đổi giữa tác giả Trình Phụng Nguyên và tác giả Trần Văn Tích, tôi xin trình bày cảm nhận trong dạng „Nhận xét - Phản hồi“ cho giản tiện.

    1. CẢM NHẬN
    Kiến nghị của anh Hà Vũ là sự trình bày ý kiến cá nhân đối với nhà cầm quyền. Nhìn chung, ý kiến của tác giả phản ánh kết quả phát triển của cả một quá trình và đòi hỏi cấp bách của Đất nước. Thực ra bản Kiến nghị không được tất cả các trang mạng thường được đọc đăng tải (Chỉ thấy trên BauxiteVN.info, Dân Luận, Đàn Chim Việt); Xin chép lại ít dòng đã đọc trên mạng như cảm nhận về Kiến nghị của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ (như lời với những người đương quyền):

    Hơn thú rừng là biết thương đau,
    Là không say sả thịt da đồng loại;
    Học đi mà nhớ mãi:
    „Người Việt Nam Nhân hậu, Kiên cường“.

    Thăng Long ngàn năm, nước Việt trường tồn,
    Hạnh phúc đời ta là làm người dân Việt;
    „Hòa hợp nhân tâm, chống họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc“
    – Tiếng Non sông, tiếng của lòng người.


    2. NHẬN THỨC
    Nói bản Kiến nghị là „phản ánh kết quả phát triển của cả một quá trình“ là quá trình gì?
    * Sau tháng Tư 1975, đa phần người Việt vui (ít ra là thấy nhẹ lòng) khi non sông thống nhất.
    * Sau khoảng 10 năm, sự xuống dốc của kinh tế, đạo đức xã hội, … cho thấy cách lãnh đạo kiểu toàn trị đã thất bại và lỗi thời.
    * Sau khoảng 20 năm, yêu cầu đổi mới toàn diện về chính trị và tổ chức xã hội càng trở nên cấp bách do nhu cầu phát triển và chống nguy cơ tụt hậu.
    * Sau khoảng 30 năm, nguy cơ xâm lăng từ nước Tàu đã chuyển từ ngấm ngầm sang ngang ngược, hung hăng.
    Cuộc xuống đường của thanh niên, sinh viên vì Hoàng Sa và Trường Sa như biểu hiện của truyền thống lịch sử Dân tộc: Khi Đất nước nguy nan, người anh hùng xuất hiện. Anh hùng thời nay là cả một thế hệ trẻ cùng các trí tuệ trưởng thành của lịch sử (các tướng lãnh, các nhân sỹ, trí thức, …).
    Quan tâm thời sự, ông Hà Sỹ Phu cảm khái: Biết đâu (hoàn cảnh bĩ cực này) lại „là đường cứu sinh“? Bản thân tôi cũng suy nghĩ trong một phản hồi (trên talawas, tất nhiên): Hoàn cảnh lịch sử cho phép và bắt buộc chúng ta nhìn nhận lại mọi vấn đề một cách toàn diện. Khoảng tháng Tám 2010, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận xét: Bắt đầu một giai đoạn thay đổi dần dập…
    Tục ngữ Trung Quốc có câu:
    Băng dày ba thước không phải do giá lạnh một đêm đông.
    Bản Kiến Nghị của anh Hà Vũ rất trí tuệ và cần thiết trong hoàn cảnh cần nhiều tiếng nói trung thực và dũng cảm. [Xin đọc thêm „Biên niên sử ‚Cuộc đổi đời’“ để thấy người Dân Đông Đức giành quyền ngôn luận và tự do đi lại từng bước như thế nào. Từ đây mà rút ra bài học cho „phương thức“ hay „phương tiện“ thì chắc có nhiều điều lý thú!] Phản biện cần tri thức và đúng hiện thực…

    3. Đôi điều cùng quý tác giả
    Tôi chia sẻ bức xúc và lý lẽ của tác giả. Tuy nhiên nói rằng „… tiếng nói như của ông Tích … đang tiếp tục làm tan hoang đất nước“ thì e phần bức xúc có … hơi bị quá.
    Tôi cảm phục tri thức của bác sỹ Trần Văn Tích và một số vị cao niên trên diễn đàn mà tôi được đọc. Ngẫm nghĩ về „trí thức hai miền“, tôi đã „thỏ thẻ“ trong một phản hồi khi nhắc một câu của tiền nhân thời nhà Mạc: Đã mặc áo, ăn cơm của „người ta“; thì phải theo cho chót cuộc đời!... Đạo lý kẻ sỹ phương Đông mặc nhiên không công nhận việc … „tè“ vào chốn cũ!
    Đến gian hùng như Tào Tháo cũng không dung Lã Bố dù biết rõ tài năng. Muốn khác, chỉ có những ĐẠI NHÂN như Ngô Thì Nhậm…
    „Nỗi đau Việt Nam“ ấy, mỗi người đều phải chia sẻ và gánh chịu!


    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  24. Trình Phụng Nguyên nói:

    Thưa bác Tích,

    Đây không còn là phản hồi nữa mà là xin được luận bàn với bác thì đúng hơn.

    Tôi có cùng quan điểm với bác để nói rằng “hải ngoại bát nháo chỉ là một tình trạng sinh lý bình thường thuộc tiến trình tăng trưởng của cơ thể hải ngoại” và tôi xin được gọi đó là thời kỳ sinh lý “hồn nhiên” của đứa trẻ con.

    Cái câu hỏi mà tôi tiếp tục đưa ra là khi nào đứa trẻ con tức là “cơ thể hải ngoại” có thể phát triển để gọi là trưởng thành, tức là thành người (lớn) để cũng lấy vợ làm chồng với người ta? Thời gian đã đủ chưa hay đã đến lúc phải lo “thuốc thang” (nếu chữa được) vì bệnh lý là thiếu khả năng? Tôi trẻ hơn bác, nhưng “sốt ruột” bác Tích ạ!

    Những cố gắng và kết quả của từng cá nhân (hay những nhóm đơn độc nhỏ lẻ) thì rõ ràng như bác nói là có và còn nhiều hơn nữa mà có lẽ bác không muốn dài dòng. Nhưng đơn lẻ như thế thì khi nào mới dọn được bãi „bĩnh“ trước nhà mỗi ngày cứ một ùn lên mà lại dai như điả?

    Trong kinh tế học có từ „synergy“ tức là 1+2= không còn là 3 nữa mà phải là 3+x (x là số tự nhiên).
    Có phát huy được hiệu ứng „có tổ chức“ thì mới mong dọn được „bĩnh“, bằng không cứ đì đẹt mà chết mòn thôi bác Tích ạ.

    Cái Cộng đồng ở hải ngoại nó sung sức lắm chứ đâu phải trò để đùa. Nhưng mà thực chất có „Cộng đồng“ không? Thật oan khiên cho non sông!

    Kính bác
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  25. Kính mời quý vị đọc bài dưới đây của Đinh Mạnh Vĩnh:

    Suy nghĩ về lá thư kiến nghị của Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

    (Nguồn: http://danluan.org/node/6310 )

    Trước hết, tôi rất cảm kích lá thư "Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy “Việt nam” làm quốc hiệu" (sau đây xin gọi tắt là "lá thư") của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Nội dung lá thư và cuộc trả lời phỏng vấn với Đài RFA của Tiến sĩ Hà Vũ nói rõ mục đích xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp dân tộc - mục đích giản dị nhưng vô cùng quan trọng để đạt được tự do dân chủ cũng như bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

    Sau nữa, xin có một vài ý nhỏ khi đọc một số phản hồi của các cá nhân mà tôi cho rằng còn có một số hiểu lầm trong thuật ngữ "văn lý, pháp lý, công lý" như tác giả Trần Văn Tích đã có bài viết bình luận lá thư của Hà Vũ.

    Các ý kiến có vẻ hiểu lầm nội dung lá thư có lẽ do hai vấn đề:
    - Từ ngữ được sử dụng trong lá thư.
    - Tâm lý bị xúc phạm, bị tổn thương, bị đọa đày về tinh thần và thể xác với thời gian rất dài (hơn 35 năm) thật chẳng dễ gì bôi xóa trong phút chốc. Cộng thêm vào với ngộ nhận về sự bố thí, đó là tâm lý thắng thua, tâm lý bị bôi nhọ, bị xuyên tạc, bị khinh bỉ và bị chà đạp về nhân quyền làm cho cơn giận của những người đã chịu quá nhiều đau thương uất hận càng dễ dẫn đến hiểu lầm thiện ý của Hà Vũ.

    Tuy nhiên điều này dễ cảm thông và cần được chia sẻ với những ai liên quan đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

    Tôi xin mạn phép dẫn giải một số học thuật về từ ngữ có liên quan đến nội dung lá thư, để phần nào giải tỏa sự hiểu lầm như là: bố thí, ngạo mạn, trịch thượng... vẫn còn lấn cấn trong suy nghĩ của nhiều người về lá thư của Hà Vũ.
    Tôi cho rằng chữ "ĐẠI XÁ" (mắc mứu lớn để dẫn đến những công kích nội dung lá thư) đã chưa được hiểu đúng bản chất của nó trong cách nghĩ và cách dùng của ngay cả những nhà làm luật (kể cả Tiến sĩ Hà Vũ) nên dẫn đến làm cho một số người đọc dễ hiểu lầm ĐẠI XÁ = BAN BỐ (hay nói nặng hơn là bố thí).




    Quay trở lại lá thư của Hà Vũ, tôi cho rằng vì các hình thức để hòa giải dân tộc theo Luật hiện hành không có hình thức nào khả dĩ hơn là hình thức "đại xá", nên Hà Vũ sử dụng hình thức tốt nhất có trong luật, đó không phải là lỗi ở ông mà có thể nói ông đã cân nhắc kỹ các hình thức hiện hành để đạt được mục tiêu làm sao dân tộc xóa bỏ hận thù, hòa giải với nhau vì tồn vong đất nước. Hơn nữa, ông đâu có là gì trong bộ máy Nhà nước để có thể tu chính hoặc làm cái gì hơn được. Tôi cho rằng, ông đang làm tốt và chuẩn với tư cách là một Tiến sĩ Luật có lòng với dân tộc.

    Hy vọng, lý giải này có phần nào thuyết phục các quý vị còn hiểu lầm Hà Vũ (tất nhiên tôi đang viết với tư cách một công dân Việt Nam và mong muốn dân tộc mình xóa bỏ hận thù chứ không có ý định thiên vị Hà Vũ).

    Việc còn lại là của "ông Nhà nước". Nếu "ông nhà nước" quyết tâm vì dân tộc, vì Tổ quốc đang đối mặt với sự lấn lướt ngày càng không cần che giấu của Trung Quốc thì nên làm theo kiến nghị của Hà Vũ. Tất nhiên, đây là bước khởi thủy quan trọng nhất trong tiến trình hòa giải dân tộc và dân chủ hóa nước nhà.

    Đinh Mạnh Vĩnh

    Trả lờiXóa
  26. Phùng Tường Vânlúc 06:05 7 tháng 9, 2010

    "Đến gian hùng như Tào Tháo cũng không dung Lã Bố dù biết rõ tài năng." (Tôn Văn)

    Đời Lã Bố là một đời phản trắc, tôi nghĩ không ai có thể nêu "gương" Lã Bố để biện bạch bất cứ điều gì !

    Trả lờiXóa
  27. Trình Phụng Nguyên nói:

    Thưa bác Tôn Văn,

    Rất thành thật cảm ơn những lời nhắc nhở của bác!

    Bác đề cập đến câu nói của tiền nhân:
    „Đã mặc áo, ăn cơm của „người ta“; thì phải theo cho chót cuộc đời!...“

    Ở góc cạnh ơn nghĩa thì nó là „sĩ khí“. Thực tế hôm nay nếu áp dụng cái „sĩ khí“ này thì có vấn đề lớn (và nhiều người vẫn đang làm theo) vì:

    Nếu trong câu nói trên: „người ta“ = „gian hùng“ thì có nên „phải theo cho chót cuộc đời „ không?

    Tai hại, tai hại! Cấp bách, cấp bách!

    Kính
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  28. Nguyễn Đăng Thườnglúc 23:28 7 tháng 9, 2010

    ĐẦU DÊ THỊT CHUỘT

    ĐẠI XÁ cái... củ chi! CẤP BÁCH cái... bọng đái!

    Thiển nghĩ, nếu "đại xá" vài người "lính" cộng hòa đã đến tuổi gần đất xa trời, và đổi cái tên CHXHCNVN lại là "Việt Nam" mà thành sự thật, thì sẽ thay đổi được gì trên thực tế? Độc tài/chuyên ch/toàn trị vẫn sẽ còn y nguyên, vì nguời ta vẫn có thể treo đầu DÊ bán thịt CHUỘT như cũ.

    Sao trong bản kiến nghị ông Cù Huy Hà Vũ không xin "đại xá" cho các nhà đấu tranh dân chủ đang bị cầm tù?

    Đều cần thiết là phải có bầu cử tự do, có luật pháp che chở, và có những phương tiện hữu hiệu để bảo vệ pháp luật. Là tiến sĩ luật tất nhiên ông Hà Vũ phải dư biết những điền đó.

    Bằng không thì khi vui ta "đại xá", khi buồn thì ta bắt nhốt lại mấy hồi.

    Trả lờiXóa
  29. Trích từ bài “Suy nghĩ về lá thư kiến nghị của Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ” của Đinh Mạnh Vĩnh :

    (Nguồn: http://danluan.org/node/6310)

    Trước hết, tôi rất cảm kích lá thư "Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy “Việt nam” làm quốc hiệu" (sau đây xin gọi tắt là "lá thư") của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Nội dung lá thư và cuộc trả lời phỏng vấn với Đài RFA của Tiến sĩ Hà Vũ nói rõ mục đích xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp dân tộc - mục đích giản dị nhưng vô cùng quan trọng để đạt được tự do dân chủ cũng như bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

    Sau nữa, xin có một vài ý nhỏ khi đọc một số phản hồi của các cá nhân mà tôi cho rằng còn có một số hiểu lầm trong thuật ngữ "văn lý, pháp lý, công lý" như tác giả Trần Văn Tích đã có bài viết bình luận lá thư của Hà Vũ.

    Các ý kiến có vẻ hiểu lầm nội dung lá thư có lẽ do hai vấn đề:
    - Từ ngữ được sử dụng trong lá thư.
    - Tâm lý bị xúc phạm, bị tổn thương, bị đọa đày về tinh thần và thể xác với thời gian rất dài (hơn 35 năm) thật chẳng dễ gì bôi xóa trong phút chốc. Cộng thêm vào với ngộ nhận về sự bố thí, đó là tâm lý thắng thua, tâm lý bị bôi nhọ, bị xuyên tạc, bị khinh bỉ và bị chà đạp về nhân quyền làm cho cơn giận của những người đã chịu quá nhiều đau thương uất hận càng dễ dẫn đến hiểu lầm thiện ý của Hà Vũ.

    Tuy nhiên điều này dễ cảm thông và cần được chia sẻ với những ai liên quan đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

    Tôi xin mạn phép dẫn giải một số học thuật về từ ngữ có liên quan đến nội dung lá thư, để phần nào giải tỏa sự hiểu lầm như là: bố thí, ngạo mạn, trịch thượng... vẫn còn lấn cấn trong suy nghĩ của nhiều người về lá thư của Hà Vũ.
    Tôi cho rằng chữ "ĐẠI XÁ" (mắc mứu lớn để dẫn đến những công kích nội dung lá thư) đã chưa được hiểu đúng bản chất của nó trong cách nghĩ và cách dùng của ngay cả những nhà làm luật (kể cả Tiến sĩ Hà Vũ) nên dẫn đến làm cho một số người đọc dễ hiểu lầm ĐẠI XÁ = BAN BỐ (hay nói nặng hơn là bố thí).



    Lẽ ra, về mặt pháp lý, các từ "đại xá", "đặc xá", ân xá", nên được dùng song song với "đại xả", sẽ làm cho dân chúng nhìn thấy sự tôn trọng nhân quyền nhiều hơn và rõ hơn từ phía Nhà nước hơn là hình ảnh ban bố, bố thí của cường quyền và bạo lực phi chính nghĩa (vì một kẻ cướp cũng được "đại xá", một tù nhân lương tâm cũng được "đại xá", vô hình chung xúc phạm các tù nhân lương tâm). Bên cạnh đó, "XÁ" dường như đang vẽ ra một bức tranh: người trên cao đang tha tội cho kẻ dưới thấp, mà kẻ dưới thấp này, xét thấy chẳng có tội gì để mà phải "được tha, được xá", từ đó dẫn đến sự phẫn uất là điều dễ cảm thông. Nói cho công bằng, các quân nhân, viên chức và gia đình họ (những người liên quan đến VNCH) làm gì có tội mà phải bắt họ đi tù, hay phải bị phân biệt đối xử để bỏ xứ mà đi! Hơn nữa, trong thâm tâm những ai thuộc về VNCH, có lẽ họ chưa bao giờ công nhận Nhà nước Việt Nam hiện nay là Nhà nước hợp pháp (đây cũng là mắc mứu rất quan trọng), do đó họ lại càng không thể nào chịu nổi hai chữ "đại xá" trong ý nghĩa bố thí.



    Quay trở lại lá thư của Hà Vũ, tôi cho rằng vì các hình thức để hòa giải dân tộc theo Luật hiện hành không có hình thức nào khả dĩ hơn là hình thức "đại xá", nên Hà Vũ sử dụng hình thức tốt nhất có trong luật, đó không phải là lỗi ở ông mà có thể nói ông đã cân nhắc kỹ các hình thức hiện hành để đạt được mục tiêu làm sao dân tộc xóa bỏ hận thù, hòa giải với nhau vì tồn vong đất nước. Hơn nữa, ông đâu có là gì trong bộ máy Nhà nước để có thể tu chính hoặc làm cái gì hơn được. Tôi cho rằng, ông đang làm tốt và chuẩn với tư cách là một Tiến sĩ Luật có lòng với dân tộc.

    Hy vọng, lý giải này có phần nào thuyết phục các quý vị còn hiểu lầm Hà Vũ (tất nhiên tôi đang viết với tư cách một công dân Việt Nam và mong muốn dân tộc mình xóa bỏ hận thù chứ không có ý định thiên vị Hà Vũ).

    Đinh Mạnh Vĩnh

    Trả lờiXóa
  30. Đặng Hữu Vănlúc 03:38 8 tháng 9, 2010

    Ông Nguyễn Đăng Thường nói rất đúng. Thay đổi phải tận gốc. Thay tên đổi họ mà vẫn giữ nguyên bản chất thì có nghĩa là không thay đổi. Đảng cộng sản Việt Nam đã không ít lần đổi tên ("để phù hợp với hoàn cảnh chính trị"), nhưng vẫn giữ nguyên đường lối lãnh đạo, rồi ông Hồ có được thay bằng ông Duẩn, ông Duẩn có được thay bằng ông Trường Chinh, ông Trường Chinh có được thay bằng ông Lê Đức Thọ... vài ba năm nữa ông Nông Đức Mạnh có thể được thay bằng ông gì đi chăng nữa, thì vẫn tiếp tục là đảng độc quyền trên lãnh thổ VN.
    Phải đa đảng thì mới hy vọng có dân chủ và bầu cử tự do. Từ đó mới hy vọng tiếp là VN có nhà nước pháp quyền. Những "mở cửa", "cởi trói", và các hình thức đổi mới khác kể ra thì có còn hơn không nhưng vẫn chỉ là thay đổi phiến diện và bề ngoài.
    Nhưng mà càng nghẫm càng thấy khó. VN quá đông dân, lại dân trí thấp, và nằm giữa một khu vực cũng dân trí thấp, nên một cuộc cách mạng như các nước Đông Âu thập kỉ chín mươi vừa qua là chuyện không tưởng.
    Có cái gì đó giống như việc cải tạo lại thành phố Hà Nội. Cải tạo sao bây giờ? Nhà cửa xây vô tội vạ. Hạ tầng cơ sở không có. Môi trường ô nhiễm hạng nặng. Và gần chục triệu dân. Chỉ có cách là đập đi xây lại hoàn toàn! Nhưng mười triệu dân thì tạm gửi đi Sài Gòn à?
    Người Hà Nội xin đừng giận! Thẳng thắn mà nói thì Hà Nội ngày nay thân tàn ma dại. Cách đây vài tháng, một đội công nhân khoảng chục người, mỗi công nhân một thùng vôi vàng và một cái chổi, không hề báo trước, cứ thế lao vào các nhà phố cổ mà đòi quét lại mặt tiền. Lệnh trên. Ủy ban Nhân dân Thành phố chuẩn bị trang điểm phố cổ để mừng đại lễ Thăng Long!!!
    Ủy ban nhanh chóng bỏ túi một khoản tiền hậu hĩnh, nhưng phố cổ HN thì phấn son tơi tả. Chị em phố cổ lắc đầu: "Đánh phấn thế mà cũng đòi đánh, ít ra cũng phải rửa sạch mặt, ít ra cũng phải thoa kem nền, đánh thế thì đéo đánh còn hơn!"

    Trả lờiXóa
  31. ANH HÙNG và GIAN HÙNG

    Thưa bác Trình Phụng Nguyên,

    Khi dùng một số dẫn dắt, là tôi đã cố gắng tự tìm chút ít sự thật để giải thích cho mình hiện thực thấy được.

    Chuyện ANH (biết người) HÙNG (biết mình) và GIAN (lừa dối người) HÙNG (biết mình, luận theo chữ để hợp phần trên) rất khó nên chưa dám bàn sâu. Có vẻ trong cuộc tranh đấu sống-chết, „gian hùng“ chiếm thượng phong? Nhưng tôi tin và hy vọng vào bản chất hướng THIỆN và hướng THƯỢNG của con người. Tục ngữ Đức nói: „Dối trá có đôi chân ngắn“ (thế nào cũng bị người ta bắt được) và „Lừa đảo có thể đi đến mọi nơi, nhưng không bao giờ quay trở lại“. Trong „Anh Hùng“ có 2 chữ chủ chốt là „BIẾT“. Minh triết Việt có nói: KHÔN cũng chết, DẠI cũng chết; BIẾT thì sống.
    Dại mà chết thì … là cái chắc; Nhưng „khôn“ ở đây có phải là „khôn lỏi“ là „gian hùng“ không? Muốn sống phải „biết“; nhưng thế nào là „biết“ (nhất là cộng đồng Dân tộc biết) thì mới thực thiên nan, vạn nan!
    Khái niệm „synergy“ bác đưa ra, tôi đã có đọc sự phân tích của GS Hoàng Tụy, là phương tiện dẫn đến cái „biết“ chăng? Nhưng đến đây thì quả là đã sang … „bàn luận“. Thực tình tôi cũng có để tâm và rất muốn được đọc bác trên chủ đề này.

    Trân trọng,
    Tôn Văn

    Trả lờiXóa
  32. Thưa anh Trình Phụng Nguyên,
    Cảm cái tình tri ngộ anh muốn luận bàn cùng tôi, tôi đành phá lệ lạc đề, đại lạc đề để xin có những dòng này về 1)cộng đồng tỵ nạn lưu vong Việt Nam; 2)phương tiện mới, thay cho phương tiện quen thuộc từ 35 năm nay.
    Cộng đồng tỵ nạn lưu vong Việt Nam là một cộng đồng tiên thiên bất túc. Xin anh hãy cùng tôi nhìn lại khổ nạn của nó cách đây 35 năm. Xin anh hãy cùng tôi nhìn lại hành trang của nó cách đây 35 năm. Thông thường những thành viên của cộng đồng đó đã ra đi không một đồng một chữ. Một số lớn đã đến bờ tạm tự do khi chỉ còn thoi thóp thở và trên mình chỉ có cái khố. Đó là về vật chất. Về tinh thần còn thảm hại hơn. Hầu hết, nếu không là tất cả, đã ra đi trong tâm trạng trốn chạy. Nhưng dẫu vậy, hành trạng của người tỵ nạn Việt Nam đã trực tiếp đánh thức lương tri nhân loại, đã gián tiếp đạp nhào bức tường Berlin; qua kết hợp lực lượng một cách "bát nháo" thành thực thể được gọi là cộng đồng hải ngoại. Và người cộng sản, ngày nào còn ngông cuồng ngạo nghễ trong tư thế của kẻ thủ súng trên tay, nay đã buông súng cầm bút để thảo nên nghị quyết đối với người Việt ở nước ngoài. Chấp nhận thách thức của số mệnh tỵ nạn, ngang nhiên cự địch lại thân phận biệt xứ, chúng tôi, chúng ta đã tham gia một cuộc chiến âm thầm và dai dẳng trong ba mươi lăm năm qua chống báng nghịch cảnh tưởng như chỉ gây chết chậm rãi, đối đầu tình huống tựa hồ nhất định đưa đến nghẹt thở tâm linh. Cuộc chiến chênh lệch là thế, tương quan bất quân là vậy, mà chúng ta, chúng tôi vẫn thắng. Để còn có được những tiếng nói vinh danh chính nghĩa tự do, tự do mà cộng đồng tỵ nạn đã hơn một lần đem mạng sống ra đánh đổi qua quyết định trấn yểm âm binh ngạ quỷ toàn trị độc tài.
    Cho nên chê bai nó e có phần bất nhẫn, phủ nhận nó e rằng quá bất công.

    Trả lờiXóa
  33. Hoàng Trường Salúc 16:31 8 tháng 9, 2010

    “Cuộc chiến chênh lệch là thế, tương quan bất quân là vậy, mà chúng ta, chúng tôi vẫn thắng. Để còn có được những tiếng nói vinh danh chính nghĩa tự do, tự do mà cộng đồng tỵ nạn đã hơn một lần đem mạng sống ra đánh đổi qua quyết định trấn yểm âm binh ngạ quỷ toàn trị độc tài. Cho nên chê bai nó e có phần bất nhẫn, phủ nhận nó e rằng quá bất công.” (Trần Văn Tích)

    Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên của bác Tích. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm phục về tấm lòng son sắt, bền gan và kiên định không lay chuyển của bác Trần Văn Tích đối với chính nghĩa tự do và lòng tự hào, tự trọng của những người xuất thân từ miền Nam trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đang tỵ nạn cộng sản trên thế giới (trong đó có tôi).

    Xin hoàn toàn chia sẻ với bác Tích về những gì bác đã làm trong thời gian qua, xin chia sẻ ý kiến của bác Tích về đề nghị của ông Cù Huy Hà Vũ. Tôi hoàn toàn không chấp nhận cái từ ngữ ngạo mạn “đại xá” do Tiến sĩ CHHV đưa ra sau 35 năm đằng đẳng đầy đắng cay, tủi nhục cho những cựu quân nhân, viên chức VNCH (trong đó có tôi).

    Không một ai có thể nhân danh hòa giải, hòa hợp dân tộc để ngăn cản chúng tôi và chúng ta nói lên thành thật những gì chúng tôi suy nghĩ và cho là đúng. Hòa giải và hòa hợp dân tộc, theo tôi, chỉ có thể thực hiện giữa những cá nhân và thành phần dân tộc đồng đẳng, ngang hàng và tôn trọng nhau. Nó không bao giờ đến qua hình thức cưởng bách, hăm dọa hay nhân danh những điều cao quý nhưng không thật lòng như kiểu “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mà ông Hồ và ĐCSVN đã rêu rao trong 65 năm qua.

    Ai là người có tham vọng nói tôi không biết. Nhưng tôi không tin bác Trần Văn Tích đã nói chỉ vì bác tham vọng nói.

    Trân kính,
    Hoàng Trường Sa

    Trả lờiXóa
  34. Thưa anh Trình Phụng Nguyên,
    Anh sốt ruột và xót ruột vì thấy "phương tiện" đấu tranh của cộng đồng lưu vong tỵ nạn trong suốt 35 năm qua không thích hợp với "cứu cánh" cứu nguy đất nước và anh nghĩ đã đến lúc cần một phưong tiện mới. Tôi không lả chính trị gia, tôi không là chiến lược gia nên đành phụ lòng anh, không thể vạch ra được "phương tiện" nào mới lạ. Tôi chỉ có khả năng, có hiểu biết để nhận định rằng văn lý của bản kiến nghị Cù Huy Hà Vũ là chưa thông. Và tôi buồn rầu nhận thấy rằng cộng tất cả các phản hồi từ bài xướng của tôi qua bài hoạ của anh, cho đến ngày giờ này(11:25giờ, giờ Đức, ngày thứ tư 08.09) con số đã lên đến 48 mà không có ai chỉ giúp được cho tôi một cách rõ ràng, cụ thể, trực tiếp, rằng văn lý của bản kiến nghị - chỉ nói đến bản kiến nghị thôi vì tôi đã căn cứ vào nó mà viết bài - là rất thông.
    Buồn quá nên đành nói qua chuyện "phương tiện" vậy. Tôi nhận thấy đã có một số vị đưa ra những đường lối đấu tranh mới mà quí vị đó nghĩ là thích nghi. Xin tạm liệt kê theo cung cách rất ngắn gọn :
    Lê Xuân Khoa : hoà giải hoà hợp
    Nguyễn Hữu Liêm : thực dụng, phải biết cách nói.
    Nguyễn Đức Tùng : đi tìm nguồn gốc thi ca.
    Nguyễn Gia Kiểng : Mỹ đang trở lại Việt Nam, đảng cộng sản sẽ tự sát.
    Trần Trung Đạo : cách mạng dân tộc dân chủ.
    Tri Ngộ (?) : nếu cần thì đổ máu à la Ceausescu.
    Nếu tất cả các con đuờng đều dẫn đến La Mã thì hầu hết các "liệu pháp" vừa kể đều dẫn đến ngõ cụt đảng cộng sản (ngoại trừ "liệu pháp" Tri Ngộ).
    Cho nên một mặt tôi nghĩ đành phải tiếp tục cung cách đấu tranh quen thuộc, mặt khác, cần cùng nhau cầu nguyện Đấng Toàn Năng để cúi xin Ngài dành cho dân tộc chúng ta số phần của dân tộc Đức.

    Trả lờiXóa
  35. @ Trần Văn Tích
    Bác Tích ơi, bác kê tên em vào làm em khó xử. Lần đầu tiên em nghe chữ "đổ máu à la Ceausescu", em chưa bao giờ dùng chữ này trong tất cả mọi phản biện của em. Xin bác giải thích thêm giùm xem có đúng với những gì em hằng thao thức.
    Thân kính.

    Trả lờiXóa
  36. Phùng Tường Vânlúc 20:24 8 tháng 9, 2010

    Nghĩ về một thái độ chống cộng.

    Tôi tạm mệnh danh đó là "thái độ chống cộng quý hóa quá", hoặc "thái độ chống cộng biết ơn", nó dành cho những phản kháng xuất phát từ trong nước một sự đón nhận quá nồng nhiệt đến một mức đôi khi đem lại những hậu quả đấu tranh bối rối.

    Trước hết xin nhắc lại những đón nhận những phản kháng đầu tiên của bà Dương Thu Hương, một số những người ở Bolsa chẳng hạn thậm chí đi đến những thái độ vơ vào cho đến lúc nhà văn này xối cho một thùng nước lãnh đạm chẳng ra làm sao cả !

    Tôi xin nói ngay rằng, trong cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước, những sự dấn thân từ trong nước là những thành tố quyết định, rất đáng trân trọng, rất đáng cổ vũ, sự can đảm của quý vị ấy là không thể chối cãi, tuy nhiên nghĩ rằng nó không thể có nhược điểm này, nhược điểm khác mà nhất nhất cứ xuýt xoa rằng "quý hóa quá", "quý hóa quá" phải trân trọng chứ, phải biết ơn chứ, không được có những nhận xét bất lợi "không có tấm lòng" như vậy thì xin cho phép tôi được không đồng ý và tôi cũng nghĩ răng những búa rìu mà ông Trần Văn Tích đã nhận được qua bài viết của ông về ông Cù Huy Hà Vũ, ít nhiều đều xuất phát từ thái độ "biết ơn" va "quý hóa quá" mà tôi vừa đề cập vậy.

    Trả lờiXóa
  37. Thưa ông Tri Ngộ,
    Đối với tôi, một kẻ rất dốt về computer, vô talawas dưới hình thức trình bày mới để sục tìm các dữ kiện cũ thật là thiên nan vạn nan. Tôi nhớ có đọc một phản hồi trên talawas với nội dung đại khái là muốn cho dân tộc được tự do, đất nước được tồn tại thì có thể đành phải chấp nhận mất mát, đổ máu như là nỗi bất hạnh (có chừng mực) cuối cùng; khi tự do dân chủ không thể đạt được qua những cung cách triệt để tránh tang tóc. Tôi ghi nhận ngay chi tiết này nhưng không thể nhớ chắc chắn tên tác giả phản hồi; cho nên sau bút hiệu của ông tôi đã đánh dấu hỏi. Nếu không quá dốt về computer thì tôi đã đánh cái dấu hỏi đó với màu đỏ, màu tím v.v..cho nó nổi bật hẳn lên. Thật không may cho tôi, có vẻ như "phương pháp Ceaucescu" lại chẳng phải do ông đề xướng. Tôi hy vọng hai điều : 1) sẽ có người lên tiếng xác nhận mình đã góp ý trên talawas qua một phản hồi rằng để giải quyết quốc nạn hiện nay, nếu cần phải chấp nhận vũ lực rất, rất hạn chế; 2) sẽ có ít ít người thôi bu lu bù loa là tôi đang an nhiên tự tại ngồi ở nước ngoài nên hoan nghênh, cổ vũ súng đạn tàn sát đồng bào!!!!!! Vậy xin ông cho phép tôi được ngõ lời tạ tôi chân thành đã nhớ sai ghi trật.
    Nhân đây xin được hỏi ông một chi tiết khác : dường như rất gần đây ông cũng có một phản hồi với chi tiết khá đặc biệt là ghi rõ ràng địa chỉ (tại Pháp) ở cuối phản hồi thì phải.

    Trả lờiXóa
  38. Xin phép tâm sự vụn thêm cùng ông Phùng Tường Vân.
    Tôi chỉ góp ý về văn lý của kiến nghị Cù Huy Hà Vũ. Tôi tuyệt không có nửa chữ đá động đến tư cách, nhân phẩm ông Tiến sĩ Luật. Hai chữ "thích đùa" chỉ là một cách diễn tả lối dùng chữ, cách ngỏ ý không theo lệ thường của ông Hà Vũ. Vậy thì đề phản hồi cho "phải đạo", rành rành là phải chứng minh rằng ông Hà Vũ trình bày bản kiến nghị rất rõ ràng, không thể nào gây ngộ nhận, tạo hiểu lầm được. Những người không chấp nhận nội dung bài viết về văn lý của tôi, cho đến giờ này, không làm được việc đó. Bài toán hình học phẳng bảo chứng minh tam giác ABC là tam giác cân, họ loay hoay, vất vả chứng minh nó là hình vuông, hình chủ nhật, hình bình hành; đủ thứ hình, ngoại trừ hình tam giác!

    Trả lờiXóa
  39. @ Trần Văn Tích
    Bác Tích thân mến,
    Em xin cám ơn bác đã trả lời nhanh chóng. Như vậy là rất rõ ràng và em đỡ áy náy. Thật ra thì em cũng như bác và các anh chị (& em) khác trên mạng talawas, chúng ta là những người còn "động lòng" hoặc "thao thức" về những vấn đề dính dáng đến quê hương VN. Chúng ta là một dân tộc đã trải qua quá nhiều khổ đau. Chúng ta muốn dân tộc VN hùng mạnh và người VN được tự do hạnh phúc. Và hễ thấy bất công hoặc có chuyện gì mình (một Việt kiều) làm được thì chúng ta cố làm. Thế thôi. Em thì chủ trương theo phương tiện tha thứ và không gây đổ máu (nhưng sai phạm thì phải bị trừng phạt nghiêm minh). Và em luôn quý mến các anh chị đã để thì giờ phản biện trên talawas (dù lề trái hay phải). Hình thức dân chủ với những phản hồi nhã nhặn trên talawas là một hình thức rất đẹp.
    Trong một cái phản hồi em có để địa chỉ là em nghịch đấy thôi, địa chỉ ấy là địa chỉ của chính phủ Pháp, một cách châm biếm "đen" (humour noir) mà em hay dùng để phản biện những bất công, những ngu xuẩn và sự ù lì của nhà cầm quyền VN.
    Kính bác.

    Trả lờiXóa
  40. Trình Phụng Nguyên nói:

    Gửi anh Nguyễn Đăng Thường,

    Trừ cái „…bọng đái“ còn ngoài ra anh nói đúng ý em (cả bạn Đặng Hữu Văn nữa)!

    Nhưng mà em đã nóng anh lại còn nóng hơn!
    Bớt giận đi anh. „Giận quá hoá…“ anh Thường ơi!
    Mọi người cần anh Thường... không „lỏi“ mà cũng chẳng „ngoan“).
    Anh từ từ xem nào!

    Thân mến
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  41. Trình Phụng Nguyên nói:

    Thưa bác Tôn Văn,

    Tôi cũng có cái kinh nghiệm mà bác nói đến là trong mọi cuộc phân tranh, „gian hùng“ thường chiếm thế thượng phong, nhất là trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng.

    Rất may là bây giờ có „điện“ nhiều nơi nên cũng vì thế mà „gian hùng“ thường bị lộ mặt. Xét ở khía cạnh này thì „ông Nhà nước“ hiện nay là „ông Gian hùng“ vì lắm thủ đoạn và có nhiều dối trá.

    Bây giờ ở tất cả mọi nơi, từ lãnh vực chính trị đến kinh tế..., chỗ nào có sự thành công đều do sự tận dụng của synergy-effect mà ra, tức là từ quy trình tận dụng có tổ chức nhịp nhàng (không bát nháo). Phải thế không bác?

    Kính mến
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  42. HỒI ĐÁP

    Thưa bác Trình Phụng Nguyên,

    Xin CẢM ƠN TÁC GIẢ VÀ BÀI CHỦ để tôi có dịp được học hỏi.
    Sau đây xin được trao đổi … rất riêng cùng bác.

    Do cái lý „synergy-effect“ bác nhắc đến, tôi có loay hoay (tự) tìm cái gọi là „Cơ (tổ chức) – Linh (tư duy, ý tưởng) tương (hợp) tác“. Tất nhiên cũng nên nói thêm rằng đó là kết quả quá trình học hỏi trên /(và suy nghỉ cùng) talawas. Mục đích học hỏi là để tự tìm sáng cho mình, để „quẳng gánh lo đi mà vui sống“ :-)!
    Việc tự học đó chắc cũng liên quan đến sự „rất may là bây giờ có ‚điện’ ở nhiều nơi“ bác nhắc nhở. „ĐIỆN“ gì? Tự nhiên tôi nhớ lời Thích-ca Mâu-ni:
    Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!

    Bài sau đây là viết ra ngay trước khi đọc ý kiến của bác; May cũng liên tưởng đến SÁNG/TỐI nên xin được gửi bác như một chia sẻ.

    Trân trọng,
    Tôn Văn

    CẢM HOÀI

    Trái đất hình cầu; Nó vẫn quay
    – Cám ơn Thượng đế một điều này!
    Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ đến,
    Tỉnh ra là lúc hết cơn say.

    Trả lờiXóa
  43. Trình Phụng Nguyên nói:

    Kính thưa bác Tích, (tôi gọi „bác Tích“ đã quen)
    Kính thưa bác Phùng Tường Vân,

    Xin cho phép tôi được thưa chuyện với hai bác trong cùng một phản hồn này vì có sự liên quan.

    Bác Tích nói:
    „Cho nên một mặt tôi nghĩ đành phải tiếp tục cung cách đấu tranh quen thuộc, mặt khác, cần cùng nhau cầu nguyện Đấng Toàn Năng để cúi xin Ngài dành cho dân tộc chúng ta số phần của dân tộc Đức.“

    Kính thưa bác Tích,

    Theo tôi nghĩ, ở tuổi của bác có quyền nghĩ và làm như thế, và tôi cho là bác cũng đã „tròn nhiệm vụ“ với quê hương. Tôi (ngay từ đầu) cũng không dám chê bai „Cộng đồng hải ngoại „ vì e rằng bất nhẫn thật, nhưng vẫn chỉ muốn đặt một vấn đề về tương lai cho khả dĩ.

    Với những người trẻ tuổi hơn bác ở hải ngoại mà „tiếp tục cung cách đấu tranh quen thuộc“ như quá khứ thì thật không ổn. Xin được dẫn chứng:

    Hiện nay „cấp bách“ cũng ở chỗ đang có những tiếng nói từ những người „phía bên kia“ cất lên, và như lời bác Phùng tường Vân nói:

    „Tôi xin nói ngay rằng, trong cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước, những sự dấn thân từ trong nước là những THÀNH TỐ QUYẾT ĐỊNH (tôi xin viết hoa ở đây để nhấn mạnh), rất đáng trân trọng, rất đáng cổ vũ, sự can đảm của quý vị ấy là không thể chối cãi,...“

    Thế thì việc „Cộng đồng hải ngoại“ tiếp nhận những “thành tố quyết định“ này ra sao và sẽ tổ chức thế nào để dân tộc có thể cùng đi đến cứu cánh? Tiếp tục cung cách đấu tranh quen thuộc? Trước tiên „Việt Cộng“ phải đầu hàng vô điều kiện?

    Kính thưa bác Phùng Tường Vân,

    Từ đây, cũng xin cho phép bản thân tôi không nằm trong số „ít nhiều“ đang „cổ vũ“ do "thái độ chống cộng quý hóa quá" hoặc "thái độ chống cộng biết ơn" mà bác đang để cập đến.

    Kính trọng
    Trình Phụng Nguyên

    _____________

    Trả lờiXóa
  44. Trình Phụng Nguyên nói:

    Kính bác Tôn Văn,

    Bác quá lời khen làm em ngượng.
    Em cũng học lóm được thế thôi!

    Được bao nhiêu bác gói trong „CẢM HOÀI“ hết rồi!

    Bác hỏi em „điện“ gì? – „Điện“ tỏa sáng (kể cả đuốc tự thắp) chứ điện gì nữa bác!

    Kính mến
    Trình Phụng Nguyên

    Trả lờiXóa
  45. Phùng Tường Vânlúc 03:37 9 tháng 9, 2010

    Tôi xin gửi "biếu" ông Tôn Văn, mấy vần vè
    "dựa" vào thơ ông trao đổi với "chủ xới", ông Trịnh Phước Nguyên đó thôi.
    Vui vẻ cho nó mau qua đêm hai ông nhỉ

    Dân bị bề như thể búng quay
    Vần xoay xất bất mấy năm này
    Khi nào trời đất yên vui nhỉ
    Để chúng ta về mở hội say !

    Trả lờiXóa
  46. Phùng Tường Vânlúc 03:45 9 tháng 9, 2010

    Tôi xin lỗi, đã quá lóng ngóng gõ nhầm tên ông "chủ xới" Trình Phụng Nguyên thành một cái tên lạ hoắc, mong được ông châm chước mà thứ lỗi cho.
    ptv

    Trả lờiXóa
  47. HỒI ĐÁP (2)

    Nhận (cái) „biếu“ của bác Phùng, … chan chứa quá;
    Loay hoay mãi mới ghép được ít câu hồi đáp cho phải phép.
    [Nhân, xin thưa quý vị:
    Phản hồi nhiều cũng thấy bất tiện; Xin dùng vần „thôi“ theo nghĩa chung.]
    Trân trọng,
    Tôn Văn

    Bởi chữ cho nên … có chữ thôi,
    Sau thơ, lại được … đọc thơ chơi;
    Khi „hồn thu thảo“ mơ đường cũ,
    Lối mới xem ra lạ bước rồi!

    Râu tóc như xưa, người chẳng đổi,
    „Nhất tự“ mà ra „cách trùng khơi“;
    Trách kẻ dựng tường thành đôi ngả,
    Tường lòng mới đáng ngại mà thôi!

    Trả lờiXóa
  48. Mượn vần,cảm tức (giận) bâng quơ :

    Chúng phá còn lâu chẳng chịu thôi
    Còn tao vốn dĩ cũng dân chơi
    Mày ơi cứ chọc thêm đi nữa
    đống phẩn ôi thôi cực thối rồi !

    Cũng tóc râu xưa hình hài đổi
    Nằm chi cho chúng dụng khơi khơi
    Mong ông về lại cùng tiên tổ
    Đầy đọa thân già mãi chẳng thôi .

    Trả lờiXóa